Phía sau vụ công nhân nhiễm độc methanol- Kỳ 5: Công an thị xã Thuận Thành cần khởi tố vụ án

(LĐ&PL) Trao đổi với PV Báo Lao động Thủ đô, Luật sư Trần Văn Sáng, Công ty Luật TNHH Hiệp Thành cho rằng: “Đã hơn 03 tháng qua kể từ khi xảy ra vụ án, nếu Công an thị xã Thuận Thành chưa tiến hành trưng cầu giám định đối với người đã chết và những người bị thương là chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như nhanh chóng xử lý những sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan”. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Văn bản số 587 ngày 3/3/2023 của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số những công nhân bị nhiễm độc methanol khi làm việc tại Công ty TNHH HS Tech Vina (Công ty HS Tech Vina) thì 1 người đã tử vong, 4 người tiên lượng di chứng mù và 1 người tiên lượng di chứng nặng với não (rối loạn ý thức, rối loạn vận động). Thưa luật sư, như vậy có thể coi đó là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hay chưa? Và cơ quan nào chịu trách nhiệm tiến hành điều tra vụ việc? (Sở lao động Thương binh và xã hội Bắc Ninh hay Công an thị xã Thuận Thành?).

Luật sư Trần Văn Sáng: Để trả lời cho câu hỏi đây có phải là vụ tai nạn lao động hay không? Đặc biệt nghiêm trọng không? Thì trước hết, chúng ta cần xác định tai nạn lao động là gì?

Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 – Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Như vậy, theo quy định này, thì sự việc 35 công nhân bị nhiễm độc methanol trong quá trình làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty HS Tech Vina đủ điều kiện để coi là một vụ tai nạn lao động.

Tiếp theo, để xác định mức nghiêm trọng của vụ tai nạn lao động này thì cần phải có con số thống kê số người chết hay tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những lao động thì mới có thể nhận định vụ án ở mức nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng được. Khi có con số thông kê cụ thể, đối chiếu với quy định tại điểm a, khoản 1, khoản 5 Điều 295 – Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 97, Điều 1, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người thì cơ quan chức năng có thể xác định được mức nghiêm trọng của vụ tai nạn.

Còn về thẩm quyền điều tra vụ việc. Theo điểm b, khoản 2, Điều 11 – Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động thì trước hết thẩm quyền điều tra thuộc Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và xã hội của địa phương nơi xảy ra tai nạn. Trong trường hợp này là Thanh tra Sở LĐ-TB& XH tỉnh Bắc Ninh Quy định cụ thể như sau:

Điều 11. Quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động

2. Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh

a) Khi nhận được tin báo xảy ra tai nạn làm chết người hoặc làm từ 02 người bị tai nạn nặng trở lên thuộc thẩm quyền Điều tra, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cử người đến hiện trường trong thời hạn 02 giờ và thông báo cho các cơ quan cử người tham gia Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh.”.

Trong trường hợp tai nạn lao động có dấu hiệu hình sự, Đoàn Điều tra tai nạn lao động cần phối hợp với cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra vụ tai nạn lao động.

Cụ thể, theo điểm a, b khoản 1 Điều 20 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày

15/5/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:

Điều 20. Phối hợp Điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm

1. Việc phối hợp Điều tra tai nạn lao động chết người thực hiện như sau:

a) Khi phát hiện hoặc nhận được tin báo tai nạn lao động chết người, Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát Điều tra có thẩm quyền Điều tra ban đầu thực hiện việc sau đây: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu thập hồ sơ và tài liệu liên quan; đồng thời thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi;

b) Cơ quan đến nơi xảy ra tai nạn lao động trước có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đến sau (cơ quan Cảnh sát Điều tra thông báo cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh thông qua Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội). Sau khi thông báo, nếu Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh chưa đến kịp, cơ quan Cảnh sát Điều tra vẫn tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu thập hồ sơ và tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm thông báo cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh những công việc mà cơ quan Cảnh sát Điều tra đã tiến hành thuộc phạm vi quan hệ phối hợp quy định tại Điểm a Khoản này;”.

Như vậy, đối với vụ việc tai nạn lao động mà có dấu hiệu hình sự, thì thẩm quyền điều tra sẽ là Cơ quan Cảnh sát điều tra nơi xảy ra vụ việc tai nạn.

Phía sau vụ công nhân nhiễm độc methanol- Kỳ 5: Công an thị xã Thuận Thành cần khởi tố vụ án
Luật sư Trần Văn Sáng – Công ty Luật TNHH Hiệp Thành (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

PV: Thưa luật sư, sự việc đã xảy ra hơn 3 tháng, nếu Công an thị xã Thuận Thành chưa khởi tố vụ án, chưa đưa những công nhân bị nhiễm độc methanol nặng đi giám định thì liệu có bất thường hay không?

Luật sư Trần Văn Sáng: Theo chúng tôi đánh giá vụ việc này ở mức độ rất nghiêm trọng khi có tới 35 người nhiễm độc methanol, trong đó có người chết và nhiều người khác bị thương nặng. Do đó, các cơ quan Điều tra cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác, đặc biệt là về lĩnh vực Y tế để xác định rõ nguyên nhân dẫn đến chết người, gây ra mức tổn hại sức khỏe đối với người lao động nhằm đảm bảo xử lý đúng quy định của pháp luật, đúng người đúng tội.

Khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo khoản 3 và 4, Điều 206 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 bao gồm: Nguyên nhân chết người; Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động.

Bên cạnh đó, theo điểm b và c, khoản 1, Điều 208 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về thời hạn giám định như sau:

“Điều 208. Thời hạn giám định

1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:

b) Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này;

c) Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này.”.

Theo đó, liên quan đến vấn đề chết người, mức tổn hại cho sức khỏe thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Thời gian giám định đối với trường hợp chết người không quá 01 tháng và không quá 09 ngày đối với tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động.

Tuy nhiên, đã hơn 03 tháng qua kể từ khi xảy ra vụ án, nếu Công an thị xã Thuận Thành chưa tiến hành trưng cầu giám định đối với người đã chết và những người bị thương là chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như nhanh chóng xử lý những sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, cần đẩy nhanh việc thực hiện điều tra sớm kết quả vụ án và qua đó cần xác định nguyên nhân, mức độ tổn thương đối với những người lao động bị nhiễm độc methanol.

PV: Theo tìm hiểu của PV, trong số những người bị nhiễm độc methanol, nhiều công nhân là người dân tộc thiểu số, có người mới 16 tuổi, phần lớn trong số họ không ký hợp đồng trực tiếp với công ty HS Tech Vina mà được các công ty tuyển dụng lao động đưa vào công ty HS Tech Vina làm việc, họ cũng không được ký hợp đồng với các công ty này. Thưa luật sư, vậy Công ty HS Tech Vina hay các công ty kia phải chịu trách nhiệm với những người công nhân bị nhiễm độc methanol?

Luật sư Trần Văn Sáng: Đầu tiên, cần làm rõ vai trò của các công ty tuyển dụng người lao động đưa vào làm việc tại Công ty TNHH HS Tech Vina. Họ là đơn vị giới thiệu người lao động hay thực hiện cung ứng (cho thuê lại) người lao động để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải xác định vai trò của Công ty đã giới thiệu người lao động để xem xét trách nhiệm với những người công nhân bị nhiễm độc methanol.

Thứ nhất, về đảm bảo quy định pháp luật lao động của người sử dụng lao động đối với người lao động. Theo thông tin đăng tải, người lao động được đưa vào làm việc tại Công ty HS Tech Vina mà không được ký Hợp đồng lao động với Công ty HS Tech Vina hay Công ty cung ứng lao động – đơn vị đưa họ vào làm việc tại Công ty HS Tech Vina là không đúng với quy định tại khoản 2, Điều 13 – Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời, người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động là vi phạm quy định tại Điều 14 – Bộ luật Lao động năm 2019. Vì trường hợp này không thuộc trường hợp được giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Đối với hành vi vi phạm này, đơn vị sử dụng lao động có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/10/2022 của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức tiền phạt cao nhất là 25 triệu đồng.

Thứ hai, về trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Điều 134 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như sau:

“Điều 134. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

2. Người lao động có trách nhiệm chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động; tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.”

Như vậy, Công ty TNHH HS Tech Vina có trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, cụ thể là nhà máy, phân xưởng sản xuất theo đúng quy định của pháp luật yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động.

Khi Công ty HS Tech Vina có vi phạm trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc có thể bị xử lý vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi của Công ty có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

PV: Một số người nhà nạn nhân của vụ nhiễm độc methanol cho biết, họ được Công ty HS Tech đưa tiền (có người vài triệu có người hàng trăm triệu) nhưng phải ký vào giấy những nội dung cam kết như tự chịu trách nhiệm về sức khỏe sau này hoặc không được khiếu kiện. Thưa luật sư, việc làm đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

Phía sau vụ công nhân nhiễm độc methanol- Kỳ 5: Công an thị xã Thuận Thành cần khởi tố vụ án
Một công nhân làm việc tại Công ty HS Tech Vina bị nhiễm methanol rất nặng

Luật sư Trần Văn Sáng: Về trách nhiệm dân sự, cụ thể là bồi thường thiệt hại các bên chủ thể có quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận về mức bồi thường. Trường hợp Công ty HS Tech Vina và các Công ty cung ứng, giới thiệu người lao động vào làm việc tại Công ty HS Tech Vina trao đổi, thỏa thuận và thống nhất về mức bồi thường, số tiền cụ thể bồi thường là phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong dân sự.

Về trách nhiệm hình sự, việc Công ty HS Tech Vina có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động mà mức độ nguy hiểm cho xã hội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc xử lý trách nhiệm hình sự thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án).

Tóm lại, về trách nhiệm dân sự, các bên chủ thể có thể thỏa thuận với nhau về số tiền bồi thường thiệt hại; về trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm không thể thỏa thuận, nếu hành vi có mức độ nguy hiểm cho xã hội đến mức phải truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự thì chủ thể thực hiện buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý này.

PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này. Xin chúc luật sư thật nhiều sức khỏe. Trân trọng cảm ơn!

Để hiểu rõ thêm về vụ việc, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Quang Huy, Đội trưởng đội Điều tra tổng hợp- Công an Thị xã Thuận Thành. Suốt buổi làm việc, những câu hỏi chúng tôi đặt ra như: Cồn methanol nhập từ đâu, có đảm bảo chất lượng hay không, ai là người chỉ định đưa cồn methanol vào sản xuất? Những công nhân bị nhiễm độc methanol có được Công ty HS Tech Vina ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm hay không? Tuy nhiên ông Huy chỉ trả lời chung chung: “Ngay sau khi nhận được tin báo Công ty HS Tech Vina xẩy ra tai nạn, Công an thị xã Thuận thành đã tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật. Khi nào có kết quả cụ thể sẽ thông tin theo quy định”.

Đến ngay cả những câu hỏi của chúng tôi đưa ra mà “nhắm mắt cũng có thể trả lời được” như: Ngoài trường hợp chị H bị tử vong, có những trường hợp khác được BV Bạch Mai chẩn đoán là bị nhiễm độc methanol nặng có thể bị mù, Công an Thị xã Thuận Thành đã đưa đi giám định thương tật chưa? Đã khởi tố vụ án hay chưa?…thì ông Huy vẫn chỉ một mực nói: “Nội dung Báo Lao động Thủ đô đề nghị, do chưa có kết quả chính thức nên xin phép chúng tôi chưa phát ngôn”.

Theo Báo Lao động và Pháp luật.

Đối tác