Đề xuất kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa ‘để bảo vệ thành quả’

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho rằng Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội rất tốt và đề xuất phải kéo dài thêm ít nhất 1 tuần.

Tại cuộc họp BCĐ chống dịch TP Hà Nội sáng nay, ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đánh giá: Cùng với TP.HCM, Hà Nội được xác định là 1 trong những điểm nóng nguy cơ nhất về dịch tễ của cả nước.

“Các bạn quốc tế ngưỡng mộ thủ đô. Tôi là công dân Hà Nội cũng rất tự hào về điều đó và cực kỳ yên tâm khi TP triển khai các biện pháp. Hơn 3 tháng cầm cự mà chúng ta mới ở mức độ như thế này là tuyệt vời”, ông Dương nói.

Theo ông, thôn Hạ Lôi là ổ dịch rất phức tạp về dịch tễ, TP đã phát hiện rất nhanh và chủ động nên khoanh vùng được chính xác và cứng rắn.

Xã Mê Linh có 3 cụm dân cư rõ nét. Trong đó thôn Hạ Lôi có gần 11.000 dân, 2 thôn khác là Liễu Trì và Ấp Hạ tách biệt, ông Dương cho rằng khoanh vùng toàn bộ Hạ Lôi rất đúng đắn. Lý giải vì sao không khoanh vùng hết cả xã, ông cho rằng khoanh vùng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và các mối liên quan dịch tễ.

Đề xuất kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa 'để bảo vệ thành quả'
Nhân viên y tế đo thân nhiệt kiểm soát ra vào thôn Hạ Lôi.

“Ngay sau khi khoanh vùng cách ly, TP, huyện, xã Mê Linh đã vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, tuyên truyền vận động tốt nên bà con ai cũng thấy trách nhiệm của mình, không ai kêu ca phàn nàn”, ông Dương nói.

Khoanh vùng không phải đơn thuần là không cho người ra ngoài mà việc cách ly cực kỳ quan trọng, cách ly ở đây là nhà nào phải ở nhà đấy, cách ly người với người, phải làm quyết liệt.

Ông Dương cho biết thêm bản thân ông cùng Phó chủ tịch huyện ngày nào cũng ở trong ổ dịch, Bí thư, Chủ tịch xã đi tuyên truyền, nhận thấy an sinh xã hội được đảm bảo chu đáo, bà con không thiếu thốn gì, chung sức chung lòng thì ai cũng hoan nghênh.

Cấp thẻ thông hành cho dân Hạ Lôi

“Việc cách ly cực kỳ quan trọng, bởi chúng tôi tiên lượng rằng nguồn bệnh đã lây trong cộng đồng rồi, đó là kẻ thù giấu mặt, có thể len lỏi từng gia đình, ngóc ngách. Nhà nào ở nhà nấy, không tiếp xúc, nếu có nguồn bệnh thì nó chỉ quanh trong gia đình đó thôi”, ông Dương lưu ý. Qua giám sát hàng ngày thì sẽ phát hiện và đưa đi cách ly, dần dần cộng đồng sẽ “trong sạch” dịch bệnh.

Hiện nay tất cả các gia đình tại Hạ Lôi đều được cấp thẻ giống như thẻ thông hành, mỗi gia đình chỉ được 1 thẻ để đi ra ngoài trong phạm vi thôn để phục vụ nhu cầu, phân làm các ngày chẵn lẻ, mỗi gia đình 2 ngày ra 1 lần để giãn cách.

Ông Dương cho biết bà con rất thuận tình và đăng ký đúng người, còn các thành viên khác ở lại trong nhà, không ra khỏi ngõ, cửa đóng then cài.

Để thực hiện việc này, 66 tổ được thành lập, mỗi tổ phụ trách 40-50 gia đình, ngày nào các tổ cũng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, cặp nhiệt độ, hỏi thăm, đồng thời nắm bắt tư tưởng, đôn đốc việc cách ly…

Đề xuất kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa 'để bảo vệ thành quả'

Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đồng ý dự báo của CDC Hà Nội cho rằng thôn Hạ Lôi trong thời gian tới có thể tiếp tục xuất hiện ca mới, hoặc xuất hiện trong nhóm F1 đã được đưa đi cách ly, cũng có thể có ca bệnh tại các hộ gia đình.

Ông Dương đề xuất toàn TP thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt – điều vô cùng quan trọng trong thời điểm này. “Chúng ta nhận định dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng, việc cách ly xã hội chính là biện pháp không để lây lan nên phải quyết liệt hơn nữa. Tôi thấy Hà Nội ban đầu khá tốt, nhưng về sau người dân ra đường đông, có khi chật cả đường, mong TP chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, thậm chí phải có chế tài”, ông Dương phát biểu.

Phó viện trưởng nhấn mạnh: “Phải kéo dài thời gian việc cách ly xã hội hơn nữa để bảo vệ thành quả, ít nhất thêm 1 tuần, chứ không dừng lại ở ngày 15/4”.

Về công tác xét nghiệm, ông đồng tình ở huyện Mê Linh bất cứ ai có sốt, ho, đau họng phải được cách ly tại nhà ngay lập tức, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm.

Ngoài ra, tất cả ca nhiễm trùng đường hô hấp phải vào bệnh viện mà không rõ nguyên nhân đều phải coi là ca nghi ngờ Covid-19 để cách ly và xét nghiệm.

Nguồn : vietnamnet.vn

‘Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài’

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) sáng nay họp triển khai công tác phòng chống dịch.

Ban Chỉ đạo đã phân tích, đánh giá diễn biến hình dịch bệnh bệnh và giải pháp ứng phó;  thảo luận về việc có tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội hay không, hình thức áp dụng như thế nào, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ phòng chống dịch và dự trữ quốc gia; xuất khẩu trang thiết bị y tế có kiểm soát;…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài

Nếu nới lỏng dịch có thể bùng phát

Qua phân tích dữ liệu tình hình dịch bệnh trong nước, đánh giá các nguy cơ rủi ro, Ban chỉ đạo khẳng định, thời gian qua, chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”.

Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống Covid-19.

Thực tế triển khai việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng cho thấy, thời gian đầu chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng những ngày gần đây có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn;…

Việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, DN, nhưng với quan điểm “sức khoẻ là trên hết”, “còn người còn của” cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15/4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh., tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giãn cách xã hội có tính đến yếu tố địa phương

Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích và thống nhất sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.

Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp. Tổ chức các tổ truy vết ở cả TƯ lẫn địa phương luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có ca nhiễm.

Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Bộ TT&TT, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh như: triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá.

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để “chặn đến cùng” tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,…).

Bên cạnh các giải pháp về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu…

Chỉ xuất khẩu khẩu trang khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước

Về công tác hậu cần, Ban Chỉ đạo cho biết, chúng ta đã sản xuất thành công khẩu trang vải chống thấm (khẩu trang 870), được nhiều nước đánh giá cao, do đó cần đẩy mạnh quảng bá để xuất khẩu sản phẩm này.

Về khẩu trang y tế, hiện chúng ta đã chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang y tế và quần áo chống dịch. Số lượng này cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ phải nêu cao trách nhiệm xã hội, chỉ xuất khẩu sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Đồng thời, chúng ta chỉ khuyến khích xuất khẩu đối với những doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ.

Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp rà soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ.

Nguồn : vietnamnet.vn

Đình chỉ công tác phó chủ tịch HĐND ở Bình Phước chống đối kiểm dịch

Tỉnh ủy Bình Phước vừa quyết định đình chỉ công tác không thời hạn ông Lưu Văn Thanh, Phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản do có hành vi chống đối tại chốt kiểm dịch Covid-19.

Liên quan đến vụ việc Phó chủ tịch HĐND huyện quát tháo, chống đối tại chốt kiểm dịch Covid-19 ở thị xã Bình Long, sáng nay Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức.

Ông Hà Anh Dũng – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, ngay sau khi nắm được sự việc, các cơ quan chức năng huyện Hớn Quản đã làm việc với ông Thanh để xác minh. Bước đầu ông Thanh thừa nhận khuyết điểm, cho rằng lời nói hành vi của mình là chưa phù hợp với chuẩn mực ứng xử của cán bộ công chức, chấp nhận mọi hình thức xử lý.

Đình chỉ công tác phó chủ tịch HĐND ở Bình Phước chống đối kiểm dịch
Ông Hà Anh Dũng – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước thông tin về vụ việc

Đến sáng nay (13/4), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lưu Văn Thanh, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Thời gian tính từ ngày hôm nay đến khi các ngành chức năng xem xét, xử lý vụ việc.

Tại cuộc họp báo, bà Trần Tuyết Minh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là xử lý nghiêm khắc, không bao che, sai tới đâu xử lý tới đó theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc xử lý ông Thanh, tỉnh Bình Phước sẽ xem xét trách nhiệm của những người liên quan, trong đó có các thành viên tại chốt phòng chống dịch bệnh Covid-19 thị xã Bình Long.

Trước đó, ông Lưu Văn Thanh xuất hiện trong đoạn clip dài hơn 4 phút đăng trên mạng xã hội. Nội dung cho thấy ông này quát tháo, đập tay xuống bàn và không đồng ý khi bị dừng xe yêu cầu đo thân nhiệt.

Giải thích về hành vi trên, ông Thanh cho rằng do bực tức vì bị một số người tại chốt kiểm dịch đòi giữ xe ô tô. Đồng thời việc kiểm tra không triệt để do có nhiều phương tiện qua lại, nhưng cán bộ kiểm dịch không dừng xe.

Sau đó, dù ông Thanh chấp hành và nhận thấy hành vi của mình là chưa chuẩn mực nhưng vấp phải sự phản ứng từ dư luận.

Sau khi báo chí đăng tải thông tin, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý.

Nguồn : vietnamnet.vn

Nhận 9 tháng tù vì đánh người nhắc đeo khẩu trang

Đào Xuân Doanh 30, tuổi, nhận án phạt 9 tháng tù sau 6 ngày dùng mũ cối đánh cán bộ ở chốt kiểm soát phòng Covid-19.

Phiên toà mở trong sáng 10/4 và được truyền trực tiếp với các địa phương trong huyện. Ảnh: Thành Luân

Phiên toà mở trong sáng 10/4 và được truyền trực tiếp tới các địa phương trong huyện.

Sáng nay, phiên toà lưu động được TAND huyện Tiên Yên mở tại hội trường UBND xã Đông Ngũ. Đây là phiên tòa đầu tiên xét xử hành vi liên quan việc thực hiện các quy định phòng, chống Covid-19. Việc điều tra, truy tố được thực hiện theo thủ tục rút gọn.

Các thành viên hội đồng xét xử, đương sự, người làm chứng, bị cáo đều tuân thủ giữ khoảng cách 2 mét, đeo khẩu trang. Người dân đến dự phiên tòa bị hạn chế, tuy nhiên quá trình xét xử được truyền hình trực tuyến đến 10 xã, thị trấn thuộc huyện Tiên Yên.

Đào Xuân Doanh (Đào Xuân Anh Doanh, 30 tuổi) trú xã Đông Hải, huyện Tiên Yên bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ, theo khoản 1 điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.

Nguồn : vnexpress

Người Bắc Giang không được đi Hà Nội, Sài Gòn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn hỏa tốc nhằm tăng cường các biện pháp quản lý nguồn lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang nhận định tình hình diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, nhất là từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh yêu cầu đối với những người từ BV Bạch Mai (đi khám bệnh, chữa bệnh, đi thăm thân, giao dịch, học tập, công tác lái xe chở bệnh nhân đi khám, chở người đi thăm bệnh nhân,…) trở về kéo dài thời gian cách ly từ 14 ngày lên 28 ngày kể từ ngày trở về địa phương.

Người Bắc Giang không được đi Hà Nội, Sài Gòn
Tổ chức xét nghiệm đối với với các thành viên BCĐ phòng chống dịch Covid-19 các cấp, các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch

BCĐ cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm cử cán bộ y tế giám sát y tế, kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày (có hồ sơ quản lý từng người).

Từ ngày 9/4, yêu cầu tất cả công dân Bắc Giang không được đến các tỉnh, thành phố có dịch (Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh có ca nhiễm Covid-19). Trường hợp đặc biệt phải báo cáo BCĐ cấp huyện, TP trước khi đi, khi về phải cách ly tập trung 14 ngày, sau đó tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày.

Những người từ các địa phương có dịch về Bắc Giang ở sẽ phải cách ly tại nhà 28 ngày (nếu có hộ khẩu thường trú ở Bắc Giang), cách ly tập trung 14 ngày (nếu không có hộ khẩu thường trú).

Những người từ Hà Nội đến công tác tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp của tỉnh phải thực hiện khai báo y tế, lịch sử di chuyển 14 ngày trước khi về Bắc Giang với BQL các khu công nghiệp tỉnh và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Nếu âm tính sẽ được BQL các khu công nghiệp cấp giấy xác nhận cho phép di chuyển từ nơi tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại (chỉ được di chuyển ở 2 địa điểm đó). Sau đó từ 7-10 ngày tiếp theo phải làm xét nghiệm Covid -19 lần 2 (kinh phí xét nghiệm do cá nhân hoặc doanh nghiệp tự chi trả).

Những người từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh khác có ca nhiễm Covid-19 đến tỉnh Bắc Giang thực hiện các nhiệm vụ công vụ hoặc công việc cần thiết phải liên hệ, thông báo trước cho BCĐ phòng, chống dịch của tỉnh (số máy đường dây nóng của Sở Y tế: 0967 721 919) để được sự chấp thuận và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch theo quy định để bảo đảm không lây nhiễm dịch Covid-19 trên địa bàn.

Nhóm các đối tượng nêu trên gồm: Phóng viên báo, đài; lái xe chở hàng hóa thiết yếu, chở công nhân; chuyên gia, lắp đặt trang thiết bị y tế, chuyển giao kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế…

Người Bắc Giang không được đi Hà Nội, Sài Gòn

Tỉnh Bắc Giang cho biết việc áp dụng các biện pháp trên chắc chắn sẽ gây ra một số khó khăn, bất tiện cho người dân và doanh nghiệp nhưng là việc rất cần thiết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong thời điểm có tính chất quyết định hiện nay.

Vì vậy, BCĐ phòng, chống dịch các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, doanh nghiệp đồng thuận thực hiện nghiêm túc.

Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo những biện pháp trên được thực hiện nghiêm túc, triệt để.

Nguồn : vietnamnet.vn

Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam phối hợp cung cấp quần áo bảo hộ

Tổng thống Donald Trump cảm ơn 2 doanh nghiệp Mỹ và những người bạn ở Việt Nam đã vận chuyển nhanh chóng 450.000 bộ quần áo bảo hộ y tế, hỗ trợ Mỹ chống Covid-19.

Viết trên Twitter sáng nay (giờ Việt Nam), ông Trump cho biết, chuyến bay chở 450.000 bộ trang phục bảo hộ giúp phòng chống Covid-19 từ Việt Nam vừa hạ cánh xuống Dallas (bang Texas). ” Điều này đã trở thành hiện thực nhờ sự hợp tác tuyệt vời giữa 2 doanh nghiệp – DuPont và FedEx – cùng những người bạn ở Việt Nam của chúng ta. Xin cảm ơn!”.

Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam phối hợp cung cấp quần áo bảo hộ
Ảnh chụp màn hình

Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, hai bên đã làm việc cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao nhận và phê duyệt cần thiết để đẩy nhanh việc chuyển giao trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho Mỹ.

Chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô hàng đầu tiên với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam rời Hà Nội vào ngày 7/4. Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ đã ký hợp đồng với FedEx để nhanh chóng chuyển giao các bộ đồ cho Kho dự trữ chiến lược quốc gia Mỹ nhằm giải quyết nhu cầu khẩn cấp đối với trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên tuyến đầu ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink đánh giá: “Chuyến hàng này sẽ giúp bảo vệ các chuyên gia y tế làm việc trên tuyến đầu chống lại Covid-19 tại Mỹ và chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Mỹ-Việt Nam”.

Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã hợp tác rộng rãi trong cuộc chiến chống đại dịch. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng này, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hợp tác với các quan chức Việt Nam để theo dõi và ứng phó với tình hình diễn tiến của dịch bệnh.

Theo Đại sứ quán Mỹ, khoản hỗ trợ y tế bổ sung 2,9 triệu USD được công bố gần đây từ USAID sẽ giúp Việt Nam tăng tốc các hệ thống phòng thí nghiệm; tăng cường phát hiện trường hợp mắc bệnh và việc giám sát dựa trên sự kiện; và hỗ trợ các chuyên gia kỹ thuật để ứng phó nhanh chóng, truyền thông rủi ro và phòng ngừa và kiểm soát nhiễm bệnh.

Nguồn : vietnamnet.vn

Cách ly Phó công an phường cùng 18 chiến sĩ liên quan bệnh nhân 243

Phó trưởng công an phường Đông Ngạc (Hà Nội) đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thứ 243, sau đó về trụ sở công an phường tiếp xúc với 18 cán bộ, chiến sĩ.

Báo cáo với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều nay, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết liên quan đến bệnh nhân 243 trên địa bàn quận có F1: 8 người, F2: 64 người, F3: 197 người.

Trong số này có 1 phó trưởng công an phường Đông Ngạc ăn cơm cùng bệnh nhân 243, 1 thợ sửa chữa điện, 3 người uống nước cùng bệnh nhân, 3 người bán hoa cùng với bệnh nhân. Quận đã lấy toàn bộ mẫu và gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đến nay chưa có kết quả.

Quận cũng đã lập danh sách những người có liên quan F2 và F3 để phun khử trùng khử độc.

Cách ly Phó công an phường cùng 18 chiến sĩ liên quan bệnh nhân 243

Về 1 phó trưởng công an phường Đông Ngạc, sau khi ăn cơm cùng bệnh nhân, ông về sinh hoạt cùng toàn bộ cán bộ công nhân viên công an phường, gồm 18 người. Như vậy 18 cán bộ, chiến sĩ này trở thành F2 và Phó công an phường thành F1. “Toàn bộ trụ sở công an phường Đông Ngạc chúng tôi đã đề nghị phải cách ly, phun khử khuẩn lấy mẫu”, ông Cương nói.

Ở phường Tây Tựu và Liên Mạc có số người bán hoa có mối quan hệ với bệnh nhân 243 này, trong quá trình buôn bán hoa ở chợ Quảng An có giao lưu tiếp xúc. Đến thời điểm này quận đã lên danh sách khoảng 250 người thuộc 2 phường.

Từ đây, quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với BQL chợ hoa Quảng Bá trích xuất camera thì phát hiện có 8 người liên quan F1, và gửi mẫu cho CDC Hà Nội.

Do những người đi bán hoa trên địa bàn quận rất nhiều, hiện nay quận giao cho phường và các đơn vị triển khai, đo nhiệt độ cho những người buôn bán hoa.

“Nhưng do họ đi rất muộn, thường là 10h đêm, mang hoa đi bán và trở về nhà lúc 5-6h sáng nên việc việc kiểm tra thân nhiệt cũng khó khăn. Đề nghị CDC Hà Nội cung cấp test nhanh để tiến hành kiểm tra những người buôn bán hoa trên địa bàn”, Chủ tịch Bắc Từ Liêm đề xuất.

Còn theo lãnh đạo quân Tây Hồ, quận đã phối hợp đội phản ứng nhanh của phường Quảng An, đến nay xác định F1 4 người và F2: 12 người.

Riêng 4 trường hợp F1 đã lấy mẫu xét nghiệm và gửi CDC Hà nội. Tất cả trường hợp cách ly đã thực hiện cách ly toàn bộ những người liên quan.

Đề nghị Bộ Tư lệnh hóa học phun khử khuẩn thôn Hạ Lôi

Nguồn : vietnamnet.vn

CSGT phát hiện 10 ngàn khẩu trang không rõ nguồn gốc

Khi kiểm tra thân nhiệt tài xế, lực lượng CSGT TP.HCM phát hiện người này chở 10 ngàn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc.

Hiện đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc phòng CSGT đường bộ – đường sắt – Công an TP.HCM phối hợp cùng lực lượng QLTT và cơ quan chức năng Q.Tân Bình để làm rõ vụ việc nói trên.

CSGT phát hiện 10 ngàn khẩu trang không rõ nguồn gốc
Xe ô tô bán tải chở 10 ngàn khẩu trang y tế không hoá đơn chứng từ

Trước đó, lúc 13h15 ngày 7/4 tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 của đội CSGT Tân Sơn Nhất làm nhiệm vụ tại giao lộ đường Trường Sơn – ga quốc nội, gần sân bay, ra hiệu dừng xe ô tô bán tải BKS 60C – 370… để kiểm tra thân nhiệt.

2 người trên xe gồm tài xế Nguyễn Trọng T (SN 1969) và người đi cùng là Ngô Văn T (SN 1982, cùng quê Hà Nội) có thân nhiệt bình thường. Sau đó, tổ CSGT kiểm tra thùng hàng phía sau ô tô thì phát hiện lô hàng khẩu trang y tế mới.

Những người trên xe không xuất trình được hoá đơn chứng từ liên quan đến lô hàng.

Nguồn : vietnamnet.vn

TP.HCM áp dụng tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19

Nếu bị đánh giá ở mức rủi ro lây nhiễm cao từ 80% đến 100% theo “Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19”, doanh nghiệp sẽ bị ngưng hoạt động.

UBND TP.HCM vừa ban hành “Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại các doanh (DN) nghiệp trên địa bàn TP”.

TP.HCM áp dụng tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đi thị sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các DN trên địa bàn TP. Ảnh: TTBC

Theo đó, với 10 tiêu chí đánh giá, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP sẽ căn cứ vào độ rủi ro để cho phép DN hoạt động hay dừng hoạt động.

Cùng với việc ban hành bộ tiêu chí, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng có chỉ đạo khẩn giao Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND quận, huyện cùng với Sở Y tế… thực hiện rà soát việc đánh giá.

Trên cơ sở đánh giá, đề xuất Chủ tịch UBND TP quyết định và xử lý nghiêm các DN, cơ sở sản xuất không đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo bộ chỉ số, doanh nghiệp sẽ được chấm theo thang điểm tối đa 10 điểm cho mỗi chỉ số thành phần tương ứng với mức độ rủi ro cao nhất, 1 điểm tương ứng với mức độ rủi ro thấp nhất. Cách tính điểm là lấy điểm cộng của 10 chỉ số thành phần chia cho 100.

Nếu chỉ số điểm bằng 10% đồng nghĩa với rất ít rủi ro thì doanh nghiệp được hoạt động. Chỉ số dưới 30% thì được đánh giá là rủi ro thấp, doanh nghiệp được hoạt động nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế ở chỉ số thành phần nào cao nhất.

Từ 30% đến dưới 50%: rủi ro lây nhiễm trung bình. Doanh nghiệp có thể được phép hoạt động với điều kiện không có chỉ số thành phần nào từ 7 điểm trở lên.

Từ 50% đến dưới 80%: rủi ro lây nhiễm cao, phải có giải pháp giảm rủi ro mới được hoạt động. Từ 80% đến 100%: rủi ro lây nhiễm rất cao, doanh nghiệp không được hoạt động.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm, sau khi đi kiểm tra tại một số doanh nghiệp sản xuất, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở Y tế đưa ra Bộ chỉ số đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong DN.

“Việc thực hiện đánh giá theo bộ tiêu chí là thước đo hết sức quan trọng mức độ rủi ro lây nhiễm ở các DN, cơ sở sản xuất. Từ đó, giúp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch Covid-19 tại các DN, cơ sở sản xuất một cách hiệu quả và kịp thời”, ông Liêm nhấn mạnh

Nguồn : vietnamnet.vn

Mở 2 chuyến bay đưa gần 600 công dân châu Âu hồi hương

Trước tình hình nhiều công dân châu Âu mắc kẹt tại Việt Nam do ảnh hưởng dịch Covid-19, Chính phủ đồng ý mở 2 chuyến bay đưa gần 600 công dân châu Âu hồi hương.

Đáp ứng mong muốn hồi hương của công dân Đức và Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, được sự chấp thuận của Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, Vietnam Airlines đã thực hiện 2 chuyến bay đặc biệt hành trình từ Việt Nam đi Đức ngày 6 và 8/4.

Mở 2 chuyến bay đưa gần 600 công dân châu Âu hồi hương
Gần 600 công dân Đức và Liên minh châu Âu hồi hương trên 2 chuyến bay Vietnam Airlines

Các chuyến bay được Chính phủ Đức tài trợ và Bộ Ngoại giao Đức phối hợp với Vietnam Airlines triển khai. Chuyến bay ngày 8/4 kết hợp chở trang bị y tế viện trợ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ, nhân dân 5 nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Hai chuyến bay chở gần 600 hành khách là công dân Đức và Liên minh châu Âu đã khởi hành từ Việt Nam đi Frankfurt (Đức) vào rạng sáng 6/4 và 8/4.

Công tác đón tiếp, phục vụ hành khách, hàng hóa từ mặt đất đến trên không được tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh.

Toàn bộ phi hành đoàn được trang bị đồ bảo hộ y tế toàn thân. Các hành khách đều được đo thân nhiệt, kiểm tra, phỏng vấn tình trạng sức khỏe trước khi lên máy bay.

Hành khách được yêu cầu sử dụng khẩu trang trong suốt chuyến bay. Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc vật dụng dùng nhiều lần, Vietnam Airlines không phục vụ suất ăn nóng và tạp chí.

Mở 2 chuyến bay đưa gần 600 công dân châu Âu hồi hương
Việt Nam viện trợ trang thiết bị y tế cho 5 nước châu Âu

Trên chiều từ Đức về Việt Nam, máy bay không chở hành khách, chỉ chở hàng hóa. Các máy bay được vệ sinh, khử trùng y tế toàn bộ khoang hành khách, buồng lái, hầm hàng ngay sau khi hạ cánh.

Chuyến bay có ý nghĩa đặc biệt với các hành khách Đức, châu Âu đang mắc kẹt tại Việt Nam do hiện nay, các chuyến bay thường lệ từ Việt Nam đi quốc tế đều đã bị tạm dừng.

Bên cạnh ý nghĩa vận chuyển hành khách hồi hương, viện trợ hàng hóa y tế, chuyến bay còn góp phần thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Đức và các nước châu Âu, hỗ trợ công cuộc phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Trước đó, Vietnam Airlines cũng vừa thực hiện vận chuyển các trang thiết bị y tế do Chính phủ, nhân dân Việt Nam viện trợ Chính phủ, nhân dân hai nước Lào và Campuchia.

Nguồn : vietnamnet.vn

Khởi tố kẻ đánh người nhắc đeo khẩu trang

Đào Xuân Anh, 30 tuổi, bị khởi tố sau 3 ngày dùng mũ cối đánh hai cán bộ bầm tím vùng vai và cánh tay.

Ngày 7/4, Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Đào Xuân Anh (trú xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) về tội Chống người thi hành công vụ, theo điều 330 Bộ luật Hình sự.

Đào Xuân Anh tại cơ quan điều tra. Ảnh: Thành Luân

Đào Xuân Anh tại cơ quan điều tra.

Theo kết quả điều tra, khoảng 16h ngày 4/4, Xuân Anh ngồi sau xe máy của Nguyễn Văn Năm (28 tuổi, trú xã Đông Hải) đi từ thôn Phương Nam về thôn Đông Ngũ Kinh, xã Đông Ngũ. Cả hai không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang.

Đi đến chốt kiểm soát số 7 về phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn Đông Ngũ Kinh, Năm và Anh bị yêu cầu quay về đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm theo quy định. Xuân Anh không chấp hành đã lăng mạ tổ công tác, dùng mũ cối lao vào đánh. Hai cán bộ đã bị bầm tím vùng vai và cánh tay.

Sáng 5/4, Xuân Anh đến Công an huyện Tiên Yên đầu thú, xin lỗi tổ công tác, cho hay lúc đó thiếu kiềm chế do có hơi men

Theo Công an huyện Tiên Yên, Xuân Anh có tiền án về tội Cướp tài sản, ra tù năm 2017.

Khi cả nước đang nỗ lực phòng, chống Covid-19, Công an huyện Tiên Yên đề nghị xác định đây là án điểm để điều tra, xét xử theo thủ tục rút gọn nhằm giáo dục phòng ngừa chung.

Nguồn : vnexpress

Rút ngắn thủ tục với án liên quan đến phòng chống dịch

VKSND Tối cao vừa có chỉ thị về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Chỉ thị nêu, trong thời gian qua xuất hiện một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch Covid-19 có dấu hiệu tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội.

Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh; đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh…, Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND và VKS quân sự các cấp, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách.

Theo đó, cần chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án cùng cấp để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh theo quy định của bộ luật Hình sự như:

Không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng (trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly, không khai báo y tế, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly…).

Vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ 100 triệu đồng trở lên.

Đưa ra những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội hoặc nhằm mục đích chống Nhà nước

Lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi (đầu cơ, buôn lậu; làm giả hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham nhũng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…); Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.

Theo chỉ thị, trước mắt, phía VKS phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất chọn một số vụ việc điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm đáp ứng yêu cầu răn đe, giáo dục chung, góp phần hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

VKS các cấp cần chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án cùng cấp để xử lý nhanh chóng những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Có thể áp dụng ngay thủ tục rút gọn đối với các vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối với những vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn thì phải khẩn trương tiến hành các hoạt động tố tụng để xử lý tội phạm trong thời hạn ngắn nhất.

Cần tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giam, giữ bị can, bị cáo, phạm nhân tại các cơ sở giam giữ trên cả nước, bảo đảm việc giam, giữ tuân thủ đúng quy định về cách ly đối với người bị lây nhiễm hoặc nghi bị lây nhiễm; giảm tối đa việc thăm gặp người bị giam, giữ… để phòng, chống dịch bệnh.

Nơi nào để xảy ra vi phạm hoặc xử lý không kịp thời, nghiêm minh hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội thì tùy tính chất, mức độ, Viện trưởng VKS, Thủ trưởng đơn vị nơi đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và quy định của ngành.

Nguồn : vietnamnet.vn