Trình tự, thủ tục khi bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư. Em có câu hỏi muốn được nhờ Luật sư tư vấn như sau: Bố em được UBND huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003, nay do cũng tuổi cao, sức yếu nên muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện tại đang ở cho em, em là con một trong nhà. Nay em cần phải làm những gì để hoàn thiện thủ tục nêu trên? (Đỗ Quyên – Thái Nguyên)

Trả lời:

Cảm ơn bản đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hiệp Thành. Luật sư Nguyễn Duy Minh thuộc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành xin được tư vấn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Luật Đất đai 2013;

Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung 2013;

Nghị định 45/2011/NĐ-CP Quy định các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ.

  1. Nội dung tư vấn:
  • Về điều kiện tặng cho quyền sử dụng đất:

Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định về điều kiện taặng cho quyền

sử dụng đất của người sử dụng đất như sau:

     “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

     a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

     b) Đất không có tranh chấp;

     c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

     d) Trong thời hạn sử dụng đất…”.

Theo đó, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp; đất không có tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất thì được quyền tặng cho người khác.

Như vậy, nếu bố mẹ của bạn đang đứng tên mảnh đất đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì hoàn toàn có quyền tặng cho bạn tại thời điểm này.

  • Về trình tự, thủ tục thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất.

Như vậy, để thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất thì bố mẹ và bạn phải thực hiện các bước sau đây.

Thứ nhấtLập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải đi công chứng, chứng thực tại nơi có đất.

Theo quy định tại điểm a, d khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:

     “a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này

     d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã”.

Bên tặng cho quyền sử dụng đất:

– CMND ; hộ khẩu của cả hai vợ chồng.

– Chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn) hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn).

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyển sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ).

Bên nhận tặng cho quyền sử dụng đất:

– CMND và hộ khẩu của cả hai vợ chồng.

– Chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn) hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn).

Theo đó, khi thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất thì bố mẹ và bạn phải lập hợp đồng tặng cho bằng văn bản và phải mang đi công chứng tại địa bàn Hà Nội.

Thứ haiThủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất.

Hồ sơ đăng kí sang tên.

Sau khi có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được công chứng/chứng thực thì bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên bạn tại văn phòng đăng ký đất đai, hồ sơ bao gồm:

– Đơn đăng kí biến động quyền sử dụng đất

– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

– Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn/ giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân.

Nghĩa vụ thuế, lệ phí trước bạ:

Khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung 2013 thì: “Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau” là thu nhập được miễn thuế. Do vậy, khi tiến hành thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố mẹ bạn sang cho bạn thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Khoản 10 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP Quy định các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ: “Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu”. Do vậy, nếu bạn thuộc trường hợp bố mẹ tặng cho bạn quyền sử dụng đất lần đầu  thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ.

Như vậy, khi bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho bạn sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Và nếu việc tặng cho của bố  mẹ cho bạn lần đầu thì được miễn lệ phí trước bạ khi sang tên quyền sử dụng đất.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Duy Minh
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Có thể làm giấy khai sinh cho con mang họ cha khi chưa có giấy đăng ký kết hôn ?

Xin chào luật sư, tôi có câu hỏi này cần sự tư vấn của luật sư ạ. Hiện tại tôi mới lập gia đình. Tuy nhiên chúng tôi chưa đăng ký kết hôn được vì vợ tôi chưa đủ tuổi. 2 gia đình đã tổ chức đám cưới vì vợ tôi có bầu. chúng tôi đã dọn về sống chung với nhau. Còn khoảng 1 tháng nữa vợ tôi sinh nên tôi muốn hỏi, con tôi có được làm giấy khai sinh không khi bố mẹ chưa có giấy đăng ký kết hôn? Và nếu như làm được giấy khai sinh cho con thì tên của tôi có được thể hiện trong giấy khai sinh của con không ? và con có thể mang họ của tôi không ? Rất mong sớm nhận được câu trả lời của luật sư ?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Luật Hiệp Thành. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý: 

Luật Hộ tịch năm 2014

Nghị định 123/2015/NĐ-CP

  1. Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, theo quy định của Điều 15, Luật Hộ tịch năm 2014 về trách nhiệm đăng ký khai sinh thì:

“ Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.

Do vậy, pháp luật quy định khi con bạn sinh ra thì trong thời hạn 60 ngày gia đình bạn có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Theo thông tin bạn cung cấp thì vợ chồng bạn chưa đăng ký kết hôn, việc không đăng ký kết hôn không ảnh hưởng gì đến việc đăng ký khai sinh cho con. Việc được đăng ký khai sinhh là quyền của trẻ, cơ quan có thẩm quyền không được từ chối việc đăng ký khai sinh cho con bạn trong trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu bạn chưa có đăng ký kết hôn thì cán bộ Hộ tịch không thể ghi thông tin của chồng bạn vào mục thông tin của cha được vì chưa có cơ sở xác nhận mới quan hệ cha con. trong trường hợp này nếu đăng ký khai sinh cho con sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 15, Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch 2014 :

“Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
  2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
  3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này”.

Do vậy, nếu muốn ghi tên cha trên giấy khai sinh của con bạn thì bạn phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014. Trường hợp muốn kết hợp 2 thủ tục này một lúc thì vẫn được giải quyết theo quy định của luật.

Điều 12 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con. Hồ sơ gồm:

– Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định.

– Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh.

– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Đổi họ cho con sau ly hôn có cần người cha đồng ý?

Luật Hiệp Thành đưa ra tư vấn về vấn đề Quy định về: Thay đổi họ cho con khi cha vắng mặt

Câu hỏi khách hàng:

Vợ chồng chúng tôi đã ly hôn. Hiện nay tôi nuôi 2 con chung,1 cháu 2 tuổi và 1 cháu 8 tuổi. Sau ly hôn chồng tôi cũng bỏ đi biệt tích, không khi nào cấp dưỡng cho con . Vậy tôi muốn làm thủ tục đổi họ cho 2 con sang họ mẹ thì có được không ạ?

Chân thành cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật sư Hiệp Thành. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư tư vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

– Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015;

– Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014;

– Nghị định 123/2015/NĐ-CP nghị định hướng dẫn luật Hộ tịch năm 2014

  1. Luật sư tư vấn:

Sau khi nghiên cứu về trường hợp của bạn. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến nhận định như sau:

Theo Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ tên trong các trường hợp sau: Việc sử dụng họ tên đang dùng gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó; Thay đổi họ cho con từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại…

Theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con sinh ra do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Do đó cả vợ và chồng đều là người có quyền và nghĩa vụ với con kể cả khi vợ chồng đã ly hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân.

Trường hợp của bạn, bạn là vợ là người trực tiếp nuôi 2 con sau ly hôn, trong khoảng thời gian này người chồng bỏ đi biệt tích và không đáp ứng nghĩa vụ của người chồng. Tại điều 82 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng cho con. Người chồng đã vi phạm nghĩa vụ này tuy nhiên pháp luật không tước đi quyền làm cha của họ. Về mặt pháp luật hộ tịch, cụ thể là trên giấy khai sinh vẫn có thông tin của người cha .

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP nghị định hướng dẫn luật hộ tịch 2014 quy định:

“Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch

  1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó”.

Như vậy việc thay đổi họ của 2 con của bạn buộc phải thể hiện rõ sự đồng ý của người cha trong tờ khai xin thay đổi, đó là yêu cầu bắt buộc.

Như vậy, bạn nộp giầy tờ để thay đổi họ như sau:

+) Tờ khai đăng ký việc thay đổi hộ tịch (theo mẫu), trong đó có thể hiện sự đồng ý của chồng cũ về việc thay đổi họ cho con;

+) Bản chính giấy khai sinh của con;

+) Các giấy tờ làm căn cứ cho việc thay đổi (chứng minh nhân dân , sổ hộ khẩu…)

Việc người chồng bỏ đi biệt tích là một yếu tố khó khăn để thể hiện được ý kiến của người cha trong tờ khai. Do đó trong trường hợp này tạm thời bạn chưa thể làm thủ tục đổi họ cho con, trừ trường hợp tòa án tuyên người chồng đã chết.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Thủ tục xác định cha cho con

Luật Hiệp Thành đưa ra tư vấn về vấn đề Quy định về thay đổi họ tên cha mẹ trong giấy khai sinh của con.

Câu hỏi khách hàng:

Xin chào Luật sư, tôi muốn biết thủ tục xác định Cha cho con khi đã ly hôn.Trong thời gian sống ly thân với chồng tôi có con riêng với 1 người. Khi sinh bé vì chưa ly hôn nên vẫn để tên chồng tôi là Cha của bé trong giấy khai sinh. Nay tôi đã hoàn thành xong thủ tục ly hôn nên muốn điều chỉnh tên Cha của bé trong giấy khai sinh có được không? Thủ tục như thế nào và nộp đơn ở đâu mong Luật sự tư vấn giúp Xin cám ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Hiệp Thành. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư tư vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

  1. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  2. Nghị định số 123/ 2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biệp pháp thi hành Luật Hộ tịch;
  3. Thông tư số 05/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ tư pháp Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật hộ tịch và nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.
  4. Luật sư tư vấn

Theo thông tin Bạn đã trình bày với chúng tôi, chúng tôi xin xác định vấn đề Bạn yêu cầu tư vấn là: có được phép thay đổi tên cha cho con trong giấy khai sinh và thủ tục xác định cha cho con như thế nào? Sau đây, chúng tôi xin phép đưa ra các ý kiến pháp lý giải quyết yêu cầu của Bạn như sau:

  1. Về việc có được thay đổi tên cha trong giấy khai sinh của con hay không

Căn cứ Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Quyền nhận con như sau:

“1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.

  1. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.”

Như vậy, cha ruột của bé có quyền nhận cha con với bé, tuy nhiên trong trường hợp của Bạn thì giấy khai sinh lại ghi tên bố là người chồng đã ly hôn của Bạn, nên việc Bạn muốn thay đổi tên cha bé, muốn nhận cha con với cha ruột của bé là hợp pháp, và phải yêu cầu yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con.

Căn cứ Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con thì:

“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

  1. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Căn cứ Điều 11 Thông tư số 05/2015/TT-BTP quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con:

“Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

  1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
  2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.”

Khi xem xét yêu cầu của Bạn, Tòa án sẽ căn cứ vào các chứng cứ chứng minh quan hệ cha mẹ con theo quy định trên như kết quả giám định AND hay các tài liệu đồ vật khác để chứng minh quan hệ cha con. Sau khi có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực xác định cha ruột của bé là ai, thì bản án hay quyết định này sẽ là căn cứ để cơ quan đăng ký hộ tịch ghi chú theo quy định về hộ tịch, và là cơ sở để cơ quan hộ tịch của UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh cho bé thay đổi tên cha trong giấy khai sinh của bé.

  1. Thủ tục nhận cha cho con

Theo như Bạn trao đổi thì có thể xác định trường hợp của con bạn là không có tranh chấp về việc nhận cha ruột, nên thủ tục đăng ký việc nhận cha được thực hiện theo thủ tục hành chính tư pháp được quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/ 2015/NĐ-CP, hồ sơ gồm các giấy tờ:

– Tờ khai nhận cha theo mẫu quy định.

– Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

+ Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;

+ Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con, ở đây là kết quả giám định AND.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra hồ sơ, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định. Trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 12 ngày làm việc.

Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, cùng người có yêu cầu ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp cho mỗi bên 01 bản chính trích lục hộ tịch.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng