Tái hôn thế nào khi chồng chưa đồng ý ly hôn?

Câu hỏi: Tôi 38 tuổi, ly thân hai năm nhưng chưa thể ly hôn vì chồng không đồng ý. Tôi muốn tái hôn thì phải đảm bảo những điều kiện gì? ( Bạn Nguyễn Mai Anh – Hà Nam)

Luật sư tư vấn như sau:

Về mặt luật pháp, ly thân không chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa hai vợ chồng, nên thời gian này, vợ chồng chị vẫn còn đầy đủ các quyền, nghĩa vụ về con cái và tài sản chung.

Nếu muốn tái hôn, việc đầu tiên chị cần làm, là hoàn thiện thủ tục ly hôn. Trường hợp chồng chị không thuận tình, chị có thể nộp đơn xin ly hôn đơn phương.

Trong đơn, chị cần nêu rõ mâu thuẫn giữa hai người như có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Sau đó, chị chồng nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi cả hai vợ chồng đang cư trú (đã đăng ký hộ khẩu thường trú) hoặc nơi chồng chị đang cư trú (nếu hai vợ chồng ở hai hộ khẩu khác nhau).

Theo quy định của luật Hôn nhân nhân và gia đình 2014, sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn,t án sẽ tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Hoà giải tại toà là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải không thành, tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Vướng mắc cơ bản của chị trong trường hợp này là sự không hợp tác từ phía người chồng, thậm chí người chồng không chịu đến tòa án hòa giải hay không tham gia xét sử tại phiên tòa. Trường hợp này, nếu chồng chị vắng mặt khi tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, phiên tòa sẽ bị hoãn nhưng nếu đến lần thứ hai mà vẫn không có mặt thì tòa sẽ xét xử vắng mặt.

Vậy, chị có thể làm đơn đề nghị tòa án xét xử vắng mặt người chồng khi đã đảm bảo về các căn cứ để ly hôn theo quy định tại khoản 1 điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Để tái hôn, chị và bạn trai cần đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn:

+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

+ Kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Như vậy, trước hết chị và chồng sắp cưới phải đáp ứng được ba điều kiện để kết hôn là về độ tuổi, về năng lực hành vi dân sự và hai người phải tự nguyện kết hôn mà không bị ai ép buộc. Điều kiện cuối cùng, hai người kết hôn mà không thuộc điều cấm nào của pháp luật, đó là: khi hai người không có cùng dòng máu về trực hệ và không phải là những người có họ trong phạm vi ba đời quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Chị cần làm đơn ly hôn đơn phương, sau khi hoàn thiện các thủ tục và được tòa án ra bản án công nhận đã hoàn tất việc ly hôn chị mới có thể tái hôn với người khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến việc tái hôn khi chồng chưa đồng ý ly hôn mà bạn đang thắc mắc. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
SĐT: 0942141668 – 0963494337
Email: luathiepthanh@gmail.com

Xé giấy chứng nhận kết hôn có vi phạm pháp luật không?

Câu hỏi: Sau hơn một năm kết hôn vợ tôi hay nhậu say về nhà chửi bới, đòi xé giấy đăng ký kết hôn “để được lấy chồng mới”.

Hành vi xé giấy đăng ký kết hôn có hay không trái luật và chấm dứt quan hệ hôn nhân?

Luật sư tư vấn như sau:

Giấy chứng nhận kết hôn hay giấy đăng ký kết hôn là một trong những loại giấy tờ hộ tịch quan trọng do cơ quan nhà nước cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn, nhằm xác nhận quan hệ hôn nhân là hợp pháp.

Điểm a khoản 4 Điều 45 Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi hủy hoại giấy tờ hộ tịch là vi phạm nguyên tắc đăng ký, quản lý hộ tịch, sử dụng giấy tờ hộ tịch. Theo đó, có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Tuy nhiên, giấy đăng ký kết hôn bị xé không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Theo Điều 57 và Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt trong các trường hợp: có quyết định, bản án có hiệu lực của tòa án về việc giải quyết ly hôn; vợ, chồng chết; vợ, chồng bị tòa án tuyên bố là đã chết.

Anh có thể thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận kết hôn tại nơi đã đăng ký kết hôn trước đó.

Trên đây là nội dung quy định về hành vi xé giấy đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật hay không.. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
SĐT: 0942141668 – 0963494337
Email: luathiepthanh@gmail.com

Chia tài sản khi ly hôn: Cần biết gì để không bị thiệt

Khi ly hôn, một trong những điều các cặp vợ chồng quan tâm là việc chia tài sản chung vợ chồng. Vậy theo quy định của pháp luật, việc chia tài sản khi ly hôn được quy định như thế nào?

3 thời điểm được yêu cầu phân chia tài sản chung

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ), tài sản chung vợ chồng được quy định như sau:

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Căn cứ quy định trên, có thể thấy tài sản chung vợ chồng gồm:

– Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ khi phát sinh từ tài sản riêng sau khi đã chia;

– Quyền sử dụng đất sau khi kết hôn trừ trường hợp được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong đó, tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Ngoài ra, theo quy định của Luật HN&GĐ, về chế độ tài sản chung vợ chồng, pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các cặp vợ chồng. Do đó, việc phân chia tài sản vợ chồng có thể được thực hiện trong thời kỳ hôn nhân, ngay tại thời điểm ly hôn hoặc sau khi ly hôn tùy thỏa thuận.

2 loại tài sản không phải phân chia khi ly hôn

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể có tài sản chung hoặc có tài sản riêng. Khi ly hôn, việc phân chia tài sản dựa theo thỏa thuận của hai người. Theo đó, có 02 loại tài sản sau đây không phải chia khi hai vợ chồng ly hôn:

– Tài sản được thỏa thuận không phân chia. Nguyên tắc khi giải quyết ly hôn theo Điều 59 Luật HN&GĐ là tự nguyện và thỏa thuận. Do đó, nếu vợ chồng thỏa thuận về tài sản chung thì Tòa án công nhận việc thỏa thuận đó;

– Tài sản riêng của vợ, chồng: Theo Điều 11 Nghị định 126 năm 2014 của Chính phủ, các tài sản sau đây sẽ được coi là tài sản riêng: Quyền tài sản với đối tượng sở hữu trí tuệ; Tài sản có trước khi kết hôn; Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…

Với những tài sản riêng này, vì không có sự đóng góp của người còn lại nên người này không được yêu cầu Tòa án phân chia.

Chia tài sản khi ly hôn theo nguyên tắc chia đôi?

Khi ly hôn, vợ chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề trong đó có cả việc phân chia tài sản (Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP). Bởi vậy, tài sản chung khi ly hôn có thể được chia theo thỏa thuận.

Nếu không thỏa thuận được và một trong hai bên hoặc cả hai người có yêu cầu thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 59 bằng cách chia đôi nhưng tính đến các yếu tố:

– Hoàn cảnh của gia đình và vợ, chồng như tình trạng sức khỏe, khả năng lao động… Căn cứ vào tình hình thực tế, bên nào khó khăn hơn sau khi ly hôn sẽ được chia nhiều hơn…

– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung này. Bên có công sức nhiều hơn thì được chia nhiều hơn. Tuy nhiên, vợ, chồng ở nhà nội trợ vẫn được tính là lao động có thu nhập tương đương với người đi làm;

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Dù vậy, việc bảo vệ này không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của người còn lại;

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: Lỗi của một bên dẫn đến việc ly hôn của vợ chồng: Một trong hai người có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy…

Đặc biệt, khi phân chia tài sản chung vợ chồng, Tòa án phải xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, tài sản để tự nuôi mình.

Như vậy, không phải trong mọi trường hợp chia tài sản khi ly hôn đều phải chia đôi. Có thể căn cứ vào thỏa thuận của hai vợ chồng và nhiều yếu tố như trên để phân chia.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến việc phân chia tài sản khi ly hôn. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Sau khi ly hôn, có phải cấp dưỡng cho con đủ 18 tuổi không ?

Câu hỏi:

Vợ chồng tôi ly hôn đã được 6 năm, suốt 6 năm đó chồng tôi gửi tiền cấp dưỡng cho con đầy đủ. Hiện nay con tôi đã được 18 tuổi, nhưng cháu vẫn tiếp tục đi học và chưa tự mình tạo ra thu nhập. Vậy tôi muốn hỏi là tôi có thể yêu cầu chồng tôi tiếp tục cấp dưỡng cho con cho đến khi cháu đã tự kiếm ra tiền được không? Tôi xin cảm ơn!

Tư vấn:

Chúng tôi rất vui khi bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Công ty Luật TNHH Hiệp Thành. Với trường hợp của bạn, luật sư xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con sẽ phải tiến hành việc cấp dưỡng cho con.

Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ với con: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Khoản 1 Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia  đình quy định về một trong những trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng là khi người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.

Theo đó, nếu con bạn có những vấn đề về sức khỏe làm mất khả năng lao động thì chồng cũ sẽ phải cấp dưỡng cho đến khi nào không còn tình trạng này nữa. Còn nếu trong trường hợp sức khỏe và trí tuệ của con bạn phát triển một cách bình thường, mặc dù cháu vẫn còn đang đi học những trên thực tế đã có thể tham gia vào các quan hệ lao động để tạo ra thu nhập cho bản thân mình. Nên việc cấp dưỡng ở thời điểm hiện tại sẽ không mang tính bắt buộc nữa.

Trên đây là nội dung quy định về việc cấp dưỡng đối với con đã dủ 18 tuổi Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Lập di chúc có cần các con đồng ý?

‘Bố mẹ tôi muốn lập di chúc để lại một phần tài sản cho quỹ từ thiện. Vậy, khi bố mẹ tôi lập di chúc có cần sự đồng ý của tất cả các con không?’ – Nguyễn Văn Bình, quận Hà Đông, Hà Nội

Cảm ơn bạn đọc đã gửi câu hỏi. Luật sư tư vấn như sau:

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Như vậy, di chúc là văn bản được lập ra khi một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nên không phụ thuộc vào người khác.


Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 Bộ luật Dân sự nêu rõ các quyền như sau: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để đi tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự: “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”. Như vậy, khi tiến hành lập di chúc, bố mẹ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phụ thuộc vào con cái của mình. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn dựa vào ý chí bố mẹ bạn. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào tài sản mà bố mẹ lập di chúc. Trong một số trường hợp vẫn cần phải có sự đồng ý của các con như tài sản là đất cấp cho hộ gia đình thuộc sở hữu chung thì vẫn phải cần sự đồng ý của các con.

Trên đây là nội dung quy định về việc lập di chúc có cần các con xác nhận hay không. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Nhiều bất cập trong thi hành Luật Nuôi con nuôi

Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, bảo đảm trẻ em được nhận làm con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình. Tuy nhiên, việc triển khai nuôi con nuôi vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Ngay khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2011), tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai cho cán bộ, công chức của các sở, ngành liên quan lĩnh vực nuôi con nuôi, UBND cấp huyện, cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã lồng ghép tổ chức 15 lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về giải quyết việc nuôi con nuôi cho công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã. Để thực hiện thống nhất và có hiệu quả các quy định của Luật Nuôi con nuôi, tỉnh giao Sở Tư pháp tham mưu, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện.

Qua công tác quản lý, theo dõi việc nuôi con nuôi tại địa phương cho thấy, các trường hợp đăng ký nuôi con nuôi được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt trong việc giải quyết nuôi con nuôi đối với những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi. Các thủ tục hành chính về nuôi con nuôi thường xuyên được rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, niêm yết và đăng tải công khai để người dân thuận tiện tìm hiểu, thực hiện. Các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký nuôi con nuôi, đảm bảo thực hiện thủ tục đăng ký 100% trên phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song nuôi con nuôi vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, liên quan đến việc đánh giá điều kiện của người nhận con nuôi, tại điểm c, khoản 1, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định “người nhận con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”, song lại chưa có hướng dẫn, căn cứ cụ thể để xác định thế nào là có điều kiện về kinh tế, dẫn đến việc xác định không thống nhất. Xác định chỗ ở như thế nào để bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi cũng gặp khó khăn tương tự.

Theo quy định tại Điều 21 của Luật, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi. Nhưng thực tế lại phát sinh những trường hợp cho nhận con nuôi rất tùy tiện, như: Sau khi sinh con, cha mẹ đẻ vì lý do nào đó cho con làm con nuôi có thể là trao tay, giấy viết tay…, mà không để lại địa chỉ, thậm chí để lại địa chỉ giả. Do đó, khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, UBND xã gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến và phải mất nhiều thời gian để xác minh.

Việc thay đổi hộ tịch cho con nuôi cũng gặp không ít bất cập. Theo quy định tại khoản 3, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ em có cha, mẹ đẻ đồng ý cho làm con nuôi thì dân tộc của con nuôi không được thay đổi theo dân tộc của cha, mẹ nuôi, trong khi phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh đã được thay đổi, gây ảnh hưởng đến tâm lý của cả người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 15 Luật Nuôi con nuôi quy định về trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Theo đó trường hợp trẻ em có cha, mẹ đẻ, người thân thích không còn khả năng nuôi dưỡng thì báo cáo với UBND cấp xã để tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Tuy nhiên, không có cơ sở để xác định thế nào là không có khả năng nuôi dưỡng, điều này gây khó khăn cho việc áp dụng quy định của Luật vào thực tế của các địa phương trong quá trình thực hiện.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, tại một số địa phương miền núi, biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nên vẫn còn tình trạng người dân tự thỏa thuận cho – nhận con nuôi mà không đến cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh. Đến khi trẻ đi học cần có giấy khai sinh thì người dân mới đi đăng ký khai sinh, nên việc đăng ký gặp khó khăn, không đảm bảo được quyền lợi các bên.

Đối với đăng ký con nuôi nước ngoài, việc tìm gia đình thay thế cho những trẻ em từ 5 tuổi trở lên gặp khó khăn hơn so với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở độ tuổi nhỏ, vì trẻ em càng lớn tuổi thì càng khó hòa nhập với gia đình cha, mẹ nuôi, thường mặc cảm tự ti, gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ…

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nuôi con nuôi, bên cạnh tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc đảm bảo thực hiện giải quyết nuôi con nuôi, thì những bất cập trong quy định của Luật cần được các cấp, ngành xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Theo baomoi.com

Không đồng ý việc tiếp tục đòi chia tài sản sau ly hôn

Cho rằng việc chia tài sản ly hôn, quyền nuôi con được 2 bên đồng thuận và Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) công nhận nên người chồng không chấp thuận yêu cầu tiếp tục đòi chia thêm tài sản của người vợ.

Trình bày vụ việc đến Báo An Giang, ông Hồ Văn Thương (sinh năm 1986, ngụ ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) cho biết, năm 2012, ông kết hôn với bà Phạm Ngọc Dung (sinh năm 1992, ngụ ấp Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú), cùng sống chung nhà với cha mẹ ông. Sau kết hôn, vợ chồng sinh được 1 con trai, 1 con gái.

“Dù nhà không ruộng đất, cơ sở làm ăn nhưng nhờ ra sức lao động nên vợ chồng tích lũy được gần 300 triệu đồng. Nhờ số tiền này, chúng tôi lo cho các con ăn học, mua sắm chút ít và cả 2 vợ chồng đều tham gia bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng. Đầu năm 2020, vợ tôi muốn mua đất cất nhà ra riêng, không ở chung do bất hòa với mẹ chồng. Bàn bạc với vợ không được, tôi nói, nếu cất nhà ở riêng phải ở gần để cha mẹ tiếp chăm lo bệnh đục thủy tinh thể của tôi, khi bệnh đang giai đoạn nguy hiểm” – ông Hồ Văn Thương thông tin.

Do yêu cầu này không được người vợ đồng ý, nên mâu thuẫn của gia đình ngày thêm trầm trọng. Tháng 7-2020, bà Phạm Ngọc Dung ẵm con gái về nhà cha mẹ ruột. “Cuối cùng, chúng tôi đồng thuận ly hôn. Trước ngày tòa án xét xử, tôi đã giao 8,5 chỉ vàng 24k cùng số tiền và vật chất tổng trị giá gần 170 triệu đồng cho vợ, có làm biên bản thỏa thuận tại Ban nhân dân ấp Trung Phú 3” – ông Thương nhớ lại.

Sau đó, bà Phạm Ngọc Dung làm đơn gửi đến TAND huyện Thoại Sơn yêu cầu ly hôn, chia tài sản chung và giành quyền nuôi 2 con. Ngày 13-10-2020, tòa án thụ lý vụ án “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Ngày 17-5-2021, TAND huyện Thoại Sơn đưa vụ án ra xét xử. Kết quả, chấp nhận cho 2 người ly hôn; 2 bên không cấp dưỡng nuôi con; giao con trai cho ông Hồ Văn Thương tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng; giao con gái cho bà Phạm Ngọc Dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Tòa án không chấp nhận yêu cầu của bà Dung đòi chia một nửa của số tiền 500 triệu đồng (sau đó còn 425 triệu đồng) do Công ty Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng giải quyết về bệnh hiểm nghèo của ông Thương. Đối với số tài sản chung của 2 người, ngày 13-8-2020, hai bên tự thỏa thuận tại văn phòng Ban nhân dân ấp Trung Phú 3 nên không xem xét.

Liên quan vụ việc này, bà Phạm Ngọc Dung cho biết, thời gian đầu bà về nhà chồng cuộc sống hạnh phúc. Sau ngày có con, bà với mẹ chồng thường bất hòa, xảy ra mâu thuẫn. Thương chồng con, bà yêu cầu mua đất cất nhà ở riêng nhưng không được ở gần nhà cha mẹ chồng. Ông Thương không đồng ý mà còn nghi ngờ, đối xử không tốt với bà. Tiền bạc và những thứ có giá trị của vợ chồng giao hết cho mẹ chồng giữ. Thấy cuộc sống bức bách, bà làm đơn ly hôn, yêu cầu chia tài sản chung và được quyền nuôi 2 con.

Đối với biên bản thỏa thuận chia tài sản chung ở Ban nhân dân ấp Trung Phú 3, do bên chồng gây áp lực, định xông vào đánh nên bà buộc ký nhận số tiền để cho qua chuyện. Theo bà, bản án số 56/2021/HNGĐ-ST, ngày 17-5-2021 của TAND huyện Thoại Sơn xét xử, quyết định là không công bằng. Bà kháng cáo, yêu cầu được nuôi 2 con do người chồng bị bệnh, không lo được cho con. Về số tiền 425 triệu đồng là tài sản chung của vợ chồng, bà yêu cầu chia đôi. Việc ly hôn là bất khả kháng, nếu người chồng đồng ý cất nhà ở riêng thì bà sẽ nối kết lại.

Thông tin về sự việc, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Trung Phú 3 (Tổ trưởng Tổ hòa giải) Nguyễn Thị Huyến cho biết, sau nhiều lần thương thảo không thành, ngày 13-8-2020, vợ chồng ông Thương đến ban ấp hòa giải. Tại đây, qua phân tích, giải thích, bà Dung đồng ý nhận số tiền chung phân chia, không nhận tiền của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng giải quyết cho ông Thương và bà ký tên vào tờ cam kết, không có việc bị phía gia đình ông Thương gây áp lực.

Luật sư Nguyễn Thị Bạch Xuân (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, theo quy định của pháp luật, các bên đương sự không đồng ý với bản án mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên thì có quyền nộp đơn kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung bản án. Thời hạn các bên kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp khi tuyên án mà đương sự vắng mặt, nếu có lý do chính đáng thì thời gian 15 ngày được tính từ ngày nhận được bản án. Qua vụ việc cho thấy, vợ và chồng đều có tham gia bảo hiểm và 1 người yêu cầu chia giá trị của bên kia là không có cơ sở.

Theo baoangiang.com.vn

Nhóm máu có ảnh hưởng thế nào đến hôn nhân?

Nhóm máu có ảnh hưởng thế nào đến hôn nhân?

Theo nhà nghiên cứu Nomi Mashahiko (Nhật Bản), nhóm máu của các cặp đôi có thể là một trong những tác nhân quyết định việc hôn nhân của họ có hạnh phúc hay không.

Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra, người có nhóm máu khác nhau có tính cách khác nhau. Ở Nhật Bản, nhóm máu thậm chí còn được các công ty hẹn hò sử dụng như một chìa khóa để tìm ra các đối tượng tương thích trong công việc, tình bạn và tình yêu.

Năm 1927, giảng viên người Nhật Furukawa Takeji đã viết một bài báo tựa đề “Nghiên cứu tính cách thông qua nhóm máu” trên một tạp chí nghiên cứu tâm lý và nhận được sự quan tâm lớn. Từ năm 1971 đến nay, cuốn sách “Nhóm máu tiết lộ về khả năng tương thích” của nhà nghiên cứu Nomi Mashahiko đã được tái bản 240 lần.

Trong các nghiên cứu của mình, ông Furukawa Takeji đã đưa ra một khái niệm là “ketsuekigata” – tính cách dựa trên các nhóm máu.

Người nhóm máu A thuộc tuýp cơ bản, thích hợp tác, giúp đỡ mọi người. Họ nhạy cảm, thông minh và cầu toàn. Đối với họ, điều quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ tốt với những người khác dù đôi khi có thể phải che giấu cảm xúc thực của mình. Đó cũng là lý do tại sao đôi khi họ có thể cảm thấy không thoải mái với mọi người xung quanh và trở nên nhút nhát, nội tâm.

Những người này đôi khi thiếu kiên nhẫn, tuy nhiên khi đối mặt với khủng hoảng, họ có thể giữ bình tĩnh và thể hiện sức mạnh. Có trách nhiệm và có kỷ luật làm việc tốt, họ rất có thể có một cuộc sống thành công.

Người nhóm máu B chiếm 1/3 dân số thế giới. Họ có năng lực cao trong việc điều hành công việc kinh doanh. Họ chu đáo và nhạy cảm. Không chỉ là những nhà lãnh đạo đầy tham vọng và giỏi giang, họ còn có tính toán tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất của mọi kế hoạch. Họ có sự tập trung cao độ lẫn quyết tâm hướng tới mục tiêu. Họ có cá tính riêng, quy tắc của riêng mình. Những người khác có thể thấy họ lạnh lùng và nghiêm túc, vì họ tập trung vào suy nghĩ hơn là cảm xúc của mình.

Người nhóm máu AB – loại máu hiếm nhất, khá phổ biến – là những người phức tạp, vừa có thể nhút nhát, lại vừa thân thiện. Họ không bị làm phiền bởi những điều nhỏ nhặt, yêu thích sống một cuộc sống năng động và thú vị. Mặc dù sống có trách nhiệm, họ không thích bị đặt nhiều câu hỏi hoặc ra lệnh. Họ thích làm mọi thứ theo cách của riêng mình.

Người nhóm máu O – một trong những nhóm máu khác biệt – là những người yêu thích sự tự do. Họ đều là những nhà lãnh đạo giỏi và không sợ đơn độc. Họ dũng cảm, có lòng tự trọng cao, tuy nhiên, đôi khi cũng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về họ.

Trực giác và kỹ năng tập trung của nhóm máu O rất mạnh, nhưng họ cũng là những người không đáng tin cậy vì đôi khi bỏ cuộc quá dễ dàng.

Dựa trên nhóm máu, Furukawa Takeji chia ra bốn nhóm vợ chồng, bao gồm loại bình đẳng, loại tình cảm, loại quản lý và loại bổ sung, cụ thể như sau:

Nhóm bình đẳng

Đây là những cặp vợ chồng cùng nhóm máu, cả vợ và chồng đều có cách suy nghĩ giống nhau, có thể hiểu nhau, giao tiếp dễ dàng, quan hệ hôn nhân tương đối bền chặt.

Cùng nhóm A: Đây là cặp đôi hoàn hảo, hai bên đều rất coi trọng gia đình, luôn thấu hiểu và lắng nghe nhau để xây dựng một gia đình êm ấm. Họ có cùng chung mục tiêu dài lâu như phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con cái… Đôi khi mối quan hệ có vẻ buồn tẻ, nhưng bên nhau, họ thấy hạnh phúc và gần gũi.

Cùng nhóm O: Đây là cặp đôi “chiến hữu”. Đặc điểm chung của cặp đôi này là tính cách mạnh mẽ, luôn hỗ trợ nhau, tuy nhiên đôi khi lại cạnh tranh nhau. Để mối quan hệ êm ấm, họ thường cần phải thỏa thuận để phân chia rõ phạm vi trách nhiệm, nhằm tránh sự buộc phải nhượng bộ nhau.

Cùng nhóm AB: Người nhóm máu AB tính tình ổn định, vợ chồng thấu hiểu nhau, cuộc sống chung giống như một cặp vợ chồng già. Cũng có thể vì cuộc sống quá bình lặng mà đôi khi họ cảm thấy nhàm chán.

Cùng nhóm B: Cặp đôi này thường phát triển tình yêu từ mối quan hệ bạn bè. Họ yêu lý trí, tích cực, lạc quan và tràn đầy năng lượng. Bên nhau, họ cùng tận hưởng hiện tại, không lo lắng cho tương lai.

Nhóm dựa dẫm

Kiểu quan hệ vợ chồng này được đánh giá tương tự như mối quan hệ mẹ con hay quan hệ cha con trong mối quan hệ gia đình. Họ phụ thuộc, dựa dẫm vào nhau.

Chồng O, vợ A: Trong gia đình này, người chồng đóng vai trò chi phối. Người chồng tập trung làm việc bên ngoài, vợ lo việc nhà, sự phân công lao động giữa hai người rõ ràng. Họ thấu hiểu và hỗ trợ nhau, tình cảm vợ chồng rất ngọt ngào.

Chồng B, vợ O: Trong gia đình này, người vợ là “bảo mẫu”, coi người chồng như trẻ nhỏ. Người vợ nhóm máu này không chỉ có thể xoa dịu tính nóng nảy của chồng và tạo cho anh cảm giác an toàn, thậm chí còn thỏa mãn được tình yêu và tâm lý mạnh mẽ của người vợ, nên hai phía cũng rất hòa hợp.

Chồng A, vợ AB: Trong quan hệ hôn nhân này, người chồng là người sâu sắc và nhìn xa trông rộng, có thể đem lại cho người vợ cảm giác an toàn. Người vợ hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, đồng thời cũng có thể an ủi, giải tỏa cho chồng bằng chính tình cách mềm mỏng, dịu dàng của cô.

Chồng AB, vợ B: Đây là một cặp đôi yêu thương như cha và con gái, và người vợ rất phụ thuộc vào người chồng. Người chồng chín chắn, vững vàng, người vợ vui vẻ, hồn nhiên, hai người cùng nhau vun đắp cuộc sống. Đây mẫu tình yêu đẹp hiếm có.

Nhóm quản lý

Trong kiểu quan hệ này, vợ và chồng một người là cấp trên, người kia là cấp dưới, hai người luôn có mâu thuẫn với nhau, đôi khi ghét nhau, nhưng họ lại cần nhau.

Chồng A, vợ O: Đặc điểm lớn nhất của kiểu vợ chồng này là tuân theo các quy tắc và thói quen trong công việc, vì vậy họ có thể thiếu đam mê, thiếu lửa yêu đương trong cuộc sống.

Chồng O, vợ B: Cặp đôi này thường là khắc khẩu, người chồng thẳng tính, trong khi người vợ… nhiều lời. Thỉnh thoảng họ sẽ cãi nhau, nhưng rồi lại làm hòa, lại hạnh phúc, và rồi lại… cãi nhau, đó cũng là biểu hiện của sự hòa hợp.

Chồng AB, vợ A: Đôi vợ chồng này đều là những người có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức cao về hôn nhân. Họ hợp để kết hôn hơn là yêu đương lãng mạn.

Chồng B, vợ AB: Đây cũng là một cặp đôi đẹp, họ không chỉ làm việc chăm chỉ, hỗ trợ nhau tiến bộ trong sự nghiệp mà còn có thể thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau.

Nhóm bổ sung

Đây là nhóm đặc biệt trong sự kết hợp các nhóm máu, bởi hai vợ chồng có tính cách, cách suy nghĩ hoàn toàn trái ngược nhau, có ưu nhược điểm bổ sung cho nhau. Tuy nhiên do tính cách có sự khác biệt lớn nên quan hệ hôn nhân có thể một là hòa hợp, một là cạnh tranh gay gắt.

Chồng O, vợ AB: Cặp đôi này có lúc sẽ vô cùng hòa thuận, nhưng cũng có khi “như nước với lửa”. Để sống với nhau lâu dài, cả hai buộc phải học cách bao dung hơn với đối phương và cùng phát triển những sở thích, thói quen chung nhằm duy trì hôn nhân tốt đẹp.

Chồng AB, vợ O: Đây là cặp điển hình về sự khác biệt, người chồng điềm đạm, lạnh lùng, người vợ sôi nổi và phóng khoáng. Giữa hai người sẽ luôn cần giữ một khoảng cách nhất định, sự khoan dung nhất định để duy trì tình cảm vợ chồng.

Chồng B, vợ A: Cả hai vợ chồng này có chung sở thích, nhưng dễ xảy ra cãi vã trong việc bày tỏ hiểu biết. Mâu thuẫn lớn có thể giết chết mối quan hệ, nếu không ai chịu nhường ai.

Chồng A, vợ B: Đây là “đôi bạn thân”. Những cặp đôi này thường sẵn sàng học hỏi từ những điểm mạnh của nhau. Hai người dễ dàng trò chuyện và thấu hiểu nhau để duy trì quan hệ.

Theo vnexpress.net

Cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê

Cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê

Theo Bộ Y tế, tình hình mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê có xu hướng diễn biến phức tạp nên cần thực hiện một số biện pháp để phòng tránh.

Ngày 17-6-2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 4870/BYT-BM-TE về việc phòng mang thai hộ vì mục địch thương mại và lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo đó, thời gian qua, tình hình mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng diễn biến phức tạp. Mội số đường dây đẻ thuê đang bị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo pháp luật.

Để bảo đảm việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, phòng tránh tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi xảy ra trong cơ sở y tế hoặc các hành vì tiếp tay, tham gia vào những đường dây phi pháp nêu trên của cán bộ y tế, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần thực hiện một số biện pháp.

Cụ thể, cần tăng cường quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Rà soát, xây dựng bổ sung quy trình và thường xuyên kiểm tra nhân viên để hạn chế đến mức thấp nhất việc nhầm lẫn hoặc tráo đổi bệnh nhân, tráo đổi tinh trùng, noãn, phôi. Việc nhận diện bệnh nhân và giao tử không chỉ bằng giấy tờ cá nhân mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi bệnh nhân do sử dụng giấy tờ giả…

Đối với các bệnh viện chưa được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không lạm dụng việc kích thích buồng trứng trong trường hợp có chỉ định mang thai hộ. Không lạm dụng kỹ thuật cao dự đoán hoặc lựa chọn giới tính thai nhi hoặc vì mục đích thương mại.

Về việc bảo đảm các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ, khuyến khích các bệnh viện ký hợp đồng với công ty Luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý. Để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, ngoài Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu.

Về vấn đề xuất trình giấy tờ cá nhân khi khám thai, sinh đẻ, bệnh viện cần kiểm tra, đối chiếu kỹ giấy tờ trong quá trình thăm khám, chăm sóc, đỡ đẻ và cấp giấy chứng sinh. Trường hợp không xuất trình được giấy tờ cá nhân, cần hết sức lưu ý, kiểm tra chặt chẽ để loại trừ khả năng đẻ thuê.

Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm không để cán bộ, nhân viên tham gia, dính líu, tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê hoặc thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi và cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm…

Thế nào là mang thai hộ vì mục đích thương mại?

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Nghiêm cấm việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.

(Trích Điều 3, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

(Theo Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình…)

Theo PLO.vn

Mức hưởng BHYT hộ nghèo khi khám chữa bệnh tại nơi tạm trú

Mức hưởng BHYT hộ nghèo khi khám chữa bệnh tại nơi tạm trú

Em của bà Hoàng Phương Anh năm nay 11 tuổi, có BHYT hộ nghèo, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Trung tâm y tế huyện thuộc tỉnh Hưng Yên. Em của bà hiện tạm trú tại TP. Hải Phòng. Bà Phương Anh hỏi, khi em bà đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở nơi tạm trú thì có được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh không?

Người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện được quỹ BHYT chi trả theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến

 

 

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế thì trường hợp trên nếu có đăng ký tạm trú tại TP. Hải Phòng, khi đi khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT thì xác định là đúng tuyến.

Tại Công văn số 627/BYT-BH ngày 27/1/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện một số quy định tại Điều 22 Luật BHYT như sau:

– Trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT trong phạm vi cả nước: Được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến;

– Trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh theo quy định tại Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT trong phạm vi cả nước: Được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh nội trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Như vậy, trường hợp trên khi đi khám chữa bệnh BHYT trái tuyến tại các bệnh viện ở TP. Hải Phòng, đối với các bệnh viện tuyến huyện sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo mức hưởng ghi trên thẻ BHYT như đi khám chữa bệnh đúng tuyến; tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Theo baochinhphu.vn

Khi không còn hộ khẩu giấy: làm sao để xác nhận được thông tin tạm trú, tạm vắng khi thực hiện các thủ tục liên quan?

Khi không còn hộ khẩu giấy: làm sao để xác nhận được thông tin tạm trú, tạm vắng khi thực hiện các thủ tục liên quan?
Sau khi ngưng cấp cũng như thu hồi Hộ khẩu giấy, người dân có phải làm cách nào để xác nhận được những thông tin về tạm trú, tạm vắng, thông tin khác về cư trú của mình để làm các thủ tục liên quan? Đây là một trong những câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc.
Mới đây nhất, Thông tư 55/2021/TT-BCA có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Theo đó, Công dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm: Thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp người không có nơi thường trú, nơi tạm trú xác nhận về việc khai báo cư trú và có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp đối với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.
Trường hợp thông tin về cư trú của công dân có sự thay đổi, điều chỉnh và được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì xác nhận thông tin về cư trú hết giá trị kể từ thời điểm thay đổi.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm xác nhận thông tin về cư trú dưới hình thức văn bản (có chữ ký và đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) hoặc văn bản điện tử (có chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) theo yêu cầu của công dân.
Trường hợp nội dung đề nghị xác nhận của cá nhân hoặc hộ gia đình chưa được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục để điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú.
(Căn cứ: Điều 17 Thông tư 55/2021/TT-BCA)
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Kết hôn trái pháp luật bị xử lý như thế nào?

Kết hôn trái pháp luật bị xử lý như thế nào?

Câu hỏi: Xin Luật sư cho biết trường hợp nào bị coi là kết hôn trái pháp luật và những người có hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý như thế nào? (Hoàng Tuấn – TP Vinh, Nghệ An).

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn như sau:

Trả lời:

1/Căn cứ pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014
  • Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013
  • Bộ luật Hình sự 2015

2/Nội dung tư vấn

Khoản 6 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/06/2014 (có hiệu lực từ 01/01/2015) quy định kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm về điều kiện kết hôn.

Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết ðịnh; không bị mất nãng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này (cụ thể là: kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng); Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Người có hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Việc xử lý hành chính sẽ theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 (có hiệu lực từ 11/11/2013) Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.  Tùy hành vi vi phạm mà mức phạt tiền thấp nhất là 300.000 đồng và cao nhất là 30.000.000 đồng (Điều 28 và Điều 48). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang được giao để chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp hơn với một số Luật mới có hiệu lực từ 01/01/2015, trong đó có Luật hôn nhân và gia đình 52/2014/QH13.

Nếu hành vi kết hôn trái pháp luật có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của Bộ luật hình sự: Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146 BLHS) sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS). Nếu thuộc khoản 1 bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; thuộc khoản 2 bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều 148 BLHS) sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149 BLHS) sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trên đây là nội dung quy định về việc xử phạt kết hôn trái pháp luật . Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com