Gửi giữ xe không có vé gửi xe trong trường hợp mất cắp phải xử lý thế nào?

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 05/10/2020 Lượt xem: 996 Chuyên mục: Thành Lập Công Ty , Tố Tụng Tại Toà

Câu hỏi:

Anh D.V.L ở Hà Nội có câu hỏi gửi đến Công ty luật như sau:

Nhiều lúc đi ăn sáng, hay đi nhậu… thì quán nhận giữ xe của tôi nhưng không có phiếu giữ xe; tôi hỏi phiếu thì người giữ xe bảo ở đây không có phiếu, không mất đâu mà lo. Tôi xin hỏi, nếu không may, xe của khách bị mất thì chủ quán có phải bồi thường cho khách hay không?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn như sau:

     I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

     II. Nội dung

  1. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

“Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.”

Như vậy, việc trông giữ xe của của khách có bản chất là đang thực hiện một hợp đồng gửi giữ với đối tượng được gửi giữ là chiếc xe của khách hàng.

  1. Hình thức thể hiện của hợp đồng gửi giữ

Hình thức hợp đồng được tuân theo quy định về hình thức của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1.Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2.Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Như vậy, việc gửi xe – giữ xe có thể có phiếu giữ xe hoặc không có phiếu giữ xe; trường hợp khách gửi xe, người nhận giữ xe đồng ý giữ xe bằng lời nói hoặc hành vi thì đã được xem là xác lập giao dịch dân sự gửi xe – giữ xe.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 556 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

“Điều 556. Quyền của bên gửi tài sản

  1. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”

Như vậy, người giữ xe có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người gửi xe trong trường hợp làm mất xe của người gửi xe.

  1. Nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì:

“Điều 91. Nghĩa vụ chứng minh

  1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:…”

Như vậy, để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại bạn phải chứng minh sự tồn tại của hợp đồng gửi giữ tài sản và đối tượng của hợp đồng đó là tài sản của bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Đối tác