Chống thất thu thuế TMĐT: Có nên giao quyền điều tra ban đầu cho Tổng cục Thuế?

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 30/10/2022 Lượt xem: 755 Chuyên mục: Công Chứng Giao Dịch , Doanh Nghiệp - Đầu Tư Nước Ngoài , Hợp Đồng - Giao Dịch , Lĩnh Vực Khác , Tin pháp luật

Để chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, Tổng cục Thuế sẽ hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức theo hướng nâng cao vai trò của một số đơn vị có thể làm nhiệm vụ điều tra. Có ý kiến cho rằng, nên trao quyền điều tra cho cơ quan thuế để chống thất thu.

Đề xuất Tổng cục Thuế được quyền điều tra

Để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính phê duyệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT như: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; phối hợp các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội để quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT; hiện đại hóa công tác quản lý thuế một cách toàn diện theo hướng áp dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã và đang từng bước củng cố địa vị pháp lý một số vụ, đơn vị của Tổng cục Thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Cụ thể, đề xuất sửa pháp luật liên quan (Luật Quản lý thuế, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra, Luật Tố tụng hình sự…), trong đó cho phép Tổng cục Thuế có chức năng điều tra.

Liên quan đến đề xuất này, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, gồm: Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển, kiểm ngư, công an nhân dân, quân đội nhân dân. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay đó là hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số diễn ra khá sôi động, đặt ra vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động này.

“Để ngăn chặn, cũng như có biện pháp răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật về thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, tôi cho rằng, nên trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan thuế”.

Giải thích về kiến nghị này, có ý kiến cho rằng, hiện nay cơ quan điều tra đang quá tải, không có nhiều cán bộ điều tra am hiểu chuyên sâu lĩnh vực thuế, vì đây là lĩnh vực chuyên ngành. “Như trên đã nêu, trong số những cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có cơ quan thuế. Trong khi đó, tội phạm liên quan đến thuế xuất hiện rất nhiều trong những năm gần đây, với những thủ đoạn rất tinh vi”.

Cần có lộ trình, cơ chế quản lý chặt chẽ

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu cho phép Tổng cục Thuế có chức năng điều tra, thì có thể dẫn đến sự lạm quyền. Luật sư Lê Thị Hồng Vân cho rằng, sự lo lắng là đúng. Tuy nhiên, nếu đã đưa vào hệ thống pháp luật thì cũng phải có những mức độ và giới hạn nhất định.

“Sau khi có kết quả điều tra, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để đề nghị truy tố, khởi tố vụ án. Cơ quan thuế sẽ phải chịu trách nhiệm về việc điều tra. Như vậy, không thể nói là cơ quan thuế lạm quyền, mà đây là chia sẻ trách nhiệm với cơ quan công an trong việc điều tra những hành vi vi phạm pháp luật về thuế”

Tái khẳng định quan điểm cần phải bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, chuyên gia cho rằng, cơ quan thuế là đơn vị nắm rõ nhất hoạt động báo cáo thuế và phát hiện tức thời các hành vi vi phạm. Nếu nghiêm trọng có thể lấy lời khai, kết hợp với việc yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ, từ đó cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ được xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng răn đe đối với những hành vi vi phạm trong tương lai. Cán bộ thuế đồng thời cũng là những điều tra viên sẽ hiểu và điều tra nhanh nhất, đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, việc điều tra, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ chính xác, hiệu quả.

Đề cập đến đề xuất cho phép Tổng cục Thuế được quyền điều tra, chuyên gia khác cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ vấn đề này. Nếu cho phép cơ quan thuế có chức năng điều tra thì phải tính đến chất lượng nhân sự, phải tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ điều tra, am hiểu Luật Hình sự và tố tụng hình sự để có thể áp dụng trên thực tế.

“Tôi cho rằng cần phải cân nhắc kỹ vấn đề này, cần phải có thời gian và lộ trình để thực hiện, cần phải có cơ chế quản lý, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện nhiệm vụ này”.

Để luật hóa chức năng này, các cơ quan liên quan phải tham mưu, xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan sao cho đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, tránh chồng chéo, hoặc tránh việc thoái thác nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng; tránh việc phình to bộ máy hành chính, nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp.

Theo Báo mới.

Đối tác