Những lưu ý về đặt cọc khi thực hiện việc mua nhà đất

Luật sư Nguyễn Duy Minh thuộc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành xin được tư vấn những vấn đề cần nắm được về việc đặ cọc khi thực hiện việc mua bán nhà đất, tránh trường hợp những rủi ro đáng đáng tiếc xẩy ra.

Để đảm bảo việc mua bán nhà được thuận lợi, việc đặt cọc tiền trước nhằm đảm bảo việc bạn sẽ giữ được thửa đất bạn mong muốn không để người khác mua mất bạn cần đảm bảo các bước cơ bản sau:

Thứ nhất: Những việc cần làm trước khi đặt cọc.

– Kiểm tra tính chính danh của chủ nhà: chủ nhà có phải là chính chủ không?

Đối chiếu thông tin chủ nhà: tên, ảnh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân trên sổ đỏ có trùng khớp với thông tin trên chứng minh nhân dân hoặc sổ đỏ không.

– Kiểm tra xem nhà có bị quy hoạch không?

Thông tin này có thể  kiểm tra tại Phòng Quản lý đô thị hoặc bộ phận kiểm tra quy hoạch tại các Uỷ ban nhân dân Quận/Huyện nơi bất động sản toạ lạc.

– Kiểm tra xem nhà có bị ngăn chặn giao dịch không?

Mang giấy photo chủ quyền nhà đến Phòng Công chứng hoặc Văn phòng công chứng để hỏi. Một số căn nhà vướng các vụ kiện tụng về tranh chấp tài sản, kê biên thi hành án… sẽ bị ngăn chặn không công chứng được. Phải cẩn thận kẻo mất cọc nếu không công chứng được do vướng trường hợp này.

– Soạn thảo hợp đồng đặt cọc?

Bên nào soạn thảo hợp đồng đặt cọc là bên có lợi. Hợp đồng đặt cọc là văn bản quan trọng nhất vì nó là văn bản được ký đầu tiên giữa hai bên giao dịch. Nên nhờ một chuyên gia có kinh nghiệm hoặc một luật sư chuyên về nhà đất giúp bạn chuẩn bị hợp đồng này.

Thứ hai: Những điều cần chú ý trước khi ký hợp đồng đặt cọc.

Hợp đồng đặt cọc có thể công chứng hoặc không. Nếu không công chứng, hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật theo điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng đặt cọc.

Kiểm tra toàn bộ các điều khoản liên quan: thông tin nhân thân, địa chỉ nhà, số tờ, số thửa, bản đồ vị trí, giá mua bán, các đợt thanh toán, ngày bàn giao nhà, thuế, lệ phí…

Khi ký phải có đủ vợ và chồng của bên bán, không để trường hợp chỉ một người ký sau này rất rắc rối.

Phải chắc chắn có biên bản xác nhận giao nhận tiền hoặc uỷ nhiệm chi của ngân hàng sau khi đã giao tiền cho bên bán.

Thứ ba: Những việc cần làm sau khi ký hợp đồng đặt cọc.

– Nếu phải vay ngân hàng nên liên lạc ngay để hỏi thủ tục ở các ngân hàng. Chọn ngân hàng cho vay tốt nhất phù hợp với điều kiện tài chính của mình.

– Giải quyết với người thuê trong trường hợp căn nhà đang có người thuê hiện tại.

– Chuẩn bị tài chính.

Những lưu ý này đều vô cùng quan trọng, bỏ qua một bước đều tiềm ẩn rủi ro cho bạn. Chúc bạn sẽ có những giao dịch thành công.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Duy Minh
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Ủy quyền mua bán nhà đất có được không?

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư: Nhà tôi có hai mẹ con, vì hoàn cảnh mẹ tôi đang bị bệnh và phải nằm viện, cần chi phí cho việc chữ trị bệnh nên mẹ tôi đang có ý định muốn bán thửa đất mẹ tôi đang đứng tên. Tuy nhiên, do bệnh tật nên mẹ tôi không thể thực hiện các thủ tục rườm rà nên mẹ tôi muốn ủy quyền cho tôi thay mẹ tôi thực hiện các thủ tục nê trên. Vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi có thể đại diện theo ủy quyền của mẹ tôi để thực hiện việc bán thửa đất nêu trên không? Và thủ tục cần những gì? Tôi xin cảm ơn. (Việt Trinh – Quảng Ninh).

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hiệp Thành. Luật sư Nguyễn Duy Minh thuộc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành xin được tư vấn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Dân sự năm 2005

Luật đất đai năm 2013

Luật Nhà ở năm 2014

Nghị định 04/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.

  1. Nội dung tư vấn:

Thứ nhất: Bạn là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Căn cứ vào Điều 18 và Điều 20 Bộ Luật Dân sự năm 2005, người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là người từ 18 tuổi trở lên và không bị mắc các bệnh về tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Thứ hai: Mẹ bạn phải thực hiện thủ tục ủy quyền mua bán nhà đất, lập hợp đồng ủy quyền cho bạn. Tại Điều 581 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định cụ thể:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Về hình thức của thủ tục ủy quyền mua bán nhà đất, theo Khoản 1 Điều 18 Nghị định 04/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Công chứng:

“Việc ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng ủy quyền. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền liên quan đến bất động sản, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia”.

Ngoài ra, hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất của mẹ bạn phải được công chứng tại phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng thuộc tỉnh, huyện của thửa đất nói trên.

Trong thông tin, bạn không nói rõ là bố bạn còn sống hay không. Nếu nhà đất đều là tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, thì dù mẹ bạn đứng tên sổ đỏ, nhưng khi làm thủ tục ủy quyền mua bán cho bạn, phải cần có cả chữ ký của bố và mẹ bạn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục ủy quyền, chuyển nhượng mua bán đất, thì hợp đồng mua bán nhà đất phải được công chứng chứng thực theo quy định tại Điều 450, Khoản 1, Điều 689 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Khoản 1, Điều 122 Luật nhà ở năm 2014. Lúc này, thủ tục ủy quyền mua bán đất mới có hiệu lực pháp luật.

Tại Khoản 1 điều 40 Luật Công chứng năm 2014 có nội dung quy định về những giấy tờ cần thiết mà công chứng viên yêu cầu người công chứng phải xuất trình khi công chứng hợp đồng, giao dịch soạn thảo sẵn như sau:

     a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

     b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

     c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

     d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

     đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Như vậy, căn cứ vào các điều luật trên, những giấy tờ bạn cần chuẩn bị để có thể tiến hành thủ tục ủy quyền mua bán nhà đất thay mẹ bạn gồm:

  • Hợp đồng ủy quyền bán nhà đất
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
  • Sổ hộ khẩu của mẹ bạn
  • Chứng minh thư nhân dân của bạn và của mẹ bạn
  • Giấy tờ chứng minh tài sản riêng do được tặng cho riêng, do được thừa kế riêng hoặc có thoả thuận hay bản án phân chia tài sản (nếu có).

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Duy Minh
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho nhà/đất

Thưa Luật sư, tôi muốn hỏi thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho nhà (đất) thì thủ tục cần những gì? Rất mong tư vấn giúp tôi.

 

Trả lời:

Sau khi xem xét vấn đề bạn đưa ra, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, chúng tôi xin giải đáp vấn đề của bạn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

– Luật công chứng năm 2014.

  1. Luật sư tư vấn:

     A. Hồ sơ, giấy tờ cần có:

     Giấy tờ của bên tặng cho cần cung cấp:

  1. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

Trường hợp tặng cho một phần nhà đất thì cần có thêm Hồ sơ kĩ thuật thửa đất, hồ sơ hiện trạng nhà được phòng tài nguyên kiểm tra, xác nhận.

  1. Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của bên tặng cho.
  2. Sổ Hộ khẩu của bên tặng cho.
  3. Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên tặng cho (Đăng ký kết hôn). Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Nếu do ly hôn thì kèm theo bản án hoặc quyết định thuận tình ly hôn của tòa án), Nếu do một bên vợ hoặc chồng chết thì kèm theo giấy chứng tử.
  4. Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa bên tặng cho và bên nhận tặng cho ( nếu có) như: Giấy khai sinh,….
  5. Hợp đồng uỷ quyền (Nếu có).

     Giấy tờ bên nhận tặng cho cần cung cấp:

  1. Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.
  2. Sổ hộ khẩu.
  3. Phiếu yêu cầu công chứng (Theo mẫu cung cấp của văn phòng công chứng).

 

     B. Trình tự, thủ tục công chứng:

Bước 1 : Người yêu cầu công chứng tập hợp đủ các giấy tờ theo hướng dẫn rồi nộp tại Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ (Bản photo và bản gốc để đối chiếu) ; Hồ sơ photo có thể nộp trực tiếp, Gửi Fax, Email.

Bước 2: Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra hồ sơ đã nhận và các điều kiện công chứng, nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ nhận hồ sơ, nếu thiếu sẽ yêu cầu bổ sung hoặc từ chối tiếp nhận nếu không đủ điều kiện công chứng theo Luật định.

Bước 3: Ngay sau khi đã nhận đủ hồ sơ công chứng viên chuyển bộ phận nghiệp vụ sẽ tiến hành soạn thảo hợp đồng giao dịch. Hợp đồng, giao dịch sau khi soạn thảo sẽ được chuyển sang Công chứng viên thẩm định nội dung, thẩm định kỹ thuật để rà soát lại, và chuyển cho các bên đọc lại.

Bước 4: Các bên sau khi đã đọc lại, nếu không có yêu cầu chỉnh sửa gì sẽ ký/điểm chỉ vào từng trang của hợp đồng (theo hướng dẫn). Công chứng viên sẽ ký sau đó để chuyển sang bộ phận đóng dấu, lưu hồ sơ và trả hồ sơ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!

Luật gia Nguyễn Trường An.

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

Điện thoại liên hệ: 0942141668

Email: luathiepthanh@gmail.com