Phân biệt nhượng quyền thương mại và li-xăng

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 09/10/2020 Lượt xem: 610 Chuyên mục: Sở Hữu Trí Tuệ

     I. Cơ sở pháp lý

  • Luật Thương mại năm 2005;
  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019;

     II. Nội dung

  1. Khái niệm nhượng quyền thương mại và li-xăng

Nhượng quyền thương mại được định nghĩa tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 là:

 “Điều 284. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Khác với nhượng quyền thương mại, li-xăng không được định nghĩa một cách trực diện mà thông qua các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là cách gọi thông thường dùng để chỉ những hoạt động cấp quyền từ chủ sở hữu của một đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo quy định tại khoản 2 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 thì:

“Điều 141. Quy định chung về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

  1. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
  2. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).

     2. Đối tượng chuyển giao

Với nhượng quyền thương mại thì phạm vi là các đối tượng chuyển giao có thể là các quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, công thức, mô hình kinh doanh…

Đối tượng mà hoạt động li-xăng hướng đến chính là quyền sở hữu công nghiệp. Dựa theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm  2009, 2019 thì quyền sở hữu công nghiệp là:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

 

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh…”

     3. Quyền kiểm soát sau khi chuyển giao, chuyển nhượng

Điểm khác biệt nổi trội giữa hai phương thức này chính là trong vấn đề kiểm soát của bên chuyển nhượng. Với li-xăng thì bên chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp không có hoặc chỉ có quyền kiểm soát trong trường hợp cần thiết và trong phạm vi hẹp được giới hạn bởi luật định. Còn với nhượng quyền thương mại thì bên nhượng quyền vẫn có quyền kiểm soát để đảm bảo việc tổ chức kinh doanh đúng như bên nhượng quyền yêu cầu như quy định tại khoản 2 Điều 284 Luật Thương mại năm 2005:

“Điều 284. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  1. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Đối tác