Câu hỏi:
Bà T.Y.C ở Nam Định có gửi câu hỏi đến Công ty luật như sau:
Tôi và ông T.Đ.T đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Nam Phong. Ông T.Đ.T thường xuyên say rượu và về nhà đánh đập tôi.
Tôi xin hỏi tôi có thể xin đơn phương ly hôn với ông T.Đ.T vì hành vi nói trên không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn như sau:
- Cơ sở pháp lý
– Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13;
– Luật phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12;
– Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
- Nội dung
Chị có thể đơn phương xin ly hôn với ông T.Đ.T.
- Khái niệm ly hôn
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình thì:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
- Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án…”
Như vậy, ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
- Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn…”
Như vậy, một bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trường hợp một bên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn được gọi là đơn phương ly hôn.
- Ly hôn theo yêu cầu của một bên
Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình thì căn cứ để ly hôn theo yêu cầu của một bên là:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được…”
Theo quy định trên, Tòa án có căn cứ để giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên nếu:
– Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành;
– Có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng;
– Việc vi phạm của một bên làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được;
- Khái niệm về tình trạng vợ chồng trầm trọng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình thì Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng quy định này được Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành khẳng định và quy định cụ thể như sau:
“…8. Căn cứ cho ly hôn (Điều 89)
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 thì Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được.
a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
…
– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.;…”
Theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đánh đập là hành vi bạo lực gia đình:
“Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
- Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
- a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
…”
Như vậy, có căn cứ cho ly hôn theo yêu cầu của một bên nếu:
– Có hành vi bạo lực gia đình;
– Đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần;
Trong trường hợp của chị do chị là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình nên theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì chị có các quyền sau:
“Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình
- Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
- a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
- b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
- c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
- d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật…”
Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là:
“Điều 18. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình
- Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này…”
Như vậy, khi anh T.Đ.T tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì chị có thể liên hệ tới:
– Cơ quan công an cấp xã gần nhất; hoặc
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực; hoặc
– Người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực;
Vậy, chị có đủ căn cứ để ly hôn nếu anh T.Đ.T đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần mà vẫn không chấm dứt hành vi trên. Khi anh T.Đ.T tiếp tục có hành vi đánh đập chị khi chưa có quyết định/bản án ly hôn của Tòa án thì chị có thể yêu cầu các cơ quan bảo vệ mình và cũng là căn cứ để Tòa án quyết định cho ly hôn.
Trên đây là nội dung quy định về . Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.
Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com