Thủ tục kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh thì cha mẹ có thể thỏa thuận họ của con

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 10/03/2021 Lượt xem: 1018 Chuyên mục: Hôn Nhân Gia Đình , Thành Lập Công Ty

Câu hỏi:

Chị T.T.M ở Sóc Trăng có gửi câu hỏi đến Công ty luật như sau:

Mình có 1 người quen kết hôn lần 1 cách đây 15 năm, đã có 1 con 14 tuổi. Sau đó, vợ chồng ly dị. 1 thời gian sau hàn gắn lại vẫn sống chung nhưng chưa đăng ký kết hôn lại.

Tôi xin hỏi, hiện nay đã có bầu 4 tháng vậy đi kết hôn lại kịp làm khai sanh em bé mang họ cha ko?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn như sau:

  1. I. Cơ sở pháp lý
  • Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13;
  • Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13;
  • Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 do Chính phủ ban hành hướng dẫn Luật hộ tịch;
  1. Nội dung

Để em bé ra đời mang họ cha thì bạn chị không cần phải kết hôn lại.

 

  1. Hồ sơ đăng ký khai sinh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014 thì:

“Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh

  1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật…”

Như vậy, trong trường hợp có giấy chứng sinh và không phải trường hợp mang thai hộ thì hồ sơ phải nộp khi đăng ký khai sinh là:

  • Tờ khai đăng ký khai sinh
  • Giấy chứng sinh

Ngoài ra, khi xin đăng ký hộ tịch thì người đăng ký hộ tịch phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch:

“Điều 2. Quy định về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch

  1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú…”

Nếu trong trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch:

“Điều 9. Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh

  1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.

Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.”

Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là không cần thiết khi làm thủ tục đăng ký khai sinh.

  1. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch thì:

“Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

  1. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này…”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014 thì:

“Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

  1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt…”

Như vậy, để đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cần nộp:

  • Tờ khai theo mẫu
  • Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con
  1. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành thì chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là:

“Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

  1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
  2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”
  3. Họ của con

Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

“Điều 26. Quyền có họ, tên

  1. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ…”

Như vậy, sau khi làm thủ tục kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh thì cha mẹ có thể thỏa thuận họ của con là họ của cha đẻ.

Vậy, việc đăng ký kết hôn là không bắt buộc để làm thủ tục khai sinh mà bạn chị có thể làm thủ tục kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh thì cha mẹ có thể thỏa thuận họ của con là họ của cha đẻ.

Trên đây là nội dung quy định về thủ tục kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh thì cha mẹ có thể thỏa thuận họ của con . Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Đối tác