Khi chuyển nhượng sang tên nhà đất, cả người mua, người bán cũng như người tặng cho đều phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nhưng không phải ai cũng nắm rõ quy định pháp luật của nhà nước về vấn đề nay. Vậy khi chuyển nhượng nhà đất, người dân sẽ phải nộp những khoản thuế phí nào; các loại thuế này tính trên giá chuyển nhượng thực tế, hay theo bảng giá do Nhà nước quy định; nếu kê khai thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế thì có bị xử lý không?
Liên quan đến vấn đề này, PV VOV trao đổi với bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế.
PV: Ngoài các khoản như lệ phí địa chính, lệ phí cấp sổ đỏ, trích lục hồ sơ, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay còn gọi là bán nhà, đất người dân phải nộp khoản thuế phí nào theo quy định, thưa bà?
Bà Lý Thị Hoài Hương: Theo quy định tại điều 17, Thông tư 92 ngày 15/6/2015, khi chuyển nhượng bất động sản, người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế xuất, thuế chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng.
Còn người mua phải nộp phí trước bạ đối với mức thu thuế nhà đất là 0,5% theo quy định tại khoản 1, điều 8, Nghị định số 10 ngày 15/1/2022 của Chính phủ.
PV: Theo quy định luật pháp, hiện nay giá chuyển nhượng bất động sản được xác định như thế nào, thưa bà?
Bà Lý Thị Hoài Hương: Đối với thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, căn cứ quy định tại khoản 11, Điều 2, Nghị định số 12/2015 của Chính phủ, giá chuyển nhượng bất động sản là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá, hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định, thì giá chuyển nhượng đất là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của Luật Đất đai.
Trường hợp chuyển nhượng nhà gắn liền với đất, giá trị nhà, kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định căn cứ theo giá tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quy định.
Trường hợp UBND cấp tỉnh quy định không có giá tính lệ phí trước bạ, căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.
Đối với lệ phí trước bạ, căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 7, Nghị định số 10/2022 của Chính phủ, giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà là giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Trường hợp giá nhà, đất tại hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cao hơn giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành thì giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất tại hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà.
PV: Thực tế cho thấy, không ít trường hợp người dân khi làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ghi giá chuyển nhượng thấp hơn số tiền mà họ giao dịch trên thực tế. Thường họ chỉ ghi bằng bảng giá đất do địa phương quy định. Theo bà, điều này có vi phạm quy định của pháp luật?
Bà Lý Thị Hoài Hương: Luật Quản lý thuế quy định rõ việc người nộp thuế có nghĩa vụ kê khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ, hồ sơ khai thuế.
Căn cứ khoản 5, Điều 143 Luật quản lý thuế số 38, việc sử dụng chứng từ, tài liệu, không phản ánh đúng bản chất giao dịch, hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp là hành vi vi phạm pháp luật.
Tổng cục Thuế khuyến nghị người dân, doanh nghiệp khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng bất động sản cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí để đảm bảo quyền lợi của bản thân tránh khỏi những nội dung pháp lý trong quá trình sử dụng bất động sản như:
Tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, đền bù và các tình huống pháp lý khác. Các bên mua, bán có thể bị truy cứu hình sự vì hành vi trốn thuế.
PV: Nếu cơ quan chức năng phát hiện ra giá chuyển nhượng thực tế cao hơn giá trị ghi trên hợp đồng, người dân bị xử lý thế nào?
Bà Lý Thị Hoài Hương: Hợp đồng chuyển nhượng là giao dịch dân sự giữa các bên và có thể thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
Giá chuyển nhượng bất động sản là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thực tế tại thời điểm chuyển nhượng.
Việc người dân kê khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng thấp hơn giá giao dịch thực tế, không phản ánh đúng bản chất các giao dịch bất động sản. Khi người bán và người mua cố tình khai thấp hơn giá trị thực tế để né thuế là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo mức độ vi phạm, khi bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ tiến hành truy thu, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị xử phạt hình sự theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thuế thực hiện xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự và các pháp luật khác có liên quan.
PV: Để người dân đồng tình với các quy định của pháp luật thuế trong chuyển nhượng bất động sản, ngành Thuế đã và đang triển khai các giải pháp nào, thưa bà?
Bà Lý Thị Hoài Hương: Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế đã chỉ đạo rất nhiều giải pháp đảm bảo các chủ thể khai sát với giá giao dịch thực tế trong hoạt động kinh doanh về chuyển nhượng bất động sản. Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế không được gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế trong quá trình xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, cũng quán triệt các phòng, đội tham gia vào công tác xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ, xác định nghĩa vụ tài chính và quy trình làm việc trực tiếp với người nộp thuế theo quy định và có cơ chế giám sát cán bộ trong quá trình tuyên truyền, hướng dẫn việc kê khai bất động sản cho người nộp thuế.
Trường hợp công chức có hành vi nhũng nhiễu để trục lợi sẽ bị xử lý nghiêm. Chỉ đạo các Cục thuế tập trung hỗ trợ các Chi cục thuế thời gian qua có nhiều giao dịch bất động sản gây ra quá tải cho việc xử lý hồ sơ của cơ quan thuế.
Thực hiện rà soát lại lực lượng cán bộ, công chức đang làm công tác giải quyết xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản để điều động công chức tại các bộ phận khác sang tăng cường, bổ sung lực lượng cho bộ phận xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Tổ chức làm thêm giờ để giải quyết triệt để các hồ sơ còn tồn đọng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế ưu tiên triển khai các biện pháp tuyên truyền chính sách pháp luật cho người nộp thuế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới thực hiện một số giải pháp như: rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất đồng bộ.
Cấp thẩm quyền, cần bổ sung quy định giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng để minh bạch trong kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ công tác quản lý giao dịch, tài sản bất động sản của các chủ thể trong xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, quản lý thuế nói riêng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!.
Theo Báo mới.