Công an có quyền được kiểm tra khách thuê phòng tại nhà nghỉ, khách sạn hay không?

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 03/12/2019 Lượt xem: 561 Chuyên mục: Thành Lập Công Ty

Luật sư Nguyễn Hào Hiệp và Cộng sự đưa ra tư vấn về vấn đề Quy định về vấn đề: Công an có quyền được kiểm tra khách thuê phòng tại nhà nghỉ, khách sạn hay không?

Câu hỏi khách hàng:

Thưa luật sư, hôm qua có một đoàn công an khoảng 7 người qua cơ sở kinh doanh nhà nghỉ của tôi kiểm tra, nhưng mà họ đi kiểm tra tất cả các phòng và không có thông báo trước. Luật sư cho tôi hỏi họ có được làm như vậy hay không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật sư Nguyễn Hào Hiệp và Cộng sự. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư tư vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

– Luật số 03/2016/QH14 Sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật đầu tư được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2016;

– Nghị định số 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

  1. Luật sư tư vấn:

Sau khi nghiên cứu về trường hợp của bạn. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến nhận định như sau:

  1. Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (kinh doanh dịch vụ lưu trú) được quy định tại Phụ lục 4, số thứ tự 214 về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014).

Điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú được quy định tại Nghị định số 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Khoản 22, Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định: “Kinh doanh dịch vụ lưu trú, gồm: Các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác (nghỉ theo giờ và nghỉ qua đêm) hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch.

Tổ chức, cá nhân có nhà cho người Việt Nam hoặc người nước ngoài thuê (có hợp đồng thuê nhà) để ở, học tập, làm việc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.”

  1. Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra cơ sở kinh doanh của cơ quan Công an

– Căn cứ nội dung và thẩm quyền kiểm tra hành chính nhà nghỉ, khách sạn của lực lượng công an được quy định tại Khoản 1 Điều 50 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP thì Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo phương thức định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất.

Việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, cơ quan công an có thẩm quyền được thực hiện việc thanh tra, kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất. Tuy nhiên việc thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ thực hiện khi cơ sở kinh doanh lưu trú có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự, có đơn khiếu nại, tố cáo hoặc có văn bản chỉ đạo của cơ quan công an cấp trên.

– Ngoài ra, Khoản 3 Điều 50 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định thẩm quyền thanh tra, kiểm tra như sau: Cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất.

Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an các cấp chỉ được tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự cần phải xử lý ngay; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh trên địa bàn do mình quản lý.

Sau khi kiểm tra phải có văn bản thông báo kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ sở kinh doanh đó.

Công an các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự cần tiến hành kiểm tra đột xuất thì phải được thủ trưởng cơ quan công an từ cấp huyện trở lên phê duyệt bằng văn bản hoặc có văn bản chỉ đạo của công an cấp trên.

=> Như vậy, cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra hành chính người thuê phòng lưu trú khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong hoạt động cho thuê lưu trú của nhà nghỉ, khách sạn. Người bị kiểm tra hành chính có quyền khiếu nại hành vi hành chính của cơ quan công an kiểm tra nếu việc kiểm tra không đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục kiểm tra.

Theo Bộ Công an, việc thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nói chung và cơ sở kinh doanh lưu trú nói riêng được quy định tại Điều 8 Thông tư số 42/2017/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Luật sư tư vấn thành lập Công ty Cổ phần sản xuất Sơn

  1. Quy định về việc Kiểm tra định kỳ

Cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP thực hiện kiểm tra định kỳ cơ sở kinh doanh không quá một lần trong một năm và phải kết hợp kiểm tra các nội dung khác liên quan đến an ninh, trật tự (nếu có), cụ thể:

Thứ nhất, Thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quyết định thành lập đoàn hoặc tổ kiểm tra (sau đây viết gọn là đoàn kiểm tra);

Thứ hai là Lập kế hoạch kiểm tra;

Phòng hướng dẫn quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Đội đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh; Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp huyện có trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, trình lãnh đạo có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP phê duyệt.

Thứ ba là về Nội dung kế hoạch kiểm tra định kỳ, gồm:

– Lý do, căn cứ tiến hành kiểm tra;

– Mục đích, yêu cầu kiểm tra;

– Đối tượng kiểm tra;

– Nội dung kiểm tra;

– Thành phần đoàn kiểm tra;

– Thời gian tiến hành kiểm tra;

Thứ tư là việc Thực hiện kiểm tra

– Trước khi thực hiện kiểm tra, cơ quan Công an có thẩm quyền phải có văn bản thông báo trước 05 ngày làm việc cho cơ sở kinh doanh về thời gian, địa điểm, nội dung kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra;

– Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho thành viên đoàn kiểm tra theo kế hoạch;

– Thành viên đoàn kiểm tra phải nghiên cứu, nắm vững mục đích, yêu cầu, nội dung kế hoạch kiểm tra; chủ động thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn kiểm tra;

– Nội dung kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt;

– Việc kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra theo mẫu ĐK5a ban hành kèm theo Thông tư này, có chữ ký của người lập biên bản, đại diện đoàn kiểm tra và người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự hoặc người đại diện của cơ sở kinh doanh. Biên bản kiểm tra phải lập ít nhất 02 bản và giao cho cơ sở kinh doanh 01 bản.

Trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự thì ngoài việc lập biên bản kiểm tra còn phải lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới các lĩnh vực khác nếu không thuộc thẩm quyền xử lý thì trưởng đoàn kiểm tra phải kịp thời báo cáo lãnh đạo quản lý trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo; không được tự ý giải quyết công việc không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ năm là Kết thúc kiểm tra

– Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra cho lãnh đạo đã phê duyệt kế hoạch;

– Lãnh đạo có trách nhiệm phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc việc khắc phục tồn tại, thiếu sót hoặc xử lý vi phạm của cơ sở kinh doanh (nếu có).

  1. Quy định về việc kiểm tra đột xuất

Thủ trưởng các cơ quan Công an quy định tại khoản 3 Điều 50 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quyết định việc kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong trường hợp thành lập đoàn kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm đề xuất biện pháp, nội dung thực hiện công tác kiểm tra và báo cáo lãnh đạo phê duyệt và quyết định thành lập đoàn kiểm tra;

Thứ hai, trong trường hợp vì lý do cấp thiết không thành lập đoàn kiểm tra mà lãnh đạo chỉ phân công cán bộ thực hiện thì cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra;

Thứ ba, đối với đoàn kiểm tra hoặc cán bộ kiểm tra thuộc các lực lượng nghiệp vụ khác không trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh thì cán bộ phụ trách đoàn kiểm tra phải xuất trình Giấy chứng minh Công an nhân dân cho người đại diện của cơ sở kinh doanh;

Thứ tư, nội dung kiểm tra, lập biên bản kiểm tra, kết thúc kiểm tra thực hiện theo quy định tương tự như khi kiểm tra định kỳ.

Khi có đoàn đến kiểm tra cơ sở kinh doanh nhà nghỉ của mình, bạn căn cứ vào các quy định của pháp luật như trên để làm việc và xem xét rằng cơ quan chức năng đã làm theo đúng quy định hay chưa, nếu cơ quan công an thực hiện việc kiểm tra không đúng quy định thì bạn có quyền khiếu nại hành chính hoặc khiếu kiện hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

 

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942941668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Đối tác