Gạo ST24, ST25 bị giả mạo nhãn hiệu tràn lan, Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc

‘Tác giả’ của của giống lúa và gạo ST24, ST25 gửi đơn đến Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị được hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam.

Tổng cục Quản lý thị trường đang hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu gạo ST24, ST25 tại thị trường nội địa

Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Cơ quan này đã nhận được đơn đề nghị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam của gia đình ông Hồ Quang Cua, “tác giả” của giống lúa và gạo ST24, ST25 – thương hiệu đã đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019.

Nhiều quốc gia tranh chấp thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”

Năm 2019, tại Hội nghị Gạo Thế giới TRT thường niên lần thứ 11 diễn ra tại Manila, Philippines, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” cho loại gạo ST25. Tại sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp và thương mại gạo toàn cầu, The Rice Trader – nhà sáng lập và chủ sở hữu của cuộc thi đã công nhận giải thưởng này của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí – nhóm nghiên cứu phát triển giống gạo ST25.

Tiếp đến năm 2020, gạo ST25 cũng đạt giải cao tại cuộc thi “Gạo ngon nhất Thế giới”.

Tuy nhiên, cuối tháng 04/2021, dư luận xôn xao bởi thông tin có 04 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ. Tháng 5/2021, Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 kèm nội dung “Gạo, Gạo ngon nhất thế giới”.

Ở diễn biến khác, Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) vừa đăng ký thông tin cho thấy, Công ty TNHH Hồ Quang Trí (Sóc Trăng, Việt Nam) đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu “Gạo ông Cua” tại thị trường Mỹ. Đơn đăng ký nhận hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận.

Đây có thể nói là động thái kịp thời của ông Hồ Quang Cua sau khi gạo ST25 – Gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam bị nhiều doanh nghiệp ở Mỹ tiến hành đăng ký sở hữu.

Ngoài ra, ngay khi các thông tin về doanh nghiệp Mỹ đăng ký sở hữu thương hiệu ST25, một doanh nghiệp của Australia cũng đã nộp đơn đăng ký thương hiệu sở hữu với ST25 tại Australia. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã có nhiều động thái can thiệp kịp thời sau khi có thông tin này.

Giả, nhái tràn lan thương hiệu ST24, ST25 tại thị trường nội địa

Sau khi giành ngôi vị vinh quang tại cuộc thi toàn cầu lúa gạo về cũng là thời điểm sản phẩm gạo ST25 của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến giả mạo nhãn hiệu tại thị trường nội địa.

Theo gia đình ông Hồ Quang Cua, trên bao bì của một số sản phẩm trên thị trường có sử dụng dòng chữ mang ý nghĩa “The World’s Best Rice” (Gạo ngon nhất Thế giới) mà tổ chức thương nhân lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông. Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.

Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam cụm từ này không thể được bảo hộ độc quyền trong nước dẫn đến khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường trong việc xử lý các đối tượng mà gia đình ông Cua cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông.

Hiện nay, doanh nghiệp gia đình ông Hồ Quang Cua mới có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cho các sản phẩm mang nhãn hiệu “SR SOC RICE”. Hai nhãn hiệu khác mang nhãn hiệu “Gạo Ông Cua”, “Gạo ST” đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và đang trong quá trình chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Ngoài ra, do chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên gia đình ông Cua cũng chưa có hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.

Quản lý thị trường đã trao đổi, hướng dẫn đại diện gia đình ông Hồ Quang Cua tiến hành hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ cho 02 nhãn hiệu nêu trên, cũng như hoàn thiện thủ tục về chất lượng sản phẩm nhằm góp phần phòng chống việc làm giả, làm nhái nhãn hiệu gạo nổi tiếng này.

Rút kinh nghiệm từ việc đánh mất thương hiệu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế, Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, chủ động xây dựng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, Thương vụ, Cục Sở hữu trí tuệ, các Bộ ngành liên quan để được hỗ trợ thủ tục cần thiết trước, trong và sau quá trình dự thi, tham gia kinh doanh tại thị trường quốc tế nhằm bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài.

Đồng thời, cần chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và hoàn thiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của chính mình nhằm tránh những tranh chấp không đáng có rất phổ biến hiện nay.

Được biết, ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của gia đình ông Hồ Quang Cua về việc hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25, Tổng cục Quản lý thị trường ngay lập tức đã có văn bản chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, thẩm tra, xác minh các nội dung doanh nghiệp phản ánh tại hồ sơ đối với các cơ sở bị cho là vi phạm.

“Đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, bao bì, tem, nhãn hàng hóa, đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền”, Tổng cục đặc biệt lưu ý.

Đối với hành vi xâm phạm quyền về giống cây trồng (giống lúa, gạo) thuộc phạm vi quản lý của Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khi có đề nghị) để kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Theo Baomoi.com

Doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh

Theo TS. Trần Lê Hồng, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nên được xem như là công cụ để xây dựng hoạt động kinh doanh. Vấn đề SHTT rất quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền SHTT.

Trong những năm gần đây chuyển đổi số và kinh tế tri thức là một nội dung thu hút sự quan tâm. Theo đó, sở hữu trí tuệ (SHTT) ở góc độ pháp lý và văn hóa ứng xử chung cần được đưa vào triển khai ứng dụng trong thực tế, để SHTT thực sự là chìa khóa khơi thông hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo gắn kết thương mại kinh doanh nền tảng số nói riêng.

Quyền SHTT là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận. Việc tận dụng tốt nguồn lực trí tuệ trẻ để đào tạo bài bản trong và ngoài nước sẽ giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ, chuyển đổi trên thế giới, đặc biệt là sử dụng SHTT như một công cụ chiến lược để khơi thông năng lực nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số quốc gia luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Tại Hội thảo “Kinh tế quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” diễn ra mới đây, TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận định, một đất nước khi đặt vấn đề SHTT trở thành một vấn đề lớn trong chính sách kinh doanh, trong quan hệ đối ngoại thì đó là một đất nước đã phát triển, dùng KH&CN làm đòn bẩy, công cụ, lực lượng sản xuất để phát triển. Nhưng nếu như một đất nước mà trong tất cả các quan hệ mà không đề cập đến vấn đề SHTT thì đó không phải là đất nước phát triển ổn định và bền vững. Hiện nay, vấn đề SHTT rất quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền SHTT trong hoạt động kinh doanh.

Quyền sở hữu trí tuệ nên là công cụ để xây dựng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo TS. Trần Lê Hồng, khi chưa tạo ra quyền SHTT, chúng ta nghĩ rằng quyền SHTT là một yếu tổ cản trở vì cần phải bỏ ra kinh phí để sử dụng được nó, nếu không bỏ kinh phí thì sử dụng sao chép bất hợp pháp (đây là yếu tố không còn được chấp nhận trong nền kinh tế) nên buộc phải xác định nó là yếu tố hỗ trợ hay cản trở phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, hành động trong vấn đề tạo ra nó.

“Chuyển đổi số không chỉ là số hóa và ứng dụng số hóa bởi số hóa chỉ là vấn đề nhỏ trong vấn đề chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải thấy được sự thay đổi lớn trong bản thân của hoạt động kinh doanh số, vận hành số của cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc vận hành doanh nghiệp phải tính đến yếu tố về đổi mới, nhanh chóng, công nghệ để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Đó chính là các yếu tố dựa trên nền tảng của chuyển đổi số”, TS. Trần Lê Hồng chia sẻ.

TS. Trần Lê Hồng đưa ra ví dụ về chi phí của các công nghệ tiên tiến đang giảm mạnh. Công nghệ rẻ hơn và tốt hơn đang tạo ra một thế giới kết nối hơn: Ngày nay có 8 tỷ thiết bị được kết nối với Internet, đến năm 2030 dự báo là 1 nghìn tỷ. Như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp nhận thấy rằng đằng sau con số này không chỉ là những thiết bị mà là cả một hệ thống, nền tảng công nghệ mới mà doanh nghiệp cần tiếp cận. Cần thấy được sự gắn bó giữa công nghệ với kinh doanh sẽ là yếu tố gắn kết giữa quyền SHTT, bởi công nghệ sẽ là vấn đề về SHTT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự đổi mới kỹ thuật số hiện đang phá vỡ các mô hình hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp nhưng các công nghệ số (di động, đám mây, cảm biến, phân tích, IoT, AI…) có thể biến ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp từ không thể thành có thể (xe tự lái, ứng dụng kỹ thuật thực tế ảo…).

“Tất cả công nghệ đều dựa trên nền tảng quyền SHTT, nếu không có quyền SHTT, không làm chủ các công nghệ này, không có được nó, chúng ta luôn là người đi sau. Yếu tố công nghệ tác động đến việc kinh doanh mạnh mẽ, quyết định đến yếu tố quan trọng nhất là lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp là phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận thông qua việc sáng tạo, bảo hộ và sử dụng tài sản trí tuệ. Quyền SHTT như là công cụ để xây dựng hoạt động kinh doanh chứ không phải chỉ là việc tạo ra được các quyền SHTT như là mục đích cuối cùng của doanh nghiệp”, TS. Trần Lê Hồng cho hay.

TS. Trần Lê Hồng cũng cho rằng, sự thay đổi mô hình kinh doanh dưới hình thức chuyển đổi số, gắn với dịch vụ sẽ tạo nên hiệu quả tốt cho các doanh nghiệp. Hành lang pháp lý về SHTT ngày nay đang dựa trên cơ hội của quá khứ. Hiện tại, số hóa đang thay đổi những cơ hội này và hành lang pháp lý cũng sẽ tự động thay đổi. Doanh nghiệp nên nhận thức được điều này để sẵn sàng và tận dụng được những lợi thế mà nó đem lại.

Theo Baomoi.com

Phát triển tài sản trí tuệ: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi như tấm ‘giấy thông hành’

Sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ đã trở thành nguồn lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế xã hội, phát triển bền vững của đất nước.

Không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ (TSTT) đang được coi là tài sản vô hình ngày càng có giá trị, nhất là khi Hiệp định EVFTA được ký kết cho thấy việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành một xu thế tất yếu. Bởi vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ thế giới sẽ giúp Việt Nam “vá” những lỗ hổng trong dựng xây, bảo hộ thương hiệu trong thời gian tới.

Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm đặc trưng trải dài trên mọi miền của đất nước, mỗi sản phẩm đặc trưng của vùng miền mang sứ mệnh của những đại sứ về văn hóa Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đó là những giá trị rất đặc sắc cần được phát huy và khai thác trong quá trình hội nhập.

Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn đã nâng cao giá trị cây trái được định danh của Việt Nam.

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. Có thể kể đến nhiều mô hình điểm, điển hình đáng ghi nhận trong thời gian qua như: Thời điểm tháng 3/2021, vải thiều Bắc Giang, sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn cũng minh chứng cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình; khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng sản xuất ra các sản phẩm theo tiêu chuẩn của những quốc gia “khó tính” trên thế giới.

Gần đây nhất là tháng 10/2021, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể nói như “giấy thông hành” để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…). Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Vì vậy, để có thể vượt qua được “ngọn thái sơn” này, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, tổ chức, cá nhân, những khó khăn này đã từng bước được giải quyết, giúp hoàn thiện các quy trình đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật Nhật Bản, để đến ngày hôm nay, thanh long Bình Thuận đã trở thành sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Bên cạnh việc hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP, hoạt động hỗ trợ bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ cũng được chú trọng. Hoạt động SHTT tại các địa phương đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm đặc sản của địa phương tiếp tục được duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các địa phương đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản của địa phương và tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhờ đó đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp.

Nhìn chung, thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì, tem nhãn, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất, kinh doanh sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Thách thức sau bảo hộ

Dù xuất phát cùng thời điểm nhưng thời gian “cán đích” của các chỉ dẫn địa lý trên lại không giống nhau. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau song nhìn chung, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của Việt Nam tại Nhật Bản thường gặp nhiều khó khăn do tiêu chuẩn của họ rất cao và chặt chẽ.

Khâu sau thu hoạch sản phẩm Thanh Long Bình Thuận được tiến hành kỹ lưỡng.

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rẳng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”.

Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức, hộ gia đình thực hiện tốt quy trình sản xuất, tuân thủ nghiêm và thực hiện tốt các quy định về chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, vẫn còn không ít đơn vị, cá nhân, nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, giá trị tài sản trí tuệ, giá trị thương mại của vùng có chỉ dẫn địa lý.

Cách hiểu và áp dụng các dấu hiệu truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chưa thống nhất, tình trạng trên một đơn vị sản phẩm phải dán 2-3 loại tem (tem CDĐL, tem truy xuất VietGAP và tem OCOP) nên khó khăn trong thực hiện; cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn thiếu thông tin, đa số chỉ truy xuất đến hộ, chưa truy xuất đến lô sản xuất, cây, quả cho sản phẩm. Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP còn ít. Áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật bón phân, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh chưa tuân thủ đầy đủ kỹ thuật, dẫn đến chất lượng không đồng đều, mẫu mã sản phẩm chưa được như kỳ vọng.

Những tồn tại, hạn chế trên là thực trạng chung của các sản phẩm nông nghiệp nước nhà khi tiếp cận thị trường lớn trong nước và sẽ khó bền vững trên thị trường thế giới nếu không điều chỉnh theo hướng sản xuất, quảng bá, kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hộ sản xuất, kinh doanh cần thay đổi nhận thức, tư duy và thực hiện đồng bộ các giải pháp như tiếp tục hỗ trợ, xúc tiến phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, tập thể. Đây là hướng đi chủ yếu mà Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ… chú trọng áp dụng và được quy định trong Hiệp định TRIPs (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) áp dụng trên toàn thế giới. Đối với các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cần tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm về quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho tổ chức quản lý và sử dụng.

Mặt khác, đẩy mạnh việc hỗ trợ, xúc tiến xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh áp dụng quy trình sản xuất thực hành tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để quản lý và sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Sau khi được công nhận, các chủ cơ sở sản xuất cần tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình sản xuất, kiến thức quản trị, phát triển thị trường, thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thúc đẩy, ưu tiên hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung “Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021, Bộ KH&CN đã phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển TSTT, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm.

Theo Baomoi.com

Hàng giả, hàng nhái: Bao giờ triệt tiêu?

Từ nay đến năm 2025, 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, 90% các làng nghề, cơ sở cũng không sản xuất hàng nhái, hàng giả, các hộ kinh doanh sẽ tham gia cam kết không tiêu thụ các mặt hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Đây là mục tiêu vừa được Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đặt ra.

Đụng đâu cũng thấy… hàng giả

“Chẳng biết khi nào thị trường mới không còn hàng giả, hàng nhái. Mệt nhất là hàng quảng cáo một đằng, nhưng khi nhận hàng thì lại ra một nẻo”, chị Nguyễn Minh Thu (phố Trung Văn, quận Nam Từ Liên, Hà Nội) chia sẻ. Chị Thu cho biết, vì lý do dịch bệnh, nên chị không đi mua hàng trực tiếp tại các chợ, siêu thị nữa, mà thường mua hàng trực tuyến. Thế nhưng, không ít lần, chị Thu đã mua phải những món hàng hoàn toàn khác so với hình ảnh quảng cáo trên mạng.

Trên thực tế, không ít người tiêu dùng đã mua phải hàng kém chất lượng, không đúng với quảng cáo như chị Thu. Thậm chí, nhiều người mua phải hàng giá cao nhưng chất lượng vẫn kém do các đối tượng tận dụng sàn thương mại điện tử, đưa hàng nhái, hàng giả trà trộn các thương hiệu nổi tiếng. Rồi khi người tiêu dùng nhận hàng qua shipper, hàng không giống như “show” trên mạng, gọi lại chủ hàng để khiếu kiện thì điện thoại đã “ngoài vùng phủ sóng”.

Dịch bệnh hoành hành gần hai năm qua, việc thực hiện giãn cách xã hội khiến cho hầu hết người tiêu dùng tìm đến phương thức mua hàng trực tuyến thay vì cách mua truyền thống như trước đây. Chỉ cần “nhấn tay” vào màn hình điện thoại thông minh (smart phone) là đã có thể mua được mọi thứ, từ quần áo, giày dép, nước hoa, mỹ phẩm… cho đến đồ ăn uống, tiêu dùng hàng ngày.

Thế nhưng, đi kèm với sự tiện lợi đó, không ít những rủi ro rình rập người tiêu dùng.

Có thể thấy, từ thị trường truyền thống, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đã và đang xâm lấn mạnh mẽ sang kênh bán hàng trực tuyến. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đó cũng là xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Vào các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo…, dễ dàng tìm mua được những sản phẩm gắn các thương hiệu nổi tiếng mà giá chỉ vài trăm ngàn đồng, thậm chí thấp hơn.

Đáng ngại, càng những hãng, thương hiệu sản phẩm uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng thì nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa càng cao.

Theo cơ quan Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tính đến tháng 10/2021, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định: Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những DN có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.

90% cửa hàng không bán hàng giả: Có phải là giấc mơ?

Tại cuộc hội thảo “Nâng cao năng lực nhận diện hàng thật – hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp” do JETRO và Tổng cục QLTT đồng tổ chức mới đây, có ý kiến cho rằng, thương mại điện tử bên cạnh sự tiện ích không phủ nhận còn là “cánh tay nối dài” cho hàng giả, hàng nhái phát triển. Đơn cử như vụ việc tại Lào Cai được triệt phá hồi tháng 7/2020.

Theo đó, Tổng cục QLTT đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại TP Lào Cai, đối tượng kinh doanh thương mại điện tử bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook, tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa.

Có thể nói, đây là vụ việc “khủng” nhất trong lịch sử triệt phá hàng giả, hàng nhái của lực lượng chức năng trên không gian mạng, cho thấy, sàn thương mại điện tử vẫn luôn là “mảnh đất vàng” để các đối tượng làm ăn phi pháp lộng hành.

Cũng tại cuộc hội thảo nói trên, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã thông tin, từ nay đến 2025, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường nhiều biện pháp, để đạt mục tiêu 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả một cách công khai ở cửa hàng, trung tâm mua sắm.

Ngoài ra, 90% các làng nghề, cơ sở cũng không sản xuất hàng nhái, hàng giả, các hộ kinh doanh sẽ tham gia cam kết không tiêu thụ các mặt hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Nói như vậy cũng có nghĩa, trong mục tiêu đó, cơ quan quản lý thị trường vẫn không dám “mơ” đến một viễn cảnh “100% cơ sở phân phối, cửa hàng trung tâm thương mại không còn hàng giả, hàng nhái”.

Phải thừa nhận rằng, để đạt được con số 90% nói trên đã là một yêu cầu vô cùng khó khăn, chứ chưa nói đến 100%. Là bởi, như chúng ta đã thấy rõ, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ đã trở thành vấn nạn khó triệt tiêu.

Theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, Việt Nam có khoảng 8 lực lượng tham gia công tác này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý.

Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái khó triệt tiêu, một phần do siêu lợi nhuận, các đối tượng “mờ mắt” vì lòng tham trong khi cơ chế, chính sách, chế tài xử lý còn nhiều “lỗ hổng”. Mặt khác, chính sự dễ tính của người tiêu dùng, sẵn sàng sử dụng hàng rẻ tiền, hàng nhái thương hiệu đã tiếp tay cho vấn nạn này.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, bản thân sự dễ dãi của người tiêu dùng cũng đã khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có đất sống. Nếu người tiêu dùng kiên quyết quay lưng, nói không với hàng nhái, chắc chắn các đối tượng làm hàng giả sẽ không thể tiếp tục các hành vi lừa người tiêu dùng.

Dư luận xã hội từ lâu mong mỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái được triệt tiêu, để mang lại sự bình an cho người dân cũng như các DN làm ăn chân chính. Bởi vậy, mục tiêu 90% cơ sở phân phối, cửa hàng trung tâm thương mại không còn hàng giả, hàng nhái trong vòng 3 năm tới (năm 2025) mà lực lượng quản lý thị trường đặt ra thực sự là điều chúng ta kỳ vọng.

Để tăng cường quản lý, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đạo luật mới về quản lý thương mại điện tử, quy trách nhiệm cho các chủ sàn trong tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.

Theo Baomoi.com

Hạn chót đăng ký sang tên phương tiện không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu

Kể từ ngày 1/1/2022, người sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục đăng ký xe sang tên. Theo đó, hạn chót cho những trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên là ngày 31/12/2021.

Theo quy định tại Thông tư 58/2020 của Bộ Công An về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện cơ giới đường bộ, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021. Kể từ ngày 1/1/2022, người sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục đăng ký xe sang tên.

Để làm thủ tục sang tên phương tiện, người đang sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58, ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe và nộp giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 58; Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).

Thủ tục, hồ sơ đăng ký sang tên: Người đang sử dụng xe liên hệ với cơ quan đăng ký xe nơi cư trú: xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58 và nộp giấy tờ sau: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01); Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định; Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (đối với trường hợp khác tỉnh và mô tô khác điểm đăng ký xe).

Tại Thông tư 58/2020 của Bộ Công An về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện cơ giới đường bộ vừa có quy định mới. Theo đó, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.

Cụ thể, thủ tục này chỉ còn hơn một tháng nữa là sẽ hết hạn.

Do đó, kể từ ngày 1/1/2022, người dân đang sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục chuyển tên trong giấy đăng ký xe sang tên mình.

Trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe:

– Trường hợp người đang sử dụng xe có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng:Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý hồ sơ xe giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp

Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú; Trường hợp người đang sử dụng xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe:

Cơ quan quản lý hồ sơ xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày, gửi thông báo cho người đứng tên trong đăng ký xe, niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT và tại trụ sở cơ quan, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ sang tên.

Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe phải giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.

Trách nhiệm của người đang sử dụng xe: Trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên; Kê khai cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của xe, quá trình mua bán, giao nhận xe; Khai và nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.

Theo Baomoi.com

Đề xuất có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ

Đề xuất thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ được Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra từ năm 2018. Mới đây, tại Hội thảo ‘Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ’, đề xuất này lại tiếp tục được đưa ra vì cho rằng tranh chấp dạng này có nhiều đặc thù.

Đề xuất thành lập tòa sở hữu trí tuệ đã được đưa ra trong Hội thảo góp ý về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Luật Sở hữu trí tuệ chậm vào cuộc sống?

Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006 nhưng theo đánh giá của Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) thì việc đưa pháp luật về SHTT vào cuộc sống còn rất chậm. Nhiều doanh nghiệp (DN) khi làm việc với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hay tòa án còn không biết là đã vi phạm pháp luật.

Theo Luật SHTT thì đơn vị trực tiếp sản xuất các sản phẩm vi phạm Bằng độc quyền là đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết các DN sản xuất đều cho rằng sản xuất theo đơn đặt hàng từ đơn vị khác, các thiết kế, bản vẽ này đã được chủ đầu tư phê duyệt nên mình không vi phạm. Ngay cả một số cán bộ tại Thanh tra Sở KH&CN, tòa án tại các địa phương ít khi tiếp xúc với các hồ sơ tranh chấp về SHTT cũng cho rằng những đơn vị đặt hàng hay chủ đầu tư phê duyệt bản vẽ, dự án mới là người vi phạm.

Ví dụ, trong quá trình bị Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, chủ một xưởng sản xuất nước giặt – xả mang nhãn hiệu Thái Lan đã “ngây thơ” trả lời rằng, “được thuê sản xuất theo công thức và nguyên liệu có sẵn cho một công ty nên không vi phạm”. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục QLTT khẳng định, trong trường hợp này, kể cả được thuê thật thì xưởng sản xuất cũng vẫn là chủ thể vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Busadco còn cho biết, họ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ tài sản SHTT của mình khi các cấp tòa án thiếu linh hoạt trong việc áp dụng pháp dụng pháp luật. Đơn cử, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong vụ kiện do bị xâm phạm Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết. Tuy nhiên, tòa án địa phương nơi xảy ra thiệt hại vẫn cứng nhắc áp dụng quy định là tòa án nơi đặt trụ sở của bị đơn có thẩm quyền giải quyết.

“Nếu có tòa án chuyên về SHTT, tình huống này có thể không xảy ra” – đại diện Busadco nói.

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ có nhiều đặc thù

Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, vấn đề xử lý xâm phạm SHTT hiện nay đang còn có nhiều vướng mắc, Cục SHTT đang phối hợp, tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức tòa án theo hướng thành lập riêng tòa án chuyên về lĩnh vực SHTT.

Trong một cuộc Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức (vào cuối tháng 8/2021), ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam đã đề xuất cần xây dựng một lộ trình cụ thể trong trung hạn và dài hạn (5-10 năm) cho việc bồi dưỡng năng lực cho ngành Tòa án.

Cụ thể là thành lập tòa chuyên trách về SHTT, bổ nhiệm thẩm phán chuyên trách về SHTT và các bồi dưỡng chuyên ngành khác, trước khi có những sửa đổi Luật SHTT tương ứng, tránh tình trạng luật ban hành nhưng không thể áp dụng.

Theo các luật sư đại diện chủ thể quyền cho một số nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, hiện tòa án SHTT là một trong những tòa chuyên trách được nhiều quốc gia thành lập nhằm thụ lý và xét xử các tranh chấp về SHTT. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục áp dụng trình tự như quy định pháp luật tố tụng dân sự trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT sẽ không thể giải quyết vụ việc. Bởi SHTT liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh…

Do đó, cần phải nghiêm túc tính đến khả năng và lộ trình thành lập tòa án chuyên trách về SHTT tại Việt Nam. Đồng thời, các cơ chế tố tụng dân sự hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp SHTT cũng cần được xem xét, sửa đổi theo hướng rút gọn, đơn giản hóa cơ chế tiếp nhận xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… để bảo đảm tốt hơn, kịp thời hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT.

Theo Baomoi.com

Nhiều công ty ‘nhận vơ’ bản quyền trên YouTube để thu lợi

Lợi dụng lỗ hổng trong cơ chế của YouTube, một số bên nhận làm dịch vụ đánh bản quyền trên nền tảng.

“Gần đây, có một công ty network tự dưng bật Content ID trên video do tôi tự sản xuất. Họ làm việc với YouTube và chiếm đoạt doanh thu từ video của tôi”, ông Trung Đức, người làm YouTube ngụ tại thành phố Hà Nội chia sẻ với Zing.

Doanh nghiệp mà ông Trung Đức đề cập là Enfinity. Trên website chính thức, công ty này tự giới thiệu mình là đơn vị hỗ trợ về tác quyền cho người sáng tạo nội dung số trên đa nền tảng. Tuy nhiên, Enfinity lại tiếp tay cho hành vi “nhận vơ” bản quyền, chiếm đoạt doanh thu quảng cáo.

“Nhận vơ” nội dung trên YouTube

Theo ông Trung Đức, ai đó đã đăng tải video gốc từ kênh của ông lên nền tảng TikTok. Sau đó, họ thông qua công ty Enfinity để đánh bản quyền ở YouTube.

Trong một video quảng cáo, CEO của Creator Shield, một nhánh thuộc Enfinity cho biết họ là đối tác của YouTube, TikTok, Facebook, Instagram… nên được cung cấp những công cụ và phần mềm để truy quét bản quyền trên đa nền tảng. Đó có thể là lý do khiến một video đăng tải trên TikTok có thể được dùng để “đánh gậy” kênh YouTube.

“Bạn chỉ cần ký vào văn bản cấp phép, đội ngũ của chúng tôi sẽ đi khắp mọi ngóc ngách trên các nền tảng và tìm nội dung trùng khớp để đòi tiền bản quyền”, CEO của Creator Shield nói.

Bên cạnh đó, chính sách Content ID của YouTube chỉ phụ thuộc vào tệp đối chiếu được đăng ký trên nền tảng. Hệ thống này sẽ quét toàn bộ các video cũ trên YouTube để tìm nội dung trùng khớp, không phụ thuộc vào thời gian. Do vậy, dù Enfinity đăng ký nội dung sau nhưng vẫn có thể đánh bản quyền video của ông Trung Đức đăng tải trước đó.

Ngoài ra, ông Đức cho rằng đây có thể là một hình thức gây áp lực của doanh nghiệp này để buộc người làm nội dung tham gia vào network của họ. Trong phản hồi của Enfinity, công ty này còn gửi lời mời chủ kênh tham gia vào hệ thống để được sử dụng thư viện nội dung, chia sẻ doanh thu.

Bên cạnh đó, Enfinity khẳng định một cách quả quyết về nguyên nhân khiến video bị công ty này đánh bản quyền. “Video của bạn đã được Enfinity tự động xác nhận bản quyền thông qua hệ thống Content ID. Lý do duy nhất để điều này xảy ra là bởi bạn đã sử dụng nội dung thuộc về một trong các đối tác của chúng tôi”, Enfinity phản hồi tới chủ kênh.

Chúng tôi đặc biệt khuyên bạn rằng không nên khiếu nại bản quyền. Nếu không, bạn có thể nhận phải cảnh báo từ nền tảng và các hình phạt cao hơn

Công ty “nhận vơ” bản quyền cảnh báo người sáng tạo video

Đồng thời, công ty này còn đưa ra “lời khuyên” tới chủ kênh. “Chúng tôi đặc biệt khuyên bạn rằng không nên khiếu nại bản quyền. Nếu không, bạn có thể nhận phải cảnh báo từ nền tảng và các hình phạt cao hơn”, công ty phản hồi.

Ngoài việc bị chia sẻ doanh thu với công ty sở hữu bản quyền, bên đánh gậy còn được yêu cầu YouTube xóa video vi phạm. Với những kênh có 3 lần vi phạm liên tiếp, nền tảng sẽ vô hiệu hóa vĩnh viễn tài khoản.

Theo ông Trung Đức, đây là một lỗ hổng mới của hệ thống Content ID trên YouTube. Ngoài ra, tình trạng nói trên cũng xảy ra với nhiều YouTuber khác mà người này quen biết.

Trao đổi với Zing, ông Phạm Trung Dũng, người chuyên làm dịch vụ hỗ trợ các kênh YouTube cho biết tình trạng các công ty network như Enfinity đi đánh bản quyền đang rất phổ biến. “Nhiều bên không có đủ pháp chế để đánh bản quyền nên phải thuê công ty bên thứ 3 dạng này”, ông Dũng chia sẻ.

Lỗ hổng mới trong hệ thống của YouTube

“Sau khi tôi gửi bằng chứng sở hữu video, họ mới chịu gỡ gậy. Nhưng vài hôm sau công ty lại bắt những video khác. Tôi rất bức xúc vì việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và phát triển kênh”, ông Trung Đức chia sẻ.

Theo ông Đức, toàn bộ tệp thô của clip trên kênh đều được ông lưu trữ trên đám mây với ngày giờ cụ thể. Khi xảy ra tranh chấp bản quyền, những nội dung này là bằng chứng để nền tảng xác minh chủ nhân thật sự của video.

Tuy nhiên, nếu người dùng không thể chứng minh tác quyền, doanh thu quảng cáo YouTube sẽ thuộc về công ty nói trên.

Trả lời Zing về sự việc nói trên, đại diện Enfinity cho biết doanh nghiệp này chỉ là công cụ hỗ trợ xác nhận quyền của người sở hữu nội dung. Theo đó, những khiếu nại trên YouTube là do đối tác của công ty yêu cầu.

“Chủ kênh có thể kháng nghị nếu khiếu nại bản quyền sai. Thảo luận tranh chấp bản quyền sẽ được thực hiện trực tiếp giữa kênh YouTube và nguyên đơn. Enfinity chỉ đóng vai trò như một công cụ để xác nhận bản quyền trên nền tảng số”, đại diện Enfinity cho biết.

Tuy nhiên, công ty này không trả lời về cách họ xử lý với những đối tác yêu cầu đánh bản quyền sai.

“Cuộc chiến này không cân sức giữa một bên trả tiền để thuê công ty được YouTube cung cấp công cụ đánh bản quyền với những nhà sáng tạo nội dung”, ông Trung Đức nói thêm.

Bên cạnh đó, không phải tài khoản YouTube nào cũng có quyền bật Content ID. Trong trường hợp của Enfinity, công ty này cho biết họ là đối tác của nền tảng, được cung cấp những công cụ riêng để đánh bản quyền trên YouTube. Do vậy, gần đây trong cộng đồng người làm YouTube tại Việt Nam xuất hiện dịch vụ “đánh gậy thuê”.

“Hiện giá thị trường khoảng 1-3 triệu đồng/gậy. Với những kênh đã được xác minh, mức giá lên đến 20 triệu đồng”, ông T.D., một người sở hữu hàng trăm kênh YouTube nhiều người đăng ký chia sẻ.

Việc đánh bản quyền bẩn không chỉ với mục đích lấy doanh thu của các kênh YouTube, một số người tìm đến dịch vụ này để triệt hạ các kênh đối thủ cùng mảng nội dung, nhằm thu hút thêm lượt xem.

“Ngay cả các kênh của ca sĩ, người làm nội dung sạch nhưng chưa vào network đều có thể trở thành mục tiêu tấn công bản quyền của các công ty. Giới làm YouTube thường gọi tình trạng này là ‘đập láo”, ông Quan Tiến Dũng, Quản trị viên cộng đồng Học viện YouTube chia sẻ với Zing.

Theo ông Dũng, các bên chuyên “đập láo” không bị YouTube xử lý. Khi chủ kênh đưa ra được bằng chứng sở hữu nội dung, công ty chỉ cần thu lại lệnh đánh bản quyền, nền tảng không truy cứu.

YouTube luôn là bên có lợi

Mô hình kinh doanh của YouTube xoay quanh mối quan hệ 4 bên: người dùng, nhà sáng tạo nội dung (chủ kênh), nhà quảng cáo (các nhãn hàng) và chính YouTube. Theo đó, người dùng sẽ xem các video được đăng tải bởi chủ kênh, các nhãn hàng đặt quảng cáo trên các video đáp ứng tiêu chí. Doanh thu quảng cáo sẽ được YouTube ăn chia với chủ kênh.

Mô hình ăn chia lợi nhuận quảng cáo của YouTube.

Ở mô hình này, khi một nội dung vi phạm bản quyền bị xóa, toàn bộ phần doanh thu sẽ được chuyển về cho YouTube, nền tảng không chia sẻ với người sở hữu bản quyền hay kênh đăng tải video. Ngoài ra, theo chia sẻ từ các nhà quảng cáo, từ trước đến nay, chưa có tiền lệ YouTube trả lại tiền đối với các lượt hiển thị trên nội dung vi phạm bản quyền.

Nói một cách đơn giản, trong mối quan hệ 4 bên nói trên, YouTube luôn đắc lợi, và nhãn hàng có thể là bên chịu thiệt thòi khi vẫn phải trả tiền cho những quảng cáo hiển thị trên các video độc hại hoặc vi phạm bản quyền.

Ngoài ra, trong các hội nhóm chuyên làm nội dung re-up (đăng tải lại video vi phạm bản quyền) , câu chuyện về việc YouTube truy quét bản quyền trước ngày thanh toán doanh thu trong tháng để không phải chia tiền cho chủ kênh không còn quá xa lạ.

Theo ông Quan Tiến Dũng, nền tảng này thường quét video vi phạm bản quyền vào ngày khoảng ngày 4-6 hàng tháng. Trong khi đó, ngày 7 mỗi tháng là thời điểm tổng kết doanh thu của các kênh YouTube.

“Các kênh chuyên re-up sẽ bị YouTube tắt kiếm tiền trước ngày tổng kết. Do vậy, Google Adsense sẽ không thanh toán doanh thu từ quảng cáo mà kênh kiếm được trong tháng. Trong khi, nhà quảng cáo vẫn phải trả tiền cho YouTube”, ông Quan Tiến Dũng chia sẻ.

Theo Baomoi.com

Bắt giữ hơn 28.000 sản phẩm sa tế tôm có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ

Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đơn vị này vừa phát hiện một cơ sở sản xuất sa tế tôm có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu và thu giữ trên 28.000 sản phẩm…

Cụ thể, sau hơn 2 tháng mật phục, chiều tối ngày 11/11/2021, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh chia thành hai tổ đồng loạt ập vào xưởng sản xuất và kho chứa hàng hóa là sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại địa chỉ thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP. Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Bắt giữ hơn 28.000 sản phẩm sa tế có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ.

Tại địa điểm đăng ký kinh doanh của hai công ty gồm: Công ty TNHH Chế biến và Sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thắng Phát, thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường bắt quả tang trên 21.000 lọ sa tế tôm mang nhãn hiệu “Thuận Phát” đã được đóng thành phẩm trong 187 thùng carton, xếp ngay ngắn phía ngoài cổng nhà sẵn sàng cho việc vận chuyển đi tiêu thụ. Các sản phẩm đều có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu “Thuận Phát” đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Cùng thời điểm này, tổ công tác tại Bắc Ninh cũng đã bất ngờ kiểm tra kho chứa hàng hóa tại số 21, ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP. Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh do bà Đặng Thị Nga làm chủ. Kiểm tra thực tế, bên cạnh rất nhiều các mặt hàng gồm tương ớt, giấm gạo là hàng sản xuất trong nước có đầy đủ nhãn hàng hóa theo quy định, đoàn kiểm tra phát hiện 62 thùng “Sa tế tôm ngon Thuận Phát” với tổng cộng gần 7.000 hũ sa tế tôm ngon Thuận Phát của Công ty TNHH chế biến và sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát.

Toàn bộ số hàng hóa chưa qua sử dụng, tuy nhiên chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan. Cũng giống các sản phẩm tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường, các sản phẩm này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” đã được đăng ký bảo hộ.

Xét thấy có dấu hiệu vi phạm tại 2 cơ sở nêu trên, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Baomoi.com

Doanh nghiệp nêu vướng mắc trong thực thi Luật Sở hữu trí tuệ

Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) cho rằng, thực thi Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn rất nhiều vướng mắc, kéo dài. Điều này khiến cho doanh nghiệp rất mệt mỏi trong việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ cũng như lợi ích của chính mình.

TGĐ Busadco hiện đang là người giữ kỷ lục về quyền SHCN ở Việt Nam.

Khó khăn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Là doanh nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam và cũng là đơn vị đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) và quản lý tài sản SHTT, hiện Busadco đã sở hữu 235 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (KDCN) đang còn hiệu lực và 101 đơn đã được chấp nhận đơn hợp lệ. Doanh thu đến từ việc bán các sản phẩm KHCN cũng chiếm phần lớn ở đơn vị này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các vấn đề liên quan đến SHTT. Có những vụ việc kéo dài vài năm không giải quyết được. Có những vụ việc đã xét xử, đã có bản án hợp lệ nhưng việc thi hành án (THA) cũng bị kéo dài, kéo theo nhiều thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Ngay cả khi Busadco đã bỏ ra rất nhiều thời gian, chi phí để theo đuổi một vụ kiện đến khi thắng kiện thì vụ việc được chuyển sang cơ quan THA dân sự để thực hiện việc bồi thường thiệt hại, vụ việc vẫn ở thế bế tắc.

Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco chia sẻ: “Chính sách của Nhà nước hiện nay là khuyến khích các chủ thể sáng tạo đăng ký quyền SHTT của mình để có thể được Nhà nước bảo vệ khi có hành vi xâm phạm xảy ra, nhưng thực tế con đường từ quy định pháp luật đến thực tiễn thi hành là rất gian nan”.

Ví dụ vụ Busadco kiện Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng (Hải Dương) vào năm 2017. Vụ kiện này được xét xử qua 2 cấp tòa (tỉnh Hải Dương và cấp cao tại Hà Nội sau khi Công ty Phượng Hoàng kháng cáo), đến năm 2020 bản án có hiệu lực (TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên Phượng Hoàng phải bồi thường thiệt hại cho Busadco hơn 83 triệu đồng), nhưng cơ quan THA dân sự tỉnh Hải Dương không thể thi hành bản án do không xác minh được tài sản của Công ty Phượng Hoàng làm cơ sở THA.

Khó khăn trong xác minh vi phạm sở hữu công nghiệp

Theo ông Thảo, một khó khăn lớn trong việc xử lý vi phạm pháp luật sở hữu công nghiệp (SHCN) là trước khi tiến hành thanh tra, xác minh, các đoàn thanh tra, cán bộ Tòa án thường thông báo trước thời gian đến làm việc cho đơn vị vi phạm. Việc này vô hình trung tạo điều kiện cho đơn vị vi phạm tiến hành tẩu tán các sản phẩm vi phạm, gây khó khăn cho việc xác minh hành vi vi phạm SHCN.

Cụ thể, Busadco đã tiến hành lập vi bằng thể hiện hành vi vi phạm SHTT đối với sản phẩm hào kỹ thuật tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 (TDC1). Sau đó, Busadco yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, sau khi thanh tra Sở thông báo thời gian làm việc với TDC1 thì TDC1 đã tẩu tán toàn bộ các sản phẩm vi phạm. Và đoàn thanh tra Sở cho rằng, vào thời điểm thanh tra không có các sản phẩm vi phạm tại nhà máy sản xuất của TDC1 nên không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Một vấn đề khó khăn nữa đối với quá trình xử lý vi phạm SHCN là các đơn vị sau khi đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình đã tìm cách chôn lấp các sản phẩm vi phạm và sau đó tiếp tục sản xuất các sản phẩm có kiểu dáng tương tự nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đơn cử vụ Busadco kiện Công ty TNHH Tiến Lâm đang được TAND tỉnh Phú Yên thụ lý giải quyết từ cuối năm 2019 về hành vi sản xuất sản phẩm Hố ga ngăn mùi vi phạm Bằng độc quyền KDCN của Busadco. Vi phạm của Tiến Lâm đã được thể hiện rõ trong quá trình giải quyết tại Thanh tra Sở KH&CN Phú Yên.

Ông Phan Gia Hùng, Giám đốc Công ty Tiến Lâm đã xác nhận: “Công ty không biết việc sản xuất sản phẩm hệ thống hố ga của mình đã xâm phạm KDCN đã được đăng ký bảo hộ của Busadco, nếu biết xâm phạm như vậy Công ty đã không vi phạm….”. Và Tiến Lâm cũng đã có Bản cam kết gửi Sở KH&CN Phú Yên và Busadco sẽ không sản xuất sản phẩm vi phạm KDCN nữa.

Tuy nhiên, sau khi Busadco rút đơn yêu cầu xử lý vi phạm, Công ty Tiến Lâm lại tiếp tục sản xuất sản phẩm hố ga ngăn mùi trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Khi tiếp tục bị kiện, Tiến Lâm đã chôn toàn bộ sản phẩm vi phạm. Để chứng minh sự vi phạm của Tiến Lâm, Busadco bị buộc phải giám định lại các sản phẩm vi phạm, nhưng các sản phẩm này đã bị chôn lấp tại các dự án nên việc thu thập chứng cứ để tiến hành giám định lại là rất khó khăn.

Theo Baomoi.com

Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm và quyền của sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học?

Bạn đọc Mai Tuyết Nhung ở thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm và quyền của sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học?

Luật sư xin tư vấn như sau:

Điều 12 Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT ngày 17-9-2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học (có hiệu lực thi hành từ ngày 2-11-2021) quy định trách nhiệm và quyền của sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học như sau:

1. Trách nhiệm của sinh viên:

a) Thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách trung thực, nghiêm túc;

b) Chịu trách nhiệm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên; tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong các cơ sở giáo dục đại học;

c) Tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoạt động khoa học và công nghệ và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

2. Quyền của sinh viên:

a) Được đề xuất, đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học;

b) Được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị sẵn có của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động nghiên cứu;

c) Được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo định mức quy định của cơ sở giáo dục đại học;

d) Được công bố, hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu, các ấn phẩm khoa học và công nghệ khác trong và ngoài nước theo quy định;

đ) Được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành;

e) Được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, điểm rèn luyện; ưu tiên xét cấp học bổng và các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của cơ sở giáo dục đại học;

g) Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định.

Trên đây là nội dung liên quan đến trách nhiệm và quyền của sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Tác quyền âm nhạc: Bảo vệ ‘đứa con tinh thần’ không dễ

Mới đây, nhạc sĩ Giáng Son, tác giả ca khúc ‘Giấc mơ trưa’ đã bức xúc lên tiếng trước việc ‘đứa con tinh thần’ của chị khi đăng tải trên kênh YouTube riêng đã bất ngờ bị ‘réo’ tên vì…. vi phạm bản quyền tác giả.

Nhạc sĩ cần thận trọng với tác quyền của chính mình.

Nhạc sĩ bức xúc vì “bỗng dưng bị mất quyền làm cha mẹ”

Câu chuyện của nhạc sĩ Giáng Son tiếc rằng không phải câu chuyện mới mà các nhạc sĩ phải đối mặt khi bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.

Còn nhớ, trước đó, nhiều nhạc sĩ rơi vào tình cảnh bị tố vi phạm bản quyền với chính tác phẩm của mình. Ví dụ như nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng có 37 ca khúc bị cho là vi phạm bản quyền. Trong khi theo nhạc sĩ thì đó là những video “ đa phần là do tôi sáng tạo ra, đầu tư tiền phối khí, thuê ca sĩ, thu thanh, thậm chí thuê người thu hình làm video, đã đăng ký ủy nhiệm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho VCPMC. Vậy mà các video này bị nhận xằng là của họ để kiếm tiền trên công sức của những người lao động sáng tạo”.

Tương tự, nhạc sĩ Minh Châu có hàng chục video ca khúc nhạc sĩ sáng tác đăng tải trên nền tảng số bị cảnh báo là vi phạm bản quyền. Nhạc sĩ cho biết “cảm thấy bị xúc phạm khi tác phẩm của mình lại bị người ta nhận vơ và bảo mình ăn cắp”.

Quay lại với vụ việc liên quan đến nhạc sĩ Giáng Sơn, mới đây, trong cuộc họp báo của BHMedia với truyền thông, đại diện BHMedia đã đưa ra lý giải rằng Giáng Son tác giả của ca khúc “Giấc mơ trưa” đã cẩn thận chuẩn bị một bản ghi – thuộc quyền sở hữu của chị để đưa lên kênh Youtube riêng của mình.

Nhưng vì trên Youtube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó, khi phát hiện bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã tải lên trước đó, Youtube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son.

Theo đại diện BHMedia, bản ghi “Giấc mơ trưa” do nghệ sĩ Dương Thùy Anh trên Youtube đã được Youtube ghi nhận. Dòng chữ Licensed to Youtube tức là cấp cho Youtube bởi BH Media (được chủ sở hữu ủy quyền) và ba tổ chức bảo vệ bản quyền (trong đó Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam).

Ghi nhận này rất quan trọng, vì Youtube sẽ trả tiền tác quyền cho Giáng Son về Trung tâm bảo vệ tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi Giáng Son ủy quyền.

“Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của Youtube, mà những ai đã từng lập kênh Youtube đều trải nghiệm và hiểu. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau. Thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần Giáng Son làm thao tác phản hồi, là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video” – bà Kiều Oanh – Trưởng phòng pháp chế BH Media khẳng định.

Cũng theo BH Media, mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành, sẽ chứa đựng 2 loại quyền tách biệt là: quyền bản ghi liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi âm; quyền tác giả liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm.

Theo pháp luật về bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần “Quyền bản ghi” – Một loại quyền liên quan của quyền tác giả quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật SHTT. Còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ “Quyền tác giả” – Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình.

Thận trọng với quyền của chính mình

Đó là lời khuyên mà nhiều luật sư dành cho các tác giả trong lĩnh vực nghệ thuật. Ở Việt Nam, quyền tác giả là một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng các quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng.

Tác quyền âm nhạc là động lực để nhạc sĩ duy trì sáng tạo.

Tuy nhiên, trong thực tế, có tác giả, do sơ suất trong ký kết hợp đồng đã dẫn tới việc mất hẳn quyền sở hữu, quyền kiểm soát đối với chính tác phẩm của mình.Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, đại diện bộ phận pháp chế của VCPMC đã từng lưu ý rằng, theo Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian bảo hộ quyền tác giả được thực hiện từ khi tác phẩm ra đời.

Đơn vị ủy thác sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm từ khi ký ủy thác cho tới 50 năm sau khi tác giả qua đời. Vì vậy, đừng vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà các tác giả vội ký ủy thác cho một đơn vị khai thác, quản lý khi chưa nắm rõ về các thủ tục pháp lý cũng như những rủi ro gặp phải khi bán độc quyền hoặc chuyển nhượng tác phẩm.

Cũng theo VCPMC, từ những nội dung phản ánh và đề nghị tư vấn của nhiều nhạc sĩ gửi đến, mới thấy rằng thực tế đa phần các nhạc sĩ do chưa nắm rõ các điều khoản thỏa thuận và thuật ngữ pháp lý nên khi ký kết đã không lường trước được những tình huống đầy rủi ro. VCPMC cũng đã có những hỗ trợ pháp lý, tránh hiện tượng nhầm lẫn, không trung thực “tình ngay lý gian” hoặc cố tình lừa dối, làm sai lệch trong giao dịch dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả – chủ sở hữu tác phẩm.

Bên cạnh sự “cả tin” của tác giả thì còn có việc nhiều tổ chức, cá nhân đã lạm dụng những kẽ hở pháp lý để biến mục đích phổ biến tác phẩm âm nhạc thành công cụ để phục vụ triệt để cho mục đích kinh doanh; khiến tác giả không chỉ thiệt thòi về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức sáng tạo.

Còn nhớ, năm 2019, nhạc sĩ Tạ Quang Thắng – tác giả của ca khúc “Sống như những đóa hoa” khi biết Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc cấp phép cho chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” được biểu diễn ca khúc này ngay lập tức phản đối kịch liệt vì lý do không đồng ý cho “đứa con tinh thần” của mình xuất hiện chương trình này.

Tuy nhiên, việc phản đối của Tạ Quang Thắng vô hiệu vì khi ấy, chương trình đã được cấp phép (chương trình này sau đó bị hủy vì nhiều lý do khác, không phải liên quan đến sự kiện ca khúc của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng).

Vì sao là “cha đẻ” của ca khúc mà nhạc sĩ Tạ Quang Thắng lại không hề biết và không hề được xin phép khi ca khúc được đưa vào chương trình? Câu hỏi này đã phần nào cho thấy sự bất cập mà giới nhạc sĩ lo lắng bấy lâu, rằng ca khúc tuy do họ sáng tác nhưng không có quyền quyết định số phận của nó.

Nguyên nhân đến từ sự bất cập của pháp luật. Cụ thể, với Nghị định 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VH-TT&DL thì khi một đơn vị muốn trình diễn ca khúc nào đó, họ không cần phải thông qua thỏa thuận với nhạc sĩ hay cơ quan được ủy quyền, mà chỉ cần cam kết sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tác quyền là sẽ được cấp phép biểu diễn từ cơ quan chức năng.

Ở góc độ cơ quan ban hành luật, thì với những thay đổi trong Nghị định 142, cơ quan thực hiện mong muốn sẽ giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, tiết kiệm thời gian cho nhạc sĩ và các đơn vị trình diễn. Tuy nhiên, mục đích này bị cho là không phù hợp bởi theo nhiều nhạc sĩ, ý thức tôn trọng bản quyền của đại đa số ban tổ chức và những người sử dụng nhạc tại Việt Nam không có, nên nếu không ràng buộc về mặt pháp lý thì việc không tuân thủ bản quyền sẽ càng nhiều hơn, khiến nhạc sĩ phải chịu thiệt thòi khi ca khúc của mình bị “diễn chùa”.

Và điều đáng buồn là khi biết bị vi phạm như vậy nhưng chẳng có nhạc sĩ nào có không thể cấm, từ chối một ca sĩ hay một chương trình nào đó sử dụng ca khúc của mình.

Trước một loạt những sự kiện về quyền tác giả xảy ra gần đây, nhiều nhạc sĩ cho biết họ đã nhận thức được rằng tuy rằng nhạc sĩ là người sáng tạo tác phẩm nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc họ có thể hiểu biết hết mọi thứ, mà thay vào đó rất cần có sự đồng hành của nhà tư vấn luật bản quyền và nhà tư vấn công nghệ thông tin. Ở thời đại 4.0, các nhạc sĩ lại có thêm một “mặt trận” nữa là nền tảng số và cũng chính ở “mặt trận” này vấn đề bản quyền của họ lại trở nên mong manh, khó bảo vệ hơn bao giờ hết, nếu thiếu những kiến thức chuyên sâu về bản quyền và công nghệ.

Theo Baomoi.com

Trường hợp nào được sử dụng tác phẩm nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao?

Câu hỏi:  Luật sư cho tôi hỏi biết trường hợp nào được sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao? (Anh Đỗ Minh Thức ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội)

Luật sư xin tư vấn như sau:

Tại Điều 26, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019) như sau:

1. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.

Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

3. Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.

Trên đây là nội dung liên quan đến các trường hợp được sử dụng tác phẩm nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com