Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8

Bổ sung thời gian xét nâng lương công chức; gắn chip vào hộ chiếu; không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức; lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021.

Không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức

Theo Thông tư 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 1/8, ở tất cả các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư đã không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Thay vào đó, ứng viên được yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp, tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch.

Việc thay đổi này nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội, ước tính giúp đội ngũ công chức giảm được 1.000 tỷ đồng từ việc đi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức. 

3 trường hợp dừng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Theo Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB-XH, tới đây sẽ có thêm 3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội, gồm:

– Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 3 tháng trở lên;

– Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý;

– Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 1 tháng trở lên.

Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 8/8, nhưng các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/7/2021.

Gắn chip vào hộ chiếu

Theo Thông tư 73/2021/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 14/8, hộ chiếu sẽ là loại giấy tờ tùy thân tiếp theo căn cước công dân được gắn chip. Mẫu chip được công bố tại thông tư nêu trên, lưu thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Trang bìa của hộ chiếu vẫn in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu.

Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là phong cảnh, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu gồm 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Bổ sung thời gian xét nâng lương công chức, viên chức

Theo Thông tư 03/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bổ sung thêm một số trường hợp không tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm thời gian đào ngũ; thời gian thử thách khi hưởng án treo; thời gian nghỉ công tác chờ tuổi nghỉ hưu.

Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức cũng được thay đổi, theo đó, cán bộ, công chức được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên mới được nâng bậc lương thường xuyên. Trước đây là mức đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực” cũng thuộc diện được nâng bậc lương.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/8.

Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế GTGT và TNCN

Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1/8/, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, sau 05 năm, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của đơn vị nhóm 3 như sau: Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên.

Đến năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá), trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh trình Chính phủ xem xét, quyết định; Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.

Ngoài ra, khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách Nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8.

Theo Baomoi.com

Bia Hà Nội lại ‘thấm đòn’ Covid-19

Đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4, trùng với thời điểm miền Bắc bước vào mùa hè khiến doanh thu và lợi nhuận của Bia Hà Nội giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội – Habeco (BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu giảm hàng trăm tỷ đồng do tác động của dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 năm nay.

Cụ thể, trong tháng 4-6 vừa qua, nhà sản xuất bia nội địa lớn nhất thị trường phía Bắc ghi nhận 1.936 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu quý II/2020 của Bia Hà Nội cũng đã giảm 13% so với năm liền trước cũng vì tác động của dịch Covid-19.

 

Thay đổi kể trên tương đương với việc doanh thu thuần nhà sản xuất bia này đạt được trong quý II năm nay đã giảm ròng hơn 180 tỷ đồng. Điều này cũng tác động trực tiếp khiến lãi gộp quý gần nhất của Habeco giảm 10%, đạt 511 tỷ.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, việc vận hành và quản lý doanh nghiệp bị thu hẹp nên chi phí đưa ra cho hoạt động này đã giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, để tiêu thụ được các sản phẩm bia, Habeco phải tăng chi phí bán hàng, bao gồm quảng cáo, khuyến mại và vận chuyển hàng…

Kết thúc quý II, Bia Hà Nội thu về 205 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế doanh nghiệp hãng bia này đạt được là 182 tỷ, cũng thấp hơn 26% cùng kỳ, tương đương gần 65 tỷ.

Dù lợi nhuận quý II năm nay vẫn cao gấp gần 4 lần quý I, tuy nhiên, đây lại là mức lợi nhuận thấp nhất trong các quý II hàng năm của Habeco kể từ 2015 đến nay. Những năm trước đó, quý II và III luôn là cao điểm kinh doanh của Habeco khi miền Bắc – thị trường chính của doanh nghiệp – bước vào mùa hè với nhu cầu tiêu thụ bia tăng vọt.

Lý giải về kết quả kinh doanh sụt giảm vừa qua, lãnh đạo Habeco thừa nhận nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm là do dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu tính chung 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận lũy kế của Habeco vẫn tăng so với cùng kỳ do lợi nhuận quý I cao hơn nhiều so với năm 2020 (thời điểm chịu tác động của đợt dịch Covid-19 đầu tiên).

Habeco đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 giảm ở hầu hết chỉ tiêu vì lo ngại dịch Covid-19. Ảnh: Nam Khánh.

Sau 6 tháng, Habeco ghi nhận 3.312 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 229 tỷ, tăng lần lượt 15% và 57% so với cùng kỳ.

Một phần của đà tăng mạnh lợi nhuận 6 tháng này là do công ty lỗ gần 100 tỷ đồng trong quý I/2020 khi chịu tác động kép của Nghị định 100 về sử dụng rượu bia và đại dịch Covid-19.

Năm nay, Habeco đặt ra kế hoạch kinh doanh giảm mạnh so với năm 2020 với sản lượng tiêu thụ bia đạt 278 triệu lít, doanh thu kế hoạch 5.391 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 255 tỷ đồng.

Nhờ vậy, chỉ sau nửa năm, nhà sản xuất bia này đã hoàn thành 61% chỉ tiêu doanh thu và 90% kế hoạch lợi nhuận.

Tại Việt Nam, Habeco hiện là nhà sản xuất bia nội địa lớn thứ 2, chỉ sau Sabeco. Hãng bia này hiện vẫn sở hữu khoảng 18,4% thị phần tiêu thụ bịa tại Việt Nam, lớn thứ 3 thị trường.

Báo cáo phân tích triển vọng ngành bia của Công ty Chứng khoán FPTS từng cho biết Habeco là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia phía Bắc (chiếm 35% lượng tiêu thụ bia cả nước) với thương hiệu Bia Hà Nội và Bia hơi Hà Nội.

Tuy nhiên, phân khúc bia của Habeco chủ yếu là trung bình và giá rẻ với các loại bia vỉa hè, trong khi những năm gần đây người tiêu dùng có xu hướng chọn các loại bia cao cấp hơn. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể tới thị phần của Habeco.

Theo Baomoi.com

Tổ công tác 970 kết nối doanh nghiệp thu mua 1.000 tấn thủy hải sản

Đến ngày 1/8, đã có tổng 562 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNTT.

Đến ngày 1/8 có tổng 562 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT.

Đến ngày 1/8 có tổng 562 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT. Gồm: rau củ 126 đầu mối; trái cây 137 đầu mối; thủy hải sản 246 đầu mối; lương thực 30 đầu mối; các mặt hàng khác 23 đầu mối. Đại diện đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng.

Trong ngày Tổ công tác đã kết hợp với 7 tỉnh để kết nối và lên kế hoạch cùng doanh nghiệp thu mua 1.000 tấn thủy hải sản. Nguồn cung thuận lợi dẫn đến hàng tồn kho của một số doanh nghiệp lớn thủy sản còn nhiều.

Tuy nhiên Tổ công tác đã cố gắng kết hợp để giúp 246 đầu mối cung cấp thủy sản (trong tổng 562 đầu mối đăng kí qua Tổ công tác 970) thực hiện đơn hàng với doanh nghiệp. Hiện nay, các đầu mối đang thiếu nhân công. Khâu thu hoạch thủy sản mỗi lần 50-100 tấn nên cần rất nhiều công nhân.

Tổ công tác cũng đã kết nối tiêu thụ được nhiều nông sản cho các đầu mối như: dừa tươi, tắc, chanh, hành tím, nhãn xuồng, rau củ quả, tôm cá, các loại cải, trứng…

Các sản phẩm thủy, hải sản được kết nối tiêu thụ với số lượng lớn nhất.

Theo báo cáo từ nhiều tỉnh, giá bao bì đựng nông sản và vật tư sản xuất nông nghiệp (túi nilon, bao lưới, bao trái mít, bao trái xoài, ổi…) tăng giá cao và khó thu mua.

Ngoài ra, theo phản ảnh của các doanh nghiệp, việc thiếu vacxin để tiêm cho công nhân sẽ dẫn đến nguy cơ khi triển khai sản xuất tập trung theo phương châm “3 tại chổ”. Chỉ cần có 1 ca nhiễm trong nhà máy sẽ gây thiệt hại tới nhiều khu vực và hàng hóa của nhà máy.

Theo Baomoi.com

Từ 1/8 miễn, giảm phí giao dịch ngân hàng cho tất cả giao dịch

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7.

Theo NHNN nhằm triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID -19 còn diễn biến phức tạp, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn giảm phí dịch vụ. Mức giảm phí dịch vụ áp dụng trên giao dịch ATM, POS xử lý qua NAPAS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7. Thời gian áp dụng từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/12/2021.

NHNN chỉ đạo NAPAS tiếp tục triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử năm 2021. Cụ thể, NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch trên ATM, POS so với mức phí đang áp dụng; giảm tối thiểu 75% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 so với mức phí đang áp dụng.

Vì vậy, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua NAPAS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí của NAPAS điều chỉnh giảm.

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm của NAPAS; trong đó đối với các trường hợp đang áp dụng chính sách miễn phí đề nghị tiếp tục thực hiện. Thời gian thực hiện tối thiểu từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/12/2021.

NHNN cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm về việc xây dựng, triển khai chính sách giảm phí cho khách hàng tại đơn vị mình bao gồm loại phí giảm, mức giảm phí, khách hàng giảm phí… đảm bảo các loại phí, mức giảm phí và thời gian áp dụng đáp ứng yêu cầu như đã nêu trên.

Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có báo cáo Thống đốc NHNN về các loại phí giảm, mức phí giảm và thời gian áp dụng giảm phí trước ngày 15/8/2021 thông qua Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước.

Theo Baomoi.com

Đổi sang chỗ ở mới bao lâu thì phải chuyển hộ khẩu?

Đổi sang chỗ ở mới bao lâu thì phải chuyển hộ khẩu? Đây là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người.
Theo quy định tại Điều 22 Luật Cư trú 2020, người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký”.

Như vậy, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày thay đổi chỗ ở hợp pháp, người dân phải làm thủ tục chuyển hộ khẩu.

Hiện nay, theo Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Như vậy, những người thuộc 6 trường hợp phải đăng ký thường trú và 1 trường hợp phải đăng ký tạm trú mà không đăng ký thường trú, tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tuy nhiên, Bộ Công an đang đề xuất nhiều mức phạt mới để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình tại dự thảo Nghị định mới nhất.

Theo Điều 9 Dự thảo Nghị định, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú

Theo Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP, công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:

– Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở).

– Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong).

– Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

– Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán.

– Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.

– Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình.

– Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.

– Giấy tờ có xác nhận về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên.

– Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu.

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định .

Lưu ý, trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến việc đổi chỗ ở mới bao lâu thì phải chuyển hộ khẩu. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Doanh nghiệp bưu chính duy trì luồng vận chuyển hàng cho siêu thị, cửa hàng tại vùng dịch

Trong 6.150 tấn hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp bưu chính cung cấp tại 24 địa phương đang giãn cách, khối lượng hàng được Vietnam Post và Viettel Post cung ứng chiếm hơn 94%.

Bưu chính giữ vai trò quan trọng đảm bảo cung ứng hàng thiết yếu

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Vietnam Post) đã là những doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tham gia đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

Từ giữa tháng 7 đến nay, mỗi khi có thêm địa phương thực hiện giãn cách xã hội, 2 doanh nghiệp lập tức bố trí địa điểm và nhân sự tại các khâu quan trọng của quá trình vận chuyển và cung cấp nhu yếu phẩm. Qua đó, phần nào giúp “hạ nhiệt” tình trạng khan hiếm, tăng giá thực phẩm tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, đồng thời không để cán cân thị trường tại Hà Nội mất cân đối.

Tại các địa phương đang giãn cách, bên cạnh việc bán trực tuyến qua 2 sàn Vỏ Sò và Postmart, 2 doanh nghiệp Vietnam Post và Viettel Post đã thiết lập các điểm bán cố định và lưu động.

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ TT&TT với 19 Sở TT&TT các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho các địa phương này, bà Lê Việt Nga, Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn Vietnam Post, Viettel Post đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

“Với hệ thống bưu cục cùng việc sở hữu các sàn Vỏ Sò và Postmart, 2 doanh nghiệp đã tích cực tham gia một số chương trình, qua việc tổ chức những điểm bán hàng lưu động và qua các sàn thương mại điện tử tại các địa phương đang giãn cách. Mô hình này rất hiệu quả tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam”, bà Nga thông tin.

Dưới sự điều phối của Bộ TT&TT, tính đến ngày 31/7, ngoài 2 doanh nghiệp nói trên, đã có thêm nhiều doanh nghiệp bưu chính tham gia vận chuyển, cung ứng hàng thiết yếu cho các địa phương đang giãn cách như: Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Thuận Phong, Lalamove, Supership, Proship…

Thống kê từ các doanh nghiệp cho thấy, đến hết tháng 7, tổng số điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu tại 24 địa phương đã là 3.688 điểm. Tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp cung ứng cho người dân tại 24 địa phương đã đạt 6.150 tấn.

Cung cấp 6.150 tấn hàng thiết yếu tại 24 địa phương

Trong 6.150 tấn hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp bưu chính cung cấp tại 24 địa phương đang giãn cách, khối lượng hàng được 2 doanh nghiệp lớn Vietnam Post và Viettel Post cung ứng chiếm hơn 94%, với gần 5.800 tấn.

Riêng tại TP.HCM, 2 doanh nghiệp đã tiêu thụ hơn 1.900 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm sau 3 tuần giãn cách xã hội, góp phần giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có thể yên tâm chống dịch tại nhà. Đặc biệt, lượng đơn hàng qua các sàn Postmart, Vỏ Sò đã tăng khoảng 2 lần so với trước khi TP.HCM giãn cách xã hội.

Hai doanh nghiệp bưu chính đã lập gần 400 điểm bán hàng thiết yếu để phục vụ người dân Hà Nội trong thời gian giãn cách.

Còn tại Hà Nội, 2 doanh nghiệp báo sản lượng tiêu thụ được sau tuần đầu tiên giãn cách là hơn 650 tấn, thấp hơn so với nhu cầu tại TP.HCM. Sở dĩ như vậy là do các chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn được phép mở.

Vietnam Post và Viettel Post cho biết, cả 2 doanh nghiệp đang kết nối và phối hợp chặt chẽ với các siêu thị và cửa hàng thực phẩm theo danh sách của Bộ Công Thương để hỗ trợ duy trì luồng vận chuyển hàng hóa của các đơn vị này.

Thời gian giãn cách, Vietnam Post và Viettel Post đã điều chỉnh lại luồng vận hành khi hợp tác vận chuyển, phát hàng cho các siêu thị.

Đại diện Viettel Post chia sẻ, doanh nghiệp đã tiếp xúc với 25 siêu thị ở Hà Nội. Với siêu thị đã có kênh bán online, Viettel Post hỗ trợ vận chuyển và phát hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Còn với siêu thị chưa có kênh bán hàng online, doanh nghiệp tiến hành đưa các sản phẩm của siêu thị, cửa hàng lên sàn Vỏ Sò, đồng thời phối hợp thiết kế nhiều combo sản phẩm giúp người dân chọn mua hàng dễ dàng hơn.

Chia sẻ về việc thay đổi luồng vận hành khi hợp tác với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, đại diện Vietnam Post cho hay: “Khi có thông tin đơn hàng của khách, hệ thống sẽ điều đơn hàng tới kho gần nhất để giao cho đầu nhận. Việc phân phối đơn như vậy sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, giữ độ tươi ngon của các sản phẩm”.

Đặc điểm các đơn hàng từ siêu thị, cửa hàng thực phẩm thường tập trung tại 1 địa bàn nhất định quanh địa điểm của siêu thị, cửa hàng đó. Vì thế, dù số lượng đơn hàng tăng nhưng tuyến đường phát hàng không đổi, Vietnam Post và Viettel Post vẫn đảm bảo được nhu cầu hàng hóa của người dân trong những ngày Hà Nội giãn cách.

Thời gian tới, cả 2 doanh nghiệp đều cam kết tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành trên cả nước để kịp thời kích hoạt các phương án triển khai, đảm bảo chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu tại vùng dịch.

Cụ thể, Vietnam Post dự kiến sẽ ký hợp đồng với các nhà cung cấp để dự trữ nguồn hàng lương thực, thực phẩm khô, hàng hóa nhu yếu phẩm. Viettel Post sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án logistics để dự trù cho những tình huống siết chặt hơn hoạt động vận tải nội tỉnh và liên tỉnh.

Theo Baomoi.com