Trường hợp nào thì được đơn phương ly hôn?

Câu hỏi:
Tôi và chồng kết hôn vào tháng 7 năm 2011. Đến tháng 2 năm 2012 tôi sinh 1 cháu gái. Trong thời gian sống chung đến nay chúng tôi đã nhiều lần xảy ra mâu thuẫn. Chồng tôi nhiều lần đánh tôi và xúc phạm tôi.

Trong 6 tháng từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2018 chồng tôi thường xuyên mắng chửi, xúc phạm danh dự của tôi, thậm chí anh ấy đã 3 lần đánh tôi ( dùng cả tay lẫn chân để đánh). Tôi bị thâm tím người cả tuần, tuy nhiên không gay thương tích nặng. Tôi rất mệt mỏi ( vì bị chồng chửi thường xuyên). Tôi cũng rất sợ chồng (sợ anh ấy đánh). Tôi xin hỏi luật sư với tình trạng trên tôi có được ly hôn không.

Tòa án bác đơn của tôi vì cho rằng mâu thuẫn chưa trầm trọng có đúng không ? Vì tòa cho rằng anh ấy đã nhận sai, hứa sửa chữa và từ khi tôi viết đơn đến nay (trong 5 tháng chúng tôi sống ly thân) anh ấy không đánh và chửi tôi nữa ?

Cảm ơn luật sư!

Luật sư xin tư vấn như sau: 

Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

…”

Trong trường hợp cụ thể của bạn, chồng bạn thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đối với bạn và có hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn; không yêu thương, quý trọng bạn, không quan tâm đến đời sống của vợ chồng thể hiện ở việc ly thân kéo dài thì có căn cứ để giải quyết ly hôn.

Việc chồng bạn nhận lỗi và xin được sửa chữa là do bạn và chồng bạn thỏa thuận với nhau, nếu bạn không đồng ý thì vẫn có quyền yêu cầu ly hôn. Bạn cần nộp cho Tòa những chứng cứ, tài liệu chứng minh chồng bạn có hành vi bạo hành, xúc phạm bạn.

Nếu đã đầy đủ căn cứ chứng minh chồng bạn bạo hành đối với bạn hoặc chứng minh tình trạng vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được mà Tòa án bác yêu cầu của bạn, bạn có quyền kháng cáo lên Tòa án cấp trên.

Trên đây là nội dung quy định về các trường hợp được ly hôn đơn phương. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Hà Nội không có thêm ca dương tính trong hai ngày qua

Sáng 27/9, Sở Y tế Hà Nội thông báo, từ 6h ngày 25/9 đến 6h ngày 27/9, thành phố không ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2.

Đây là buổi sáng thứ 3 liên tiếp, thành phố không ghi nhận ca dương tính mới. Như vậy, tính từ 6h ngày 25/9 đến 6h ngày 27/9, thành phố đã có 48 tiếng không có ca dương tính mới.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.965 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Theo báo cáo của Sở Y tế, số mũi tiêm vắc xin COVID-19 trong ngày 26/9 là 80.007 mũi, gồm 15.149 mũi 1; 64.858 mũi 2.

Thống kê trên toàn địa bàn thành phố, đã tiêm được tổng số 6.815.890 mũi vắc xin COVID-19. Trong đó 5.788.580 mũi 1 (đạt 96,15% dân số trên 18 tuổi), 1.027.318 mũi 2 (đạt 17,06 % dân số trên 18 tuổi).

Về tình hình điều trị, tổng số bệnh nhân điều trị khỏi là 3.123 và 34 người tử vong. Hiện các cơ sở y tế của Hà Nội đang điều trị hơn 420 bệnh nhân COVID-19, trong đó, Bệnh viện Đức Giang đang điều trị 112 trường hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn (68), Bệnh viện Gia Lâm (62), Bệnh viện Bắc Thăng Long (27), Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (21), Cơ sở cách ly, điều trị Đền Lừ III (100), Cơ sở điều trị KTX Phenikaa (30).

Tính đến 18h ngày 26/9, trên địa bàn thành phố có tổng số 656 điểm phong tỏa, trong đó số điểm đang phong tỏa là 20 (giảm 2 điểm phong tỏa so với ngày trước đó).

Theo Baomoi.com

Làm thế nào để ly hôn với người không có nơi cư trú rõ ràng?

Câu hỏi:

Chào luật sư, tôi muốn hỏi về việc ly hôn không đồng thuận. Dì tôi kết hôn và sau quá trình chung sống người chồng bỏ đi biệt tăm không về với gia đình nữa. Thỉnh thoảng ông ấy có về lại địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (2 người cưới nhau rồi đi đến địa phương khác sinh sống).

Theo quy định tôi thấy nếu không không tìm được nơi cư trú hiện tại thì có thể gửi đơn đến nơi cư trú cuối cùng hoặc nơi sở hữu tài sản nhưng trường hợp ông này không sở hữu tài sản và nơi cư trú cuối cùng cách đây 3 năm trước nên khi gửi đơn lên cơ quan không giải quyết.

Hỏi làm sao để dì tôi li hôn khi không tìm được người chồng nhưng ông ấy không được tính là mất tích?

Luật sư xin tư vấn như sau:

1. Xác định nơi cư trú, nơi cư trú cuối cùng của bị đơn     

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu không biết nơi cư trú của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.

Theo đó, nơi cư trú và nơi cư trú cuối cùng của bị đơn được xác định như thế nào?

Đối chiếu quy định tai Điều 12 Luật Cư trú 2006, nơi cư trú là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống.

Hiện nay, chưa có quy định thế nào là nơi cư trú cuối cùng, tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, nơi cư trú cuối cùng được hiểu là nơi cuối cùng mà nguyên đơn, người yêu cầu biết được người đã biệt tích thường xuyên sinh sống hoặc sinh sống tại đó trước khi biệt tích.

Lưu ý:

  • Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
  • Địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 04/2014/NQ-HĐTP.
  • Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết này thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

2. Điều kiện tuyên bố mất tích và ly hôn với người mất tích

Trường hợp Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện thì dì bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích.

Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp:

Thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Trong đó, thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó.

  • Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng;
  • Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Do đó, dì bạn có thể làm Đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại Điều 381 Bộ luật Tố tụng dân sự. Sau khi thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Theo đó, trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Như vậy, sau khi quyết định của Tòa án tuyên bố người chồng mất tích có hiệu lực pháp luật thì Tòa án sẽ xem xét, giải quyết cho người dì bạn ly hôn.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến việc làm thế nào để ly hôn với người không có nơi cư trú rõ ràng. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Có cần sự có mặt của con tại tòa án khi bố mẹ ly hôn ?

Câu hỏi: Tôi và chồng tôi ly thân 13 năm đến giờ này tôi thấy cần thiết giải quyết dưts điểm để ổn định cuộc sống của 3 mẹ con.Tôi có 2 con 1 con đã qua 18 tuổi và con sinh năm 2000.Từ nhỏ tới giờ việc nuôi dạy, chăm sóc các con tôi hoàn toàn gánh vác. Giờ ly hôn chồng tôi cũng không tranh chấp nuôi con và các con cũng muốn ở với mẹ.

Nhưng theo tôi được biết con dưới 18 tuổi thì phải có mặt tại tòa cùng bố mẹ trong khi cháu đang học nội trú và bản thân tôi cũng không muốn con thấy cảnh cha mẹ tại tòa. Luật sư tư vấn giúp tôi có cách nào cháu không phải đến tòa mà vẫn xử được không ?

Luật sư xin tư vấn như sau:

Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

-> Như vậy cả chồng và vợ đều có quyền yêu cầu xin ly hôn.

Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có quy định về đương sự trong vụ việc dân sự, cụ thể như sau:

“Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự

1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

3. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

5. Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự”.

Nói như vậy có nghĩa là con lớn của chị không nhất thiết cần có mặt tại tòa khi vợ chồng anh chị giải quyết ly hôn khi cháu không phải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Chỉ khi cháu có yêu cầu tham gia thì mới cần có mặt. Hơn nữa không hề có quy định của pháp luật cho rằng khi con đã trên 18 tuổi cần bắt buộc có mặt tại tòa án khi bố mẹ ly hôn.

Hơn nữa, trường hợp trên, do con chị đã thành niên (trên 18 tuổi), nên nếu không thuộc trường hợp bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, thì cha, mẹ không có nghĩa vụ phải cấp dưỡng nuôi con.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến việc có cần sự có mặt của con tại Tòa án khi bố mẹ ly hôn hay không. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Miễn lệ phí trước bạ đối với tài sản hợp nhất khi kết hôn và phân chia tài sản sau khi ly hôn?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP, trong đó đề cập: Tài sản hợp nhất của vợ chồng khi kết hôn, hoặc tài sản của vợ chồng phân chia khi ly hôn sẽ được miễn lệ phí trước bạ…

Đây là thông tin đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý của nhân dân tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

Bộ Tài chính cho biết, tại điểm c khoản 16 Điều 9 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 20/2019/NĐ-CP) quy định miễn lệ phí trước bạ đối với: “c) Tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng của hộ gia đình khi phân chia tài sản đó theo quy định của pháp luật cho các thành viên hộ gia đình đăng ký lại”.

Việc miễn phí trước bạ nói trên cũng giống trường hợp chia, tách, hợp nhất, sát nhập công ty

Theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân quy định, bất động sản do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận, hoặc do tòa án phán quyết, thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Cụ thể, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm: “Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.”

Tuy nhiên, thực tế phát sinh trường hợp vợ chồng sau khi kết hôn có nhu cầu hợp nhất lại tài sản thì chưa có hướng dẫn về miễn lệ phí trước bạ hay không.

Đồng thời, chưa có quy định về miễn lệ phí trước bạ đối với trường hợp bất động sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết.

Vì vậy, trong cả hai trường hợp này, khi sang tên nhà, đất, vẫn phải đóng lệ phí nhà, đất với mức thu là 0,5%.

Theo vneconomy.vn

Trốn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn bị xử lý thế nào?

Câu hỏi: Tôi và chồng cũ ly hôn đến nay đã được hơn 1 năm. Theo quyết định của tòa án, tôi là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung do cháu còn nhỏ và anh ấy có nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng. Gần 1 năm đầu kể từ khi ly hôn, chồng cũ vẫn đều đặn gửi tiền cấp dưỡng. Tháng nào không gửi được thì anh ấy chủ động nhắn tin nói sẽ gửi bù vào tháng sau. Tuy nhiên, khoảng 5 tháng trở lại đây, kể từ khi anh ấy kết hôn với người khác thì không còn nhớ gửi tiền nuôi con nữa. Những tháng đầu giữ ý, khi tôi nhắn tin nhắc khéo thì anh ấy còn nhắn lại là đang khó khăn chưa gửi tiền cấp dưỡng cho con được. Nhưng 3-4 tháng liền mà anh ấy vẫn quên. Khi tôi nhắn tin thì anh ấy không trả lời, tôi gọi điện thì anh ấy gắt ầm lên và tắt máy. Sau đó, anh chặn luôn số của tôi. Có lần tôi đến nhà thì vợ anh ấy đóng cửa nói vọng ra “không có tiền, đừng quấy rầy”. 2 tháng nay tôi cũng không có việc làm, cuộc sống rất căng thẳng. Vậy làm thế nào để có thể đòi được tiền cấp dưỡng cho con. Nếu anh ấy cố tình chây ì việc cấp dưỡng thì có bị xử lý không? Nguyễn Hoàng Oanh (KCN Song Khê – Nội Hoàng, Bắc Giang)

Luật sư xin tư vấn như sau:

Điều 82 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó, khoản 2 nêu rõ: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Với trường hợp của bạn thì nghĩa vụ cấp dưỡng đã được quy định trong quyết định của tòa án đã có hiệu lực. Vì vậy, trước việc người cha không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, bạn có thể đề nghị cơ quan thi hành án hỗ trợ thi hành án. Căn cứ vào đề nghị cấp dưỡng của đương sự, cơ quant hi hành án sẽ tiến hành các bước yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thi hành án. Trường hợp không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án như khấu trừ vào thu nhập, tịch thu tài sản… để đảm bảo bản án được thi hành. Trường hợp tìm cách trốn tránh việc thi hành án như tẩu tán tài sản, che giấu thu nhập thực tế… khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng. Theo đó, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 185 Bộ luật Hình sự. Theo đó, trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng đã được thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án mà người cấp dưỡng không chấp hành bản án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra, người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo phunuvietnam.vn

Vợ ngoại tình và có thai, chồng có thể xin ly hôn được không?

Câu hỏi: Vì biết vợ ngoại tình nên tôi làm đơn xin ly hôn. Trong lúc tòa án đang thụ lý giải quyết, cô ấy nộp cho tòa giấy siêu âm có thai 3 tháng. Tôi biết chắc đứa bé không phải là con tôi, vì nhiều tháng qua, chúng tôi không gần gũi nhau. Trong trường hợp này tôi có xin ly hôn được không? Xin luật sư tư vấn. (Nguyễn Điệp – Thái Nguyên)

Luật sư xin tư vấn như sau:

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, luật cũng quy định, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trường hợp một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.

Mặt khác, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng chỉ quy định: “vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”, không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai. Như vậy, vợ anh đang mang thai, anh nên rút đơn, nếu không tòa án cũng đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến việc vợ đang mang thai có ly hôn được không. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Cái kết của hôn nhân vô thừa nhận

Hôn nhân bắt đầu nổi sóng gió khi người chồng ngoại tình. Họ chia tay bằng một quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật…

Từ Mỹ trở về Việt Nam, ông N.V.T (SN 1969, quốc tịch Việt Nam và Mỹ) xây dựng gia đình với bà V.T.G (SN 1987). Sau nhiều năm chung sống, ông T. gửi đơn yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Lấy hai vợ

Năm 1990, ông N.V.T sang Mỹ định cư. Thời điểm đó, pháp luật chưa thông qua quy định một công dân có thể có hai quốc tịch nên ông N.V.T thôi quốc tịch Việt Nam. Sống ở Mỹ, ông T. lập gia đình và từ đó đến nay, quan hệ hôn nhân giữa ông và người vợ bên Mỹ vẫn tồn tại, chưa từng ly hôn.

Nhiều năm sau, ông T. nhập lại quốc tịch Việt Nam và trở thành công dân có hai quốc tịch. Trở về cố hương năm 2013, ông T. tình cờ gặp bà V.T.G, 26 tuổi, độc thân. Chỉ một lần trò chuyện, hai người nảy sinh tình cảm. Hẹn hò thêm vài lần, ông T. ngỏ lời cầu hôn, cả hai dọn về sống chung nhưng không tổ chức đám cưới. Sau đó, bà G. lần lượt hạ sinh hai con gái.

Bất ngờ, cả hai muốn chia tay. Ông T. thuê luật sư tiến hành thủ tục hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Theo ông T., sau khi sinh con, bà G. nói muốn hai con có giấy khai sinh và hưởng mọi quyền lợi như những đứa trẻ khác thì cha mẹ phải đăng ký kết hôn nên ông chấp nhận cùng bà G. đến UBND phường (nơi gia đình cư ngụ) làm thủ tục. Gần đây, vợ chồng mâu thuẫn, ông tìm hiểu thì biết rằng pháp luật Việt Nam có bảo vệ những đứa trẻ ngoài giá thú. Mặt khác, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận chế độ hôn nhân một vợ – một chồng. Vì vậy, ông T. gửi đơn đề nghị tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông với người vợ ở Việt Nam.

Thời điểm tòa án chính thức giải quyết, ông T. không ở Việt Nam mà ủy quyền luật sư đến làm việc. Thông qua người đại diện, ông T. bày tỏ nguyện vọng tôn trọng mong muốn của vợ về quyền nuôi con; cam kết cấp dưỡng theo luật pháp sau khi tòa án hủy kết hôn trái pháp luật.

Ai có lỗi?

Làm việc với tòa án, bà G. nói rằng bà biết chuyện chồng từng lấy vợ nhưng ông cho biết đã ly hôn ở nước ngoài. Khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, ông T. có về nơi thường trú xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau đó, gia đình bà G. chuyển đến TP HCM sinh sống, kinh doanh ẩm thực.

Hồi tưởng quãng thời gian hạnh phúc, bà G. kể thời gian đầu, vợ chồng bà chung sống thuận hòa, công việc làm ăn vì vậy mà thuận buồm xuôi gió. Nguyên nhân dẫn đến cớ sự hôm nay là do ông T. có mối quan hệ bất chính với người phụ nữ khác.

“Lúc việc này bại lộ, ông ấy có viết “giấy cam kết niềm tin” nhưng đó chỉ là kế hoãn binh. Lợi dụng lúc tôi với hai con về quê ngoại, ông T. dọn qua sống chung với nhân tình. Tôi tìm đến tận nơi rồi xô xát với họ” – người vợ sụt sùi.

Sau lần đụng độ ấy, ông T. viết thêm “giấy cam đoan” có nội dung sẽ cho bà G. hết cơ sở kinh doanh ở Việt Nam cùng một khoản tiền mặt; gửi tiền nuôi con đầy đủ. Bà G. đồng ý nhưng muốn ông T. cấp dưỡng tiền nuôi hai con 6 triệu đồng/tháng và phải đưa đủ một lần. Bà G. cũng cho biết toàn bộ tài sản đều do chồng đứng tên.

Cán bộ trực tiếp làm thủ tục đăng ký kết hôn trình bày hồ sơ đầy đủ giấy tờ (trong đó có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của hai người do cơ quan có thẩm quyền xác nhận) nên cán bộ thông qua thủ tục đăng ký kết hôn. Nay đề nghị tòa án xác minh lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông T. nhằm làm rõ mọi khúc mắc.

Nơi cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông T. thì lý giải ông T. đang làm việc tại Mỹ, thỉnh thoảng có về quê thăm gia đình. Tài liệu lưu trữ tại địa phương không thể hiện ông T. từng đăng ký kết hôn trước đó.

Chấp nhận yêu cầu hủy kết hôn, cơ quan chức năng giao bà G. chăm sóc hai con gái, ông T. có trách nhiệm cấp dưỡng hằng năm, tới khi con trưởng thành. Tòa án không phân xử vấn đề tài sản vì đôi bên không yêu cầu.

“Tôi nghĩ đến các con nên mới muốn đăng ký kết hôn. Nếu không, tôi cần gì làm thế!” – bà G. chua chát nói.

Xác nhận trái quy định

Quyết định sơ thẩm giải quyết về việc yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật nêu theo điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình, hôn nhân giữa ông N.V.T với người vợ ở nước ngoài là hôn nhân hợp pháp và đang tồn tại.

Cơ quan chức năng nơi ông T. thường trú xác nhận trước thời điểm làm thủ tục đăng ký kết hôn với bà V.T.G, ông này chưa kết hôn lần nào, từ đó, ông T. sử dụng giấy tờ trên làm căn cứ đăng ký kết hôn với bà G. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân như vậy là trái quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Đó là nguyên nhân dẫn đến hệ quả vợ chồng ông T. đăng ký kết hôn vi phạm luật định.

Theo Báo Người lao động.

Cha mẹ ly hôn, chuyển hộ khẩu cho con thế nào?

Câu hỏi: Tôi ly hôn, được quyền nuôi dưỡng con – đang có hộ khẩu chung với cha. Từ tháng 1/7 sẽ dần bỏ hộ khẩu giấy, tôi phải làm sao để con theo hộ khẩu mẹ? (Chị Phương Anh – Quảng Ninh).

Luật sư tư vấn

Theo thông tin chị cung cấp và quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013 (Luật Cư trú), nơi cư trú của con chị sẽ được xác định theo nơi cú trú của chị, nếu con chị thường xuyên chung sống với mẹ.

Trường hợp nơi con chị chuyển đến ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện (thuộc tỉnh); ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã (của thành phố trực thuộc trung ương); ngoài phạm vi thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) thì trước khi làm thủ tục nhập khẩu ở chỗ ở mới, chị phải lên cơ quan công an (nơi đã đăng ký hộ khẩu của bé) để thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu (Điều 28 Luật Cư trú).

Hồ sơ chuyển gồm: phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; sổ hộ khẩu.

Sau khi hoàn tất, chị cần làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con vào hộ khẩu của chị tại công an huyện, quận, thị xã (đối với thành phố trực thuộc trung ương) hoặc tại công an xã, thị trấn (thuộc huyện); công an thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) nơi chuyển đến theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú.

Hồ sơ bao gồm:

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

– Bản khai nhân khẩu (cần khi con chị từ 14 tuổi trở lên).

– Giấy chuyển hộ khẩu (cần khi con chị thuộc trường hợp phải có giấy chuyển hộ khẩu nêu trên).

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú, Điều 7 Thông tư 35/2014/TT-BCA.

Ngoài ra thông tin thêm đến chị, Luật cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7 đã bỏ quy định về sổ hộ khẩu giấy. Theo đó, khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, cơ quan chức năng sẽ cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì cấp sổ hộ khẩu như trước.

Đối với sổ hộ khẩu đã được cấp trước ngày 1/7 thì vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến viêc chuyển hộ khẩu cho con sau khi ly hôn. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Có được lập hợp đồng tiền hôn nhân không?

Câu hỏi: Tôi và bạn gái chuẩn bị kết hôn, muốn lập hợp đồng tiền hôn nhân để rạch ròi về tài sản, nợ nần của vợ chồng sau này có được không? Chúng tôi phải lưu ý gì? (Vương Trung – Hưng Yên)

Luật sư tư vấn như sau:

Pháp luật hôn nhân và gia đình không có bất kỳ quy định nào điều chỉnh về hợp đồng tiền hôn nhân. Tuy nhiên, có thể xem đây là một dạng thỏa thuận mang tính chất ràng buộc về trách nhiệm pháp lý giữa các bên khi ký kết. Nội dung của hợp đồng nhằm quy định rõ các vấn đề liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn.

Khoản 1 điều 28, điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình cho phép vợ chồng được quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Trường hợp lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Việc các bạn có nguyện vọng lập hợp đồng tiền hôn nhân, thỏa thuận trước về chế độ tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn để phân định rạch ròi, sòng phẳng về tài sản chung, riêng; nghĩa vụ trả nợ của mỗi bên là nguyện vọng chính đáng và được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, để thỏa thuận này có hiệu lực, các bạn cần lưu ý tuân thủ các quy định sau:

– Hợp đồng phải được xác lập trước khi kết hôn.

– Phải được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Phòng công chứng, Ủy ban nhân dân…).

– Phải có đầy đủ các điều khoản cơ bản theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 15 Nghị định 126/2014 của Chính phủ bao gồm: tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; nội dung khác có liên quan.

– Nội dung hợp đồng phải phù hợp với các nguyên tắc, quy định về điều kiện có hiệu lực tại Điều 3, Điều 117, Điều 118… của Bộ luật Dân sự; không vi phạm Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan; không trái đạo đức xã hội.

Nhà trả góp mua trước khi kết hôn nhưng đứng tên chung, ly hôn chia thế nào?

Trước khi kết hôn, chồng tôi có đăng ký mua trả góp 1 căn hộ chung cư. Khi kết hôn, anh ấy mới trả được 50% giá trị căn nhà, 50% còn lại chúng tôi cùng nhau trả trong thời kì hôn nhân…

Câu hỏi: Chúng tôi làm cùng công ty. Trước khi kết hôn chồng tôi có đăng ký mua trả góp 1 căn hộ chung cư. Khi kết hôn, anh ấy mới trả được 50% giá trị căn nhà, 50% còn lại chúng tôi cùng nhau trả trong thời kì hôn nhân. Khi trả góp xong số tiền mua căn hộ thì anh ấy cũng coi đó là nhà chung của vợ chồng. Hiện căn hộ đã có sổ đỏ đứng tên 2 vợ chồng. Gần đây, giữa chúng tôi có mâu thuẫn và quyết định chia tay nhau. Giữa chúng tôi chưa có con nên việc chia tay không có gì vướng mắc. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là căn nhà 2 vợ chồng đang ở sẽ được phân chia thế nào? Số tiền mà chồng tôi bỏ ra mua căn hộ trước khi kết hôn thì sẽ xử lý ra sao?

Luật sư xin tư vấn như sau: 

Về chế độ tài sản chung của vợ chồng, khoản 1, điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”.

Như vậy, mặc dù căn hộ trên chồng chị mua trước khi 2 người kết hôn nhưng thực tế 50% giá trị căn hộ được trả bằng tiền chung của cả 2 vợ chồng. Vì vậy, phần giá trị này được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Đối với 50% giá trị căn hộ được trả trước khi kết hôn, trên thực tế đó là tài sản chồng chị có trước khi kết hôn. Khoản 1, điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.

Luật cũng nêu về trường hợp nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Theo đó, “vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”. Trong trường hợp này. 50% giá trị tài sản căn hộ của chồng chị đã thanh toán trước khi kết hôn được xem như đã nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng. Bởi lẽ, sau khi kết hôn, 2 vợ chồng đã cùng nhau tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán căn hộ trả góp và sau đó, giấy tờ sở hữu cũng căn hộ mang tên vợ chồng. Như vậy, trường hợp này được coi là đã có sự chấp thuận thỏa thuận của vợ chồng về việc căn nhà đó được sáp nhập là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của 2 người. Do đó, nếu xảy ra li hôn thì đây là tài sản chung vợ chồng. Nếu 2 bên không thỏa thuận phân chia được thì sẽ đề nghị tòa án phân chia tài sản theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến việc mua nhà trả góp trước khi kết hôn. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
SĐT: 0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn được không?

Câu hỏi: Vì Covid-19, tôi bị mất việc và nợ nần chồng chất nên nói chồng cũ tăng tiền cấp dưỡng cho con, thay vì một triệu đồng mỗi tháng như toà tuyên khi ly hôn.

Nhưng anh ấy nói bản án tuyên sao thì làm vậy, tôi không có quyền đòi hỏi. Tôi phải làm sao? (Bạn Phạm Thuỳ Linh – Vĩnh Phúc).

Luật sư tư vấn như sau:

Căn cứ quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ), chị vẫn có quyền thỏa thuận lại với chồng cũ về việc thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Theo khoản 2 Điều 16 của luật này, khi có lý do chính đáng, chị có thể đề nghị chồng cũ tăng mức cấp dưỡng. Luật không quy định cụ thể như thế nào là lý do chính đáng, nhưng theo tinh thần các quy định của luật này cũng như nguyên tắc bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con, một số trường hợp có thể được xem là lý do chính đáng như: do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến việc chị mất việc làm, mất thu nhập; chị có nhiều khoản nợ khác chưa thanh toán; ngoài nuôi con thì chị còn nuôi các thành viên khác trong gia đình…

Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con, chị cần thỏa thuận lại với chồng cũ về việc tăng mức cấp dưỡng nuôi con so với nội dung bản án đã tuyên.

Nếu không thỏa thuận được, căn cứ Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 110, Điều 116 Luật HNGĐ, chị có thể yêu cầu tòa giải quyết yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con.

Kèm theo đơn khởi kiện cần có các tài liệu khác như: bản sao bản án, bản sao giấy tờ tùy thân, các giấy tờ chứng minh việc bị mất việc làm, mất thu nhập, hóa đơn, tài liệu chứng minh các khoản nợ mà chị đang phải trả…

Trên đây là nội dung quy định về thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
SĐT: 0942141668 – 0963494337
Email: luathiepthanh@gmail.com