UBND xã có được thu hồi đất khi chưa có sổ đỏ không?

Câu hỏi: Chào luật sư, nhà tôi có thửa đất ở từ năm 1980 đến năm 2005 thì UBND xã lấy lại mà không có quyết định hay giấy tờ gì cả. Đồng thời trong thời điểm này thì gia đình tôi được nhà nước trao tặng nhà tình nghĩa, lúc này nhà được xây dựng trên phần đất khác. Tôi có hỏi về việc lý do lấy lại đất của tôi thì được thì được UBND xã đáp là: đất đổi đất, tôi đã lấy đất bên đây để xây dựng nhà ở nên phần đất này được lấy lại là đất công. Tôi muốn hỏi việc UBND làm như vậy có đúng quy định pháp luật không. Đất tôi ở không có tranh chấp gì với ai. Xin cảm ơn luật sư rất nhiều.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành. Sau khi xem xét vấn đề bạn đưa ra, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, Chúng tôi xin giải đáp vấn đề của bạn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Luật Đất đai năm 2013.

  1. Luật sư tư vấn:

Với mảnh đất này của gia đình bạn thì bạn chưa nhắc tới việc gia đình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa, nếu chưa thì cần căn cứ vào các điều kiện để xác định có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không để có được quyền sở hữu đối với mảnh đất trên. Các điều kiện để gia đình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có giấy tờ gì về đất đai được quy định trong Luật đất đai năm 2013 như sau:

Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

  1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
  2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Theo quy định trên nếu gia đình bạn có đủ các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi thu hồi phải thực hiện theo quy định tại Điều 66 Luật đất đai năm 2013 về thẩm quyền thu hồi đất như sau:

Điều 66. Thẩm quyền thu hồi đất

  1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

     a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

     b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

     2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

     a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

     b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

     3. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Như vậy, với trường hợp của bạn thì khi thu hồi đất phải có quyết định thu hồi đất của UBND huyện và phải có quyết định cụ thể bằng văn bản. Và lý do mà đất đổi đất mà UBND xã trả lời thì cũng cần có quyết định đổi đất. Nếu trường hợp UBND xã không cung cấp được hoặc không phản hồi lại bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Trịnh Thị Phương
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Quyền nuôi con khi mẹ chưa có việc làm ổn định?

Công việc làm của hai vợ chồng là một trong những yếu tố mà tòa án cần phải xem xét, phân tích để đưa ra phán quyết bên nào có quyền nuôi con khi tiến hành thủ tục ly hôn tại tòa án. Đương nhiên, ngoài ra tòa án còn xem xét nhiều yếu tố pháp lý khác, Luật Hiệp Thành phân tích cụ thể:

Câu hỏi khách hàng:

Xin chào luật sư, Chị tôi lấy chồng được hơn 1 năm và có 1 cháu gần 2 tháng tuổi. Khi chị lấy chồng chị không có việc làm và gần đây mẹ chồng về ở chung (gia đình chồng không có nhà riêng, đang ở nhà trọ) để dự tính là chăm cháu cho chị đi làm. Cuộc sống của chị có nhiều bế tắc, chồng và mẹ chồng hay có những lời nói xỏ xiên, nặng nề khiến chỉị bị áp lực tâm lý mà muốn ly hôn.

Chồng chị có công ty riêng, nhưng thực chất nhân sự chỉ có vài người , 1 hay 2 hay 3 người gì đó, làm ăn cũng không ổn định đại loại là lúc có tiền nhưng lúc chẳng có đồng nào, chồng chị cũng hay ăn nhậu xởi lởi nên cũng không có khoản tiền tiết kiệm nào và đang còn nợ khoảng nợ 200 triệu do vay mượn lập nghiệp (khoản vay trước khi cưới chị). Tôi hiện đang là sinh viên năm cuối và vài tháng nữa sẽ ra trường đi làm, tôi muốn chị về với tôi 2 chị em ở trọ với nhau.Tôi được biết con dưới 3 tuổi thì khi ly hôn ở với mẹ.

Vậy nếu ly hôn trong thời gian đó chị tôi có được nuôi con không trong khi chị chưa có việc làm? Giả sử lúc đó tôi có việc làm với mức lương bao nhiêu thì chị có thể về ở với tôi bao gồm cả cháu. Chị đã nhập hộ khẩu vào gia đình chồng, hộ khẩu ở Thanh Hóa nhưng gia đình chị đang sống và làm việc ở Đồng Nai, còn hộ khẩu gia đình tôi ở Gia Lai, như vậy: tòa án nào sẽ là nơi giải quyết: Gia Lai, Đồng Nai hay Thanh Hóa? Chị tôi phải có gì để ly hôn có được con? nếu trước khi con chỉ 3 tuổi tôi có thu nhập ổn định khoảng 7 triệu /tháng chẳng hạn thì tòa có thể để cho chị và con về ở với tôi được không?

Nếu chị ly dị khi con chưa đến 3 tuổi thì con sẽ ở với mẹ mà không xét thêm điều kiện nào khác phải không hay tòa không giải quyết vì chị tôi chưa có việc làm. Vì tôi phải chờ thêm vài tháng nữa mới đi làm cho có thu nhập để lo cho chị và cháu nên chị tôi vẫn chưa thể li hôn ngay. Vậy nếu li hôn khi nào thích hợp để cháu tôi chưa đầy 3 tuổi mà tôi vẫn có thời gian để chuẩn bị, vì tôi sợ thủ tục rườm rà đến khi cháu tôi 3 tuổi thì muộn mất. Vì hoàn cảnh gia đình mẹ tôi đi làm ăn xa và cũng đang lâm bệnh, ba tôi là người chồng gia trưởng và vũ phu, sắp tới em tôi vào ĐH thì ba tôi dẫn vợ mới và con riêng về, nên giờ chỉ có chị em tôi chăm sóc nhau, nếu li dị chị tôi không thể về nhà ở với ba được, vì từ khi mẹ tôi ra đi ba tôi không chu cấp gì nữa cả, chúng tôi tự lo cho nhau. Tôi đang học ở TPHCM, em tôi đang ở Gia Lai, chị tôi đang sống với gia đình chồng ở Đồng Nai.

Tôi sợ để lâu rồi có ngày anh rể tôi biến thành ba tôi hoàn toàn thì nguy. anh rể tôi còn nói li hôn chị tôi đưng hòng có con và hay cố tình nói người này người kia đẹp cưới về làm vợ và đại loại những vấn đề khác rất không hiểu nổi. Chị tôi cảm thấy sợ và áp lực từng ngày trong khi chỉ mới sinh con có 2 tháng. Và nếu tôi sử dụng dịch vụ tư vấn hôn nhân thì phí sẽ là bao nhiêu, tôi chỉ có 1 giấy xác nhận gia đình khó khăn khi vào đại học năm nhất, vậy tôi sẽ cần phải chuẩn bị chi phí khoảng bao nhiêu để có thể nhờ luật sư tư vấn?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Hiệp Thành. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư tư vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

– Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014;

– Nghị quyết 02/2000 của HĐTP TANDTC Hướng dẫn luật hôn nhân gia đình.

  1. Luật sư tư vấn:

Sau khi nghiên cứu về trường hợp của bạn. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến nhận định như sau:

Thứ nhất là bạn hỏi vè việc ly hôn của chị bạn và việc chị bạn có được quyền nuôi con không?

Chị bạn muốn ly hôn. Trường hợp này của chị bạn là ly hôn đơn phương và theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

  1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
  2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
  3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”

Theo quy định tại khoản 8 Nghị quyết 02/2000 của HĐTP TANDTC Hướng dẫn luật hôn nhân gia đình

“a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.”

Như vậy nếu chồng của chị ấy thường xuyên có lời lẽ xở xiên xúc phạm chị ấy không quan tâm đến gia đình khiến chị bạ bị áp lực thì chị bạn có quyền được yêu càu tòa án giải quyết cho ly hôn đơn phương. Vì con của chi bạn mới được hai tháng tuổi nên chị bạn sẽ được quyền nuôi con tuy nhiên cũng sẽ rất khó vì chị bạn chưa có việc làm nên trong trường hợp nếu có tranh chấp về quyền nuôi con thi sẽ do tòa án quyết định tòa căn cứ vào điềukiện của hai bên và việc bên nào có thể chăm sóc tốt nhất cho quyền lợi của cháu bé thì tòa sẽ giao cho người đó nuôi. Tuy nhiên con chị bạn mới được hai tháng tuổi nên khả năng rất cao là chị bạn sẽ được quyền nuôi chỉ cần chị bạn cam kết đảm baordduwoscj cho cuộc sống của cháu bé. vì thực tế tầm độ 2 tháng tuổi như con của chị bạn thì không thể xa mẹ được

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

  1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
  2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Thứ hai Bạn hỏi nếu trước khi con chỉ 3 tuổi tôi có thu nhập ổn định khoảng 7 triệu /tháng chẳng hạn thì tòa có thể để cho chị và con về ở với tôi được không?

Khi chị bạn ly hôn thì bạn hoàn toàn có quyền được đón chị về ở cùng với mình. Tuy nhiên nếu khi chuyển về Tỉnh / Thành phố khác nơi đăng ký thường trú thì chị bạn phải làm thủ tục tạm trú còn nếu chị ban có đủ điều kiện để được đăng ký thường trú theo quy định của Tỉnh đó thì chị bạn hoàn toàn có quyền được đăng ký thường trú. Còn về việc bạn hỏi vấn đề tiền lương bạn được bao nhiêu triệu một tháng thì được quyền đón chị bạn và cháy vè nuôi thì nếu như có giành quyền nuôi con thì pháp luật cũng chỉ căn cứ vào thu nhập của chị bạn nên sẽ không căn cứ vào thu nhập của bạn. Bạn hỏi là thời điểm nào thích hợp để ly hôn và giành được quyền nuôi con. Thì tốt nhất chị bạn nên ly hôn càng sớm càng tốt. Thêm vào đó trong thời gian này chị bạn nên cố gắng tìm một công việc nào đó để đi làm để đảm bảo khi tòa ra quyết định nuôi con thì thời điểm đó chị bạn đã có công việc ổn định rồi nên tòa sẽ giao con cho chị bạn

Thứ ba là tòa án nào có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn?

Vì chồng của chị ý đang sống và làm việc tại Đồng nai thì chị ý sẽ gửi đơn cho tòa án Đồng Nai để được giải quyết theo quy định tại khoản 1a Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011:

“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

  1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
  2. a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
  3. b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
  4. c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hiệp Thành về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Có thể làm giấy khai sinh cho con mang họ cha khi chưa có giấy đăng ký kết hôn ?

Xin chào luật sư, tôi có câu hỏi này cần sự tư vấn của luật sư ạ. Hiện tại tôi mới lập gia đình. Tuy nhiên chúng tôi chưa đăng ký kết hôn được vì vợ tôi chưa đủ tuổi. 2 gia đình đã tổ chức đám cưới vì vợ tôi có bầu. chúng tôi đã dọn về sống chung với nhau. Còn khoảng 1 tháng nữa vợ tôi sinh nên tôi muốn hỏi, con tôi có được làm giấy khai sinh không khi bố mẹ chưa có giấy đăng ký kết hôn? Và nếu như làm được giấy khai sinh cho con thì tên của tôi có được thể hiện trong giấy khai sinh của con không ? và con có thể mang họ của tôi không ? Rất mong sớm nhận được câu trả lời của luật sư ?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Luật Hiệp Thành. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý: 

Luật Hộ tịch năm 2014

Nghị định 123/2015/NĐ-CP

  1. Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, theo quy định của Điều 15, Luật Hộ tịch năm 2014 về trách nhiệm đăng ký khai sinh thì:

“ Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.

Do vậy, pháp luật quy định khi con bạn sinh ra thì trong thời hạn 60 ngày gia đình bạn có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Theo thông tin bạn cung cấp thì vợ chồng bạn chưa đăng ký kết hôn, việc không đăng ký kết hôn không ảnh hưởng gì đến việc đăng ký khai sinh cho con. Việc được đăng ký khai sinhh là quyền của trẻ, cơ quan có thẩm quyền không được từ chối việc đăng ký khai sinh cho con bạn trong trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu bạn chưa có đăng ký kết hôn thì cán bộ Hộ tịch không thể ghi thông tin của chồng bạn vào mục thông tin của cha được vì chưa có cơ sở xác nhận mới quan hệ cha con. trong trường hợp này nếu đăng ký khai sinh cho con sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 15, Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch 2014 :

“Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
  2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
  3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này”.

Do vậy, nếu muốn ghi tên cha trên giấy khai sinh của con bạn thì bạn phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014. Trường hợp muốn kết hợp 2 thủ tục này một lúc thì vẫn được giải quyết theo quy định của luật.

Điều 12 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con. Hồ sơ gồm:

– Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định.

– Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh.

– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng