VUSTA góp ý dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 09/11/2021 Lượt xem: 604 Chuyên mục: Hôn Nhân Gia Đình , Tin pháp luật

Ngày 8/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo ‘Góp ý dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)’.

Ths Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký VUSTA cho biết, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các quy phạm pháp luật đã được ban hành vẫn chưa được thực sự đi vào cuộc sống, tình trạng bạo lực gia đình chưa có nhiều thay đổi và vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Có lúc, có nơi vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đinh nghiêm trọng. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân đến từ sự bất cập từ chính trong những nội dung quy định chưa rõ ràng, chưa đủ bao quát của pháp luật; Sự bất cập, hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục và tổ chức thực thi pháp luật.

Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và đề nghị VUSTA có ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để khắc phục những hạn chế, bất cập và nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 về quyền con người; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình rất quan trọng, liên quan đến từng gia đình và toàn xã hội, liên quan đến quyền con người được Hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, tâm huyết, sâu sắc để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật” – Tổng Thư ký VUSTA phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin cơ bản nội dung của dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình gồm 9 chương, 80 điều và chỉ ra những điểm mới như: Cai nghiện rượu bắt buộc; biện pháp hòa giải trước, trong và sau khi hòa giải; xét xử công khai; xử lý người dung túng, bao che… của dự thảo Luật.

“Việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền của con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển KTXH của đất nước. Do đó, rất mong các chuyên gia, nhà khoa học thuộc VUSTA có những ý kiến, đóng góp thẳng thắn, khách quan” – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch nói.

Chuyên gia Đặng Đình Luyến.

Chuyên gia Đặng Đình Luyến cho rằng, Điều 2 của dự thảo Luật về đối tượng áp dụng không cần đưa nội dung “Luật này áp dụng đối với những trường hợp vợ, chồng đã ly hôn hoặc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn” vì tại khoản 1 và 2 của điều này đã quy định rõ là áp dụng cho toàn công dân Việt Nam và cơ quan, tổ chức ngoại giao, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Theo chuyên gia Đặng Đình Luyến, dự thảo Luật cần bổ sung thêm nhiều nghĩa vụ hơn nữa của người bị bạo lực gia đình, không nên “quyền nhiều và mà nghĩa vụ ít”.

“Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có nhiều điều khoản quy định khá cụ thể, chi tiết, đặc biệt là quy định về các quyền của người bị bạo lực gia đình’ các loại hình hòa giải; Biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… Các điều khoản nêu trên của dự thảo luật mang tính nhân văn cao về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, các quyền, lợi ích của người bị bạo lực gia đình; đồng thời huy động một lực lượng lớn thuộc các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và công an tham gia vào những hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, để thực hiện được các quy định nêu trên là việc làm khó khăn, thách thức trong điều kiện hiện nay; vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem lại các quy định nêu trên của dự thảo luật để tránh tình trạng luật được ban hành mà không có điều kiện, khả năng thực hiện” – chuyên gia Đặng Đình Luyến băn khoăn.

Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam (thành viện VUSTA) cũng nhận định, dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị khá công phu, chi tiết và dày công sức. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn nữa về vấn đề kinh phí hoạt động và hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống bạo lực gia đình; vấn đề quỹ hỗ trợ người bị bạo hành.

“Không chỉ có phụ nữ mới là nạn nhân của bạo lực gia đình mà nay có cả đàn ông cũng là nạn nhân. Do đó, dự thảo đã có điều khoản riêng về quyền và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cũng cần đưa các đoàn thể chính trị, xã hội vào tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…” – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam nói và cho rằng, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng Luật phù hợp với chiến lược “dài hơi” và với tinh thần “Văn hóa phải có điểm nhấn, Du lịch phải có điểm đến, Thể thao phải có điểm rơi và Gia đình phải có điểm tựa”.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội thảo cũng ý kiến, dự thảo cần phải làm rõ hơn nữa tính cấp thiết của Luật; sự phù hợp với gia đình Việt Nam trong xã hội đương đại; cập nhật thêm về bạo lực mềm, tức là bạo lực tinh thần bên cạnh bạo lực thể xác. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của các thiết chế gia đình, dòng tộc, cộng đồng xã hội để phòng chống bạo lực gia đình.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Ths Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký VUSTA cho biết sẽ tổng hợp tất cả các nội dung trên một cách chi tiết, cụ thể và gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với hy vọng sớm hoàn thiện Luật phòng chống bạo lực gia đình một cách hiệu quả, thiết thực.

Theo Baomoi.com

Đối tác