Dấu hiệu “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”

Câu hỏi:

Anh N.T.A ở Hà Nội có gửi câu hỏi đến Công ty luật như sau:

Đề nghị Công ty luật làm rõ cấu thành “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn như sau:

  1. I. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung bới Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14;

  1. Nội dung

Dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là dấu hiệu định tội nhưng là dấu hiệu khó xác định.

  1. Phân loại dấu hiệu bỏ trốn theo quy định

Về pháp lý có hai trường hợp bỏ trốn:

– Bỏ trốn khi đã thực hiện hành vi phạm tội (đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm) mà bỏ trốn thì hành vi bỏ trốn này là trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Hành vi bỏ trốn không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm, mà chỉ gây khó khăn cho việc xử lý vụ án.

– Hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” là dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

  1. Cơ sở pháp lý của dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”

Điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

  1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá …:
  2. a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;…”
  3. Dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”

Như đã trình bày ở trên và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” là:

Nếu vì một lý do nào đó mà phải bỏ trốn nhưng không phải là để chiếm đoạt tài sản thì hành vi bỏ trốn cũng chưa phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp lúc đầu bỏ trốn vì lý do khác nhưng sau khi bỏ trốn thì trốn luôn không liên hệ gì với chủ nợ với mục đích không trả số tiền vay. Trường hợp này phải coi việc bỏ trốn là để chiếm đoạt tài sản.

Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản không nhất thiết phải bỏ trốn khỏi địa phương như trường hợp bỏ trốn để tránh sự trừng phạt của pháp luật. Người vay tiền có thể vẫn ở nơi cư trú nhưng dùng mọi thủ đoạn để người cho vay không thể liên lạc được với mình như: Bỏ ra khỏi nhà, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, thay số điện thoại, thay đổi chỗ ở mà không thông báo cho người cho vay biết… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người vay tiền chưa đến hạn trả nợ hoặc đến hạn nhưng không trả được nợ mà bỏ trốn khỏi địa phương như trường hợp bỏ trốn để tránh sự trừng phạt của pháp luật để không phải trả nợ thì cũng coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

Thời gian mất liên lạc trong bỏ trốn dài ngắn không phải là căn cứ xác định có bỏ trốn hay không, có thể là một tuần, một tháng, một năm… Tuy nhiên, nếu người vay tiền đã thông báo cho chủ nợ biết lý do của việc phải vắng mặt tại địa phương một thời gian thì không coi việc vắng mặt đó là hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Nhưng nếu sau đó người vay bỏ trốn luôn, chủ nợ không liên lạc được với người vay nữa thì hành vi bỏ trốn này được coi là dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Như vậy, từ các nhận định trên thì dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” là hành vi như sau:

  • Người có nghĩa vụ đơn phương chấm dứt liên lạc với người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ;
  • Có “thủ đoạn gian dối” để đơn phương chấm dứt liên lạc;
  1. Thủ đoạn gian dối

Theo đó, “thủ đoạn gian dối” được thể hiện là người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp nhưng thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, không đúng sự thật, nói không thành có,…).

Như vậy, “thủ đoạn gian dối” được hiểu là:

– Thực hiện hành vi gian dối; và

–  Nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc;

Vậy, dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” là hành vi của người có nghĩa vụ dùng “thủ đoạn gian dối” để đơn phương chấm dứt liên lạc với người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ.

Trên đây là nội dung quy định về dấu hiệu “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”    . Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *