Không xét xử trực tuyến các vụ án liên quan đến bí mật nhà nước

Các vụ án liên quan đến bí mật nhà nước, các tội xâm phạm an ninh quốc gia và vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh không tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Theo Nghị quyết, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Nghị quyết cũng quy định rõ các trường không được xét xử trực tuyến, gồm: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; và vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

“Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa”, Nghị quyết nêu rõ.

Về tổ chức thực hiện, Chánh án TAND tối cao theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết này trong báo cáo công tác hằng năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Theo Baomoi.com

Đặt cọc đất đai, cách nào để không bị ‘lật kèo’?

Gần đây xuất hiện nhiều tranh chấp trong việc đặt cọc mua đất đai, nhà thuộc các dự án… Người hiểu luật sẽ soạn thảo văn bản đặt cọc chặt chẽ, giải quyết mẫu thuẫn bằng cách khởi kiện ra tòa hoặc đề nghị CQĐT vào cuộc nếu có dấu hiệu hình sự. Nhưng cũng có không ít trường hợp phải ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận bị đối tác lật cọc.

Việc mua đất, nhà nếu không làm chặt chẽ về thủ tục pháp lý sẽ dẫn tới những tranh chấp, khiếu kiện. 

Tưởng rõ ràng vẫn bị “lật kèo”

Tìm mãi mới thấy được mảnh đất có vị trí khá ưng ý, gồm 300m2 đất ở và trên 1.000m2 đất vườn tại một xã thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Xuân, phường Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội quyết định đặt cọc 200 triệu đồng với chủ đất. Hai bên hẹn cuối tuần sẽ tiến hành hoàn tất các thủ tục pháp lý mua, bán. Sát đến ngày hẹn, bất ngờ chị Xuân nhận được điện thoại của chủ đất kêu lên lấy lại tiền đặt cọc, thửa đất đó đã được sang tên cho người khác. Khi chị Xuân thắc mắc, chủ đất giải thích, đất là tài sản của mình muốn bán cho ai thì bán. Việc đặt cọc là để người mua không hủy kèo chứ không có giá trị với người bán.

Không chỉ người dân bị lât cọc, ngay cả giới kinh doanh bất động sản cũng gặp phải nhiều chủ đất khá “chuối”. Mới đây, chị Hoàng Thị Huệ, xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội vốn là người kinh doanh có kinh nghiệm đất đai đã gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Lý do bắt nguồn từ việc chủ đất sinh sống tại một xã thuộc huyện Lương Sơn vi phạm hợp đồng đặt cọc. Sau khi nhận 500 triệu tiền đặt cọc thửa đất rộng gần 4.000m2 của chị Huệ thì chủ đất đã được một “cò đất” khác ra giá cao hơn khi mạnh tay mua chênh giá trị thửa đất này tới 200 triệu đồng. Với người nông dân, đây là số tiền rất lớn nên bất chấp những thỏa thuận ghi trong hợp đồng đặt cọc với chi Huệ, vị chủ đất này cùng gia đình quyết định bán đất cho người khác. Sau khi bị chị Huệ phản ứng gay gắt, chủ nhà đã cùng con cái thách thức, đưa những thông tin không tôn trọng chị lên mạng xã hội.

Cách nào chặt chẽ?

Luật sư Nguyễn Hào Hiệp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành nhìn nhân đặt cọc là một chế định đã xuất hiện từ rất sớm trong pháp luật dân sự Việt Nam nhằm đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS), đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của pháp luật dân sự và được hiểu là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

BLDS quy định, trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Phân tích rõ hơn điều này, theo Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16-4-2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn: “Theo quy định tại Điều 130 BLDS, thỏa thuận về đặt cọc là một giao dịch dân sự; do đó, việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 131 BLDS và phải được lập thành văn bản (có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính)”.

Theo luật sư Nguyễn Hào Hiệp, tranh chấp về mức “phạt cọc” được căn cứ khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì mức “phạt cọc” được thực hiện theo quy định như sau: ‘Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc (thường là tiền đặt cọc) thuộc về bên nhận đặt cọc; Nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì nghĩa vụ trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Khi các bên có thỏa thuận khác về mức phạt cọc như phạt gấp đôi, gấp ba lần tiền đặt cọc thì thực thiện theo thỏa thuận đó…”. Đối với tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của các bên: “Là tranh chấp nội dung điều khoản quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đặt cọc”.

Cũng theo luật sư Nguyễn Hào Hiệp, phương thức giải quyết tranh chấp thường theo 3 cách: Thương lượng; Hòa giải và cuối cùng là khởi kiện ra tòa. Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc (TAND quận, huyện, thị xã, TP tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc Trung ương).

Tuy nhiên, việc phạt cọc không phải lúc nào cũng đơn giản, Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16-4-2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn không phải mọi trường hợp có thỏa thuận đặt cọc xảy ra tranh chấp thì đều có chế tài phạt cọc. Bởi lẽ, chỉ những trường hợp thuộc một trong hai điểm a và c của Nghị quyết và không thuộc trường hợp hai bên cùng có lỗi hoặc không thuộc trường hợp bất khả kháng/trở ngại khách quan thì mới thực hiện được chế tài phạt cọc theo quy định.

Do đó, việc chấp nhận lý do dẫn đến không giao kết hoặc không thực hiện được hợp đồng là do lỗi chủ quan hay lỗi khách quan; Lỗi chủ quan thì cần xác định là lỗi của ai, lỗi của một bên (bên nhận đặt cọc hay bên đặt cọc) hay lỗi của cả hai bên; lỗi khách quan do đã xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan để chấp nhận hay không chấp nhận việc phạt cọc ở các tòa án vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và c mục 1 này, Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP, nếu cả hai bên cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì không phạt cọc.

Ngày 17-10-2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua Án lệ số 25/2018/AL. Nội dung cho thấy, Tòa Dân sự TANDTC quyết định: Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 522/2010/DS-PT ngày 06-5-2010 của TAND TP. HCM, và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 344/DS-ST ngày 11-11-2009 của TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM, về vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa nguyên đơn là ông Phan Thanh L với bị đơn là bà Trương Hồng Ngọc H; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lại Quang T. Trong trường hợp này, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm buộc bà Trương Hồng Ngọc H chịu phạt cọc. Tuy nhiên, Tòa Dân sự TANDTC cho rằng, bà H không bị phạt cọc vì thuộc trường hợp bất khả kháng do lỗi không thuộc về mình.

Trên đây là nội dung tư vấn liên quan đến việc đặt cọc đất đai, cách nào để không bị ‘lật kèo’. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

 

Tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến: Giải pháp linh hoạt đối phó với dịch

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác xét xử và không bị án tồn, án quá hạn, Tòa án Nhân dân tối cao (TAND TC) đang hoàn thiện Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để giải quyết các vụ án.

Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức một số phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến.

Là cách hiệu quả để giải quyết những vụ việc tồn đọng

Trong Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến nêu rõ, xét xử trực tuyến là việc tổ chức xét xử trực tiếp có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng. Theo đó, phiên tòa trực tuyến sẽ được mở tại tòa án với thành phần tham gia là hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư. Riêng bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác không bắt buộc phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn đảm bảo nhìn thấy mọi hình ảnh, diễn biến phiên tòa xét xử và có thể trao đổi với nhau.
Theo dự thảo quy chế xét xử do TAND TC soạn thảo, các phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo an toàn thông tin nhưng công khai, bình đẳng, giữ tôn nghiêm. Dự kiến, xét xử trực tuyến áp dụng với các vụ án hình sự dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt dưới 15 năm tù), có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang chịu tạm giam.
Xuất hiện cảnh sát với vai trò là người tham gia tố tụng khác!
Dự thảo quy chế nêu, không mở phiên tòa, phiên họp trực tuyến đối với vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài; Vụ án hình sự bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, tội chống lại loài người, hủy hoại hòa bình…
Phiên xử trực tuyến sẽ gồm một điểm cầu trung tâm cùng các điểm cầu tham gia nhưng không quá 3 điểm tham gia với vụ hình sự hoặc không quá 5 điểm với các vụ dân sự, hành chính. Địa điểm những nơi này phải được ghi trong biên bản phiên tòa. Tại điểm cầu trung tâm sẽ có mặt HĐXX, kiểm sát viên và có thể có bị hại, đương sự, luật sư, người tham gia tố tụng khác (làm chứng, phiên dịch, giám định…). Các cá nhân, cơ quan, tổ chức được theo dõi tại đây nếu phiên tòa công khai.
Các điểm cầu tham gia vụ án hình sự sẽ bao gồm bị cáo, người bào chữa, cảnh sát của nơi giam giữ. Trong vụ án dân sự, hành chính, điểm cầu tham gia sẽ do đương sự lựa chọn và có thành phần gồm đương sự, luật sư. Người tham gia bào chữa, bảo vệ được quyền trao đổi trực tuyến với bị cáo, bị hại, đương sự nhưng phải được chủ tọa đồng ý.
Khi tham gia tố tụng trực tuyến, đương sự có thể đưa thêm chứng cứ bằng cách sao chụp, gửi cho HĐXX hoặc chủ tọa. Với bị cáo, nhờ cảnh sát tại nơi giam giữ sao chụp, gửi hộ và TAND sẽ xác định tư cách của cảnh sát này là người tham gia tố tụng khác. Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình dạng dữ liệu điện tử. Nếu mất kết nối khi diễn ra, chủ tọa phải cho tạm dừng làm việc và quyết định lần tiếp theo sẽ xét xử trực tuyến hay thông thường.

Việc xét xử trực tuyến ngoài việc phải đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật còn đòi hỏi các đối tượng, đương sự phải hợp tác, trong khi thời gian giãn cách xã hội có nhiều thẩm phán ở trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa, không nghiên cứu được hồ sơ vụ án thì cũng không thể xét xử được. Do đó, việc triển khai xét xử trực tuyến cũng không dễ.

Theo Baomoi.com

Vì sao Tòa Cấp cao yêu cầu Phan Sào Nam quay lại trại giam chấp hành tiếp bản án?

Tòa cấp cao tuyên hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587, số 80 của TAND tỉnh Quảng Ninh với Phan Sào Nam; quyết định giám đốc thẩm tuyên Phan Sào Nam chấp hành bản án trở lại.

Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm xem xét kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội liên quan quyết định tha tù trước thời hạn đối với Phan Sào Nam.

Hội đồng giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Theo đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xác định, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra các quyết định giảm thời gian chấp hành án đối với phạm nhân Phan Sào Nam là không đủ điều kiện và không có căn cứ pháp luật.

Tòa cấp cao đã tuyên hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 và số 80 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh với Phan Sào Nam; đồng thời quyết định giám đốc thẩm cũng tuyên Phan Sào Nam phải chấp hành bản án trở lại.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đối với phạm nhân Phan Sào Nam (cựu Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến), bị kết án về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” ngày 12/3/2019 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm xét thấy, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 ngày 29/4/2020 và Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80 ngày 4/2/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam là không đủ điều kiện và không có căn cứ pháp luật.

Đối với Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 ngày 29/4/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho phạm nhân Phan Sào Nam là không có căn cứ pháp luật.

Theo quy định, Phan Sào Nam, bị tuyên 5 năm tù, ngoài điều kiện đã chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù và phải có ít nhất 6 tháng hoặc 2 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại khá trở lên. Tuy nhiên, Phan Sào Nam mới được xếp loại khá quý 3/2019, quý 4/2019 xếp loại trung bình.

Ngoài việc xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù, Nam đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt là “lập công”.

Tuy nhiên, qua tài liệu xác minh về tình tiết “lập công” cho thấy, tại văn bản số 851 ngày 20/11/2019, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ, có nội dung: Cơ quan điều tra đã tiếp xúc, vận động Phan Sào Nam viết thư gửi gia đình Lê Văn Kiên để vận động đối tượng đầu thú.

Kết quả, sau khi được gia đình thông báo về việc Phan Sào Nam viết thư vận động Kiên về nước, cùng với sự tác động của Cơ quan an ninh điều tra… đến ngày 20/10/2019 Lê Văn Kiên đã về nước đầu thú.

Kết quả xác minh của Vụ 8, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, trong quá trình giam giữ, không có việc Phan Sào Nam viết thư động viên đối tượng truy nã quốc tế Lê Văn Kiên về nước đầu thú.

Điều tra viên cũng như cán bộ điều tra không biết Phan Sào Nam tác động đến gia đình Lê Văn Kiên và Phan Anh Tuấn như thế nào; không có tài liệu xác định quá trình giam giữ Phan Sào Nam gửi thư ra ngoài để vận động đầu thú… Do đó, kháng nghị cho rằng việc xác nhận Phan Sào Nam lập công là không có căn cứ.

Với quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80 ngày 4/2/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại (3 tháng 7 ngày) cho phạm nhân Phan Sào Nam ra trại ngày 6/2/2021.

Theo Viện Kiểm sát, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 ngày 29/4/2019 trước đó được xác định không có căn cứ, dẫn đến quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng không đủ điều kiện và không có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Từ đó, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 và số 80 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam.

Cũng liên quan đến vụ việc này, theo thông tin từ cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2021, Ban Chỉ đạo đưa vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù với Phan Sào Nam vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Liên quan việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam có 9 tập thể và 29 cá nhân bị xác định sai phạm, tiêu cực bị xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm.

Tại Kỳ họp thứ sáu (6/9-8/9), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025; Cảnh cáo ông Hoàng Văn Tiền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh; bà Phạm Thị Hương Giang, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND tỉnh; ông Nguyễn Trí Chinh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TAND tỉnh; bà Nguyễn Thúy Hằng, Bí thư Chi bộ, Chánh Tòa Dân sự và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng TAND tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ chỉ đạo xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm liên quan đến việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam, báo cáo kết quả thực hiện về UBKT Trung ương.

Theo Baomoi.com

Đề xuất có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ

Đề xuất thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ được Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra từ năm 2018. Mới đây, tại Hội thảo ‘Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ’, đề xuất này lại tiếp tục được đưa ra vì cho rằng tranh chấp dạng này có nhiều đặc thù.

Đề xuất thành lập tòa sở hữu trí tuệ đã được đưa ra trong Hội thảo góp ý về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Luật Sở hữu trí tuệ chậm vào cuộc sống?

Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006 nhưng theo đánh giá của Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) thì việc đưa pháp luật về SHTT vào cuộc sống còn rất chậm. Nhiều doanh nghiệp (DN) khi làm việc với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hay tòa án còn không biết là đã vi phạm pháp luật.

Theo Luật SHTT thì đơn vị trực tiếp sản xuất các sản phẩm vi phạm Bằng độc quyền là đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết các DN sản xuất đều cho rằng sản xuất theo đơn đặt hàng từ đơn vị khác, các thiết kế, bản vẽ này đã được chủ đầu tư phê duyệt nên mình không vi phạm. Ngay cả một số cán bộ tại Thanh tra Sở KH&CN, tòa án tại các địa phương ít khi tiếp xúc với các hồ sơ tranh chấp về SHTT cũng cho rằng những đơn vị đặt hàng hay chủ đầu tư phê duyệt bản vẽ, dự án mới là người vi phạm.

Ví dụ, trong quá trình bị Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, chủ một xưởng sản xuất nước giặt – xả mang nhãn hiệu Thái Lan đã “ngây thơ” trả lời rằng, “được thuê sản xuất theo công thức và nguyên liệu có sẵn cho một công ty nên không vi phạm”. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục QLTT khẳng định, trong trường hợp này, kể cả được thuê thật thì xưởng sản xuất cũng vẫn là chủ thể vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Busadco còn cho biết, họ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ tài sản SHTT của mình khi các cấp tòa án thiếu linh hoạt trong việc áp dụng pháp dụng pháp luật. Đơn cử, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong vụ kiện do bị xâm phạm Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết. Tuy nhiên, tòa án địa phương nơi xảy ra thiệt hại vẫn cứng nhắc áp dụng quy định là tòa án nơi đặt trụ sở của bị đơn có thẩm quyền giải quyết.

“Nếu có tòa án chuyên về SHTT, tình huống này có thể không xảy ra” – đại diện Busadco nói.

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ có nhiều đặc thù

Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, vấn đề xử lý xâm phạm SHTT hiện nay đang còn có nhiều vướng mắc, Cục SHTT đang phối hợp, tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức tòa án theo hướng thành lập riêng tòa án chuyên về lĩnh vực SHTT.

Trong một cuộc Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức (vào cuối tháng 8/2021), ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam đã đề xuất cần xây dựng một lộ trình cụ thể trong trung hạn và dài hạn (5-10 năm) cho việc bồi dưỡng năng lực cho ngành Tòa án.

Cụ thể là thành lập tòa chuyên trách về SHTT, bổ nhiệm thẩm phán chuyên trách về SHTT và các bồi dưỡng chuyên ngành khác, trước khi có những sửa đổi Luật SHTT tương ứng, tránh tình trạng luật ban hành nhưng không thể áp dụng.

Theo các luật sư đại diện chủ thể quyền cho một số nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, hiện tòa án SHTT là một trong những tòa chuyên trách được nhiều quốc gia thành lập nhằm thụ lý và xét xử các tranh chấp về SHTT. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục áp dụng trình tự như quy định pháp luật tố tụng dân sự trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT sẽ không thể giải quyết vụ việc. Bởi SHTT liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh…

Do đó, cần phải nghiêm túc tính đến khả năng và lộ trình thành lập tòa án chuyên trách về SHTT tại Việt Nam. Đồng thời, các cơ chế tố tụng dân sự hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp SHTT cũng cần được xem xét, sửa đổi theo hướng rút gọn, đơn giản hóa cơ chế tiếp nhận xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… để bảo đảm tốt hơn, kịp thời hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT.

Theo Baomoi.com

Khởi tố vụ án cựu cán bộ phường mua, sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để thăng tiến

Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 09, để điều tra về hành vi ‘sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức’ xảy ra tại trường Chính trị tỉnh Thái Bình. Nội dung vụ việc liên quan đến việc một cựu cán bộ phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) đã mua và sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.

Phường Trần Lãm, nơi có cán bộ bị phát hiện dùng bằng giả

Hồ sơ điều tra cho biết, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã xác định ông Nguyễn Mạnh Hải (31 tuổi, nguyên là cán bộ phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, hiện trú tại tổ 12, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã có hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào năm 2008, ông Nguyễn Mạnh Hải đã mua bằng tốt nghiệp THPT giả, đến năm 2017, sử dụng bản chính của bằng giả này để chứng thực tại UBND phường Trần Lãm, sau đó sử dụng bản chứng thực này để làm hồ sơ học tại trường Chính trị tỉnh Thái Bình, chuyên ngành Lý luận chính trị – hành chính, hệ Trung cấp.

Hành vi của ông Nguyễn Mạnh Hải đã vi phạm điều 4, điều 5 Quy chế tuyển sinh đào tạo của trường Chính trị tỉnh Thái Bình.

Vụ việc được phát hiện từ đơn tố giác của người dân tại thành phố Thái Bình về việc ông Nguyễn Mạnh Hải, cán bộ phường Trần Lãm chưa học hết THPT nhưng vẫn có bằng tốt nghiệp THPT số hiệu 0634751 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cấp năm 2003, để nộp hồ sơ xét tuyển đầu vào tại trường Chính trị tỉnh Thái Bình. Sau khi học xong hệ Trung cấp chuyên ngành Lý luận chính trị – hành chính tại ngôi trường này, ông Hải đã được lãnh đạo địa phương cơ cấu, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo một tổ chức chính trị tại phường.

Từ nội dung tố cáo trên, cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã vào cuộc xác minh, sau đó tiến hành khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi sai phạm của ông Nguyễn Mạnh Hải.

Ngay sau khi vụ bằng giả được phát giác, ông Nguyễn Mạnh Hải đã làm đơn xin nghỉ việc và đã được Đảng ủy phường Trần Lãm chấp thuận cho nghỉ việc từ tháng 8/2021, trước khi vụ việc bị khởi tố.

Theo Baomoi.com

Vụ chia tài sản ly hôn tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên: Tại sao người phụ nữ không được quyền sở hữu cổ phần?

Điều không thể phủ nhận là quá trình phát triển của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên gắn liền với cuộc hôn nhân của vợ chồng ‘vua cà phê’. Thế nhưng, khi ly hôn, tại sao bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại không được quyền sở hữu cổ phần của mình tại các công ty của tập đoàn này?!

Vụ ly hôn được coi là kết thúc khi Tòa án ND tối cao phát hành Quyết định Giám đốc thẩm ngày 7/5/2021. Tài sản chung của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên là bất động sản được chia theo tỉ lệ 50-50, thế nhưng tài sản chung là cổ phần tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên và tài sản vàng, ngoại tệ, tiền… được tòa tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia 60% và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia 40% tổng giá trị tài sản chung. Như vậy, sau khi ly hôn, tài sản bà Thảo được chia là 3.245 tỷ đồng và ông Vũ được chia số tiền là 4.687 tỷ đồng.

Sự hình thành và phát triển của tập đoàn cà phê Trung Nguyên gắn liền với cuộc hôn nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Diệp Hoàng Thảo.

Dưới danh nghĩa bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên và để đảm bảo cho hoạt động ổn định của Tập đoàn Trung Nguyên, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã giao cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần tại 07 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ có trách nhiệm thanh toán giá trị cổ phần cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo Luật Hôn nhân gia đình (khoản 3 Điều 59), tài sản chung vợ chồng được chia bằng hiện vật, trường hợp không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Điều 64 Luật Hôn nhân gia đình cũng quy định vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng.

Cổ phần và phần vốn góp trong công ty là tài sản có thể chia được bằng hiện vật theo quy định. Cả bà Thảo và ông Vũ đều có quyền ngang nhau về yêu cầu được nhận tài sản liên quan đến hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điều 64 trên. Chính vì vậy, Viện Kiểm sát ND tối cao đã có Kháng nghị giám đốc thẩm chỉ ra rằng Bản án sơ thẩm của Tòa án ND TP.HCM và Bản án phúc thẩm của Tòa án ND cấp cao tại TP.HCM đã có nhiều vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.

Kháng nghị giám đốc thẩm khẳng cũng chỉ ra rằng cổ phần tại các công ty là tài sản chia được bằng hiện vật. Việc hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đáng tiếc, kháng nghị của Viện Kiểm sát ND tối cao đã không được Hội đồng xét xử (HĐXX) giám đốc thẩm chấp nhận. HĐXX giám đốc thẩm lập luận một cách suy diễn không có căn cứ pháp lý rằng: “Trong vụ án cụ thể này, việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên là cần thiết và để đảm bảo cho hoạt động của các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên được ổn định. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giao cho ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần tại 07 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ có trách nhiệm thanh toán giá trị cổ phần cho bà Thảo là có căn cứ, phù hợp …” (mục [4.3.4] trang 40 Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/03/2021).

Bà Lê Diệp Hoàng Thảo không được quyền sở hữu cổ phần của mình tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Điều nghiêm trọng nữa là nguyên tắc bình đẳng Nam – Nữ, Vợ – Chồng được quy định trong hệ thống pháp luật và Luật Hôn nhân gia đình đã bị phá vỡ trong vụ án ly hôn này. Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Khoản 2 Điều 213 Bộ Luật Dân sự quy định: “Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm và cả Quyết định giám đốc thẩm đều có nhận định rằng: “Từ khi vợ chồng ông Vũ, bà Thảo xảy ra mâu thuẫn, giữa bà Thảo với ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên đã phát sinh 18 vụ kiện dân sự và kinh doanh, thương mại, Tòa án đã ban hành 11 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mâu thuẫn giữa bà Thảo không chỉ với ông Vũ mà với tất cả các cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên. Do đó, nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông và cùng quản lý điều hành các Công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định, việc làm của hàng ngàn công nhân đang hoạt động sản xuất tại các Công ty của Tập đoàn Trung Nguyên” (mục [4.3.3] trang 40 Quyết định giám đốc thẩm).

Theo các chuyên gia pháp lý, nhận định trên mang tính chủ quan và không có cơ sở. Bởi trước đó, bà Thảo đã bị nhóm thao túng trong Tập đoàn Trung Nguyên lợi dụng sự không bình thường của ông Vũ tiến hành bãi nhiệm hàng loạt các vị trí quản lý điều hành tại tất cả các công ty và không cho bà Thảo bước chân vào Tập đoàn Trung Nguyên.

Do vậy, buộc lòng bà Thảo phải khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, điều này là phù hợp với các quy định của pháp luật. Đáng lẽ ra, HĐXX giám đốc thẩm và hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm phải nhìn nhận việc kiện tụng của các bên là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tòa án là nơi đem lại công lý, xét xử theo pháp luật và lẽ công bằng.

Theo các chuyên gia pháp lý, HĐXX Giám đốc thẩm và hai cấp tòa trong vụ án này đã xâm phạm đến quyền pháp định của đương sự trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật tố tụng dân sự đó là đương sự có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015).

Có thể nói, tiến trình tố tụng vụ ly hôn đình đám của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên đã khép lại, nhưng câu hỏi về quyền của người phụ nữ trong sở hữu tài sản, quyền kinh doanh… vẫn bỏ ngỏ với dư luận

Theo Baomoi.com

Vụ án Sadeco: Tiếp tục đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang

Ngày 15/11, Công an TP. HCM đã hoàn tất điều tra bổ sung vụ án sai phạm tại Sadeco. Ông Tất Thành Cang- cựu Phó Bí thư thường trực TP. HCM tiếp tục bị đề nghị truy tố.

Ông Tất Thành Cang

Ngoài ông Tất Thành Cang còn có 19 người khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Sadeco, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng, bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Tất Thành Cang với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy từ ngày 5/2/2016 đến ngày 7/1/2019, có trách nhiệm phụ trách Văn phòng Thành ủy; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách Đảng bộ được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình, chương trình đầu tư phát triển của Đảng bộ TP.HCM.

Ngày 16/5/2017, ông Cang có bút phê “Đồng ý” vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là sai theo quy định tại Điều 125 và Điểm d, Khoản 2, Điều 149 Luật Doanh nghiệp (thẩm quyền quyết định giá bán thuộc về HĐQT).

Ông Tất Thành Cang biết việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ nhưng ông không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định.

Hành vi của Cang đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, được quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Việc ông Cang bút phê “Đồng ý” tại tờ trình 1148 gây thất thoát cho Sadeco 1.103 tỷ đồng. Riêng ông Cang phải chịu trách nhiệm 184 tỷ đồng.

Theo Baomoi.com

Bị cáo vụ thất thoát hơn 830 tỷ ở TISCO đồng loạt xin miễn bồi thường

Chiều nay (9/11), phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra ở TISCO tiếp tục với phần thẩm vấn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên – TISCO) thừa nhận, hành vi tách phần C hợp đồng EPC và ký phụ lục hợp đồng, điều chỉnh giá là sai.

Việc Dự án Gang thép Thái Nguyên không hoàn thành tiến độ, bị cáo có phần trách nhiệm.

Theo lời khai của ông Mừng, những việc bị cáo làm đều báo cáo Tổng công ty Thép Việt Nam – VNS, Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền.

Bị cáo chưa khắc phục hậu quả, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin giảm bồi thường.

Các bị cáo tại tòa

CQĐT phong tỏa 800 triệu đồng trong tài khoản bị cáo Mừng và kê biên 2 căn nhà ở Hà Nội và Hòa Bình.

Bị cáo Mừng khai, nhà đất trên là tài sản của 2 vợ chồng. Bị cáo đồng ý khắc phục hậu quả trong phần tài sản thuộc phần sở hữu của mình.

Bị cáo Đặng Văn Tập (nguyên Phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án) kháng cáo vì cho rằng mức án 7 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm dành cho bị cáo là nặn

Ông Tập xin giảm hình phạt và được miễn bồi thường số tiền 70 tỷ đồng.g.

Các bị cáo Đồng Quang Dương (nguyên Phó giám đốc dự án) cũng xin giảm án, xin miễn bồi thường.

Bị cáo Đỗ Xuân Hòa (nguyên kế toán trưởng TISC

O) xin giảm án và xin miễn bồi thường 40 tỷ đồng vì cho rằng, trong vụ án này bị cáo có vai trò mờ nhạt, không tư lợi nên không có trách nhiệm phải bồi thường.

Hiện bị cáo đã khắc phục 110 triệu đồng.

Theo trình bày của bị cáo Uông Sỹ Bính (nguyên Phó phòng kế toán TISCO), tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường 30 tỷ đồng là quá lớn, chưa hợp lý.

Bị cáo cũng trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin được hưởng án treo.

Vì bị cáo Đậu Văn Hùng (cũng là nguyên TGĐ Tổng Công ty Thép Việt Nam – VNS) xin xét xử vắng mặt nên luật sư của bị cáo thay mặt thân chủ trình bày nội dung kháng cáo.

Ông Hùng xin giảm án, giảm trách nhiệm dân sự và đã tự nguyện nộp 60 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Bị cáo lấy lý do tuổi cao, sức khỏe yếu, mắc bệnh nan y… xin được cải tạo ngoài xã hội.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 4, khi được hỏi, đại diện TISCO cho hay, không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng không yêu cầu 19 bị cáo bồi thường 830 tỷ đồng.

Về thiệt hại, đại diện VNS cho biết, hoàn toàn tôn trọng ý kiến của TISCO trong vấn đề bồi thường dân sự.

Trong vụ án này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản của các bị cáo.

Trong đó, bị cáo Trần Văn Khâm (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TISCO) bị kê biên 6 nhà, đất nằm rải rác tại Thái Nguyên và Hà Nội.

CQĐT cũng kê biên 5 tài sản là nhà, đất của bị cáo Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng giám đốc VNS) ở TP.HCM;

Kê biên 2 nhà đất của bị cáo Trần Trọng Mừng; 1 nhà đất của bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT của VNS) ; 1 nhà đất của bị cáo Ngô Sỹ Hán (cựu Phó Tổng giám đốc TISCO).

CQĐT còn phong tỏa, tạm dừng giao dịch một số tài khoản ngân hàng của các bị cáo.

Theo Baomoi.com

Vụ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Gang thép Thái Nguyên: Xét xử phúc thẩm với 12 bị cáo

Sáng 9/11, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Dự kiến, phiên tòa sẽ được diễn ra trong 4 ngày (từ 9 – 12/11/2021)….

Tại phiên tòa xét xử sáng nay, bị cáo Đậu Văn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) do sức khỏe yếu nên đã có đơn xin xét xử vắng mặt.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo gồm: Trần Trọng Mừng – nguyên Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO); Đặng Văn Tập – nguyên Phó Giám đốc thường trực BQL dự án TISCO; Đồng Quang Dương – nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký dự án TISCO; Đỗ Xuân Hòa – nguyên Kế toán trưởng TISCO; Uông Sỹ Bính – nguyên Phó trưởng phòng Kế toán thống kê tài chính TISCO; Lê Thị Tuyết Lan – nguyên Phó trưởng phòng Kế toán thống kê tài chính TISCO; Đậu Văn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc VNS; Nguyễn Trọng Khôi – nguyên Phó Tổng Giám đốc VNS; Nguyễn Văn Tráng – nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS; Nguyễn Chí Dũng – nguyên thành viên HĐQT TISCO; Hoàng Ngọc Diệp – nguyên thành viên HĐQT TISCO và Đoàn Thu Trang – nguyên thành viên HĐQT TISCO. Các bị cáo này bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Ngô Sỹ Hải và chị Nguyễn Thị Loan cũng có đơn kháng cáo. Nội dung kháng cáo của các bị cáo chủ yếu tập trung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự. Đồng thời kháng cáo không đồng ý việc tiếp tục kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án đối với tài sản là nhà, đất tại địa chỉ LK 8-1, khu đô thị mới Văn Phú, (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội).

Theo nhận định của HĐXX cấp sơ thẩm, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS). Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD. Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.

Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC.

Trong đó, bị cáo Trần Trọng Mừng không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà quyết tâm thực hiện dự án. Hành vi của bị cáo Trần Trọng Mừng đã khiến dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỷ đồng.

Bị cáo Mai Văn Tinh – nguyên Chủ tịch HĐQT VNS có các hành vi sai phạm khiến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng, làm dự án phải dừng thi công gây thất thoát trên 830 tỷ đồng…

Theo Baomoi.com

Hòa giải thương mại chưa phát huy hết lợi thế

Hòa giải thương mại có áp dụng luật riêng nhưng thực tế vẫn lắm nhiêu khê; cần có hướng dẫn rõ ràng, tránh chồng chéo

Dịch Covid-19 kéo dài đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh vào thế khó, với nhiều hệ lụy. Đây cũng là thời điểm tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh nhiều.

Ưu tiên hòa giải

Theo TS Bùi Kim Hiếu, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Ngữ – Tin học TP HCM, hiện các bên tranh chấp bắt buộc lựa chọn phương án hạn chế tối đa mọi thiệt hại, đó là hòa giải. Cơ quan chức năng hay chuyên gia đều khuyến nghị doanh nghiệp (DN), cá nhân ưu tiên hòa giải khi giải quyết tranh chấp.

Đối với lưu ý DN nên cân nhắc “gõ cửa” TTTM, thay vì tòa án. Luật sư Hậu phân tích: “Ở Trung tâm TTTM Luật gia Việt Nam, DN sẽ tiết kiệm nhiều thời gian hơn đến tòa án vì thời gian làm việc giữa các bên diễn ra nhanh hơn, phần thủ tục rút gọn rất nhiều. Trọng tài chỉ xử một lần, không xử nhiều cấp như tòa án. DN có thể chủ động chọn trọng tài viên, địa điểm. Ngoài ra, Luật TTTM cho phép hội đồng trọng tài xử lý cả trường hợp bị đơn không theo kiện”.

Một số ý kiến cho rằng, nhấn mạnh khi có thỏa thuận TTTM thì tòa án không thụ lý tranh chấp. Với trọng tài, đôi bên có quyền thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng. “Ví dụ, một công ty Việt Nam xích mích với một công ty nước ngoài, hai bên có thể thỏa thuận chọn pháp luật của một nước nào đó, có thể Anh, Mỹ hay Singapore…”

Vẫn cần “giải cứu”

Một chủ DN từng thua kiện tại một vụ tranh chấp thương mại tại tòa án bày tỏ băn khoăn về “sức mạnh hòa giải thương mại ngoài tòa án”. Theo chủ DN này, không ít DN đã không kịp vui sau phán quyết cuối cùng từ hội đồng trọng tài bởi phán quyết đó mất giá trị khi tòa án bác bỏ trong trường hợp bên còn lại khởi kiện ra tòa. Ngoài ra, việc không cho phép đương sự kháng cáo quyết định hủy phán quyết trọng tài tiếp tục là rào cản lớn đối với những nhà đầu tư nước ngoài muốn giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Như vậy, pháp luật cần điều chỉnh theo hướng tăng thẩm quyền đối với phán quyết do TTTM ban bố.

Liên quan đến vấn đề hủy phán quyết trọng tài, luật gia Đặng Gia Thành (Hội Luật gia TP HCM) đưa ra tình huống phán quyết bị hủy vì chứng cứ giả mạo. “Pháp luật hủy phán quyết trọng tài nếu nội dung phán quyết trái với nguyên tắc luật pháp cơ bản. Thế nhưng, chưa thấy văn bản nào giải thích chi tiết thế nào là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Thực tế, những nguyên tắc như thế hay xuất hiện một cách thiếu nhất quán, không rõ ràng nên cần phải có hướng dẫn cụ thể” – ông Đặng Gia Thành nói.

Hơn nữa, theo ông Đặng Gia Thành, Luật TTTM hiện hành khẳng định quyết định của tòa án về việc hủy phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Bên cạnh việc trao hội đồng trọng tài thẩm quyền “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, Luật TTTM lại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên tranh chấp. Đây là 2 quy định có phần trái ngược, chưa sát thực tế.

Còn theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam, pháp luật Việt Nam ít đề cập nguyên tắc bảo mật trong hòa giải thương mại trong khi DN luôn lo lắng thông tin họ cung cấp có thể trở thành chứng cứ chống lại họ sau hòa giải. Tháo gỡ gút mắc trên, nhiều quốc gia áp dụng nguyên tắc bảo mật. Vì vậy, cần gỡ rối bằng những điều, khoản cụ thể như: bằng chứng sử dụng trong quá trình hòa giải thương mại không được sử dụng làm bằng chứng chống lại các bên tại tòa…

Còn chồng chéo trong hệ thống pháp luật

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp, cho biết sau hơn 10 năm triển khai Luật TTTM và hơn 4 năm triển khai Luật Hòa giải thương mại, cả nước có 35 trung tâm trọng tài, 1 tổ chức văn phòng đại diện trọng tài quốc tế, 15 trung tâm hòa giải thương mại với 8 trung tâm trọng tài có chức năng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Về số liệu, nước ta đứng đầu khu vực Đông Nam Á, trong “top” nhóm nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tồn tại không ít hạn chế, nhất là sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Theo Baomoi.com

Tạm đình chỉ điều tra vụ ‘con dâu khai tử cha mẹ chồng’ có đúng luật?

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh tính có căn cứ của việc tạm đình chỉ vụ án hình sự để chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự làm căn cứ xác định thiệt hại.

Liên quan đến vụ việc con dâu khai tử cha mẹ chồng để hưởng trọn thừa kế, ngày 15-10, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã có thông báo về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gửi đến vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp (cùng 89 tuổi, ở quận Tây Hồ; bị hại của vụ án).

Tạm đình chỉ án hình sự vì chưa xác định được hậu quả

Theo thông báo này, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ cho biết việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự là vì vụ án dân sự đòi đất cho ở nhờ giữa nguyên đơn là vợ chồng ông N, bị đơn là bà V (con dâu của vợ chồng cụ Hợp) chưa được xét xử nên chưa xác định được hậu quả cụ thể.

Trước đó, ngày 14-7, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra, xem xét xử lý các cá nhân có liên quan. Việc ra quyết định khởi tố được thực hiện sau khi Công an quận Tây Hồ xác minh đơn tố cáo của vợ chồng cụ Hợp về việc một số cán bộ UBND phường Nhật Tân và cán bộ văn phòng công chứng câu kết làm giả hồ sơ nhằm khai tử hai cụ khi họ còn sống.

Như đã thông tin, sau khi chồng qua đời, bà V khai tử cha mẹ chồng để hoàn tất thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình. Sau đó, bà chuyển nhượng toàn bộ thửa đất cho người khác. Một thời gian sau, khi người mua đến nhận nhà, vợ chồng cụ Hợp cùng người thân ngăn cản vì việc mua bán chưa có sự đồng ý của vợ chồng cụ.

Đầu năm 2017, người mua kiện ra tòa. Ngày 21-4-2017, TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong vụ án này, vợ chồng cụ Hợp được tòa xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Mới đây nhất, ngày 2-11, vợ chồng cụ Hợp đã gửi đơn đề nghị tòa sớm đưa vụ án dân sự ra xét xử để hủy bỏ thông báo về việc khai nhận di sản với nội dung hai cụ đã mất, đồng thời hủy bỏ các hợp đồng mua bán nhà và hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà ở và quyền sử dụng đất.

Việc tạm đình chỉ vụ án hình sự là chưa phù hợp

Khoản 1 Điều 229 BLTTHS quy định CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong ba trường hợp: Chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án…; có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo; khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Theo thông báo mà CQĐT gửi vợ chồng cụ Hợp thì tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự là để chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự. Lý do tạm đình chỉ này không thuộc trường hợp nào trong ba trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 229 BLTTHS.

Luật sư PHẠM MINH HÙNGĐoàn Luật sư TP.HCM

Tạm đình chỉ án hình sự để chờ kết quả án dân sự có đúng luật?

Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự để “chờ kết quả xét xử vụ án dân sự, xác định hậu quả cụ thể” là có căn cứ, đúng pháp luật tố tụng hình sự.

Ông Long phân tích: Vợ chồng cụ Hợp tố cáo một số người thuộc UBND phường Nhật Tân và văn phòng công chứng làm giả hồ sơ khai tử hai cụ dù họ còn sống. Xét thấy có dấu hiệu tội phạm, Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với tội danh này, cơ quan điều tra (CQĐT) phải chứng minh “hậu quả nghiêm trọng” do hành vi thiếu trách nhiệm là gì. Theo quy định, đó có thể là thiệt hại về tài sản; về tính mạng, sức khỏe… Đến nay, CQĐT chưa chứng minh được hậu quả của vụ án này và còn tùy thuộc rất lớn vào kết quả của vụ án dân sự mà tòa đang giải quyết.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng vụ án hình sự sẽ không thể giải quyết khi không xác định được giá trị thiệt hại, tức việc định giá tài sản trong vụ án là chưa thể hoặc chưa có kết quả định giá.

Vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng này không có các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; chỉ có yếu tố “gây thiệt hại về tài sản” để làm căn cứ khởi tố vụ án. Tuy nhiên, hiện CQĐT chưa xác định được giá trị của căn nhà, giá trị phần tài sản mà vợ chồng cụ Hợp được hưởng nên chưa thể xác định được mức độ thiệt hại.

Trong vụ kiện dân sự trước đó, những người thuộc hàng thừa kế của chồng bị đơn đã được tòa đưa vào tham gia tố tụng. Như vậy, ngoài quan hệ mua bán thì tòa sẽ xem xét cả quan hệ thừa kế. Sau khi tòa xác định phần thừa kế của những người liên quan đến di sản thì mới xác định được giá trị thiệt hại để có căn cứ xử lý hình sự những người làm sai. “Việc CQĐT tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự là phù hợp thực tế khách quan cũng như xét ở góc độ khoa học pháp lý” –

Cần tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Việc CQĐT chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự để xác định hậu quả thiệt hại khác với các trường hợp được tạm đình chỉ điều tra theo các điểm a, b, c khoản 1 Điều 229 BLTTHS.

Việc giải quyết vụ án hình sự trong trường hợp này là sự kiện pháp lý có trước (là nguyên nhân của vụ án dân sự kiện đòi nhà cho ở nhờ và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nên cần được giải quyết đúng thời hạn và độc lập với thủ tục giải quyết vụ án dân sự.

Trong trường hợp này, nếu cần thiết thì nên tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo điểm d khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 để giải quyết vụ án hình sự.

Quy định về chứng cứ và thủ tục chứng minh trong vụ án hình sự có phần nghiêm ngặt hơn vụ án dân sự. Vì vậy, giả sử có kết quả giải quyết vụ án dân sự để xác định thiệt hại thì cũng không thể dùng kết quả đó để áp dụng vào vụ án hình sự, mà phải thông qua hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo thủ tục tố tụng hình sự.

Mặt khác, thời gian giải quyết vụ án dân sự có thể bị kéo dài, bị hoãn nhiều lần hoặc xét xử qua nhiều cấp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời hạn, thời hiệu giải quyết vụ án hình sự.

TS LÊ NGUYÊN THANH, giảng viên Khoa luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Theo Baomoi.com