I. Cơ sở pháp lý
II. Nội dung
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, một nhãn hiệu từ khi đăng ký cho đến khi được cấp bằng bảo hộ mất khoảng 12 tháng. Thông thường sẽ phải trải qua các bước sau:
-Thẩm định hình thức đơn;
– Công bố đơn;
– Thẩm định nội dung;
– Cấp văn bằng bảo hộ;
Khi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ, trong vòng 01 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu.
Đơn hợp lệ sẽ được tiếp tục xem xét, đơn không hợp lệ sẽ bị từ chối. Các nội dung xem xét về hình thức đơn được quy định tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm:
– Đầy đủ tài liệu (tờ khai, mẫu nhãn, giấy ủy quyền nếu nộp đơn thông qua đại diện, tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên);
– Mẫu nhãn hiệu: rõ ràng, đúng khổ quy định và phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành nên nhãn hiệu, ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có). Nếu nhãn hiệu có từ, ngữ tượng hình hoặc bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt;
– Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu: phải phân loại phù hợp theo Thỏa ước Ni –xơ phiên bản 11 về phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ;
– Đối với nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể thì phải cung cấp thêm Quy chế sử dụng với những nội dung cụ thể theo Luật định.
Sau 30 ngày thẩm định về mặt hình thức, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Hiểu đơn giản, đây là giai đoạn hợp lệ về mặt hồ sơ, chưa xét gì đến dấu hiệu yêu cầu bảo hộ.
Đơn đã được chấp nhận hợp lệ về hình thức đều được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Thời gian công bố đối với nhãn hiệu là 02 tháng kể từ ngày có chấp nhận hợp lệ.
Tại Điều 14 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định:
“14. Công bố đơn hợp lệ
14.1 Mọi đơn đã được chấp nhận hợp lệ đều được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Người nộp đơn phải nộp lệ phí công bố đơn…”
Kể từ thời điểm này, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp hoặc không cấp bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải lập thành văn bản, kèm tài liệu hoặc dẫn nguồn thông tin để chứng minh theo quy định tại Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ:
“Điều 112. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ
Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.”
Đây là giai đoạn khó nhất và mất nhiều thời gian nhất. Nếu thẩm định hình thức chỉ xoay quanh việc kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, phân loại đúng hàng hóa/dịch vụ thì thẩm định nội dung lại xem xét nhãn hiệu có thuộc đối tượng được bảo hộ hay không, có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của chủ đơn khác hay không.
Thời gian để thực hiện công việc thẩm định nội dung là 09 tháng kể từ ngày công bố đơn hợp lệ.
Khi kết thúc giai đoạn này, thông thường sẽ có hai kết quả: một là, Cục Sở hữu trí tuệra Thông báo kết quả thẩm định nội dung nếu dấu hiệu không đáp ứng yêu cầu bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ấn định thời gian là 02 tháng để chủ đơn có ý kiến về việc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Hết thời hạn ấn định nếu người nộp đơn không có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc ý kiến trả lời không xác đáng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Hai là, Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ nếu dấu hiệu đáp ứng yêu cầu bảo hộ.
Trong thời gian 01 tháng kể từ ngày ký Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, chủ đơn phải nộp lệ phí liên quan đến Thông báo này. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thủ tục cấp văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp, người nộp đơn không đóng lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm.
Trong vòng 06 tháng trước khi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời gian quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn. Hết thời gian này, chủ bằng không nộp lệ phí gia hạn thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 20.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN:
“20.4 Gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ
a) Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí không được gia hạn. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được gia hạn nhiều nhất 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.”
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.
Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com