Có thể thỏa thuận ‘ai ngoại tình thì không được nuôi con và mất luôn tài sản’?

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 20/02/2023 Lượt xem: 2992 Chuyên mục: Hôn Nhân Gia Đình

Có thể thỏa thuận ai ngoại tình là không được nuôi con, mất luôn tài sản được không? Phòng công chứng có chứng nhận hợp đồng kiểu này không?

* Tại Việt Nam, các cặp vợ chồng có được phép lập hợp đồng hôn nhân hay không?

Hiện pháp luật Việt Nam cho phép lập hợp đồng hôn nhân để thỏa thuận về tài sản của vợ, chồng trước khi kết hôn.

* Nội dung của hợp đồng hôn nhân xoay quanh những vấn đề gì?

– Các hợp đồng hôn nhân được lập để xác định cái chế độ tài sản. Điều này có nghĩa là chúng ta được quyền xác định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng.

Nếu hai vợ chồng thỏa thuận không có hợp đồng hôn nhân thì khi có vấn đề liên quan đến phân chia tài sản thì tài sản nào trước hôn nhân sẽ là tài sản riêng, trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung, ngoại trừ trong thời điểm kết hôn vợ/chồng được tặng cho riêng hoặc chứng minh bản thân dùng tiền riêng trước khi kết hôn để mua tài sản (được bố ẹm tặng riêng nhà, lấy tiền để dành trước khi kết hôn mua nhà…) thì sẽ được công nhận là tài sản riêng.

Nếu hai vợ chồng không có một thỏa thuận nào, thì khi ly hôn, tài sản chung sẽ được chia trên nguyên tắc đầu tiên là chia đôi, sau đó có xét đến công sức đóng góp và lỗi của các bên dẫn đến việc ly hôn.

Nhưng nếu chúng ta không muốn chọn chế độ tài sản theo luật như trên thì có thể lập hợp đồng hôn nhân. Hợp đồng này cả hai bên có thể thỏa thuận khi kết hôn với nhau thì tất cả tài sản trước, trong thời kì hôn nhân thì đó đều là tài sản riêng của mỗi người. Hoặc là tài sản riêng của mỗi người trước kết hôn hay tài sản được thừa kế, tặng cho riêng nhưng sau khi kết hôn đều trở thành tài sản chung…

* Trong hợp đồng hôn nhân, vợ/chồng liệu có thể đưa ra điều kiện nếu nửa kia ngoại tình sẽ bị mất tài sản và quyền nuôi con được không?

– Không được và không bao giờ được. Pháp luật Việt Nam thừa nhận chế độ thiết lập tài sản, chứ không có nói về chế độ phân chia tài sản. Nên sau khi cả hai vợ chồng đã có thỏa thuận thiết lập chế độ tài sản chung và riêng thì việc phân định tài sản như thế nào thì sẽ được tòa án phân chia dựa trên luật định. Đây là vấn đề về tài sản.

Vấn đề thứ 2 là vấn đề con chung khi các bên ly hôn, dù bên nào ngoại tình, lỗi thuộc về phía nào… thì người được phép nuôi dưỡng con cái đều phải căn cứ theo nguyên tắc của pháp luật.

Theo đó, con dưới 3 tuổi ưu tiên cho mẹ nuôi dưỡng, con từ 3 đến dưới 7 tuổi nếu ly hôn sẽ xét xem vợ hay chồng có điệu kiện chăm sóc con tốt nhất (kinh tế, tài chính, tạo môi trường thuận lợi cho con học hành…) và con từ 7 tuổi trở lên thì căn cứ theo nguyện vọng của con.

* Làm thế nào để hợp đồng hôn nhân được pháp luật công nhận?

– Muốn làm hợp đồng hôn nhân, các cặp vợ chồng có thể ra phòng công chứng để tạo lập.

Một hợp đồng được thừa nhận có giá trị pháp lý thì phải đáp ứng hai yêu cầu: đầu tiên là các nội dung trong hợp đồng phải có căn cứ pháp luật, sau đó mới xét đến phần hình thức (đưa ra văn phòng công chứng ký). Cho nên, bất kỳ các thỏa thuận nào của hai vợ chồng cho rằng nửa kia ngoại tình không được quyền nuôi con, nhận tài sản… thì hoàn toàn không phù hợp với căn cứ pháp luật, đồng nghĩa với việc các phòng công chứng sẽ từ chối chứng nhận.

Theo Báo mới.

Đối tác