Sổ tiết kiệm ngân hàng đứng tên của vợ hoặc chồng có phải chia khi ly hôn? không?

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 10/12/2019 Lượt xem: 430 Chuyên mục: Thành Lập Công Ty

Sổ tiết kiệm ngân hàng đứng tên của vợ hoặc chồng có phải chia khi ly hôn? Luật Hiệp Thành có một số tư vấn pháp lý liên quan đến vấn đề này như sau:

Hỏi: Chào Luật sư. Xin luật sư tư vấn giúp em việc này ạ. Em muốn li hôn. Nhưng hiện tại em có 1 số tiền khá lớn gửi tiết kiệm ngân hàng đứng tên em. Bây giờ em muốn số tiền đó trở thành tài sản riêng của em thì em phải làm gì ạ? Nếu bây giờ em rút toàn bộ tiền ra, sau đó chuyển cho em gái em để nó mua đất đứng tên nó. Sau đó nó làm thủ tục tặng lại em. Vậy thì có được không ạ? Luật quy định thế nào? Mong luật sư sớm hồi âm. Chúc luật sư thật nhiều sức khỏe.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành . Sau khi xem xét vấn đề bạn đưa ra, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, Chúng tôi xin giải đáp vấn đề của bạn như sau:

  1. Căn cứ pháp lý

Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/06/2014.

  1. Luật sư tư vấn

Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung, theo đó:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

…..”

Do đó, nếu khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng là khoản tiền được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, do vợ, chồng cùng nhau tạo lập thì có thể xác định đây là tài sản chung của hai người. Trường hợp hai vợ chồng ly hôn mà không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung thì tài sản về nguyên tắc sẽ được chia đôi.

Nếu số tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung của vợ, chồng nhưng bạn tự ý chuyển toàn bộ số tiền trên cho em gái nhằm mục đích để không phải chia số tài sản này, thời điểm Tòa án giải quyết chồng bạn có căn cứ chứng minh việc chuyển giao này nhằm mục đích tẩu tán tài sản thì giao dịch giữa bạn về em gái sẽ bị vô hiệu theo khoản 2 Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

  1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
  2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.”

Số tiền gửi ngân hàng có thể không chi cho chồng bạn nếu thuộc vào một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Có căn cứ chứng minh đây  là tài sản riêng của bạn, có thể là tài sản mà bạn có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng.

Trường hợp 2: Vợ chồng bạn làm văn bản thỏa thuận phân chia tài sản tại văn phòng công chứng, theo đó, trong đó có thỏa thuận số tiền gửi tiết kiệm là tài riêng của bạn, khi ly hôn phần tài sản này sẽ không dùng để chia.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942941668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Đối tác