Có được lập hợp đồng tiền hôn nhân không?

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 21/07/2021 Lượt xem: 639 Chuyên mục: Hôn Nhân Gia Đình

Câu hỏi: Tôi và bạn gái chuẩn bị kết hôn, muốn lập hợp đồng tiền hôn nhân để rạch ròi về tài sản, nợ nần của vợ chồng sau này có được không? Chúng tôi phải lưu ý gì? (Vương Trung – Hưng Yên)

Luật sư tư vấn như sau:

Pháp luật hôn nhân và gia đình không có bất kỳ quy định nào điều chỉnh về hợp đồng tiền hôn nhân. Tuy nhiên, có thể xem đây là một dạng thỏa thuận mang tính chất ràng buộc về trách nhiệm pháp lý giữa các bên khi ký kết. Nội dung của hợp đồng nhằm quy định rõ các vấn đề liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn.

Khoản 1 điều 28, điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình cho phép vợ chồng được quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Trường hợp lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Việc các bạn có nguyện vọng lập hợp đồng tiền hôn nhân, thỏa thuận trước về chế độ tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn để phân định rạch ròi, sòng phẳng về tài sản chung, riêng; nghĩa vụ trả nợ của mỗi bên là nguyện vọng chính đáng và được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, để thỏa thuận này có hiệu lực, các bạn cần lưu ý tuân thủ các quy định sau:

– Hợp đồng phải được xác lập trước khi kết hôn.

– Phải được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Phòng công chứng, Ủy ban nhân dân…).

– Phải có đầy đủ các điều khoản cơ bản theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 15 Nghị định 126/2014 của Chính phủ bao gồm: tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; nội dung khác có liên quan.

– Nội dung hợp đồng phải phù hợp với các nguyên tắc, quy định về điều kiện có hiệu lực tại Điều 3, Điều 117, Điều 118… của Bộ luật Dân sự; không vi phạm Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan; không trái đạo đức xã hội.

Đối tác