Vấn đề cần rút kinh nghiệm qua giám đốc thẩm vụ án “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”

Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện cấp cao 1; hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định của pháp luật, do hai bản án có vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ…

Thông qua công tác kiểm sát theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn – cụ Ngô Quang Đạo với bị đơn – Văn phòng công chứng Lạc Việt, do TAND TP Hà Nội giải quyết tại Bản án phúc thẩm số 20/2020/DS-PT ngày 16/1/2020, VKSND cấp cao tại Hà Nội (Viện cấp cao 1) thấy Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ, dẫn đến tuyên bố bản Di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 1/4/2014 do cụ Ngăm lập tại Văn phòng công chứng Lạc Việt vô hiệu không có căn cứ. Mới đây, Viện cấp cao 1 đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát trong lĩnh vực dân sự.

Theo nội dung vụ án, cụ Ngô Thị Ngăm sinh năm 1928, có hộ khẩu thường trú tại số 4 ngõ 195A, phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ngày 1/4/2014, tại Văn phòng công chứng Lạc Việt, cụ Ngăm điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào phiếu yêu cầu công chứng và ký chữ “Ngăm” vào bản di chúc cho cháu ruột là anh Ngô Mạnh Cường được hưởng toàn bộ thửa đất số 74 tờ bản đồ số 51-I-21 và tài sản gắn liền trên đất tại số 195 Minh Khai theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10107351080 do UBND TP Hà Nội cấp ngày 3/7/2001.

Ngày 27/4/2017, cụ Ngăm chết. Ông Ngô Quang Đạo nhận được bản di chúc đồng thời tự nhận là em ruột của cụ Ngăm, ông cho rằng cụ Ngăm bị giảm sút trí nhớ, không minh mẫn và bị lừa dối khi lập di chúc, cụ Ngăm là người không biết chữ và chỉ viết được chữ “Ngăm” nên ông không đồng ý với nội dung bản di chúc của cụ Ngăm ký ngày 1/4/2014. Cụ Ngăm không có chồng, không có con, ông Đạo là người thừa kế duy nhất theo pháp luật của cụ Ngăm. Do đó, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố bản Di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 1/4/2014 của Văn phòng công chứng Lạc Việt vô hiệu.

Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội quyết định: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Ngô Quang Đạo. Tuyên văn bản Di chúc công chứng số 360.2014/DC ngày 1/4/2014 của Văn phòng công chứng Lạc Việt vô hiệu.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 20/2020/DS-PT ngày 16/1/2020 của TAND TP Hà Nội xử: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn – Văn phòng công chứng Lạc Việt và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – anh Ngô Mạnh Cường. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Xem xét hồ sơ vụ án, ngày 28/7/2020, Viện trưởng Viện cấp cao 1 ban hành Quyết định số 24/KNGĐT-VC1-DS, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên theo hướng hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để giải quyết lại.

Theo Viện cấp cao 1: trong vụ án trên, bản Di chúc có số công chứng 360.2014/DC ngày 1/4/2014 lập tại Văn phòng công chứng Lạc Việt có nội dung thể hiện cụ Ngô Thị Ngăm ký, điểm chỉ vào bản di chúc cho anh Ngô Mạnh Cường được hưởng toàn bộ thửa đất số 74, tờ bản đồ số 51-I-21 và tài sản gắn liền với đất tại số 195 Minh Khai. Bản di chúc này có lời chứng của Công chứng viên Bùi Huy Cường.

Trước khi ký bản di chúc, cụ Ngăm còn điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào phiếu yêu cầu công chứng. Kết luận giám định số 87/C09-P5 ngày 15/5/2019 của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an và Kết luận giám định số 61/C09(P3) ngày 17/5/2019 của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an đều kết luận chữ ký “Ngăm”, chữ viết “Ngô Thị Ngăm” và dấu vân tay điểm chỉ trên bản Di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 1/4/2014 là của cụ Ngô Thị Ngăm. Như vậy, có căn cứ khẳng định cụ Ngăm lập di chúc tại Văn phòng công chứng Lạc Việt bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Công chứng năm 2014.

Ông Đạo cho rằng, cụ Ngăm bị lừa dối khi lập di chúc vì cụ Ngăm bị giảm sút trí nhớ, không còn minh mẫn, cụ Ngăm không được đi học, không biết đọc, không biết viết mà chỉ biết viết duy nhất chữ “Ngăm”, nhưng ông Đạo không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ Ngăm bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và không biết chữ. Trong khi bà Nguyễn Thị Nhâm là tổ trưởng tổ dân phố số 12A phường Minh Khai (nơi cụ Ngăm sinh sống trước khi chết) xác nhận: “Đến năm 2015, sức khỏe của cụ Ngăm vẫn bình thường, cụ vẫn tự sinh hoạt, vẫn minh mẫn…”.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định cụ Ngăm không biết đọc, không biết viết, chỉ biết viết duy nhất chữ “Ngăm”, để từ đó xử tuyên bản Di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 1/4/2014 do cụ Ngăm lập tại Văn phòng Công chứng Lạc Việt vô hiệu do vi phạm Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2005 là không đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền lợi của anh Ngô Mạnh Cường.

Do bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm của TAND hai cấp TP Hà Nội có vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ nên tại Quyết định giám đốc thẩm số 41/2021/DS-GĐT ngày 23/6/2021 của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện cấp cao 1; hủy bản án phúc thẩm nêu trên và bản án sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội để xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Theo Baovephapluat.vn

Làm sai lệch hồ sơ vụ án bị phạt bao nhiêu năm tù?

Đại diện Viện KSND TP Hải Phòng vừa tạm đình chỉ công tác 15 ngày (tính từ 18/10) để phục vụ hoạt động của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đối với ông Nguyễn Thế Trung, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND quận Đồ Sơn, hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bạch Long Vỹ từ tháng 9/2021.

Ông Trung bị tình nghi có dính líu đến vụ án “Làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án” liên quan đến quán karaoke Hải Sơn 86 (địa chỉ phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng).

Trước đó, ngày 13/11/2020, Công an quận Đồ Sơn kiểm tra quán karaoke nói trên và phát hiện 28 đối tượng có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy; qua test nhanh, xác định 25 đối tượng dương tính với ma túy. Tuy nhiên, tất cả các đối tượng lần lượt được về nhà và vụ việc có dấu hiệu bị làm lại hồ sơ. Bất bình trước sự việc, một cán bộ Công an quận Đồ Sơn đã làm đơn tố cáo.

Tháng 8/2021, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã có Kết luận điều tra vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án tại Công an quận Đồ Sơn.

Cơ quan Viện KSND Tối cao làm việc tại Công an quận Đồ Sơn liên quan đến vụ việc vào tháng 7/2021.

Liên quan đến vụ việc, lực lượng chức năng đã bắt giam 5 cán bộ công an gồm: Trung tá Phạm Quang Tuấn, Phó trưởng Công an quận Đồ Sơn; Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp; Trung tá Đinh Đình Việt, Đội trưởng Đội CSĐT về trật tự xã hội, kinh tế; Thượng úy Đỗ Hữu Dũng, Đội phó Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội; và Thượng úy Nguyễn Viết Công, công an quận Đồ Sơn.

Xét về góc độ pháp lý, Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” có quy định như sau: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch; Gây thiệt hại từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5 – 10 năm.

Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội; Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát hoặc gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 – 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Đáng chú ý, việc thực hiện các hành vi trên thường lén lút, không đúng với quy định về thủ tục tố tụng.

Có thể hiểu làm sai lệch hồ sơ vụ án là làm cho nội dung của vụ án (hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình…) không phản ánh đúng sự thật khách quan hoặc khác đi so với những tài liệu và chứng cứ đã được thu thập trước đó, dẫn tới những đánh giá chứng cứ không chính xác và người có thẩm quyền trong tiến hành tố tụng có thể ra quyết định, phán quyết không chính xác.

Do đó, dư luận xã hội rất mong vụ việc sớm được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội danh, đặc biệt khi những người vi phạm có kiến thức, hiểu biết, đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, chỉ huy trong các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật.

Theo Baomoi.com

3 điều quan trọng cần nắm rõ trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là tranh chấp có thủ tục khá phức tạp và kéo dài, nhiều trường hợp người dân không thể tự mình viết đơn, thu thập chứng cứ, chứng minh và tranh tụng tại tòa để có sở thắng kiện.

Nhằm giúp người dân có thể nắm rõ một vài quy định cơ bản trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai đảm bảo quyền lợi của bản thân, Lê & Trần law firm Vietnam tổng hợp 3 điều quan trọng sau:

Cần hiểu rõ “tranh chấp đất đai là gì?”

Theo Khoản 3, Điều 3 trong Luật Đất Đai 2014, tranh chấp đất đai là các tranh chấp nhằm xác định ai thực sự là người có quyền sử dụng đất trong các tình huống: tranh chấp lấn, chiếm… Riêng những trường hợp tranh chấp về quyền thừa kế sử dụng đất, tặng cho hay chuyển nhượng không phải là tranh chấp đất đai.

Thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 202 trong Luật Đất đai 2012 cho biết

“Nếu các bên tranh chấp không tự thỏa thuận và hòa giải – phải gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải. Theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Nói đơn giản hơn, việc tranh chấp đất đai không được khởi kiện trực tiếp tại Tòa án vì sẽ bị trả lợi đơn khởi kiện.

Theo Khoản 2, Điều 3 trong Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP đã quy định:

“Trong trường hợp hai bên tranh chấp chưa thể hòa giải thì được xem là chưa đủ điều kiện để tiến hành khởi tố theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 192 trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015″.

Tiếp tục theo Khoản 2, Điều 3 của Nghị quyết này, những trường hợp tranh chấp khác liên quan đến sử dụng đất như: chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất… không yêu cầu phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã.

Như vậy, bạn phải hiểu rằng: Tranh chấp đất đai được xem là tranh chấp giữa những người nào sẽ sử dụng quyền sử dụng đất – bắt buộc phải tiến hành hòa giải trước tại UBND trước khi khởi kiện.

Phương án giải quyết tranh chấp đất khi không có sổ đỏ

Nếu không thể hòa giải thành công tại UBND cấp xã, trong trường hợp đất đai sử dụng không có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng); giấy tờ về quyền sử dụng đất (theo quy định trong Luật đất đai 2013 tại Điều 100), các bên được quyền lựa chọn một trong 2 phương án giải quyết sau:

– Đề nghị UBND cấp tỉnh, cấp huyện xử lý tình huống/ giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.

– Có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân.

Theo Baomoi.com

Một số điểm đáng lưu ý khi tổ chức phiên tòa trực tuyến

TAND tối cao vừa hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch (lần 5) quy định phối hợp trong việc thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trong đó yêu cầu, việc tổ chức phiên tòa phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật; đồng thời, bảo đảm các yêu cầu về trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án.

Theo TAND tối cao, Thông tư liên tịch quy định về phạm vi, nguyên tắc tổ chức; điều kiện; chuẩn bị phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự; vụ án hành chính; vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (vụ án dân sự) trực tuyến.

Thông tư liên tịch áp dụng đối với Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, bị cáo, bị hại, đương sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến phiên tòa trực tuyến.

Cũng theo dự thảo Thông tư liên tịch, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.

Bảo đảm việc xét xử các vụ án được tiến hành công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự và người tham gia tố tụng.

Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật; đồng thời, bảo đảm các yêu cầu về trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án.

Về phạm vi mở phiên tòa trực tuyến, bao gồm: Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với vụ án hình sự mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ.

Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án dân sự, hành chính có tính chất đơn giản, các đương sự có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng.

Về những vụ án không được mở phiên tòa trực tuyến, dự thảo Thông tư liên tịch nêu rõ, không mở phiên tòa trực tuyến đối với vụ án quy định tại Điều 4 của Thông tư này khi thuộc một trong các trường hợp đó là: Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan ở nước ngoài; vụ án dân sự, hành chính có tài sản ở nước ngoài.

Một phiên tòa được TAND và VKSND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến. 

Vụ án hình sự bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXV, Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Vụ án hình sự, dân sự, hành chính thuộc trường hợp có thể xét xử kín theo quy định của pháp luật tố tụng.

Ngoài ra, theo dự thảo Thông tư liên tịch, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này được thực hiện khi có đủ các điều kiện đó là: Bị cáo, cơ sở giam giữ có đơn, văn bản đề nghị; trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo thì phải có đơn của người kháng cáo.

Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng nghị mà không có kháng cáo thì phải có đơn của đương sự, bị hại, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ liên quan đến kháng nghị.

Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng có văn bản đồng ý xét xử trực tuyến.

Bảo đảm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Thông tư này.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với vụ án dân sự, hành chính quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Thông tư này được thực hiện khi có đủ các điều kiện đó là: Đương sự có đơn đề nghị mở phiên tòa trực tuyến.

Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng có văn bản đồng ý mở phiên tòa trực tuyến (đối với trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng).

Bảo đảm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 7, Điều 8 của Thông tư này.

Về thành phần tham gia, dự thảo Thông tư liên tịch quy định, tại điểm cầu trung tâm, thành phần tham gia bắt buộc gồm Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án.

Đương sự, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có) tham gia tại điểm cầu trung tâm nếu họ lựa chọn hoặc Tòa án triệu tập.

Trường hợp phiên tòa được tổ chức công khai thì Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cá nhân, cơ quan, tổ chức tham dự phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.

Theo dự thảo Thông tư liên tịch, trong quá trình diễn ra phiên tòa trực tuyến mà hệ thống trực tuyến bị gián đoạn do lỗi kết nối đường truyền, mất điện hoặc sự cố khác làm phiên tòa không thể tiếp tục được thì Tòa án ra quyết định tạm ngừng phiên tòa. Công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ sở giam giữ thông báo quyết định tạm ngừng phiên tòa cho những người tham gia tại điểm cầu thành phần. Trường hợp đến ngày mở lại phiên tòa mà vẫn không thể tổ chức được thì Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Tòa án xem xét, quyết định việc mở lại phiên tòa theo hình thức trực tuyến hoặc theo hình thức thông thường theo quy định của pháp luật.

Theo Baomoi.com

Nhà giáo thắng kiện sau 15 năm: Chưa thi hành án theo luật định

Trải qua ba bản án sơ thẩm, ba bản án phúc thẩm, hai quyết định giám đốc thẩm, thầy Lê Cao Tánh (Lâm Đồng) đã thắng kiện sau 15 năm đáo tụng đình.

Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng – nơi liên quan vụ việc.

Tuy nhiên, từ khi có quyết định của tòa (3/6/2021) đến nay vụ việc chưa được triển khai thi hành án (THA) theo quy định của pháp luật.

Chi cục THA chưa nhận được quyết định của tòa

“Tôi đã gửi văn bản và chi cục THA cũng gửi văn bản cho Tòa cấp cao mà chưa thấy trả lời. Chắc là thiếu sót của thư ký, vì tất cả các cơ quan khác đều nhận được chỉ có nơi quan trọng nhất để thi hành thì không nhận được” – ông Lê Cao Tánh.

Liên quan vụ việc, ngày 28/10, trao đổi với GD&TĐ qua điện thoại, ông Nguyễn Sỹ Cần – Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông đã mời ông Lê Cao Tánh lên làm việc và cũng đã giải thích về vụ việc.

Theo pháp luật bản án đang thi hành thì lại gặp một kháng nghị giám đốc thẩm, sau đó thì có một quyết định của Hội đồng thẩm phán của Tòa án cấp cao xử y án trở lại. Ông Tánh đã nhận được quyết định của tòa. Tuy nhiên, Chi cục THA TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) thì chưa nhận được.

“Khi mời ông Tánh lên làm việc chúng tôi đã phân tích. Thậm chí trước sự chứng kiến của ông Tánh tôi đã gọi điện thoại trao đổi với người quen làm tại tòa cấp cao về việc chuyển quyết định về bản án của tòa để chúng tôi tiếp tục thi hành.

Đồng thời, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi tòa cấp cao về vụ việc. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại (28/10) chúng tôi vẫn chưa nhận được quyết định về bản án của tòa cấp cao. Khi nhận được thì chúng tôi sẽ tiến hành thi hành án theo luật…” – ông Nguyễn Sỹ Cần thông tin.

Liên quan chi phí THA, ông Cần cho rằng chuyện chi phí cao thấp ai nói thế nào thì ông không rõ nhưng để thi hành bản án này phải hội đủ các cơ sở pháp lý. “Chúng tôi sẽ căn cứ theo các quy định của pháp luật để buộc người ta phải thực hiện đúng luật. Luật quy định thế nào thì chúng tôi làm như thế thôi” – ông Nguyễn Sỹ Cần cho biết.

Trước đó, ngày 21/7, trao đổi với GD&TĐ, ông Huỳnh Quang Long – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng thông tin vụ kiện đã có phán quyết cuối cùng thì các cơ quan liên quan phải thực thi. Tuy nhiên, hiện Sở cũng rất lúng túng trong chuyện thi hành án đối với trường hợp của ông Tánh.

Thứ nhất, không biết lấy tiền (614,68 triệu đồng) từ đâu đề đưa cho ông Tánh. Thứ 2, Trường THPT bán công Nguyễn Du nơi ông Tánh dạy khi trước, nay đã chuyển thành Trường THCS Nguyễn Du mà ông Tánh thì dạy THPT. Thậm chí hiệu trưởng xử lý kỷ luật ông Tánh nay cũng đã qua đời. Thứ 3, ông Tánh đã nghỉ dạy lâu rồi nay không biết đứng lớp thì có ổn không…

Theo TS Bùi Kim Hiếu – Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM (HUFLIT), Khoản 4 Điều 48 Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi căn cứ hoãn THA quy định tại Khoản 1 Điều này không còn, hết thời hạn hoãn THA theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc khi nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền kháng nghị về việc không có căn cứ kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan THA dân sự phải ra quyết định tiếp tục THA”.

“Như vậy, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định không kháng nghị của TAND Cấp cao tại TPHCM thì cơ quan THA phải ban hành Quyết định tiếp tục THA để tổ chức thi hành án” – TS Bùi Kim Hiếu chia sẻ.

“Làm ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường”?

Quyết định giám đốc thẩm ngày 3/6/2021 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM khép lại 15 năm đi kiện của ông Tánh.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 12/2004, ông Lê Cao Tánh (SN 1972) ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với Trường THPT bán công Nguyễn Du (nay là Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Ông Tánh dạy môn Giáo dục công dân và môn Văn tại trường này.

Vào sáng 12/12/2006, một học sinh (HS) lớp 10 thấy ông Tánh đi ngang đã gọi tên ông và chửi bậy trước đám đông. Ông đưa HS này về phòng giám thị hỏi lý do. HS này trả lời với thái độ hỗn hào. Ông Tánh không kiềm chế được, đã tát làm em HS này chảy máu cam.

Tháng 2/2007, Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định sa thải ông Tánh với lý do “vi phạm về phẩm chất của người thầy. Trong quá trình xử lý HS vô lễ với giáo viên đã không kìm được nóng nảy, đánh HS gây chấn thương mũi; việc làm phản tác dụng giáo dục này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường và ngành giáo dục, tạo dư luận không tốt trong xã hội”.

Sau đó, tháng 7/2007, ông Tánh khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định kỷ luật sai thải này; yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng nhận ông về làm việc trở lại tại Trường THPT Bùi Thị Xuân; yêu cầu Trường THCS Nguyễn Du bồi thường các khoản ước tính 10 tỷ đồng.

Từ quyết định khởi kiện này, ông Tánh trải qua hành trình 15 năm theo đuổi vụ viêc với nhiều cung bậc cảm xúc “nay thua, mai thắng, rồi lại thua…”. Cụ thể, ở phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND TP Đà Lạt và TAND tỉnh Lâm Đồng đều bác đơn kiện.

Tháng 6/2011, Viện KSND Tối cao ra kháng nghị, đề nghị TAND Tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả án sơ thẩm và phúc thẩm. Ngày 27/9/2011, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông Tánh.

Tại phiên xử sơ thẩm lần 3, ngày 14/1/2020, TAND TP Đà Lạt chấp nhận yêu cầu của ông Tánh. Lần này, Trường THCS Nguyễn Du và ông Tánh cùng có kháng cáo.

Đến phiên xử phúc thẩm lần 3, ngày 22/6/2020, TAND tỉnh Lâm Đồng không chấp nhận kháng cáo của Trường THCS Nguyễn Du, chấp nhận yêu cầu của ông Tánh, sửa án sơ thẩm, tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc Trường THCS Nguyễn Du nhận ông Tánh trở lại làm việc và bồi thường cho ông 614,68 triệu đồng, tiếp tục trả lương cho ông theo mức lương hiện hành tính từ tháng 1/2020 cho đến khi nhận ông vào làm lại…

Sau đó, ngày 22/7/2020, Trường THCS Nguyễn Du có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm lần 3. Ngày 13/11/2020, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại.

Tới ngày 3/6/2021, phiên tòa giám đốc thẩm diễn ra với 10 thành viên Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM đã quyết định không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm lần 3, tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc Trường THCS Nguyễn Du nhận ông Lê Cao Tánh trở lại làm việc và bồi thường cho ông 614,68 triệu đồng.

Với phán quyết lần này, ông Tánh có quyền tiếp tục sự nghiệp trồng người tại ngôi trường mà ông từng gắn bó.

“Đến thời điểm hiện tại (28/10) chúng tôi vẫn chưa nhận được quyết định về bản án của Tòa cấp cao. Khi nhận được bản án thì chúng tôi sẽ tiến hành thi hành án theo quy định của pháp luật” – ông Nguyễn Sỹ Cần – Chi Cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt.

Theo Baomoi.com

Tòa án sẽ đưa ‘trợ lý ảo’ vào hỗ trợ xét xử

Dự kiến đầu năm 2022, TAND Tối cao sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (trợ lý ảo) cho thẩm phán khi xét xử.

Cụ thể, TAND Tối cao đang kết hợp với một tập đoàn công nghệ để xây dựng “trợ lý ảo” cho các thẩm phán và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022.

Theo đó, “Trợ lý ảo” sẽ cung cấp hệ thống pháp lý từ văn bản pháp luật đến thông tư và sẽ đưa ra gợi ý với từng vụ việc phải áp dụng những quy định nào. Nếu được nạp dữ liệu về vụ án, “trợ lý ảo” có khả năng đề xuất tới thẩm phán tham khảo áp dụng xét xử về từng tội danh cụ thể.

Trước đó, chiều 15/10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo về nội dung trên tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Ban cán sự Đảng TAND Tối cao.

Chủ tịch nước ghi nhận cố gắng của hệ thống tòa án khi khắc phục khó khăn của dịch bệnh, đảm bảo các chỉ tiêu Quốc hội giao trong công tác xét xử, giải quyết các vụ án. Sau mỗi phiên tòa, niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp có nâng cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào thẩm phán.

Bên cạnh đó, ngành tòa án cần rút kinh nghiệm, ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Ngoài ra, trong ngành còn tồn tại “một bộ phận rất nhỏ thẩm phán” có trình độ, trách nhiệm, năng lực hạn chế.

Ngành tòa án cần xây dựng tòa án điện tử, tổ chức xét xử trực tuyến để tạo điều kiện cho người dân dễ tham dự phiên tòa, không chỉ trong COVID-19 mà cả về sau. Chúng tôi rất mong xét xử trực tuyến”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thay mặt Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, hệ thống tòa án sẽ quán triệt cải cách tư pháp thời gian tới nhưng mong “có sự ủng hộ của các bộ ngành bởi nếu không hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau sẽ khó thực hiện”. Ngành sẽ xây dựng tòa án điện tử, giúp quản trị về “con người, án từ, tài chính” đồng thời cung ứng các dịch vụ công cho người dân.

Ngoài ra, một số hoạt động tố tụng sẽ được tiến hành online như xét xử trực tuyến vụ án, hòa giải trực tuyến…

Theo Baomoi.com

Mòn mỏi chờ công lý!

Sau thời gian dài tạm đình chỉ, phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hủy bỏ Quyết định hành chính của Phòng GD&ĐT quận Hà Đông lại hoãn. Công lý bị ‘tạm dừng’!….

Bị đơn ở đây chính là Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, cơ quan đã ra quyết định hành chính thay đổi Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của trường THCS Ban Mai khi không có mặt đầy đủ những người có quyền lợi liên quan.

Ngày 21/4/2017, Phòng GD&ĐT quận Hà Đông có quyết định về việc công nhận lại HĐQT trường THCS Ban Mai nhiệm kì 2016 – 2021. Quyết định do bà Phạm Thị Lệ Hằng kí công nhận bà Mai Thị Lan Anh là Chủ tịch HĐQT của nhà trường. Điều đáng nói là vào thời điểm đó, ông Vũ Ngọc Thắng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gia Lộc, thành viên sáng lập trường THCS Ban Mai vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của nhà trường, nhưng ông không có mặt và cũng không kí giấy đồng ý chuyển giao chức danh này cho bà Mai Thị Lan Anh.

Cho rằng, Quyết định của Phòng GD&ĐT quận Hà Đông là trái luật và đã tước đi quyền và lợi ích hợp pháp của mình ông Vũ Ngọc Thắng đã làm đơn khởi kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định hành chính nói trên của Phòng GD&ĐT quận Hà Đông.

Kết luận trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.

Quá trình giải quyết vụ việc, TAND quận Hà đông đã trưng cầu giám định chữ kí từ Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Kết quả giám định cho thấy chữ kí đứng tên Vũ Ngọc Thắng trên Biên bản họp Hội đồng quản trị và chữ kí thật của ông Thắng không cùng thuộc về một người. Ông Thắng cũng khẳng định không kí vào Biên bản họp Hội đồng Quản trị.

Sự việc đã rõ như ban ngày!

Vậy nhưng, nhiều năm trời theo đuổi vụ kiện mà phiên tòa cứ bị trì hoãn kéo dài mãi không thể xét xử. Ngày 26/10/2021, Tòa án Nhân dân quận Hà Đông mới có thông báo mở phiên tòa sơ thẩm.

Thông báo Mở lại phiên tòa vào ngày 26/10/2021 của TAND quận Hà Đông.

Thời điểm có được thông báo mở phiên tòa này thì đã gần hết nhiệm kì 2016-2021 của Hội đồng quản trị trường Ban Mai, tuy muộn nhưng dù sao đối với ông Vũ Ngọc Thắng thì thông báo xét xử của Tòa vẫn dấy lên một niềm hy vọng tìm được sự công bằng sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi.

Tuy nhiên, tòa vừa mở đã lại hoãn. Đơn giản vì “Người bị kiện” đã không đến. Công lý một lần nữa bị “tạm dừng” chỉ để chờ cho đến khi “Bị đơn” vui chân rảo bước đến dự tòa?

Thẩm phán Trần Đình Văn chủ tọa phiên tòa thông báo về việc hoãn phiên tòa.

Theo thông báo của Tòa án Nhân dân quận Hà Đông thì “Bị đơn” vụ kiện được xác định là: Phòng GD&ĐT quận Hà Đông và bà Phạm Thị Lệ Hằng- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông. Trong trường hợp bà Hằng không thể đến được vì lý do bất khả kháng thì có thể ủy quyền cho người khác.

Bà Hằng không đến. Người được bà Hằng ủy quyền đến hầu Tòa là bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông. Bà Hương nhận ủy quyền thì buộc phải đến. Vậy, tại sao bà Hương nhận ủy quyền rồi lại làm đơn không thể đến phiên tòa?

Phải chăng ngay cả khi Tòa triệu tập thì các “Bị đơn” vẫn cứ đơn giản ủy quyền cho một ai đó, rồi thoái thác trách nhiệm của mình với xã hội?. Bà Hương nhận ủy quyền nhưng bà Hằng vẫn là người chịu trách nhiệm trước Tòa, trước pháp luật.

Thiết nghĩ, khi Tòa đã triệu tập thì mọi công dân đều có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện.

Việc cả “Bị đơn” và người được ủy quyền đều không tham dự khiến cho cả phiên tòa buộc phải hoãn gây ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan. Thật buồn, vì cả bà Hằng và bà Hương đều là những cán bộ lãnh đạo trong ngành Giáo dục.

Theo Báo Nông nghiệp Việt nam, Tòa án Nhân dân quận Hà đông cần có ứng xử nghiêm khắc buộc các “Bị đơn” phải tôn trọng pháp luật.

Theo Baomoi.com

Mua nhằm đất đã có chủ, kiện đòi ủy ban liên đới bồi thường

Trong vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất, nguyên đơn yêu cầu ủy ban liên đới bồi thường do cùng một mảnh đất mà cấp hai giấy chứng nhận cho hai chủ sử dụng.

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa nhận được kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), hủy giấy chứng nhận (GCN) và bồi thường thiệt hại tại quận Tân Phú, TP.HCM.

Đáng chú ý trong vụ kiện này, nguyên đơn đòi UBND quận liên đới bồi thường thiệt hại.

Một mảnh đất cấp hai giấy chủ quyền

Tháng 5-2017, bà Hoàng Thị Thu Nga nhận chuyển nhượng QSDĐ diện tích 70,5 m2 tại thửa 367 tờ bản đồ 132, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú của vợ chồng ông Phạm Văn Dị Em. Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng. Giá trị trên hợp đồng thỏa thuận là 450 triệu đồng, thực tế thanh toán 1,82 tỉ đồng.

Việc thanh toán đã đầy đủ và cập nhật sang tên cho bà Nga trên GCNQSDĐ. Đất để trống đến tháng 3-2018 thì bà Nga phát hiện có người xây dựng trên đất. Qua tìm hiểu, bà Nga biết rằng người này cũng được cấp GCN đối với phần diện tích đất trên.

Sau khi bà Nga khiếu nại đến UBND quận, kết luận thanh tra xác định GCN cấp cho ông Em là sai…

Bà Nga khởi kiện, đề nghị tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng và buộc UBND quận cùng vợ chồng ông Em liên đới bồi thường giá trị đất tại thời điểm xét xử cho bà vì có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi.

Tại phiên sơ thẩm, đại diện UBND quận Tân Phú cho rằng căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì yêu cầu buộc cơ quan này liên đới bồi thường thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện hoặc cơ quan chủ quản có cán bộ vi phạm. Từ đó, UBND đề nghị TAND TP.HCM không xét xử đối với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn.

HĐXX TAND TP.HCM cho rằng UBND nêu căn cứ đúng nhưng đề nghị này không được chấp nhận vì ngoài việc khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, nguyên đơn còn yêu cầu hủy GCN. Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP.HCM. Đồng thời, để giải quyết triệt để vụ án, TAND TP.HCM thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường trong cùng vụ án.

Ủy ban sai nhưng không liên quan đến việc chuyển nhượng

Theo tòa, từ kết luận thanh tra, nguồn gốc và quá trình cấp đổi GCN, đủ cơ sở xác định cùng một thửa đất, ông Em đã chuyển nhượng cho người khác, sau này lại tiếp tục xin cấp GCN và chuyển nhượng cho bà Nga là vi phạm điều cấm của pháp luật.

Lỗi làm cho hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu hoàn toàn thuộc về phía ông Em.

UBND quận Tân Phú đã có những sai phạm trong quá trình xác minh, dẫn đến việc nhận định lô đất này chưa được tách thửa và cấp GCN riêng; từ đó cấp GCN mà không phát hiện thửa đất trên trùng ranh hoàn toàn với thửa đất khác trong GCN cấp cho một người khác. Việc cấp GCN này là trái pháp luật.

Theo kết quả định giá, tiền chênh lệch giá thị trường sau khi trừ 2 tỉ đồng ông Em đã bồi thường trước đó là hơn 2,661 tỉ đồng. Về trách nhiệm bồi thường, HĐXX nhận thấy việc giao dịch giữa hai bên (đặt cọc) xảy ra trước khi có hành vi cấp GCN trái pháp luật của UBND quận Tân Phú. Toàn bộ số tiền đặt cọc cũng như tiền chuyển nhượng đất bà Nga đều giao cho phía ông Em.

Thiệt hại chỉ phát sinh khi ông Em ký hợp đồng, UBND không liên quan tới giao dịch này. Lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu là do vi phạm điều cấm của pháp luật hoàn toàn do vợ chồng ông Em gây ra nên ông bà phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ thiệt hại phát sinh.

Phía UBND quận Tân Phú không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ phát sinh giao dịch nhưng cũng không khỏi trách nhiệm trong công tác quản lý hành chính…

Từ đó, tòa tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng, hủy GCN. Vợ chồng ông Em phải bồi thường cho bà Nga. Tòa không chấp nhận việc yêu cầu UBND phải liên đới bồi thường.

Công chức sai phạm đã bị xử lý kỷ luật

HĐXX TAND TP.HCM nhận định chính sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan tham mưu cho UBND quận Tân Phú dẫn đến cùng một diện tích đất mà cấp hai GCN. Những sai phạm trong việc cấp GCN được thể hiện trong kết luận thanh tra. Cán bộ, nhân viên có hành vi vi phạm đã được UBND quận Tân Phú xử lý kỷ luật theo quy định…

Theo Baomoi.com

Cơ quan tố tụng sẽ xem xét các xung đột trên mạng về hoạt động từ thiện

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, thời gian tới các cơ quan tố tụng sẽ xem xét, xử lý hành vi tranh chấp, xung đột trên mạng xã hội liên quan đến hoạt động từ thiện.

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND), Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (KSND) và các báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng chống tham nhũng năm 2021.

Phát biểu tại điểm cầu ở tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến về hoạt động từ thiện của nhóm nghệ sĩ thời gian qua. “Hoạt động từ thiện của nhóm nghệ sĩ, dư luận rất quan tâm, cần phải làm rõ để công khai, minh bạch”, đại biểu Hòa nói.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị Chính phủ thời gian tới quan tâm thêm một số lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây quan tâm của dư luận nhiều về mua sắm trang thiết bị y tế, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, thời gian vừa qua công tác phòng, chống dịch bệnh có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân đều rất tích cực, trong đó hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng rất được quan tâm.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Quảng Nam, tình hình vận động, kêu gọi từ thiện, nhân đạo trong công tác phòng, chống thiên tai vừa qua trên các mạng xã hội xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp vào cuộc một cách mạnh mẽ vấn đề này và kịp thời hơn, để làm rõ, trả lời cho công luận, cử tri biết rõ ai đúng, ai sai. Từ đó, chúng ta có giải pháp, đặc biệt là kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng cho công tác từ thiện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, không thể nó diễn ra một cách dai dẳng như thế mà không có câu trả lời cuối cùng”, đại biểu Phan Thái Bình nói.

Giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí ghi nhận ý kiến đại biểu đề cập việc gần đây một số đối tượng có hành vi tranh chấp, xung đột trên mạng xã hội liên quan đến hoạt động từ thiện, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong đời sống xã hội.

Ông Lê Minh Trí dẫn Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và khẳng định thời gian tới các cơ quan tố tụng sẽ xem xét, xử lý để bảo đảm trật tự kỷ cương của xã hội.

Theo Baomoi.com

Xét xử trực tuyến: Nên áp dụng với những vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản

 Thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề nghị việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được tiến hành thận trọng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân do xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định.

Đề xuất thí điểm thực hiện trong thời hạn 3 năm

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của các cơ quan, trong đó có Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Cho ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị quyết phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, với những vụ việc phức tạp, bị cáo không nhận tội, vụ án có nhiều đồng phạm tham gia… vẫn cần xét xử trực tiếp. Xét xử trực tuyến chỉ áp dụng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ việc dân sự, hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản.

Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cũng cho biết, đây là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa quy định nên cần chuẩn bị chu đáo, có quy định chi tiết để tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan tiến hành và tham gia tố tụng.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, qua nghiên cứu các đạo luật tố tụng cho thấy, hiện tại chưa quy định rõ ràng về phiên tòa trực tuyến, mà chỉ quy định về nguyên tắc xét xử trực tiếp và tại phòng xử án. Theo ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ ba, đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Chính vì vậy, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị cần phải nghiên cứu thận trọng và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trước khi trình với Quốc hội. Đại biểu tán thành với chủ trương trình Quốc hội là đúng thẩm quyền. Đây là nội dung mới vì xác định có tính chất lâu dài để xu hướng tới xây dựng tòa án điện tử, tòa án thông minh theo chủ trương của Đảng. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ nên ban hành Nghị quyết cho phép tòa án thực hiện thí điểm trong thời hạn 3 năm về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cơ sở pháp lý.

“Nên lựa chọn những vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng và chứng cứ rõ ràng, những vụ án dân sự hành chính có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng đầy đủ. Lựa chọn một số tỉnh thành có điều kiện để tránh đầu tư dàn trải. Sau thời gian thực hiện thì Tòa án nhân dân tối cao sẽ chủ trì và phối hợp với cơ quan đánh giá tổng kết việc thi hành để sửa đổi các luật tố tụng cho phù hợp”, đại biểu Lê Thanh Hoàn kiến nghị.

Cần rà soát, bố trí nguồn lực cho xét xử trực tuyến

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm và cho rằng, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa có tiền lệ, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, chắc chắn, cần được tổ chức thí điểm để rút kinh nghiệm. Đồng thời, cần tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành… Bên cạnh đó, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần phải đảm bảo nguồn lực, nhân lực sẵn sàng để thực hiện có hiệu quả với các phiên tòa trực tuyến.

Đề cập đến nội dung này, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, phán quyết của tòa án có ảnh hưởng rất lớn đến quyền con người, quyền công dân và những vấn đề liên quan đến bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân và công lý.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của nghị quyết, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về tố tụng, nhất là nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, nguyên tắc xét xử công bằng, công khai, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc xét xử liên tục… đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan phải bảo đảm nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị cần đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tổ chức và tham gia phiên tòa trực tuyến. Bảo đảm các tiêu chí chung đối với hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến. Thực hiện xét xử trực tuyến trên công nghệ mạng internet, hỗ trợ nhiều giao thức. Không truyền, lưu trữ các dữ liệu phát sinh trong quá trình xét xử trực tuyến cho các đối tượng không được cấp quyền truy cập.

“Bảo đảm hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến phải có những chức năng đáp ứng tiêu chí về âm thanh, hình ảnh, chia sẻ màn hình, điều khiển của chủ tọa phiên tòa, đưa người vào hoặc đẩy người ra khỏi phiên tòa. Bảo đảm hệ thống phần mềm phải đáp ứng những tiêu chí về hiệu năng, số lượng điểm cầu và thời gian hoạt động liên tục. Bảo đảm an toàn, bảo mật trong xét xử trực tuyến…”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp huyện.

Mặt khác, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng lao động, các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và hành chính vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện. Do đó, để triển khai thực hiện tốt quy định này, khi Nghị quyết có hiệu lực, đại biểu cho rằng cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện đảm bảo thực hiện việc tổ chức phiên tòa trực tuyến tại hơn 700 tòa án cấp huyện, tòa án quân sự và các cơ sở tạm giữ, tạm giam do ngành công an quản lý.

Từ đây, đại biểu nhấn mạnh tính cấp thiết phải có ngân sách để đầu tư, trang bị các thiết bị điện tử, kỹ thuật, công nghệ cho việc kết nối các điểm cầu thành phần để phục vụ công tác xét xử trực tuyến cũng như kinh phí để tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và dự thảo thông tư liên tịch do Ban soạn thảo trình chưa đề cập đến. Vì vậy, đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc có điều khoản quy định về nội dung ngân sách tổ chức thực hiện để thuận lợi cho tòa án nhân dân các cấp và các cơ quan tố tụng khi triển khai thực hiện Nghị quyết.

Theo Baomoi.com

Vụ án 8 năm, tòa, viện vẫn bất nhất thẩm quyền

Do giới hạn tố tụng, VKS không thay đổi quan điểm, tòa sơ thẩm xét xử và kiến nghị cấp trên xem xét lại thẩm quyền.

TAND huyện Định Quán (Đồng Nai) vừa xử sơ thẩm lần 3, tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nhẫn bảy năm sáu tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo bồi thường khoảng 800 triệu đồng.

Đáng chú ý, HĐXX xác định bị cáo phạm tội theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự. Do giới hạn của tố tụng, tòa chỉ xử khoản 3 (khung hình phạt 5-12 năm tù) như truy tố của VKS. Tuy nhiên, tòa kiến nghị cấp trên xử theo khoản 4 (khung hình phạt 12-20 năm tù) theo thẩm quyền vì tổng số tiền chiếm đoạt là trên 500 triệu đồng.

Theo hồ sơ, ngày 3-11-2013, tại trại heo của bà Nguyễn Thị Loan (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), Nhẫn nhận 71 con heo hơi có tổng trọng lượng 5.738 kg của bà Loan rồi dùng xe tải chở về tỉnh Đắk Lắk. Nhẫn bán toàn bộ số heo trên với giá 190 triệu đồng và cả xe tải với giá 560 triệu đồng cho một phụ nữ ở phường Yên Đỗ, TP Pleiku, Gia Lai. Tuy nhiên, Nhẫn không đem tiền về cho bà Loan mà sử dụng vào mục đích cá nhân.

Vụ án này, tòa từng trả hồ sơ cho VKS về hai vấn đề. Một là cơ quan điều tra phải thu hồi xe tải trả lại cho bị hại và phục vụ việc định giá. Hai là bị cáo Nhẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tổng hai loại tài sản là xe tải và đàn heo không thể tách rời riêng từng loại tài sản. Tổng giá trị bị xâm hại là 750 triệu đồng nên cần làm rõ thẩm quyền giải quyết vụ án (thuộc cấp tỉnh).

Kết quả điều tra bổ sung, VKS cho rằng xe tải đã bán cho một người không rõ lai lịch ở huyện Chư Sê, Gia Lai. Cơ quan điều tra đã ủy thác cho Công an huyện Chư Sê xác minh trên địa bàn nhưng không phát hiện được chiếc xe này. Do đó, không thu hồi được tang vật đồng thời là tài sản của bị hại để trả lại, cũng như phục vụ cho việc định giá. Cơ quan định giá cũng từ chối định giá đối với xe tải được đề cập ở trên.

Do không định giá được chiếc xe, VKS, cơ quan điều tra chỉ xác định thiệt hại của vụ án là 71 con heo có trị giá hơn 275 triệu đồng, thuộc thẩm quyền điều ra, truy tố, xét xử của cấp huyện.

Chủ nhân thực sự của chiếc xe là ai?

Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phản ánh như “Tranh cãi vụ bán cả heo lẫn xe“Chủ nhân thực sự của chiếc xe chở đàn heo đi bán là ai?” và “Bị mất xe lẫn đàn heo, chỉ truy tố chiếm đoạt đàn heo”. Vụ án từ năm 2013 đến nay đã trải qua nhiều vòng tố tụng sơ và phúc thẩm, giám đốc thẩm…

Tháng 4-2016, TAND huyện Định Quán xử sơ thẩm lần 1, tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nhẫn tám năm tù, buộc phải bồi thường thiệt hại hơn 275 triệu đồng (là giá trị 71 con heo theo định giá).

Sau đó, TAND tỉnh xử phúc thẩm, giảm án cho bị cáo Nhẫn xuống còn bốn năm tù và không tuyên buộc bị cáo phải trả lại số tiền chiếm đoạt.

Tháng 9-2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm, quyết định hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Đến tháng 12-2019, TAND huyện Định Quán xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên phạt bị cáo Nhẫn bảy năm sáu tháng tù.

Ngày 11-2-2020, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm lần 2 đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra lại để làm rõ chủ sở hữu chiếc xe chở đàn heo đi bán thực sự là ai và xác định chính xác thiệt hại của vụ án.

Theo Baomoi.com

Công chứng viên không phát hiện giấy tờ giả có phải bồi thường?

Thực tiễn xét xử, nếu công chứng viên không biết hoặc không có sự bàn bạc, cố ý tạo điều kiện cho các bị cáo thực hiện việc chiếm đoạt thì không phải bồi thường.

Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sau đây, cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng.

Có ý kiến cho rằng TAND Tối cao cần ban hành một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hay án lệ về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng liên quan đến loại tội phạm này.

Làm giả, sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo

TAND TP Đà Nẵng đã xử sơ thẩm, phạt Nguyễn Đua (sinh năm 1991, quê Đà Nẵng) 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cuối tháng 11-2019, Đua mua ô tô hơn 1,3 tỉ đồng, thế chấp xe để vay 860 triệu đồng. Ngân hàng giữ giấy chứng nhận đăng ký xe.

Bị cáo Nguyễn Đua tại tòa trong vụ án lừa đảo và làm giả con dấu, tài liệu. 

Đua đặt làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe rồi ngày 15-4-2020 đem xe cùng giấy tờ giả đến cầm cho anh Huỳnh Vũ Quốc vay 550 triệu đồng, thời hạn vay một tháng.

Ngày 15-5-2020, Đua thỏa thuận bán xe cho anh Trần Ngọc Anh với giá 700 triệu đồng. Đua hẹn anh Ngọc Anh và anh Quốc đến Văn phòng công chứng (VPCC) Điện Nam – Điện Ngọc tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam để các bên thống nhất việc mua bán.

Công chứng viên (CCV) đã công chứng hợp đồng mua bán xe với giá ghi trong hợp đồng là 50 triệu đồng. Tại VPCC, anh Ngọc Anh trả Đua 150 triệu đồng tiền mặt và hai lần chuyển khoản tổng cộng 550 triệu đồng vào tài khoản mang tên Huỳnh Vũ Quốc theo yêu cầu của Đua.

Sau đó, anh Ngọc Anh mang hồ sơ xe đến Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng làm thủ tục sang tên thì phát hiện giấy chứng nhận đăng ký xe là giả.

Trước đó, TAND TP Đà Nẵng cũng xét xử một vụ án tương tự. Theo nội dung vụ án, tháng 12-2016, Lê Thiện Chân Phương mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở giả đối với nhà, đất tại 90 Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) để vay tiền bà Trần Thị Cẩm Tiên. Bà Tiên chấp nhận cho vay 1,5 tỉ đồng (thời hạn vay ba tháng) theo hình thức lập hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà và đất nói trên cho con trai nuôi của bà. Ngày 19-12-2016, tại VPCC Sông Hàn, hai bên ký xong hợp đồng công chứng.

Hai bên thỏa thuận, hết thời hạn vay mà bà Phương trả được thì bà Tiên sẽ căn cứ giá thị trường để mua lại căn nhà này và số tiền đã đưa coi như đặt cọc…

Ngày 31-5-2017, bà Tiên liên hệ Văn phòng Đăng ký đất đai quận Thanh Khê để làm thủ tục sang tên đổi chủ thì phát hiện giấy tờ nhà không có giá trị pháp lý.

Cần hướng dẫn cụ thể của Tòa Tối cao

Khi xảy ra sự cố, tổ chức hành nghề công chứng thường cho rằng không chịu trách nhiệm về tính xác thực của giấy tờ. Trong khi đó, người yêu cầu công chứng tin tưởng vào tổ chức công chứng nên mới đến yêu cầu công chứng.

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng quy kết mọi hành vi vi phạm pháp luật cho mỗi bị cáo sẽ có khả năng tạo điều kiện cho các giao dịch vi phạm pháp luật được tự do công chứng. Do đó, TAND Tối cao cần có một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hay án lệ cho tội phạm này.

Trách nhiệm của công chứng viên

Trong vụ án lừa đảo và làm giả giấy tờ nhà, đất nêu trên, đề cập đến trách nhiệm của VPCC Sông Hàn, HĐXX cho rằng trước khi công chứng vào hợp đồng chuyển nhượng, CCV đã kiểm tra đầy đủ tính hợp pháp của các loại giấy tờ nhưng không xác định được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở do bà Phương cung cấp là thật hay giả bằng mắt thường. Do đó, có căn cứ để không xem xét trách nhiệm của CCV.

Bà Tiên đã kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc VPCC Sông Hàn bồi thường gần 2 tỉ đồng nhưng không được chấp nhận.

Một vụ án khác tại TP.HCM, cuối năm 2016, bà Vương Thị Hiền rao bán thửa đất ở quận 2. Sau đó có người tên M đến gặp bà Hiền hỏi mua đất và yêu cầu xem bản chính sổ hồng, các giấy tờ liên quan đến nhân thân và hẹn ngày quay lại đặt cọc. Sau đó, M cùng hai người khác quay lại gặp bà Hiền và đánh tráo sổ hồng giả (đã chuẩn bị sẵn) để lấy bản chính sổ hồng thật.

Tiếp đó, M đưa sổ hồng cho Lê Thị Mỹ Dung thuê người đóng giả bà Hiền, còn Lê Văn Trợ đóng giả chồng bà Hiền để ra công chứng ủy quyền bán đất. Dung nhờ CCV thuộc VPCC Phú Nhuận làm hợp đồng ủy quyền cho Nguyễn Thị Hồng Hạnh được toàn quyền quyết định đối với thửa đất của vợ chồng bà Hiền. Sau khi đăng bộ sang tên xong thì thửa đất này được các đối tượng làm giả bán lại cho người khác với giá 7,5 tỉ đồng trong khi bà Hiền không hề hay biết.

Tháng 12-2016, khi chủ đất mới đi đăng bộ sang tên thì bà Hiền mới biết và yêu cầu ngăn chặn. Lúc này UBND quận 2 kiểm tra sổ hồng mà bà Hiền đang giữ thì mới biết đây là giấy giả, còn giấy thật đã bị đánh tráo.

Tháng 10-2019, TAND TP.HCM phạt Dung 13 năm tù, Trợ bảy năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho bị hại hơn 4,9 tỉ đồng. Nếu hai bị cáo không có khả năng bồi thường thì VPCC Phú Nhuận, nơi công chứng hợp đồng ủy quyền, phải có nghĩa vụ bồi thường thay.

Tuy nhiên, tháng 5-2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã sửa án phần trách nhiệm dân sự, VPCC không có trách nhiệm liên đới bồi thường. Bởi lẽ hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện công chứng viên trong khi thực hiện công chứng ủy quyền đã biết việc các bị cáo, đối tượng liên quan thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bị hại hoặc đã có sự bàn bạc, cố ý tạo điều kiện cho các bị cáo, đối tượng liên quan thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra, VKS cũng không buộc công chứng viên có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng

Điều 38 Luật Công chứng quy định: “Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng”. Tương tự, Điều 44 Nghị định 23/2015 cũng quy định: “Người thực hiện chứng thực gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức do lỗi của mình thì sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Theo điểm d và điểm g khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng sửa đổi 2018 thì CCV có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình.

Nếu vụ án có liên quan đến trách nhiệm giải thích của CCV, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng thì tòa án xem xét đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo Baomoi.com