Không cho gặp con sau khi ly hôn thì phải làm thế nào?

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 11/12/2019 Lượt xem: 456 Chuyên mục: Thành Lập Công Ty

Hỏi: Thưa luật sư, tôi và chồng đã ly hôn, tòa án phân chia con gái lớn sẽ do bố nuôi dưỡng còn con út của tôi thì do tôi nuôi dưỡng. Tuy nhiên kể từ khi ly hôn tôi không được gặp cháu mặc dù những lần tôi đến nhà cháu rất muốn ra với tôi nhưng nhà chồng đóng chặt cổng không cho tôi vào, tôi chỉ có thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng quan tài khoản ngân hàng. Xin hỏi luật sư việc không cho tôi chăm con có vi phạm pháp luật không và tôi phải làm gì để được thăm nom con? Cảm ơn luật sư!

Luật sư tư vấn:

  1. Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014;

– Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

  1. Nội dung tư vấn:

Theo Khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Và Khoản 2 Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Từ các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn: Bạn không trực tiếp nuôi con nên bạn có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở. Đồng thời, chồng bạn cùng các thành viên khác trong gia đình cũng không được cản trở bạn trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Chồng bạn hoặc những người trong gia đình nhà chồng có hành vi cản trở quyền thăm nom con là vi phạm pháp luật.

Bạn có thể liên hệ đến chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân, công an,..) hoặc gửi đơn đến Tòa án nhân dân để khởi kiện buộc thực hiện nghĩa vụ hoặc để phân chia lại quyền nuôi con.

Hành vi của chồng bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”

———————————————–

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942941668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Đối tác