Chậm sang tên sổ đỏ bị phạt bao nhiêu tiền?

Bạn đọc hỏi: Tôi bán mảnh đất cho người quen từ lâu nhưng cả hai bên chưa sang tên đổi chủ sổ đỏ. Vậy tôi có bị phạt hay không? Anh Ngọc (Ninh Bình)

Luật sư xin tư vấn như sau:

Theo Điều 95, Luật Đất đai 2013 quy định như sau:

1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

2. Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

3. Đăng ký lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng.

b) Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký.

c) Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký.

d) Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.

4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:

a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên.

c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất.

d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký.

đ) Chuyển mục đích sử dụng đất.

e) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất.

g) Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

h) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng.

i) Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất.

k) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật.

l) Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.

m) Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.

Theo Khoản 6, Điều 95, Luật Đất đai 2013 quy định: Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Khoản 2, Điều 12 Nghị định 102/2014/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các trường hợp biến động đất đai quy định tại các Điểm a, b, h, i, k và l Khoản 4 Điều 95 của Luật Đất đai nhưng không thực hiện đăng ký biến động theo quy định.

Ngoài ra, người dân cũng sẽ bị phạt hành chính nếu quá thời hạn đăng ký khai thuế khi sang tên mua bán nhà đất mà vẫn chưa thực hiện thủ tục này (theo Điều 22 Luật quản lý thuế).

Cụ thể, quá thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng công chứng mua bán nhà đất, nếu người dân không thực hiện việc kê khai nghĩa vụ tài chính có thể bị phạt từ 400.000 đồng – 5.000.000 đồng tùy từng trường hợp.

Trên đây là nội dung tư vấn liên quan đến việc chậm sang tên sổ đỏ bị phạt bao nhiêu tiền.Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Được yêu cầu bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới trong thời hạn 1 năm

Thời hạn yêu cầu bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp người được bảo hiểm chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa đủ sáu tuổi).

Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định, thời hạn yêu cầu bồi thường là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ.

Trên đây là nội dung tư vấn liên quan đến thời hạn yêu cầu bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm!

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Sẽ đính chính hay thu hồi ‘sổ đỏ’ bị cấp sai diện tích?

Câu hỏi: ‘Sổ đỏ cấp sai diện tích là trái quy định của pháp luật về đất đai. Vậy trong trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đính chính hay thu hồi sổ đỏ’? Chị Bích (Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư xin tư vấn như sau: 
Khi thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là “sổ đỏ”) và các giấy tờ khác có sự sai sót, người được cấp có quyền đề nghị cơ quan cấp giấy tờ đó đính chính hoặc cải chính thông tin. Tuy vậy, nếu “sổ đỏ” được cấp sai diện tích thì không thuộc trường hợp đính chính để sửa thông tin, mà sẽ bị thu hồi.

Về các trường hợp Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho người sử dụng đất, theo Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 bao gồm, Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Như vậy, khi Giấy chứng nhận cấp sai diện tích (không đúng diện tích đất) thì sẽ bị cơ quan cấp Giấy chứng nhận thu hồi.

Đặc biệt, Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong những trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013, nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, tặng cho, góp vốn và đã được giải quyết theo quy định pháp luật (theo khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP).

Thủ tục thu hồi “sổ đỏ” khi cấp sai diện tích được thực hiện theo khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP. Theo đó, với trường hợp Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có bản án, quyết định có hiệu lực, trong đó có kết luận về việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp thì việc thu hồi được thực hiện theo bản án, quyết định đó.

Trường hợp cơ quan thanh tra có văn bản kết luận Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định pháp luật đất đai thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó đúng thì quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho người sử dụng đất…

Nếu cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận biết rõ lý do và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định.

Trường hợp người sử dụng đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định pháp luật về đất đai, thì gửi kiến nghị (bằng văn bản) đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kiểm tra, xem xét, ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định pháp luật về đất đai.

Dù thuộc trường hợp trong những trường hợp trên thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tại thời điểm thu hồi.

Nếu người bị thu hồi Giấy chứng nhận nếu không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại.

Với cá nhân bị thu hồi sổ đỏ có thể chuẩn bị hồ sơ để đề nghị cấp Giấy chứng nhận lần đầu nếu thuộc thu hồi vì một trong những lý do: Cấp không đúng thẩm quyền; Cấp không đúng đối tượng sử dụng đất; Không đúng diện tích đất; Không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất.

Với trường hợp thu hồi vì lý do không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì sẽ không được cấp lại, trừ trường hợp pháp luật về đất đai có thay đổi và khi đó đủ điều kiện được cấp.

Trên đây là nội dung tư vấn liên quan đến việc đính chính hay thu hồi sổ đỏ bị sai diện tích. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Sở Xây dựng khuyến cáo về đặt cọc, giữ chỗ mua nhà

Người mua nhà cần xác minh nhiều thông tin, đặc biệt là giá trị đặt cọc trước khi ký hợp đồnggiữ chỗ bất động sản.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết nhận được nhiều phản ánh của người dân, cơ quan truyền thông liên quan đến việc chủ đầu tư (CĐT) nhận tiền ứng trước, đặt cọc, giữ chỗ tại các dự án. Trong số này có những dự án chưa được cấp phép xây dựng hoặc được cấp phép nhưng chưa được chấp thuận bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Bó tay với kiểu lách luật huy động vốn

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP phản ánh việc CĐT lách luật huy động vốn bằng các hình thức đặt cọc, giữ chỗ, các đơn vị môi giới, phát triển dự án thông tin không trung thực để bẫy khách hàng, chưa tuân thủ các quy định về huy động vốn theo quy định của pháp luật nhà ở, kinh doanh bất động sản (BĐS) tại hai dự án ở hai huyện Bình Chánh và Nhà Bè.

Người mua nhà cần tìm hiểu kỹ về pháp lý dự án trước khi ký hợp đồng mua bán, đặt cọc… 

Qua rà soát, sở cho biết thu thập ý kiến từ các cơ quan liên quan cho thấy nếu CĐT không sử dụng tiền đặt cọc vào mục đích thực hiện dự án xây dựng nhà ở thì việc đặt cọc trong trường hợp này không phải là hình thức huy động vốn.

“Tuy nhiên, các CĐT hiện nay nhận đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ với số tiền rất lớn, có trường hợp đến 80% giá trị căn hộ. Việc xác định mục đích sử dụng tiền đặt cọc của CĐT còn nhiều hạn chế, không thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng” – văn bản của sở nêu.

Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xử lý vi phạm đối với CĐT trong hoạt động kinh doanh BĐS. Những vướng mắc nêu trên, sở đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng đến nay bộ chưa có phản hồi.

Tháng 4-2021, Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục có văn bản gửi Sở Tư pháp, đề nghị có ý kiến hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp CĐT nhận tiền ứng trước, đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ… Đồng thời, hướng dẫn việc doanh nghiệp kinh doanh BĐS thu tiền khách hàng bằng hình thức ký hợp đồng đảm bảo mua căn hộ, giữ chỗ là có vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh BĐS hay không. Sở Tư pháp sau đó có văn bản phúc đáp, đề nghị Sở Xây dựng xin ý kiến của Bộ Xây dựng.

Khuyến cáo khách hàng cẩn trọng

Do chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Xây dựng, để đảm bảo quyền và lợi ích của các khách hàng, khuyến cáo CĐT thực hiện đúng các quy định về Luật Kinh doanh BĐS, Sở Xây dựng đã thực hiện một số công tác cụ thể.

Đơn cử như sở cho công bố trên website danh sách các dự án đã đủ điều kiện mua bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để người dân, khách hàng được biết. Đồng thời khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ pháp lý dự án, điều kiện mua bán căn hộ hình thành trong tương lai trước khi ký hợp đồng mua bán nhằm hạn chế thiệt hại, phát sinh tranh chấp trong quá trình mua bán căn hộ.

Người dân cần thông tin đến sở các CĐT thực hiện huy động vốn khi dự án chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện kinh doanh theo quy định để có biện pháp xử lý.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đã có văn bản kiến nghị các vấn đề liên quan. Theo ông Châu, Luật Kinh doanh BĐS 2014 chỉ điều chỉnh các hành vi giao dịch kể từ thời điểm ký hợp đồng kinh doanh BĐS nhưng chưa quy định điều chỉnh các hành vi giao dịch, huy động vốn xảy ra trước thời điểm ký hợp đồng này.

Cụ thể là chưa có quy định điều chỉnh các hành vi như đặt cọc, hứa mua, hứa bán, hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn… dẫn đến có tình trạng bên bán lợi dụng để nhận tiền đặt cọc có giá trị lớn, có trường hợp nhận đến 90% giá trị nhà, đất, thậm chí đã xảy ra hoạt động kinh doanh phạm pháp.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định trường hợp đặt cọc khi thực hiện giao dịch thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật khác thì phải áp dụng quy định của pháp luật đó. Ví dụ đặt cọc trong giao dịch BĐS thì phải áp dụng quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS.

Do đó, HoREA đề nghị bổ sung quy định về đặt cọc vào Luật Kinh doanh BĐS theo hướng: “Trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng, CĐT dự án BĐS có thể nhận đặt cọc của khách hàng để đảm bảo giao kết. Giá trị đặt cọc do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 30% giá trị BĐS”.

Cùng với đó, bổ sung cụm từ “trường hợp pháp luật khác có quy định về đặt cọc thì phải đồng thời thực hiện quy định của pháp luật đó” vào Bộ luật Dân sự 2015 để đảm bảo sự đồng bộ.•

Sẽ có biện pháp xử lý

Sở Xây dựng nhận thấy CĐT huy động vốn bằng nhận tiền ứng trước, đặt cọc đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, giữ chỗ… tại dự án phát triển nhà ở nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản được bán nhà ở hình thành trong tương lai là không có quy định tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS nhưng không trái với quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở đã có quy định cấm việc CĐT giao bất kỳ tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở. Do vậy, Sở Xây dựng sẽ nghiên cứu, xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp CĐT ủy quyền hoặc giao các tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng (trong đó có hợp đồng đặt cọc) có liên quan đến giao dịch về nhà ở.

Theo Baomoi.com

Hạn chót đăng ký sang tên phương tiện không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu

Kể từ ngày 1/1/2022, người sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục đăng ký xe sang tên. Theo đó, hạn chót cho những trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên là ngày 31/12/2021.

Theo quy định tại Thông tư 58/2020 của Bộ Công An về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện cơ giới đường bộ, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021. Kể từ ngày 1/1/2022, người sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục đăng ký xe sang tên.

Để làm thủ tục sang tên phương tiện, người đang sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58, ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe và nộp giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 58; Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).

Thủ tục, hồ sơ đăng ký sang tên: Người đang sử dụng xe liên hệ với cơ quan đăng ký xe nơi cư trú: xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58 và nộp giấy tờ sau: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01); Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định; Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (đối với trường hợp khác tỉnh và mô tô khác điểm đăng ký xe).

Tại Thông tư 58/2020 của Bộ Công An về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện cơ giới đường bộ vừa có quy định mới. Theo đó, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.

Cụ thể, thủ tục này chỉ còn hơn một tháng nữa là sẽ hết hạn.

Do đó, kể từ ngày 1/1/2022, người dân đang sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục chuyển tên trong giấy đăng ký xe sang tên mình.

Trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe:

– Trường hợp người đang sử dụng xe có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng:Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý hồ sơ xe giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp

Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú; Trường hợp người đang sử dụng xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe:

Cơ quan quản lý hồ sơ xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày, gửi thông báo cho người đứng tên trong đăng ký xe, niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT và tại trụ sở cơ quan, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ sang tên.

Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe phải giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.

Trách nhiệm của người đang sử dụng xe: Trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên; Kê khai cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của xe, quá trình mua bán, giao nhận xe; Khai và nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.

Theo Baomoi.com

Căn cứ xác định thời hạn thuê đất sản xuất kinh doanh

Ông Nguyễn Kiên (Hà Nội) được biết quy định thời hạn của đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ là không quá 50 năm, đối với dự án ở địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn không quá 70 năm.

Ông Kiên hỏi, trong trường hợp bảng giá đất của tỉnh thuộc địa bàn khó khăn không quy định thời hạn cụ thể của loại đất trên thì thời hạn sử dụng đất của tỉnh đó là 50 năm hay 70 năm? Thời hạn sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh thuộc địa bàn khó khăn có áp dụng tương tự như vậy không?

Luật sư xin tư vấn như sau:

Vấn đề ông Kiên nêu đã được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai. Theo đó, thời hạn cho thuê đất thực hiện dự án khu công nghiệp được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp nhưng không quá 50 năm.

Đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm.

Trên đây là nội dung liên quan đến quy định về thời hạn sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh thuộc địa bàn khó khăn. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Những trường hợp quyền sử dụng đất bị hạn chế trong giao dịch

Ông Phạm Văn Kiên (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) thắc mắc, quyền sử dụng đất (QSDĐ) cũng là tài sản nhưng tại sao pháp luật về đất đai lại hạn chế quyền này trong giao dịch dân sự.

Luật sư xin tư vấn như sau:

Mặc dù pháp luật dân sự, đất đai cho phép cá nhân được quyền định đoạt tài sản là QSDĐ thuộc quyền sử dụng của mình, nhưng do đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nên việc định đoạt tài sản là QSDĐ của người dân bị giới hạn bởi một số điều của Luật Đất đai năm 2013.

Chẳng hạn, Điều 190 Luật Đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho QSDĐ hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Trên đây là nội dung liên quan đến các trường hợp bị hạn chế giao dịch liên quan đến Quyền sử dụng đất. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Ai có quyền sử dụng đất gia tộc?

‘Gia tộc chúng tôi có 6 chi cháu chắt, có sử dụng chung một mảnh đất. Khi mất người đứng tên mảnh đất đó không để lại di chúc bằng văn bản cho bất kỳ ai. Hiện giờ mảnh đất đang tranh chấp, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Vậy các chi trong gia tộc có quyền ủy quyền cho một chi nào đó để sử dụng hay giao dịch không?’ – Nguyễn Văn An, quận Hà Đông, Hà Nội

Luật sư xin tư vấn như sau:

Theo bạn trình bày, hiện tại mảnh đất của gia tộc bạn đang có tranh chấp về thừa kế do người đứng tên mảnh đất đó không để lại di chúc. Thông tin không nêu rõ mảnh đất trên đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa. Căn cứ khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Tuy nhiên để ủy quyền sử dụng đất cho một người khác thì người ủy quyền phải là người có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó.Căn cứ quy định tại Điều 168 Luật Đất đai 2013 thì thời điểm được ủy quyền sử dụng đất như sau: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận.

Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

Ngoài ra, Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau: “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây: a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này; b) Đất không có tranh chấp; c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; d) Trong thời hạn sử dụng đất”.

Do vậy, mảnh đất trong gia tộc bạn đang tranh chấp nên gia tộc bạn chưa thể ủy quyền giao dịch nào đối với mảnh đất trên.

Trên đây là nội dung liên quan đến quyền sử dụng đất của gia tộc. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự vi phạm về điều kiện chủ thể, mục đích, hình thức thì vô hiệu. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

Luật sư Nguyễn Hào Hiệp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành cho hay, tại khoản 3 và 4, Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ, bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức đó. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

* Giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật

Vì tuổi cao, việc trồng lúa không có lời, ông P.S.T. (ấp 7, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) treo bảng chuyển nhượng 5 sào ruộng lúa của gia đình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) với giá 500 triệu đồng. Đầu năm 2021, có người ở TP.HCM đồng ý nhận chuyển nhượng với giá trên nhưng với điều kiện, ông phải hoàn tất thủ tục chuyển đổi QSDĐ đó sang tên người mua vào cuối năm 2021. Vậy là ông T. đồng ý giao dịch và nhận tiền cọc trước 50 triệu đồng.

Khi ông T. ra xã làm thủ tục thì được cán bộ xã giải thích, mặc dù pháp luật dân sự, đất đai cho phép ông được quyền chuyển nhượng 5 sào đất trồng lúa, nhưng do người mua đất ở TP.HCM thuộc đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, người này không được nhận chuyển nhượng QSDĐ trồng lúa.

Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Do đó, giao dịch giữa ông T. với người nhận chuyển nhượng bị vô hiệu, vì thuộc trường hợp bị luật cấm, không cho phép theo quy định tại Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa”.

Hay như trường hợp bà V.N.M. (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) do không nắm rõ các quy định về pháp luật nên tỏ ra khá bức xúc về việc bị chính quyền xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) từ chối làm thủ tục chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho bà.

Khi được luật sư Nguyễn Hào Hiệp tư vấn, phân tích thì bà mới hiểu khu đất của bà mua thuộc đối tượng không được nhận chuyển nhượng. Theo Khoản 4, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó. Do đó, hợp đồng mua bán đất giữa bà với chủ đất là vô hiệu.

* Hậu quả pháp lý khi giao dịch vô hiệu

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện như: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (Khoản 1, Điều 117)… thì vô hiệu.

Từ quy định chung đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể từng loại giao dịch dân sự bị vô hiệu như sau: giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123); giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124); giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125); giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126); giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127); giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128); giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129).

Luật sư Hiệp cho hay, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả). Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức đó. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định.

Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, việc tuyên bố giao dịch vô hiệu phải do tòa án quyết định. Tuy vậy, trong quá trình tranh chấp giao dịch các bên có thể lựa chọn cách thức giải quyết như: hòa giải, trọng tài hay tòa án.

Trên đây là nội dung liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu và hệ quả pháp lý. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Công dân xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu/sổ tạm trú

Quyết định 1050/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, từ ngày 1-7-2021, người dân khi đi làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu/sổ tạm trú.

Người dân chuẩn bị hồ sơ làm Phiếu LLTP tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội

Trước đây, khi đi làm thủ tục cấp PLLTP theo Quyết định 2244/QĐ-BTP ngày 24-8-2018 yêu cầu người dân cần mang theo: Bản sao CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu của người được cấp PLLTP; bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp PLLTP.

Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2021, người dân khi đi làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu/sổ tạm trú. Thành phần hồ sơ khi thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp (PLLTP) gồm: Tờ khai yêu cầu cấp PLLTP theo mẫu quy định (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP (số 1); Mẫu số 04/2013/TT-LLTP (số 2));

Bản chụp Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ Căn cước công dân (CCCD) hoặc hộ chiếu của công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú/ bản chụp hộ chiếu của người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam (trường hợp nộp bản chụp thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật). Đối với người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam, hộ chiếu phải được đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh của Việt Nam đóng dấu vào;

Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp PLLTP số 1 (trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền). Văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước nơi người đó là công dân hoặc thường trú.

Trường hợp ủy quyền theo quy định của pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú thì văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt.

Trình tự thực hiện: Công dânộp hồ sơ tại Sở Tư pháp (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp);Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú. Nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ.Thời hạn giải quyết hồ sơ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.

Theo Baomoi.com

Bắt buộc mua bán nhà đất qua sàn: Lo ngại đội giá người mua lãnh đủ

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc quy định ‘bắt buộc’ giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch bất động sản sẽ làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Bộ Xây dựng đề xuất bắt buộc giao dịch BĐS phải qua sàn

Theo dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ dung thêm một số quy định nhằm phù hợp với thị trường hiện nay. Trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch mua, bán BĐS (bao gồm BĐS là Nhà ở, các công trình xây dựng không phải nhà ở, Quyền sử dụng đất) phải thông qua sàn giao dịch BĐS.

Trước đó, Luật Kinh doanh bất động sản lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007) đã quy định tất cả các giao dịch bất động sản đều phải thông qua sàn giao dịch.

Theo Bộ Xây dựng, trên cả nước đã có khoảng 1.600 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đa phần các sàn giao dịch có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự còn yếu…

Đến năm 2008-2013, do sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường BĐS cũng rơi vào tình trạng trầm lắng kéo dài. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Chính phủ đã trình Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014, trong đó bỏ quy định bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn.

Theo Bộ Xây dựng, điều này nhằm phù hợp với bối cảnh “trầm lắng” của thị trường BĐS tại thời thời điểm đó.

Tuy nhiên, Bộ này đánh giá, trước sự phục hồi của thị trường BĐS và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch từ năm 2014 đến nay, những cơ chế chính sách này không còn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, thiếu tính chặt chẽ.

Từ đó, dẫn đến nhiều hệ lụy như tạo cơ sở cho việc hình thành nên các dự án ma, các vụ việc lừa đảo khách hàng từ chính các chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật. Khi các giao dịch không bắt buộc qua sàn BĐS nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không quản lý được thông tin về thị trường BĐS đúng với những gì đang diễn ra.

Bên cạnh đó gây ra tình trạng thất thu thuế, thất thu cho ngân sách Nhà nước… Người tiêu dùng mất đi một kênh tham khảo thông tin và một tổ chức chính thống để thẩm định, thẩm tra sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hoặc đầu tư.

Lo ngại quy định “bắt buộc” giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch bất động sản sẽ làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng

Cũng theo Bộ Xây dựng, quy định của Luật Phòng chống rửa tiền thì sàn giao dịch BĐS là một trong 3 đối tượng báo cáo về các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ. Tuy nhiên, với quy định này cũng đã gây ra những khó khăn trong công tác thu thập thông tin, số liệu về các giao dịch trên thị trường BĐS, đồng thời chưa phù hợp với Luật Phòng chống rửa tiền.

Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS.

Lo ngại giá nhà tăng cao

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản bổ sung góp ý đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Bộ Xây dựng.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, đề xuất bổ sung quy định “chủ đầu tư dự án BĐS phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn” nếu được thông qua thì có nghĩa là chủ đầu tư “bắt buộc” phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua 100% sản phẩm nhà ở, công trình xây dựng của dự án bao gồm nhà ở, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment), các loại hình công trình xây dựng đưa vào kinh doanh như các công trình thương mại, y tế, giáo dục, dịch vụ… đều phải thông qua sàn giao dịch BĐS.

Điều này sẽ xâm phạm “quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh, tự chủ kinh doanh, lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng” của chủ đầu tư dự án BĐS được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 và là một bước đi “thụt lùi”, không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn.

Cùng với đó, Hiệp hội cho rằng, đề xuất trên không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ sẽ tạo ra “lợi thế” không chính đáng và “đặc quyền, đặc lợi” cho các sàn giao dịch BĐS.

Theo HoREA, việc quy định “bắt buộc” giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch BĐS còn làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng.

“Phí dịch vụ của sàn giao dịch BĐS hiện nay thường bằng khoảng trên dưới 2% giá trị hợp đồng và được chủ đầu tư tính vào giá bán nhà, công trình xây dựng mà người mua nhà, nhà đầu tư phải gánh chịu.

Do vậy, không thể quy định “bắt buộc” chủ đầu tư phải thực hiện giao dịch nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS, mà chỉ nên khuyến khích các bên thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch BĐS”, HoREA nhấn mạnh.

Ngoài ra, chất lượng hoạt động của sàn giao dịch BĐS chưa thật sự đảm bảo do trong tổng số khoảng 320.000 nhân viên môi giới BĐS hiện nay thì mới chỉ có khoảng 10% có chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ yêu cầu “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS” đã nói lên mặt “bất cập, hạn chế” về năng lực và chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của các sàn giao dịch BĐS, nên đã dẫn đến không ít vụ việc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu tài sản và người tiêu dùng, nhà đầu tư, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vụ việc Công ty Alibaba.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét bỏ “đề xuất bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua các sàn giao dịch bất động sản”.

Không ít ý kiến đồng quan điểm cũng cho rằng, việc mua bán nhà đất phải thông qua sàn giao dịch BĐS sẽ kéo BĐS tăng giá, tạo khó khăn hơn cho người mua nhà. Cùng với đó, khó tránh khỏi trường hợp, nhiều chủ đầu tư dự án BĐS lợi dụng danh nghĩa các sàn giao dịch BĐS huy động vốn trái pháp luật, bán các BĐS không đủ điều kiện, gây tổn thất lớn cho người mua nhà như thời gian qua đã xảy ra.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, sự phát triển các sàn giao dịch giúp tạo thói quen giao dịch có văn bản hợp pháp, thông tin chính xác đầy đủ, phòng tránh gian lận, lừa đảo và góp phần ổn định thị trường. Do đó thông tin về chủ đầu tư, chủ nhà, diện tích, vị trí, tình trạng pháp lý của căn nhà đều rõ ràng, minh bạch.

Không nên quy định “cứng” bán nhà phải thông qua sàn giao dịch bất động sản nhưng khuyến khích người mua nhà tìm các đơn vị sàn giao dịch BĐS uy tín để được tư vấn và cung cấp thông tin đúng, đảm bảo quyền lợi người mua.

Theo Baomoi.com

Cho tặng nhà đất đừng ‘nói suông’, để tránh tranh chấp cần lưu ý những điều này

Việc tặng cho bất động sản không nên ‘nói suông’ mà cần tuân thủ các quy định của pháp luật để tránh ‘dính’ phạt hoặc xảy ra những tranh chấp với người được nhận cho tặng.

Tặng cho bất động sản là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của mình cho người khác mà không yêu cầu trả tiền.

Hiện nay, việc tặng cho quyền sử dụng đất xảy ra dưới 2 dạng phổ biến. Thứ nhất là bố mẹ tặng cho con cái nhà đất. Thứ hai là người có đất đai tặng cho đất của mình cho người không phải là con cái.

Việc tặng cho nhà đất cần tuân thủ quy định của pháp luật để tránh bị phạt hoặc rủi ro về sau 

Cho tặng nhà đất là một trong các quyền của người sử dụng đất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ các quy định của pháp luật về việc tặng cho nhà đất, rất dễ phát sinh rủi ro hoặc tranh chấp về sau.

Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực

Bất động sản là một tài sản lớn. Chính vì thế, việc tặng cho nhà đất không nên chỉ “nói suông” mà cần lập thành văn bản có công chứng chứng thực. Đây là cách làm vừa hợp tình vừa hợp lý, tránh những rắc rối không đáng có về sau.

Theo quy định tại Điều 459, 462 Bộ Luật dân sự 2015, tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Hợp đồng tặng cho bất động sản cần có các thông tin cơ bản như sau:

– Thông tin các bên tham gia hợp đồng: Họ, tên của cá nhân, tên tổ chức, người đại diện theo pháp luật của tổ chức, số căn cước công dân hoặc mã số thuế, địa chỉ, số tài khoản của các bên.

– Thông tin về quyền sử dụng đất và nhà tặng cho: Loại đất, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, diện tích, thửa số, tờ bản đồ số, địa chỉ thửa đất, thời hạn sử dụng đất còn lại, giấy tờ pháp lý của thửa đất, nguồn gốc sử dụng, tài sản gắn liền với đất (nếu có),…

– Thời hạn giao nhận thửa đất và đăng ký quyền sử dụng đất.

– Nghĩa vụ nộp thuế, lệ phí của các bên.

Ngoài ra, hợp đồng còn có thể có các điều khoản thỏa thuận khác hoặc cam kết của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau khi đã lập hợp đồng tặng cho bất động sản, hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.

Tặng cho nhà đất mà không sang tên sổ đỏ sẽ bị phạt

Nhà đất là tài sản phải đăng ký quyền sử dụng, sở hữu. Vì vậy, hợp đồng cho tặng nhà đất sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm thực hiện đăng ký biến động (sang tên sổ đỏ) với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hợp đồng này sẽ không có hiệu lực nếu không được đăng ký biến động.

Do vậy, sau khi công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho bất động sản thì các bên cần thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ, sổ hồng tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Khoản 6, Điều 95, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng tặng cho có hiệu lực thì các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động. Nếu quá thời hạn mà không đăng ký sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Ngày hợp đồng tặng cho có hiệu lực được xác định là ngày hợp đồng tặng cho được công chứng, chứng thực.

Khoản 2, Điều 17, Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định về mức phạt đối với những trường hợp không đăng ký biến động đất đai. Cụ thể, với khu vực nông thôn: Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không thực hiện đăng ký biến động; Phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không thực hiện đăng ký biến động. Với khu vực đô thị: Mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng tại khu vực nông thôn.

Tặng cho bất động sản kèm điều kiện

Điều 462 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

– Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

– Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

– Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Chiếu theo quy định trên, nếu là hợp đồng tặng cho nhà đất thông thường không kèm theo điều kiện tặng cho thì hợp đồng sẽ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. Sau đó, người được tặng cho hoàn toàn có quyền sử dụng đối với nhà đất trên mà người đã tặng cho nhà đất không đòi lại được trừ trường hợp chứng minh hợp đồng tặng cho là vô hiệu.

Tuy nhiên, nếu là hợp đồng tặng cho kèm theo điều kiện thì người được tặng cho phải tuân thủ theo điều kiện đó. Nếu người được cho tặng không tuân theo điều kiện thì người đã tặng cho có quyền đòi lại nhà đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại kể cả khi nhà đất đã đăng ký tên của người được tặng cho.

Như vậy, để tránh rủi ro khi tặng cho nhà đất thì người tặng cho cần ghi rõ trong hợp đồng tặng cho về điều kiện mà người tặng cho yêu cầu người được tặng cho phải thực hiện trước cũng như sau khi đã làm hợp đồng. Các điều kiện nó có thể là con cháu phải có nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên, chăm sóc ông bà, bố mẹ khi về già hoặc con cháu không được chuyển nhượng nhà đất…

Trên đây là nội dung liên quan đến việc cho tặng bất động sản. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com