Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa nói về việc mua máy xét nghiệm giá 3,7 tỷ

Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo Bộ Y tế về việc mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19.

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, sau khi có yêu cầu của Bộ Y tế, Sở đã rà soát lại việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có hệ thống máy xét nghiệm Real-time PCR tự động.

Hệ thống này được mua với giá hơn 3,7 tỷ đồng, bao gồm thiết bị xét nghiệm Real-time PCR 96 giếng và máy tách chiết DNA/RNA tự động.

Việc mua thiết bị do Sở Y tế chủ trì, được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa là đơn vị cung cấp, thiết bị được lắp đặt tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa.

Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa nói về việc mua máy xét nghiệm giá 3,7 tỷ
Máy xét nghiệm SARS-CoV-2 giá 3,7 tỷ đồng tại CDC Thanh Hóa

“Giá bộ máy Thanh Hóa lắp đặt là phù hợp. Máy móc có nhiều loại, loại cấu hình thấp, loại cấu hình cao. Một số máy có 24 giếng, nhưng máy ở Thanh Hóa lắp đặt có 96 giếng, kỹ thuật xét nghiệm này có ưu thế nhanh chóng, độ chính xác cao, khi được thực hiện tại chỗ, giúp địa phương chủ động hơn trong kiểm soát dịch bệnh”, ông Hùng lý giải.

Cũng theo ông Hùng, từ ngày 19/3 đến nay, với 2 hệ thống xét nghiệm vận hành liên tục 24/24h, CDC Thanh Hóa có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc khoảng 400 mẫu mỗi ngày.

Cho đến nay, CDC Thanh Hóa đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho 3.300 trường hợp, tất cả đều có kết quả âm tính.

1,4 tỷ đồng Đà Nẵng chi mua là máy gì?

Sáng nay, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, tháng 3 vừa qua, Sở Y tế mua bổ sung một máy nhân gen và đọc kết quả xét nghiệm gần 1,4 tỷ đồng sau đề xuất của đơn vị để tăng cường năng lực khi được chủ động xét nghiệm Covid-19.

Theo bác sĩ Thạnh, đây là máy Real-time PCR Aria Mx của hãng Agilent (Mỹ), được sản xuất tại Malaysia.

Năm 2015, TP từng mua một máy cùng loại để xét nghiệm các tác nhân vi sinh vật gây ra một số bệnh khác như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… Trong thời gian sử dụng, máy từng có trục trặc và phải đưa vào TP.HCM sửa.

Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa nói về việc mua máy xét nghiệm giá 3,7 tỷ
Máy nhân ghen và đọc kết quả xét nghiệm Đà Nẵng mua gần 1,4 tỷ đồng
Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa nói về việc mua máy xét nghiệm giá 3,7 tỷ
Nhân viên CDC Đà Nẵng thao tác trên máy nhân gen, đọc kết quả Real-time PCR

Hệ thống máy xét nghiệm tự động Real-time PCR gồm nhiều máy móc, thiết bị, trong đó chủ yếu và cần thiết nhất là máy tách chiết ADN/ARN tự động, máy chia mẫu tự động và máy nhân gen và đọc kết quả xét nghiệm. Vừa qua, Đà Nẵng chưa đầu tư máy tách chiết và chia mẫu, các công đoạn này được nhân viên CDC thực hiện thủ công.

“Chúng tôi có hơn 10 nhân viên chuyên phục vụ xét nghiệm Covid-19, họ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, mỗi ngày có thể hoàn thành được 300 – 400 mẫu bệnh phẩm. Còn ở một số địa phương đội ngũ y tế chưa thực hành thuần thục các thao tác nghiệp vụ thì cần có máy tự động để hỗ trợ nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm khách quan.

Mọi người đang hiểu nhầm là Đà Nẵng mua hệ thống máy xét nghiệm tự động với giá chỉ 1,4 tỷ đồng. Thực chất chỉ là một máy trong hệ thống xét nghiệm Real-time PCR thôi”, ông Thạnh nói.

Theo ông Thạnh, nếu mua các máy còn lại thì cũng rất tốt. Nhưng các máy này thường áp dụng trong trường hợp số lượng mẫu phẩm cần xét nghiệm nhiều. Nếu mẫu xét nghiệm ít thì làm thủ công sẽ nhanh hơn máy tách chiết ADN/ARN, chia mẫu tự động, vì máy cần một thời gian nhất định để hoàn thành một quy trình vận hành.

Liên quan đến giá các loại máy trong hệ thống xét nghiệm tự động Real-time PCR, ông Thạnh cho biết, qua tham khảo, tùy từng hãng máy, đời máy, công suất, cũng như xuất xứ mà giá bán cũng khác nhau. Có máy từ vài trăm triệu, nhưng cũng có máy lên đến vài tỷ đồng.

Nguồn : vietnamnet.vn

Không đeo khẩu trang còn đấm công an, gã đàn ông lĩnh 9 tháng tù

Gã đàn ông ở Cần Thơ không đeo khẩu trang còn đấm cán bộ công an bị toà phạt 9 tháng tù giam.

TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Hải (49 tuổi, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền) về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Không đeo khẩu trang còn đấm công an, gã đàn ông lĩnh 9 tháng tù
Bị cáo Hải tại toà

Theo cáo trạng, ngày 11/4, tổ tuyên truyền, vận động phòng chống dịch Covid-19 phường Cái Khế làm nhiệm vụ tuần tra phòng chống dịch tại khu vực công viên Sông Hậu.

Lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện Hải trong tình trạng đã uống rượu, cởi trần và không đeo khẩu trang nên đến nhắc nhở ông ta cần thực hiện cách ly xã hội theo quy định.

Hải không nghe, sau đó chửi mắng lực lượng làm nhiệm vụ và buông lời thách thức.

Lúc đó, vợ Hải cũng đến khuyên nhưng không được.

Hải bất ngờ lao tới đấm vào mặt anh Bùi Phước Thành, cán bộ Công an phường Cái Khế. Đồng thời, đối tượng còn chụp lấy tấm bảng tuyển nhân viên của một nhà hàng gần đó ném vào mặt anh Thành nhưng không trúng.

Lực lượng làm nhiệm vụ khống chế, đưa Hải về trụ sở lấy lời khai. Hải thừa nhận sáng cùng ngày đã nhậu với một số người bạn nên không làm chủ được bản thân.

HĐXX nhận định, trong thời điểm người dân cả nước ở nhà, hạn chế ra đường khi không cần thiết, nghiêm túc chấp hành giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, thì bị cáo lại đi uống rượu, không đeo khẩu trang.

Khi được nhắc nhở, bị cáo Hải còn có những lời lẽ xúc phạm và đánh lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bị cáo đã biết ăn năn hối hận về hành vi của mình.

HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Hải 9 tháng tù.

Nguồn : vietnamnet.vn

Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao, đề xuất cách ly xã hội thêm 1 tuần

Tại cuộc họp sáng nay, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 nêu đề xuất và lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương về phân loại các tỉnh, thành theo 3 nhóm nguy cơ để tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch.

Dựa trên đánh giá và theo dõi sát diễn biến dịch bệnh thời gian qua, đồng thời tham khảo dự báo, phân tích và đề xuất của các nhà khoa học, nhóm chuyên gia và thống nhất tiêu chí các ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (F0) là yếu tố quan trọng quyết định phân loại địa phương theo nhóm nguy cơ.

Cụ thể: Nhóm nguy cơ cao là các địa phương còn ca mắc tại cộng đồng trong vòng 14 ngày; Nhóm có nguy cơ là các địa phương có ca mắc tại cộng đồng trong khoảng thời gian từ 15 đến 28 ngày; Nhóm nguy cơ thấp là các địa phương trên 28 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng.

Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao, đề xuất cách ly xã hội thêm 1 tuần
Vạch kẻ cách xa nhau chạy dọc tuyến phố Yên Thái, Hà Nội.

Ngày 21/4, Thường trực Ban Chỉ đạo đã họp với các chuyên gia, các nhà khoa học; tổng hợp phân tích tất cả các biến số tác động vào vấn đề lây nhiễm để từ đó phân tích các yếu tố nguy cơ cho từng tỉnh. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo đã có văn bản xin ý kiến 28 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ theo Kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 và thống nhất đề xuất phân nhóm các địa phương như sau: Nhóm nguy cơ cao: Hà Nội; Nhóm nguy cơ: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang; Nhóm nguy cơ thấp: các địa phương còn lại.

Đối với nhóm nguy cơ cao, hiện chỉ còn Hà Nội, Ban chỉ đạo đề xuất tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4).

Tuy nhiên, xin Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND TP quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm có nguy cơ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.

UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ gồm công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này./.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã lấy ý kiến của 8 Bộ ngành và xin ý kiến của Bộ Tư pháp, tuy nhiên, qua diễn biến dịch bênh mấy ngày gần đây, Ban Chỉ đạo đề xuất sửa đổi một số nội dung so với dự thảo Chỉ thị đã trình liên quan tới việc tập trung đông người và yêu cầu khi tiếp xúc gần:

Đối với Nhóm nguy cơ cao: Vẫn giữ nguyên việc không tập trung quá 2 người; thực hiện giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

Đối với Nhóm có nguy cơ: Hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 10 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 20 người, khoảng cách tiếp xúc là 1m và khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.

Đối với Nhóm nguy cơ thấp: Hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 20 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 30 người hoặc nhiều hơn, khoảng cách tiếp xúc là 1m khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.

Nguồn : vietnamnet.vn

Kiến nghị cho taxi, xe khách hoạt động bình thường ở Hà Nội

Hiệp hội vận tải Hà Nội vừa kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép xe taxi có phù hiệu ‘Taxi Hà Nội’, xe tải, xe buýt, xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng… được hoạt động bình thường.

Văn bản do Phó chủ tịch Hiệp hội Bùi Danh Liên ký, gửi UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan.

Kiến nghị cho taxi, xe khách hoạt động bình thường ở Hà Nội
Hà Nội đề nghị cho hoạt động vận tải

Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị cho phép các loại xe chạy hợp đồng như: xe đưa đón công nhân, chuyên gia; đưa đón học sinh, xe buýt phục vụ khu đô thị… được hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, cho phép xe taxi có phù hiệu “Taxi Hà Nội” và xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động bình thường trong khu vực Hà Nội (không di chuyển sang địa phương khác); cho phép taxi tải và xe vận tải hàng hóa hoạt động bình thường (tránh địa bàn có ổ dịch đang cách ly).

Ngoài ra, cho phép xe buýt nội đô hoạt động với tần suất hợp lý để phục vụ học sinh, sinh viên, người lao động….

Đối với xe khách liên tỉnh tuyến cố định, Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị Sở GTVT Hà Nội giao nhiệm vụ cho các bến xe nghiên cứu đề xuất số lượng phương tiện, tần suất và cho các nhà xe đăng ký theo khung giờ nhất định.

Tất cả các phương tiện trên đều phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, thực hiện các biện pháp phòng dịch như khai báo y tế, đo thân nhiệt, giãn cách chỗ ngồi, khử khuẩn phương tiện và tránh ra vào các khu vực đang cách ly do Covid-19.

Nguồn : vietnamnet.vn

Chủ tịch Hà Nội: Sau 22/4 chắc chắn không gỡ hết lệnh giãn cách xã hội

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đến ngày 22/4, TP không có thêm ca nhiễm Covid-19 thì có thể hạ mức nguy cơ nhưng chắc chắn không gỡ hết lệnh giãn cách xã hội.

Phát biểu kết luận tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều tối 20/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhắc tới bài học chống dịch ở các nước. Ở Hokkaido (Nhật Bản) cách ly giống Việt Nam vào tháng 1-2, sau đó ngừng giãn cách xã hội và cho sinh hoạt  bình thường, cách đây 1 tuần thì phải phong tỏa chặt trở lại.

Không bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội

Đánh giá tình hình tại Việt Nam, Chủ tịch UBND TP phân tích có ca nhiễm quốc tịch Anh, khi ra viện tại Đà Nẵng thì âm tính, vào TP.HCM dương tính, rồi về đến Anh lại âm tính. Hay bệnh nhân 188 điều trị ở Hà Nam khi ra viện thì âm tính, về nhà ở Chương Mỹ mấy ngày lại dương tính, vào lại viện 2 ngày thì âm tính.

Chủ tịch Hà Nội: Sau 22/4 chắc chắn không gỡ hết lệnh giãn cách xã hội
Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội 1 tuần không có ca mới nhưng không thể chủ quan

Theo ông Chung, việc này không có gì lạ bởi trên thế giới cũng đã có. Ông cho hay, cho đến giờ phút này chưa có thuốc đặc trị chữa khỏi hoàn toàn.

Từ những thông tin trên, Chủ tịch Hà Nội cho rằng phải rút ra một điều là tất cả các trường hợp âm tính ra viện về nhà phải cách ly tiếp 14 ngày, khuyến khích các trường hợp này cách ly đến 30 ngày cho an toàn.

Ông Chung cho hay, sang ngày thứ 7 Hà Nội chưa phát hiện các ca dương tính mới. “Chúng ta làm chủ được tình hình dịch bệnh trên TP. Có những ổ dịch tiềm tàng lây nhiễm rất lớn nhưng chúng ta vượt qua được” – ông Chung bày tỏ.

Hà Nội và TP.HCM là những địa bàn nóng bỏng nhất, có ổ dịch lớn nhất, nếu đến ngày 22/4 trên địa bàn TP không phát hiện ca nhiễm nào thì có thể sẽ hạ mức cảnh báo.

Nhưng chắc chắn không có chuyện sẽ bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội mà sẽ được tiến hành từ từ.

Theo chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Ban cán sự Đảng UBND TP đang giao Văn phòng và Sở Y tế soạn  thảo, lấy ý kiến của Thường trực và Thường vụ Thành uỷ để ra chỉ thị hoặc kế hoạch thực hiện chỉ thị mới của Thủ tướng.

Chủ tịch TP cho biết: Chúng ta không thể chủ quan mà vẫn phải làm tốt công tác phòng, chống dịch, bởi việc ủ bệnh, lây nhiễm có thể kéo dài hơn 30 ngày.

Xử lý nghiêm cửa hàng không thiết yếu mở cửa

Ở Hàn Quốc vừa qua có xây dựng bộ tiêu chí cho từng nhà hàng, quán cà phê tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách là yếu tố bắt buộc, sinh hoạt tôn giáo, tụ tập đông người chắc chắn vẫn phải hạn chế một thời gian nữa chứ chưa thể quay lại bình thường như trước kia.

Chủ tịch Hà Nội: Sau 22/4 chắc chắn không gỡ hết lệnh giãn cách xã hội
Chủ tịch Hà Nội: Giãn cách xã hội mọi người ở trong nhà cũng bí bách nhưng cần khắc phục vì chính mình và xã hội.

Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng và TP.

“Dứt khoát các trường hợp bán hàng trở lại mà không thuộc nhóm hàng thiết yếu là phải phạt. Những người ra đường không đeo khẩu trang thì phải tiếp tục phạt để thực hiện nghiêm túc”, ông lưu ý.

Ông giao cho Sở Y tế và phòng y tế các quận huyện tiếp tục test nhanh tại chợ đầu mối Minh Khai và Phùng Khoang.

Hà Nội đã làm tốt việc xét nghiệm ở 5 chợ đầu mối. Qua kết quả này, có thể đánh giá ở các chợ, với lượng giao dịch, đi lại nhiều nhưng vẫn chưa phát hiện ca nghi ngờ, phần nào giảm bớt nguy cơ.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo không có ca nào dương tính không có nghĩa là đã có miễn dịch cộng đồng, đây mới là con số phần nào cho biết về nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng. Chỉ khi có 60-70% dân số trở lên có kháng thể trong cơ thể thì miễn dịch cộng đồng mới tốt, mới phòng ngừa được dịch.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra các cửa hàng, karaoke, mát xa, các loại hình hàng cấm không thuộc nhóm thiết yếu thì phải cấm triệt để.

Chủ tịch Hà Nội: Sau 22/4 chắc chắn không gỡ hết lệnh giãn cách xã hội

Ông cũng cảnh báo người dân về nguy cơ lây nhiễm Covid -19 khi tập thể dục nơi công cộng và nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu, thực hiện giãn cách xã hội mọi người ở trong nhà cũng bí bách nhưng chúng ta cần khắc phục vì chính mình và xã hội”.

Nguồn : vietnamnet.vn

Việt Nam sẵn sàng ‘sống chung an toàn’ với Covid-19

Các bộ, ngành khẩn trương bổ sung quy định để sẵn sàng “chung sống an toàn” với Covid-19, nhưng tuyệt đối không chủ quan.

Nội dung trên được đề cập trong cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), sáng 20/4.

Tập trung thảo luận về an toàn trong khám chữa bệnh, đi học, tham gia giao thông, du lịch…, các ý kiến trong Ban chỉ đạo cho rằng phải có sự điều chỉnh để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh; tận dụng thời cơ kiểm soát được tình hình để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm

Về khám chữa bệnh an toàn, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay hiện các cơ sở y tế đã thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, điều trị; trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho y bác sĩ; coi tất cả người đến khám đều có nguy cơ lây nhiễm…

Bộ Y tế đã lập 2 đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát các bệnh viện thuộc Bộ cũng như ở địa phương, chấn chỉnh ngay những trường hợp không tuân thủ đầy đủ yêu cầu về đảm bảo an toàn.

Công nhân sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại Công ty Dệt kim Đông Xuân. Ảnh: Cao Nam

Công nhân sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại Công ty Dệt kim Đông Xuân.

Với việc hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, Ban chỉ đạo nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Ông Hoàng Quốc Vượng –  Thứ trưởng Công Thương, nói việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để đơn vị khác tham khảo trước khi tổ chức sản xuất lại. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng quy trình hoạt động, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn.

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Công Thương “ra văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn”. Trong đó, đối với loại hình nhà máy, công xưởng cần hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón.

Nhiều ý kiến nêu thực tế các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do, người bán rong… sẽ gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm tuân thủ đầy đủ hướng dẫn, quy định an toàn khi hết cách ly xã hội. Do vậy, Bộ Lao động Thương binh Xã hội phải có quy định, hướng dẫn khung về đảm bảo an toàn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất cũng như hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do.

Các tỉnh, thành chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch đối với siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (ví dụ sửa xe máy, cắt tóc), lao động tự do, người bán hàng rong… trên địa bàn.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn về bảo đảm an toàn ở các công sở, văn phòng.

Thảo luận nội dung đi lại an toàn, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết Bộ sẽ rà soát lại các hướng dẫn trước đây trong lĩnh vực hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi…, cập nhật thêm các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát sự tuân thủ quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông, như: Lái xe phải đeo khẩu trang, chở đúng số lượng hành khách, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe… Hành khách cũng có thể phản ánh việc tuân thủ quy định phòng dịch trên phương tiện giao thông, bằng cách sử dụng phần mềm ứng dụng.

“Không chỉ tham gia giao thông mà đi học, làm việc, du lịch và khách sạn… đều có thể ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Về đi học an toàn, Thứ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết bên cạnh hướng dẫn đã được ban hành trước đây, Bộ sẽ phối hợp với ngành y tế bổ sung các biện pháp mới như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; chia nhỏ các lớp, học theo ca, bảo đảm khoảng cách an toàn cho học sinh trong lớp.

Bộ Giáo dục Đào tạo cũng ra hướng dẫn khung về chương trình, năm học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến.

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cho biết, hệ thống cơ sở y tế Việt Nam có công suất xét nghiệm tối đa 13.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. Các mẫu xét nghiệm này được tiến hành bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR (kỹ thuật sinh học phân tử). Cả nước có 111 cơ sở y tế đủ năng lực xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật này; trong đó 39 cơ sở được khẳng định kết quả.

Đến sáng 20/4, Việt Nam ghi nhận 268 người nhiễm nCoV; trong đó 202 người được chữa khỏi.

Nguồn : vnexpress

Bộ Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội, làm rõ việc mua sắm thiết bị

Chủ tịch Hà Nội cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã cho gọi một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ việc mua sắm thiết bị y tế.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội sáng nay, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả các đơn vị từ xã, phường đến quận, huyện phải rà soát lại trang thiết bị đã mua trong thời gian qua, đã dùng hết bao nhiêu, còn bao nhiêu. Đến chiều chủ nhật này, các đơn vị phải báo cáo về Ban chỉ đạo.

Ông Nguyễn Đức Chung giao Sở Y tế rà soát lại toàn bộ quá trình mua giai đoạn 1 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội và các BV.

“Kiểm tra, rà soát dùng những cái gì, còn cái gì, phải kiểm kê, thống kê, đưa vào kho quản lý, sau này khi nào cần thì dùng”, ông yêu cầu.

Bộ Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội, làm rõ việc mua sắm thiết bị
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu sáng nay

“Các BV và các trung tâm y tế tuyệt đối không được dùng các trang thiết bị này phục vụ cho công tác khám chữa bệnh thông thường. Những thiết bị này chỉ phục vụ cho dịch bệnh”, ông Chung nhấn mạnh.

Ông yêu cầu Sở Y tế phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Ban thường vụ Thành uỷ là mua sắm tập trung, không được phân cấp ngân sách về cho các phòng y tế quận, huyện cũng như BV, mà phải mua sắm cho vào trong kho, sau này có thủ kho quản lý và xuất kho cho công tác phòng chống dịch.

Theo Chủ tịch Hà Nội, Ban chỉ đạo rất sát sao đôn đốc để đảm bảo chất lượng, số lượng các trang thiết bị y tế. Hà Nội cũng chỉ đạo Công an TP và Sở Công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá.

Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu vi phạm và không loại trừ có những sai sót của các đơn vị mua sắm của CDC Hà Nội và các đơn vị.

“Hiện nay C03 của Bộ Công an đã gọi một số cán bộ của CDC Hà Nội trong việc mua sắm máy xét nghiệm, một số tỉnh thành khác cũng liên quan.

Quan điểm của Thường trực Thành uỷ, Bí thư Thành uỷ và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào.

Đối với dịch bệnh này mà lại có hành vi như vậy thì phải là tình tiết tăng nặng”, ông Chung nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 15/4, Chủ tịch Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện được phân bổ ngân sách thì chủ động rà soát lại toàn bộ kết quả việc mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát, không để tiêu cực xảy ra.

“Nếu chúng ta để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này thì rất mang tiếng, không chỉ mang tiếng với người dân, mà còn có tội.

Người dân, DN, bản thân cán bộ, công chức, viên chức còn góp 1 ngày lương để ủng hộ cho mặt trận này, chúng ta được giao nhiện vụ này mà có biểu hiện, việc làm móc ngoặc, nâng khống giá lên để tham ô, tham nhũng thì không chỉ mang tiếng với địa bàn TP, cả nước mà cả cộng đồng quốc tế”, ông Chung nhấn mạnh.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với Ban chỉ đạo của TP mới đây cũng cảnh báo, tiêu cực xà xẻo trong phòng chống dịch Covid-19 là có tội, phải xử lý nghiêm.

“Đồng bào, doanh nghiệp đang khó khăn mà lại sách nhiễu, gây khó khăn, cán bộ tiêu cực nữa. Phải tăng cường công tác kiểm tra. Tôi tin không có đồng chí nào nghĩ như thế đâu, nhưng cũng phải cảnh báo, cảnh tỉnh, cũng phải thanh tra kiểm tra. Nếu có vi phạm thì phải phát hiện kịp thời xử lý nghiêm theo tình tiết tăng nặng…”, ông Huệ nói.

Nguồn : vietnamnet.vn

Việt Nam đưa du khách Anh về nước và đón người Việt gặp khó khăn

Sáng nay, Việt Nam đón một số công dân có hoàn cảnh khó khăn ở Anh về nước, hạ cánh tại sân bay Vân Đồn.

Ngày 13/4, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đưa khoảng 100 công dân Anh đi du lịch “mắc kẹt” tại Việt Nam và Campuchia do ảnh hưởng của dịch Covid-19 về nước trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Trong số đó, có một số người nhiễm Covid-19 đã được Việt Nam điều trị khỏi bệnh.

Đây cũng là chuyến bay vận chuyển số khẩu trang là quà tặng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tới Chính phủ và nhân dân Anh.

Trên chuyến bay trở lại, các cơ quan liên quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và  Vietnam Airlines đã đưa một số công dân Việt Nam từ Anh về nước.

Đây là những học sinh dưới 18 tuổi, người cao tuổi và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước. Hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn sáng nay, những người này sẽ được cách ly và giám sát y tế theo đúng quy định.

Các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam đã và đang rà soát, đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam đang ở nước ngoài về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, ưu tiên trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.

Nguồn : vietnamnet.vn

24 tỉnh thành đề nghị tiếp tục cách ly xã hội hết tháng 4

24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4. 3 địa phương đề nghị tiếp tục giãn cách ít nhất 1 tuần nữa.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng nay nhận được báo cáo của 58 tỉnh, thành đề xuất phương án giãn cách xã hội sau ngày 15/4.

Trong số này, 24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4; 3 địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ít nhất 1 tuần nữa; 2 tỉnh đề nghị giãn cách xã hội đến khi không còn ca bệnh lây nhiễm thứ phát; 3 tỉnh đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh và 3 tỉnh đề nghị bỏ giãn cách xã hội đối với một số tỉnh chưa có dịch bệnh.

7 tiêu chí

Trên cơ sở thảo luận và phân tích các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến lây nhiễm, Ban chỉ đạo và các chuyên gia đi đến thống nhất, việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn; cần tiếp tục thực hiện ở các địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao. Các địa phương khác được thực hiện ở mức độ nới lỏng một số biện pháp.

24 tỉnh thành đề nghị tiếp tục cách ly xã hội hết tháng 4
Ở nhà gọi điện, người dân Đà Nẵng được ship giấy tờ hành chính đến tận nhà.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thống nhất việc áp dụng các tiêu chí phân loại các tỉnh, dựa trên các phân tích dịch tễ học, các yếu tố tác động đến tình hình dịch, khả năng ứng phó, các đặc điểm về dân số; giao thông đi lại; có nhiều người nước ngoài đã từng đến.

7 tiêu chí gồm: Tỉnh có các trường hợp nhiễm đặc biệt là nhiễm mới; đầu mối giao thông, đi lại; tỉnh có biên giới, cảng hàng không, có nhiều người qua lại biên giới; tỉnh có nhiều người nước ngoài đã đến du lịch, cư trú trong hai tháng qua; tỉnh có các khu công nghiệp, các nhà máy có đông công nhân; tỉnh có dân số đông; Các đáp ứng về phòng chống dịch; mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế; khả năng xét nghiệm; năng lực của đội ngũ cán bộ.

Ban chỉ đạo và các chuyên gia cũng thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn và kiến nghị các giải pháp tiếp tục thực hiện phải được thực hiện ở tất cả các địa phương theo chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Ban chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương quyết định việc thực hiện có thể kéo dài nhưng không vượt quá ngày 1/5.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh.

Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh

Theo Ban chỉ đạo, việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn. Vì vậy, tất cả các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quan trọng đang triển khai như: hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác trên 2m.

Cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu… cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị (đại hội Đảng các cấp hoặc các cuộc họp, sự kiện chính trị quan trọng) do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định, những người tham gia phải được giám sát y tế 14 ngày không được tiếp xúc với nguồn bệnh, hoặc đi từ vùng có dịch; có điều kiện thực hiện xét nghiệm cho những người tham gia; thực hiện việc dãn cách trong hội trường; đeo khẩu trang; sát trùng tay; không nghỉ giải lao; không tổ chức ăn uống; mở cửa thông thoáng phòng họp…

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội.

Phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo quốc gia.

Nguồn : vietnamnet.vn

Hà Nội đề xuất kéo dài cách ly xã hội tới ngày 30/4

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP đề xuất với Thủ tướng kéo dài thời gian thực hiện chỉ thị số 16 tới ngày 30/4.

h giá 2 tuần thực hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chỉ thị số 16 của Thủ tướng và chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Thành uỷ về phòng chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo của TP, tới nay Hà Nội có 113 ca mắc (51 trường hợp đã khỏi, ra viện và 62 đang điều trị). Trong đó, 40 ca phát hiện tại sân bay, khu cách ly tập trung và 73 ca phát hiện tại cộng đồng (đều liên quan tới BV Bạch Mai).

Hà Nội đề xuất kéo dài cách ly xã hội tới ngày 30/4
Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian cách ly xã hội tới ngày 30/4.

Khi phát hiện ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), Hà Nội nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, rà soát những người liên quan, tổ chức xét nghiệm sàng lọc và phối hợp thông tin với các địa phương, tổ chức để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Đồng thời TP tổ chức xử lý phòng chống dịch tại BV Thận Hà Nội và xác minh các trường hợp F1 liên quan tới bệnh nhân mới nhất ở thôn Đông Cữu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín.

Nhiều ý kiến trong Ban Thường vụ Thành uỷ đánh giá các sở, ban, ngành, quận, huyện và các cơ quan, tổ chức triển khai quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời chỉ thị số 31 với phương châm “4 tại chỗ”.

Theo đó, có 14 quận, huyện tiếp tục ban hành chỉ thị riêng, còn lại là ban hành kế hoạch triển khai chỉ thị 31; hệ thống chính trị cơ sở phát huy được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên từng địa bàn; công tác thông tin tuyên truyền minh bạch, kip thời; tuyệt đại đa số nhân dân Thủ đô tự giác thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng và của Thành uỷ, UBND TP.

Qua 2 tuần, Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt, khá chủ động, ngăn chặn lây lan virus SAR-COV-2 trong cộng đồng. Các hoạt động kinh tế theo chỉ thị số 16 vẫn được duy trì, hàng hoá, giá cả, trật tự an toàn, an ninh xã hội cơ bản ổn định, các phong trào xã hội được nhân rộng…

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở phát huy mạnh mẽ hơn vai trò trong phòng, chống dịch bệnh khi một số nơi vẫn còn hạn chế; người dân có biểu hiện chủ quan, không thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội trong những ngày gầy đây; xuất hiện tình trạng phức tạp về an ninh trật tự như đua xe, nổ súng…

Triển khai gói hỗ trợ công khai minh bạch

Trước diễn biến dịch Covid-19 có biểu hiện phức tạp hơn như thời gian ủ bệnh lâu (trên 30 ngày), tái phát bệnh sau khi khỏi và còn hàng nghìn trường hợp xét nghiệp sàng lọc chưa có kết quả cuối cùng, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đồng ý với kiến nghị của Ban chỉ đạo TP trình Thủ tướng cho phép Hà Nội tiếp tục kéo dài việc thực hiện chỉ thị số 16 trên địa bàn.

Thống nhất với các ý kiến của Ban Thường vụ Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo của TP đề xuất với Thủ tướng kéo dài thời gian thực hiện chỉ thị số 16 tới ngày 30/4.

Bí thư Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục duy trì sự thông suốt của các hệ thống chính trị, không thể đình trệ để bảo đảm các công tác khác của TP; tiếp tục bảo đảm công tác khám chữa bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh được phép theo chỉ thị 16 của Thủ tướng trên cơ sở tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và hoạt động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp (do chính quyền, các hiệp hội ngành hàng thống nhất ban hành), có giám sát thường xuyên.

Nguồn : vietnamnet.vn

 

1 năm tù cho người không đeo khẩu trang, đập vỡ điện thoại công an

Khi bị nhắc nhở không đeo khẩu trang, đối tượng không chấp hành, có thái độ thách thức, đập phá điện thoại, ngăn cản lực chức năng tỉnh Bắc Ninh.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh, TAND huyện Yên Phong chiều qua mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Chống người thi hành công vụ” đối với bị cáo Nguyễn Văn Quýnh (SN 1986, trú tại thôn Thiểm Xuyên, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong).

Theo cáo trạng của VKSND huyện, khoảng 13h ngày 7/4, Quýnh đi xe máy từ thôn Thiểm Xuyên qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được lập tại khu vực sân bóng thôn (chốt số 2) để sang thôn Ấp Đồn, xã Yên Trung chơi với bạn.

Dù lúc này trong túi áo Quýnh có 1 chiếc khẩu trang nhưng Quýnh không đeo nên đã bị lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt nhắc nhở về việc phải đeo khẩu trang theo quy định và cho Quýnh qua chốt.

1 năm tù cho người không đeo khẩu trang, đập vỡ điện thoại công an
Toàn cảnh phiên tòa

Sau đó, Quýnh đến phòng trọ của anh Nguyễn Văn Phú (SN 1992) ở cùng thôn chơi và ăn uống. Ăn uống xong, Phú điều khiển xe chở Quýnh về thôn Thiểm Xuyên qua đường khác.

Đến khoảng 15h50 cùng ngày, Quýnh lại đi xe máy chở anh Phú đi qua chốt kiểm soát số 2 về nhà trọ ở thôn Ấp Đồn. Do Quýnh và anh Phú đều không đeo khẩu trang nên tổ công tác yêu cầu đeo khẩu trang thì mới cho qua chốt. Bị nhắc nhở, Quýnh không chấp hành và văng tục rồi vòng xe quay lại và đi theo đường khác sang thôn Ấp Đồn.

Khoảng 16h45 cùng ngày, Quýnh điều khiển xe một mình từ thôn Ấp Đồn đi qua chốt kiểm soát số 2 để về thôn Thiểm Xuyên. Khi đi qua chốt, do Quýnh không đeo khẩu trang theo quy định nên lực lượng làm nhiệm vụ đã nhắc nhở và yêu cầu đeo khẩu trang. Quýnh tiếp tục không chấp hành và nói lý do có khẩu trang bị rách.

Lúc này, bà Nguyễn Thị Thư (cán bộ y tế thôn, thành viên tổ kiểm soát) đưa cho Quýnh 1 chiếc khẩu trang y tế và bảo đeo vào rồi đi về nhưng Quýnh không cầm và tiếp tục văng tục.

Khi một số thành viên khác của tổ kiểm soát số 2 giải thích quy định thì bị Quýnh chửi bậy, xúc phạm. Phó trưởng Công an xã Thụy Hòa Nguyễn Văn Đức (Tổ phó tổ kiểm soát, làm nhiệm vụ tại chốt) sử dụng điện thoại của mình để quay lại hành vi chống đối của Quýnh. Quýnh chửi anh Đức và giật chiếc điện thoại ném xuống đất làm vỡ màn hình, không thể khắc phục được.

1 năm tù cho người không đeo khẩu trang, đập vỡ điện thoại công an
Đối tượng Nguyễn Văn Quýnh

Tại bản kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Yên Phong kết luận: “Giá trị thiệt hại của chiếc màn hình điện thoại di động bị hư hỏng là 4.853.000 đồng”. Ngày 12/4, anh Nguyễn Hồng Quân (anh trai Quýnh) đã bồi thường cho anh Nguyễn Văn Đức số tiền 5,5 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Quýnh có nhân thân xấu, ngày 5/2/2018 từng bị công an huyện Yên Phong xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh nhau. Ngoài ra, Quýnh còn có 1 tiền sự, bị công an huyện xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, mức phạt 3,5 triệu đồng, đến nay vẫn chưa nộp tiền phạt.

Tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Xét thấy hành vi là nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Hội đồng xét xử tuyên Nguyễn Văn Quýnh phạm tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1, điều 330 bộ luật Hình sự, hình phạt 12 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 7/4.

Phiên toà được phát trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của huyện để toàn thể nhân dân theo dõi, qua đó giáo dục riêng và phòng ngừa chung, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nguồn : vietnamnet.vn

Thanh niên người Đức trốn cách ly từ Thanh Hóa ra Hà Nội

Theo Công an TP Hà Nội, chiều tối qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hoá đã có thông báo tìm kiếm 1 người Đức tên là Gecken Stefan (SN 1990) bỏ trốn khỏi khu cách ly Covid-19 vào đêm 12/4.

Trước khi được cách ly tại Thanh Hoá, từ ngày 8-9/3, trường hợp này di chuyển từ Hà Nội đến Đà Nẵng và ở lại đến ngày 5/4. Từ ngày 5-6/4, người này đến Thanh Hoá và được cách ly tại Trung tâm hội nghị Hàm Rồng, theo quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thanh niên người Đức trốn cách ly từ Thanh Hóa ra Hà Nội
Khu vực cách ly tập trung số 1 của TP Thanh Hóa tại Trung tâm hội nghị Hàm Rồng

Trong quá trình cách ly, Gecken Stefan được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần và cả 2 lần (ngày 6/4 và ngày 11/4) đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Theo quy định, Gecken Stefan vẫn phải tiếp tục cách ly đến hết ngày 20/4. Tuy nhiên, tới tối 12/4, Gecken Stefan đã bỏ trốn khỏi khu cách ly.

Qua rà soát, cơ quan chức năng xác định Gecken Stefan đã mua vé tàu qua mạng Internet và đi chuyến tàu SE4 từ ga Thanh Hóa (lúc 2h41 ngày 13/4) đến ga Hà Nội (lúc 5h50 cùng ngày).

Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Thanh Hoá đã yêu cầu Ban chỉ huy quản lý điều hành khu cách ly kiểm điểm, giải trình và chấn chỉnh công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự tại khu cách ly.

TP Thanh Hoá cũng đã có văn bản báo cáo và đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh thông báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội để phối hợp tiến hành cách ly theo quy định.

Đêm qua, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hà Nội phối hợp Công an quận Hoàn Kiếm, Công an phường Hàng Gai đã rà soát, phát hiện thanh niên người Đức. Hiện thanh niên này đã được bàn giao cho cơ quan y tế để giải quyết theo quy định.

Nguồn : vietnamnet.vn