Hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”

Câu hỏi:

Anh Đ.A.T có gửi câu hỏi đên văn phòng Luật sư như sau:

Tôi là chủ một doanh nghiệp về vận tải. Anh C.C.T là lái xe làm việc tại doanh nghiệp tôi. Ngày 14 tháng 8 năm 2019, anh C.C.T điều khiển xe bán tải hiệu Toyota đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì bị cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý vi phạm tốc độ nhưng anh C.C.T không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát giao thông bám vào cọng gương chiếu hậu của xe, anh C.C.T tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, bất ngờ đánh lái sát giải phân cách nhằm hất cảnh sát giao thông xuống đường.

Cảnh sát giao thông rơi khỏi xe, va vào giải phân cách cứng giữa đường, bị đa chấn thương. Anh C.C.T tiếp tục điều khiển xe bỏ trốn.

Tôi xin hỏi, hành vi của anh C.C.T có phạm tội “Giết người” không?

     I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015;
  • Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”;

     II. Nội dung

Hành vi của anh C.C.T là hành vi “Giết người” thuộc tình tiết định khung giết người đang thi hành công vụ.

  1. Cấu thành tội phạm tội “Giết người”

Tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 có quy định:

“Điều 123. Tội giết người

  1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

…”

Như vậy: Căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định cấu thành tội phạm của Tội giết người cụ thể như sau:

– Về mặt khách quan của tội phạm:

Về hành vi: Người phạm tội dùng mọi thủ đoạn nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Hành vi này có thể được thể hiện dưới hai dạng hành vi khác nhau là hành vi hành động và hành vi không hành động, cụ thể như sau:

+ Đối với hành vi hành động: Người phạm tội cố tình thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm tước đoạt mạng sống người khác.

+ Đối với hành vi không hành động: Người phạm tội không thực hiện nghĩa vụ phải làm để cứu giúp người khác nhằm tước đoạt mạng sống người khác.

Về mặt hậu quả: Tước đoạt hoặc đe dọa tước đoạt mạng sống của người khác (Mục đích của người phạm tội là tước đoạt mạng sống của người khác, nhưng việc người đó không chết là nằm ngoài mục đích của người phạm tội).

– Về mặt chủ quan của tội phạm:

Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý, bao gồm lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.

Theo đó, theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì cố ý phạm tội trực tiếp là hành vi của người phạm tội, mà khi đó người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể tước đoạt mạng sống của người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Còn cố ý phạm tội gián tiếp là hành vi của người phạm tội, mà khi đó người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể tước đoạt mạng sống của người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Mục đích: Nhằm tước đoạt mạng sống của người khác.

– Mặt khách thể của tội phạm:

Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến tính mạng của con người được pháp luật hình sự bảo vệ; quyền được sống của con người được pháp luật bảo vệ.

– Về mặt chủ thể của tội phạm:

Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.

Các hành vi của anh C.C.T đã thực hiện đủ các mô tả ở mặt khách quan của tội “Giết người”,

  1. Tình tiết giết người đang thi hành công vụ

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015:

“Điều 123. Tội giết người

  1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

     d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;…”

Đây là trường hợp người bị giết đang thi hành công vụ, tức là người bị giết đang thực hiện một nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao phó. Nhiệm vụ được giao có thể là đương nhiên do nghề nghiệp quy định.

Người phạm tội lúc thực hiện hành vi phải biết về việc đang thi hành công vụ của nạn nhân.

Như vậy, hành vi của anh C.C.T có tình tiết giết người đang thi hành công vụ vì khi cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ có mặc đồng phục rất dễ nhận biết.

 

 

  1. Nội dung cơ bản của án lệ số 18/2018/AL

Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người” được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nội dung cơ bản của án lệ:

Bị cáo bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm nhưng không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát giao thông bám vào cọng gương chiếu hậu của xe, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, bất ngờ đánh lái sát giải phân cách nhằm hất cảnh sát giao thông xuống đường.

Cảnh sát giao thông rơi khỏi xe, va vào giải phân cách cứng giữa đường, bị đa chấn thương.

Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Giết người đang thi hành công vụ”.

Căn cứ vào Án lệ nêu trên, đối với hành vi điều kiến xe cơ giới không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông, đâm thẳng xe vào cảnh sát giao thông. Lúc người này, bám vào gương chiếu hậu thì lái xe tiếp tục có điều khiển xe với tốc độ cao và dùng thủ đoạn để hất cảnh sát giao thông xuống đường. Trường hợp này, lái xe bị truy cứu về tội danh giết người.

  1. Việc áp dụng án lệ trong xét xử

Việc áp dụng án lệ trong xét xử phải tuân thủ theo những nguyên tắc quy định tại Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ:

“Điều 8. Áp dụng án lệ trong xét xử

Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.”

Như vậy, để Án lệ số 18 được áp dụng vào việc giải quyết tranh chấp, vụ việc được áp dụng phải có những tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự nhau.

Vậy, trong câu hỏi mà anh gửi đến văn phòng Luật sư, hành vi của anh C.C.T đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Án lệ số 18/2018/AL nên hành vi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Giết người đang thi hành công vụ”.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Tội chống người thi hành công vụ

Câu hỏi

Khi bị dừng xe để chuẩn bị bị xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, anh A đã có hành vi đánh cán bộ cảnh sát giao thông đề nghị xử phạt hành chính anh A. Tuy nhiên, cán bộ cảnh sát giao thông dừng xe anh A đã hết thời gian làm việc trong ngày, không thực hiện nhiệm vụ và đang trên đường đi về nhà. Tôi xin hỏi, trường hợp của anh A có cấu thành tội phạm tội chống người thi hành công vụ không?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia tư vấn và nghiên cứu như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:
  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
  1. Nội dung tư vấn:

Căn cứ theo quy định của pháp luật, anh A không cấu thành tội phạm tội chống người thi hành công vụ.

Căn cứ Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

“Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

     a) Có tổ chức;

     b) Phạm tội 02 lần trở lên;

     c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

     d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

     đ) Tái phạm nguy hiểm.”

Anh A phạm tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự nêu trên nếu thỏa mãn toàn bộ các điều kiện về khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan của tội phạm.

Tuy nhiên, về khách thể, anh A phải xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ tức có thể hiểu thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công thì mới thỏa mãn cấu thành tội phạm.

Theo đó, đối tượng tác động của tội phạm này phải là người đang thi hành công vụ. Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì hành vi của người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

Trong trường hợp này, cán bộ cảnh sát giao thông đã không còn được giao nhiệm vụ như trong thời gian làm việc nữa, theo đó, không thuộc trường hợp đang thi hành công vụ. Do vậy, hành vi của A không thỏa mãn điều kiện về khách thể.

Do đó, A không cấu thành tội phạm tội chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, A có hành vi dùng vũ lực tấn công cán bộ cảnh sát giao thông nói trên, theo đó, hành vi của A có thể cấu thành tội phạm tội cố ý gây thương tích hoặc tội phạm khác có liên quan theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Phạm Thị Ngọc Ánh
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình

Nghị định này quy định chi tiết về áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình, chế độ tài sản của vợ chồng, giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và một số biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.

Tải về 126.2014.ND.CP

Không tự nguyện thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính thì giải quyết thế nào?

Luật Hiệp Thành đưa ra tư vấn về vấn đề Quy định về: Trường hợp đơn vị bi xử lý vi phạm hành chính, đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính từ năm 2015 nhưng hiện nay vẫn chưa thi hành quyết định xử phạt hành chính thì giải quyết thế nào?

Câu hỏi khách hàng:

Vào năm 2015 đơn vị em bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón mức phạt là 100.000.000đ, và đã bị tạm giữ 40 tấn phân bón không đạt tiêu chuẩn và một số máy móc dùng để sản xuất phân bón. Quyết định xử phạt ghi rõ tạm giữ phân bón, máy móc để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng đơn vị em đã nhận Quyết định phạt vi phạm hành chính nhưng đến này không chấp hành quyết định xử phạt. Em hỏi: Căn cứ các quy định của pháp luật thì các cơ quan Nhà nước xử lý trong trường hợp này như thế nào?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Hiệp Thành. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư tư vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012

  1. Luật sư tư vấn:

Sau khi nghiên cứu về trường hợp của bạn. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến nhận định như sau:

Theo quy định Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính phải có nghĩa  vụ thi hành hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

“Điều 73. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

  1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

  1. Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.”

Do đó, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với đơn vị bạn với mức xử phạt là 100.000.000 đồng cùng biện pháp khắc phục hậu quả thì đơn vị bạn có trách nhiệm thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính này. Trường hợp đơn vị bạn không tự nguyện chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế sẽ thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Cụ thể:

“Điều 86. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

  1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này.
  2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
  3. a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
  4. b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
  5. c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
  6. d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.”

Tuy nhiên, quyết định xử phạt hành chính được ban hành từ năm 2015. Vì vậy, nếu hiện nay cơ quan có thẩm quyền chưa thi hành quyết định xử phạt hành chính đó thì sẽ không được thi hành quyết định nữa do đã quá thời hiệu thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

“Điều 74. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

  1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội.
  2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”

Trường hợp quyết định xử lý hành chính đối với đơn vị bạn có hành thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hiệp Thành về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Tội chống người thi hành công vụ bị xử phạt như thế nào ?

Khi nào một hành vi được coi là “chống người thi hành công vụ”? Hình phạt mới nhất theo quy định của luật hình sự và các văn bản hướng dẫn về tội danh chống người thi hành công vụ ? Luật Hiệp Thành xin đưa ra tư vấn và giải đáp cụ thể:

  1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015;

– Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017.

  1. Nội dung:

* Dấu hiệu pháp lý

– Khách thể: là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

+ Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định (cán bộ thuế vụ, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng… ).

+ Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự  thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì hành vi của người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

– Khách quan: có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Vũ lực dùng trong trường hợp này không thuộc trường hợp nói tại Điều 93, 104 Bộ luật hình sự. Cụ thể người phạm tội có thể có những hành vi sau:

+ Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ (đấm, đâm, chém…)

+ Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ… Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực.

+ Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ.

+ Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…

– Tất cả các hành vi nói trên người phạm tội thực hiện đối với người thi hành công vụ là để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

– Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội.

Hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu TNHS về các tội phạm tại Chương XII Bộ luật hình sự (tội cố ý gây thương tích, tội giết người…).

– Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật. Nếu một người khi thực hiện hành vi mà không biết là đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có cơ sở chính đáng thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng nếu có gây thương tích hoặc chết người.

– Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.

*Hình phạt:

Căn cứ theo điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

“Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
  3. a) Có tổ chức;
  4. b) Phạm tội 02 lần trở lên;
  5. c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
  6. d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

———————————————–

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hiệp Thành về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng