Vợ ngoại tình và có thai, chồng có thể xin ly hôn được không?

Câu hỏi: Vì biết vợ ngoại tình nên tôi làm đơn xin ly hôn. Trong lúc tòa án đang thụ lý giải quyết, cô ấy nộp cho tòa giấy siêu âm có thai 3 tháng. Tôi biết chắc đứa bé không phải là con tôi, vì nhiều tháng qua, chúng tôi không gần gũi nhau. Trong trường hợp này tôi có xin ly hôn được không? Xin luật sư tư vấn. (Nguyễn Điệp – Thái Nguyên)

Luật sư xin tư vấn như sau:

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, luật cũng quy định, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trường hợp một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.

Mặt khác, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng chỉ quy định: “vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”, không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai. Như vậy, vợ anh đang mang thai, anh nên rút đơn, nếu không tòa án cũng đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung quy định liên quan đến việc vợ đang mang thai có ly hôn được không. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Nợ lương người lao động, PECC1 làm ăn ra sao?

Báo Đấu thầu vừa tiếp nhận công văn của Công ty Luật TNHH Hiệp Thành thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phản ánh về việc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) có dấu hiệu mất khả năng thanh toán, nợ lương người lao động. Đây là một trong những dấu hiệu tước đi tư cách hợp lệ của bất kỳ nhà thầu nào khi tham gia đấu thầu.

Nợ lương người lao động, kiện tụng kéo dài

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành phản ánh, đã nhận được đơn mời luật sư của các cá nhân nguyên là người lao động (sau đây gọi tắt là người lao động) của PECC1 đề nghị tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong việc yêu cầu PECC1 chi trả tiền lương còn nợ và các nghĩa vụ tài chính khác khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định pháp luật.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, PECC1 đã thanh lý HĐLĐ với rất nhiều cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, PECC1 vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ khi chấm dứt HĐLĐ. Số lượng người lao động mà PECC1 đang nợ lương là rất lớn (trong đó, danh sách ký vào đơn mời luật sư gồm 41 người).

Tài trợ lớn cho Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5, dư nợ vay của PECC1 phình to dần dẫn đến mất cơ cấu tài chính an toàn nhiều năm nay.

Trước đó, vào tháng 8/2020, một nhóm người lao động khác (khoảng 50 người) đã có đơn thư yêu cầu Công ty Luật TNHH Hiệp Thành có bước can thiệp tố tụng với lý do tương tự. PECC1 sau đó đã có văn bản xác nhận chốt nợ lương đối với nhóm lao động này. Tuy nhiên cho đến nay, PECC1 vẫn “chây ì” nghĩa vụ đã cam kết. Lý do PECC1 đưa ra là vướng mắc trong việc xác nhận lại danh sách, thủ tục, sau khi có sự thay đổi về nhân sự trong Ban lãnh đạo vào đầu năm nay.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành cho biết, theo quy định của Luật Phá sản, một trong những điều kiện dẫn tới việc doanh nghiệp bị coi là lâm vào tình trạng phá sản là chủ nợ đã yêu cầu thanh toán, nhưng doanh nghiệp không có khả năng thanh toán. Mặt khác, pháp luật về đấu thầu quy định, nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ 8 điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu, trong đó bao hàm điều kiện không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật. “Như vậy, PECC1 đang có dấu hiệu không đảm bảo tư cách hợp lệ của nhà thầu khi tham gia đấu thầu theo quy định pháp luật”, vị luật sư này khẳng định.

Thông tin thêm, Công ty Luật TNHH Hiệp Thành cho biết, đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế TP. Hà Nội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội vào cuộc thanh tra các vấn đề liên quan đến phản ánh trên. Ngoài ra, Công ty Luật TNHH Hiệp Thành đã hoàn tất hồ sơ khởi kiện vụ án lao động, cùng với hồ sơ đề nghị tuyên phá sản đối với PECC1.

Liên tiếp trúng thầu

Thay vì tập trung vào lĩnh vực truyền thống là tư vấn xây dựng điện, PECC1 đã lấn sân sang lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng khi năm 2013, Công ty đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5.

Với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, PECC1 đã ký Hợp đồng tín dụng số 01/2009/SB5-HĐTD ngày 14/8/2009 với VietinBank, hạn mức tín dụng 900 tỷ đồng để tài trợ cho dự án này. Thời hạn cho vay là 13 năm kể từ ngày giải ngân.

Tài trợ lớn cho nhà máy điện, dư nợ vay của PECC1 phình to dần và dẫn đến mất cơ cấu tài chính an toàn nhiều năm nay. Tính đến thời điểm 30/6/2021, tổng dư nợ vay dài hạn và ngắn hạn của PECC1 là 826,3 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu (280 tỷ đồng).

Để giảm bớt gánh nặng nợ vay, PECC1 đã nhiều lần rao bán Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5 kể từ đầu năm 2019 nhưng đến nay chưa thể thực hiện được. Vay nợ nhiều, đặc biệt là trong khoảng thời gian lãi suất cao, đã làm phát sinh các khoản chi phí lãi vay lớn, khiến hiệu quả kinh doanh của PECC1 ngày càng đi xuống.

Cùng với kế hoạch chuyển nhượng Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5, PECC1 cũng thực hiện giảm giá khi dự thầu các gói thầu tư vấn, khảo sát, thiết kế thuộc lĩnh vực, ngành nghề truyền thống và lĩnh vực mới, tiềm năng nhằm đảm bảo doanh thu.

Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, PECC1 được lựa chọn trúng 53 gói thầu. Trong đó, lớn nhất là Gói thầu TV8-QT1 Tư vấn hỗ trợ quản lý hợp đồng EPC và một số hạng mục thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (trúng thầu giữa tháng 7/2021, giá trúng thầu 231 tỷ đồng).

Tại Ban Quản lý dự án truyền tải điện – Chi nhánh Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, PECC1 được lựa chọn thực hiện 11 gói thầu kể từ đầu năm đến nay với tổng giá trị hợp đồng khoảng 49 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc bên mời thầu này cho biết, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu của PECC1, Ban không phát hiện dấu hiệu về việc nhà thầu này không đủ tư cách hợp lệ, hay nắm bắt được các thông tin “bên lề” kể trên. “PECC1 là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tư vấn trong lĩnh vực điện lực, đó là một yếu tố minh chứng năng lực của nhà thầu này”, vị cán bộ trên đánh giá.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, PECC1 cũng được chỉ định thực hiện một số gói thầu do Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, Công ty Thủy điện Sông Bung… mời thầu.

Theo Báo Đấu thầu

Sa thải giám đốc nhân sự, doanh nghiệp thua kiện 11 tỉ

Theo cấp phúc thẩm, đến nay hành vi không đăng ký kê khai BHXH khi hợp đồng lao động bao gồm luôn thời gian thử việc, chưa bị xử lý hành chính nên không mang tính chất đe dọa gây thiệt hại.

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án vụ tranh chấp lao động giữa bà NTPA (sinh năm 1974) với Công ty TNHH KCV (trụ sở tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Bình Dương).

Tòa xác định công ty đã sa thải bà A. trái pháp luật, buộc phải hủy quyết định và nhận bà trở lại làm việc.

Tòa buộc công ty trả cho bà A. thu nhập trước thuế tổng cộng 11,385 tỉ đồng. Hai bên phải truy nộp số tiền BHXH phải đóng và chịu phạt do truy thu theo mức lương hợp đồng lao động (HĐLĐ) là 165 triệu đồng/tháng.

Tư túi BHXH hai tháng thử việc

Theo hồ sơ, Công ty KCV mời bà A. làm việc bắt đầu với hai tháng thử việc từ ngày 1-4-2014, sau đó chính thức làm giám đốc nhân sự.

Quá trình làm việc, bà A. chỉ đạo cấp dưới lập thêm HĐLĐ thứ hai có thời gian bỏ đi hai tháng thử việc để không đăng ký bảo hiểm bắt buộc cho mình với cơ quan BHXH. Từ đó chuyển phần đóng bảo hiểm bắt buộc của công ty trong hai tháng thử việc trực tiếp vào tiền lương của bà.

Công ty đã sa thải bà nên bà đi kiện. Bà đề nghị tòa hủy quyết định sa thải trái pháp luật, buộc công ty bồi thường và nhận bà trở lại làm việc.

Xử sơ thẩm, TAND quận Phú Nhuận chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người lao động, buộc công ty bồi thường các khoản như trả lương, lãi chậm thanh toán, lương 71 tháng không được làm việc. Tổng cộng, công ty phải trả cho bà A 12,7 tỉ đồng.

Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định án sơ thẩm không làm rõ căn cứ sa thải là đúng hay sai mà chỉ dựa trên các nhận định về HĐLĐ, về BHXH để xác định công ty làm trái luật là có thiếu sót.

Tại phiên phúc thẩm, công ty xác định bà A. nhân danh công ty để giao dịch với ngân hàng, thu lợi cá nhân nhưng không chứng minh được bà A. là người trực tiếp giao dịch với ngân hàng để thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản.

HĐXX xét thiệt hại của việc làm trên là không xảy ra. Về việc đe dọa gây thiệt hại, cho đến nay, hành vi không đăng ký kê khai BHXH khi HĐLĐ bao gồm luôn thời gian thử việc, chưa bị cơ quan BHXH xử lý vi phạm hành chính nên không mang tính chất đe dọa gây thiệt hại.

Vì vậy, việc công ty nêu “Nhân danh công ty để giao dịch hoặc kinh doanh nhằm mục đích thu lợi cho cá nhân gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của công ty” để sa thải là không đúng quy định.

Khác nhau của hai bản án

Cấp phúc thẩm nhận định rằng án sơ thẩm căn cứ Điều 2 Luật BHXH xác định bà A. không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là áp dụng không đúng luật.

Bà A. làm việc theo HĐLĐ ký kết có nội dung gồm luôn cả thời gian thử việc. Theo Luật BHXH, người lao động có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà hợp đồng đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì đơn vị và người lao động phải đóng các bảo hiểm cho cả thời gian thử việc.

Bộ LĐ-TB&XH cũng quy định “người lao động có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ này thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc”…

Việc lập thêm hợp đồng mới để chậm kê khai đăng ký BHXH và để che giấu cho HĐLĐ trước là thực tế đã xảy ra. Hành vi vi phạm này có thể coi là hành vi sai trái nghiêm trọng về nghề nghiệp của nguyên đơn nhưng không được bị đơn nhận định để xử lý khi có vi phạm trong quan hệ lao động.

Mục đích của nguyên đơn khi thực hiện những hành vi gian dối này là nhằm hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định về bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời hưởng luôn khoản tiền mà người sử dụng lao động phải đóng cho cơ quan BHXH trong thời gian thử việc.

Việc cấp sơ thẩm cho là “… Công ty có trách nhiệm chi trả cho nguyên đơn số tiền tương đương với mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp… số tiền 10,12 triệu được chuyển vào tài khoản của nguyên đơn là không trái quy định và không được xem là hành vi gây thiệt hại, tham ô tài sản của công ty” là không đúng, vi phạm quy định về việc đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc như đã nêu trên.

Theo cấp phúc thẩm, số tiền nguyên đơn chiếm dụng trái pháp luật của người sử dụng lao động trong thời gian thử việc cần phải tuyên nộp lại cho cơ quan BHXH. Đồng thời, nguyên đơn phải nộp bổ sung số tiền mà người lao động phải đóng trong thời gian thử việc cho cơ quan BHXH. Tiền lãi phát sinh do chậm đóng BHXH trong thời gian thử việc, nguyên đơn phải chịu.

Áp dụng pháp luật tương tự xác định trách nhiệm

Về trách nhiệm công ty khi sa thải trái luật, HĐXX nhận định hành vi xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trong vụ kiện này không thuộc các trường hợp Bộ luật Lao động năm 1994 (hết hiệu lực ngày 1-5-2013) nêu. Vì vậy, các quy định hướng dẫn xử lý trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sa thải trái luật phải trả tiền lương cho những ngày người lao động không được làm việc không được áp dụng tương tự trong trường hợp này.

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về xử lý sa thải nhưng không quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sa thải trái luật. Trách nhiệm được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 05/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

Bị đơn sa thải trái luật trước ngày Nghị định 05/2015 có hiệu lực thi hành. Do đó, cấp sơ thẩm xác định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái luật theo Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 là chưa chính xác.

HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 6 BLDS năm 2015 về áp dụng tương tự pháp luật và khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015, cần căn cứ điểm c khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định 95/2013 để xác định trách nhiệm công ty trong vụ án.

Do đó, chỉ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc công ty nhận trở lại làm việc và trả đủ tiền lương cho người lao động trong những ngày đã sa thải.

Tiền lương cho người lao động trong những ngày đã sa thải được tính là 69 tháng và không chấp nhận việc cộng thêm ít nhất hai tháng tiền lương theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.

Theo plo.vn

5 yếu tố gây căng thẳng với người đi làm thời đại dịch

Năm yếu tố gây căng thẳng chính là sự an toàn trong thời điểm dịch, khả năng tài chính dài hạn, đảm bảo công việc và triển vọng nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất, và tiếp nhận quá nhiều thông tin.

Adecco Việt Nam – nhà cung cấp dịch vụ tính lương, tuyển dụng và thuê ngoài nhân sự hàng đầu tại Việt Nam, chỉ ra có năm yếu tố gây căng thẳng đối với người đi làm là sự an toàn trong thời điểm dịch, khả năng tài chính dài hạn, đảm bảo công việc và triển vọng nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất, và tiếp nhận quá nhiều thông tin.

Có khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tâm thần, tuy nhiên gần 33% DN không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này.

Các chuyên gia nhân sự phân tích đại dịch vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) có thể tự tái tạo. Để tận dụng tối đa thời điểm này, các DN không chỉ nên tập trung vào việc duy trì hoạt động kinh doanh mà nên quan tâm đến nhân viên của họ.

Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam Andree Mangels bình luận hiện tại là một thời kỳ bất ổn, đi kèm lo lắng, đối với tất cả chúng ta. Do vậy, trong khi áp dụng các biện pháp cách ly và chuyển đổi sang mô hình làm việc lại, chúng ta cần thúc đẩy sự kết nối và đồng cảm giữa mọi người hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia nhân sự phân tích đại dịch vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tự tái tạo. 

“Bằng việc đầu tư vào con người, người sử dụng lao động có thể đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang môi trường làm việc mới hậu COVID-19.

Cho dù đó là đầu tư vào đào tạo lại kỹ năng haychế độ an sinh, thì những nỗ lực của DN sẽ cải thiện sự tương tác và hiệu suất làm việc của nhân viên, cũng như giữ chân nhân tài và xây dựng nên thương hiệu nhà tuyển dụng tiềm năng” – ông Andree Mangels chia sẻ.

Kết quả khảo sát của Adecco Việt Nam về ba khía cạnh gồm mô hình làm việc kết hợp (hyrbid work), vấn đề đào tạo lại kỹ năng và sức khỏe tâm thần, cho thấy hầu hết thế hệ Z (dưới 25 tuổi) muốn làm việc từ xa. Thế hệ Y (25 – 40 tuổi) và thế hệ X (41 – 55 tuổi) mong muốn tỉ lệ 50/50. 11% thế hệ Baby Boomer (trên 55 tuổi) muốn làm việc tại nhà hoàn toàn. Tuy nhiên, một phần ba trong số họ muốn làm việc ở nhà 75% số giờ làm việc, và một lượng phản hồi tương tự muốn quay lại văn phòng hoàn toàn.

Thách thức lớn nhất khi làm việc từ xa đối với mọi thế hệ là các vấn đề về làm việc nhóm và giao tiếp, các yếu tố gây phân tâm ở nhà, duy trì sự tương tác/động lực của tập thể, không gian làm việc thực tế và cách ly xã hội.

Điểm chung các thế hệ là phụ cấp hàng tháng cho tiền điện hoặc điện thoại. Lý do, hơn 32% theo khảo sát gặp khó khăn về các chi phí hàng ngày khi làm việc tại nhà.

Ngoài ra, các thế hệ mong có hỗ trợ khác như sắp xếp văn phòng tại nhà, duy trì giờ làm việc linh hoạt, và hoạt động giao lưu trực tuyến với đồng nghiệp.

Đáng chú ý, có 96,6% nhân viên cho biết họ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đào tạo lại. Hơn 53,7% người tham gia chia sẻ họ cảm thấy căng thẳng hơn trong đợt bùng dịch gần nhất so với năm 2020.

Theo Baomoi.com

5 sai sót cần tránh khi làm kế toán công nợ

Doanh nghiệp nếu quản lý công nợ chặt chẽ sẽ cải thiện đáng kể các khoản nợ phải thu, giúp doanh nghiệp có được dòng tiền ổn định. Chính vì vậy, công việc của kế toán công nợ đóng một vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp hiện nay. Dưới đây là 5 sai sót cần tránh khi làm kế toán công nợ, kế toán cần lưu ý.

Kế toán công nợ là gì?

Kế toán công nợ là một phần thực hành kế toán trong toàn bộ công tác kế toán của một doanh nghiệp, liên quan đến các khoản nợ phải thu và các khoản nợ phải trả. Việc quản lý công nợ tốt không chỉ là yêu cầu mà còn là vấn đề cần thiết ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tùy vào đặc điểm, loại hình sản xuất kinh doanh, quy mô, ngành nghề kinh doanh, trình độ quản lý trong doanh nghiệp và trình độ đội ngũ kế toán để tổ chức bộ máy kế toán cho phù hợp. Tổ chức công tác kế toán công nợ góp phần rất lớn trong việc lành mạnh hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp.

5 sai sót cần tránh khi làm kế toán công nợ

Công tác theo dõi công nợ không đáp ứng yêu cầu chế độ kế toán:

Không thực hiện việc mở sổ theo dõi thanh toán bằng ngoại tệ

Việc ghi chép thông tin vào sổ kế toán chi tiết không đáp ứng yêu cầu của chế độ kế toán như:

– Nhiều khoản công nợ phải thu khác thuộc các đối tượng khác nhau được theo dõi chung bằng một mã chi tiết công nợ.

– Một số đối tượng công nợ được theo dõi trên nhiều sổ kế toán chi tiết, thể hiện bằng nhiều tài khoản nên không thể thực hiện bù trừ công nợ

– Không thực hiện việc liên kết mã khi hạch toán nên dẫn đến sự chênh lệch giữa sổ kế toán chi tiết và sổ cái.

– Không thực hiện việc theo dõi công nợ theo tuổi nợ, không lập bảng phân tích tình hình công nợ phải thu, phải trả để đánh giá khả năng thu hồi, trả các khoản nợ.

Việc hạch toán công nợ không thực hiện theo đúng quy định:

Hạch toán nhầm các khoản chi phí treo vào công nợ phải thu

Thực hiện hạch toán vào công nợ phải thu các khoản chi phí, giá trị vật tư chưa có đủ chứng từ hay hợp đồng chưa được phê duyệt

Cho cán bộ nhân viên doanh nghiệp vay không lấy lãi với những khoản phải thu khác trong tình hình công ty phải đi vay để có vốn triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh

Không thực hiện việc hạch toán điều chỉnh số dư công nợ theo kết quả xử lý của tòa án

Không thực hiện việc hạch toán lãi phải thu từ những khoản nợ quá hạn được xác nhận trên biên bản đối chiếu công nợ và được khách hàng ký đồng ý thanh toán

Hạch toán nhầm các mã công nợ chi tiết

Không bù trừ công nợ phải thu với cùng một đối tượng; không bù trừ công nợ cùng một nội dung hạch toán của một khách hàng

Cho phép tạm ứng những khoản không phục vụ mục đích kinh doanh; cho phép một số đối tượng tạm ứng tiếp những lần tiếp theo mà chưa hoàn ứng những lần trước đó

Sai đối tượng theo dõi công nợ tạm ứng: đối tượng được thể hiện trong sổ kế toán không trùng với đối tượng trên chứng từ kế toán

Thực hiện quy trình tạm ứng không đúng quy trình, dẫn đến phát sinh đội số tiền mặt.

Chưa thực hiện đầy đủ việc đối chiếu công nợ:

Đến thời điểm cuối năm, các khoản nợ cần phải thu chưa có đầy đủ các biên bản đối chiếu công nợ

Việc gửi mail xác nhận công nợ với khách hàng nhận được tỷ lệ phản hồi thấp, dẫn đến các sai sót trong quản lý công nợ

Chưa xác định được nguyên nhân vì sao số liệu công nợ phải thu từ khách hàng có sự chênh lệch giữa biên bản đối chiếu công nợ và sổ kế toán

Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kế toán thường không đối chiếu công nợ đầy đủ, đối chiếu công nợ có sự chênh lệch hay tình trạng nhiều công nợ không có đối tượng rõ ràng

Không thực hiện đúng quy định trích lập dự phòng và xử lý nợ:

Chưa có đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư 107 vẫn tiến hành lập dự phòng theo Nghị định 109

Các công nợ có số dự trên 3 năm đã tiến hành trích lập dự phòng nhưng chưa được xử lý

Nhiều công nợ phải thu có số dư từ các năm trước chuyển sang nhưng chưa có biện pháp đốc thúc thu hồi nợ

Không thực hiện việc rà soát nguyên nhân với những khoản công nợ phải thu còn tồn đọng kéo dài

Với những khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi không được trích lập dự phòng và xử lý nợ hoặc trích lập không đúng quy đinh

Không thực hiện việc bù trừ hết các công nợ nội bộ do không xác định đúng tính chất của tài khoản.

Chưa triển khai chặt chẽ công tác thu hồi công nợ:

Quản lý công nợ lỏng lẻo do không tuân thủ đúng quy định thanh toán trong hợp đồng kinh tế đã ký kết dẫn đến không đủ cơ sở ràng buộc trách nhiệm với khách hàng, làm phát sinh nợ khó đòi

Công tác thanh quyết toán, đối chiếu công nợ với đối tác, khách hàng không được triển khai thực hiện thường xuyên, gây khó khăn trong việc thu nợ

Một số khoản nợ không xác định được đối tượng trả nợ nên không có biện pháp xử lý

Công tác đôn đốc thu hồi nợ không được tiến hành thường xuyên, triệt để, dẫn đến tồn tại một số công nợ khó đòi chưa được xử lý.

Theo tapchitaichinh.vn

Cái kết của hôn nhân vô thừa nhận

Hôn nhân bắt đầu nổi sóng gió khi người chồng ngoại tình. Họ chia tay bằng một quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật…

Từ Mỹ trở về Việt Nam, ông N.V.T (SN 1969, quốc tịch Việt Nam và Mỹ) xây dựng gia đình với bà V.T.G (SN 1987). Sau nhiều năm chung sống, ông T. gửi đơn yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Lấy hai vợ

Năm 1990, ông N.V.T sang Mỹ định cư. Thời điểm đó, pháp luật chưa thông qua quy định một công dân có thể có hai quốc tịch nên ông N.V.T thôi quốc tịch Việt Nam. Sống ở Mỹ, ông T. lập gia đình và từ đó đến nay, quan hệ hôn nhân giữa ông và người vợ bên Mỹ vẫn tồn tại, chưa từng ly hôn.

Nhiều năm sau, ông T. nhập lại quốc tịch Việt Nam và trở thành công dân có hai quốc tịch. Trở về cố hương năm 2013, ông T. tình cờ gặp bà V.T.G, 26 tuổi, độc thân. Chỉ một lần trò chuyện, hai người nảy sinh tình cảm. Hẹn hò thêm vài lần, ông T. ngỏ lời cầu hôn, cả hai dọn về sống chung nhưng không tổ chức đám cưới. Sau đó, bà G. lần lượt hạ sinh hai con gái.

Bất ngờ, cả hai muốn chia tay. Ông T. thuê luật sư tiến hành thủ tục hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Theo ông T., sau khi sinh con, bà G. nói muốn hai con có giấy khai sinh và hưởng mọi quyền lợi như những đứa trẻ khác thì cha mẹ phải đăng ký kết hôn nên ông chấp nhận cùng bà G. đến UBND phường (nơi gia đình cư ngụ) làm thủ tục. Gần đây, vợ chồng mâu thuẫn, ông tìm hiểu thì biết rằng pháp luật Việt Nam có bảo vệ những đứa trẻ ngoài giá thú. Mặt khác, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận chế độ hôn nhân một vợ – một chồng. Vì vậy, ông T. gửi đơn đề nghị tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông với người vợ ở Việt Nam.

Thời điểm tòa án chính thức giải quyết, ông T. không ở Việt Nam mà ủy quyền luật sư đến làm việc. Thông qua người đại diện, ông T. bày tỏ nguyện vọng tôn trọng mong muốn của vợ về quyền nuôi con; cam kết cấp dưỡng theo luật pháp sau khi tòa án hủy kết hôn trái pháp luật.

Ai có lỗi?

Làm việc với tòa án, bà G. nói rằng bà biết chuyện chồng từng lấy vợ nhưng ông cho biết đã ly hôn ở nước ngoài. Khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, ông T. có về nơi thường trú xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau đó, gia đình bà G. chuyển đến TP HCM sinh sống, kinh doanh ẩm thực.

Hồi tưởng quãng thời gian hạnh phúc, bà G. kể thời gian đầu, vợ chồng bà chung sống thuận hòa, công việc làm ăn vì vậy mà thuận buồm xuôi gió. Nguyên nhân dẫn đến cớ sự hôm nay là do ông T. có mối quan hệ bất chính với người phụ nữ khác.

“Lúc việc này bại lộ, ông ấy có viết “giấy cam kết niềm tin” nhưng đó chỉ là kế hoãn binh. Lợi dụng lúc tôi với hai con về quê ngoại, ông T. dọn qua sống chung với nhân tình. Tôi tìm đến tận nơi rồi xô xát với họ” – người vợ sụt sùi.

Sau lần đụng độ ấy, ông T. viết thêm “giấy cam đoan” có nội dung sẽ cho bà G. hết cơ sở kinh doanh ở Việt Nam cùng một khoản tiền mặt; gửi tiền nuôi con đầy đủ. Bà G. đồng ý nhưng muốn ông T. cấp dưỡng tiền nuôi hai con 6 triệu đồng/tháng và phải đưa đủ một lần. Bà G. cũng cho biết toàn bộ tài sản đều do chồng đứng tên.

Cán bộ trực tiếp làm thủ tục đăng ký kết hôn trình bày hồ sơ đầy đủ giấy tờ (trong đó có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của hai người do cơ quan có thẩm quyền xác nhận) nên cán bộ thông qua thủ tục đăng ký kết hôn. Nay đề nghị tòa án xác minh lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông T. nhằm làm rõ mọi khúc mắc.

Nơi cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông T. thì lý giải ông T. đang làm việc tại Mỹ, thỉnh thoảng có về quê thăm gia đình. Tài liệu lưu trữ tại địa phương không thể hiện ông T. từng đăng ký kết hôn trước đó.

Chấp nhận yêu cầu hủy kết hôn, cơ quan chức năng giao bà G. chăm sóc hai con gái, ông T. có trách nhiệm cấp dưỡng hằng năm, tới khi con trưởng thành. Tòa án không phân xử vấn đề tài sản vì đôi bên không yêu cầu.

“Tôi nghĩ đến các con nên mới muốn đăng ký kết hôn. Nếu không, tôi cần gì làm thế!” – bà G. chua chát nói.

Xác nhận trái quy định

Quyết định sơ thẩm giải quyết về việc yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật nêu theo điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình, hôn nhân giữa ông N.V.T với người vợ ở nước ngoài là hôn nhân hợp pháp và đang tồn tại.

Cơ quan chức năng nơi ông T. thường trú xác nhận trước thời điểm làm thủ tục đăng ký kết hôn với bà V.T.G, ông này chưa kết hôn lần nào, từ đó, ông T. sử dụng giấy tờ trên làm căn cứ đăng ký kết hôn với bà G. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân như vậy là trái quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Đó là nguyên nhân dẫn đến hệ quả vợ chồng ông T. đăng ký kết hôn vi phạm luật định.

Theo Báo Người lao động.

Cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ưu đãi

Các doanh nghiệp sẽ được vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh với mức tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư. Thời hạn cho vay không quá 7 năm. Trong đó, nếu vay ngắn hạn, lãi suất 2,16%/năm, vay trung và dài hạn, lãi suất 4%/năm. Trong thời gian vay, DNNVV được chủ động trả nợ trước hạn và không chịu bất cứ khoản tiền hay phí phạt trả nợ trước hạn. Điều kiện để các doanh nghiệp có thể vay khoản vay ưu đãi này là các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; chủ sở hữu phải đảm bảo có tối thiểu 20% nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh.

Để được vay vốn, DNNVV liên hệ Quỹ Phát triển DNNVV (Phòng Hỗ trợ doanh nghiệp), số 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, hotline: 0867970880 hoặc qua email: smedf@mpi.gov.vn.

Theo Baomoi.com

Vingroup (VIC) góp gần 1.000 tỷ đồng thành lập 2 công ty con là VinES và VinAI

Tập đoàn Vingroup – CTCP (mã chứng khoán VIC – sàn HOSE) mới công bố về quyết định thành lập hai công ty con về lĩnh vực năng lượng và trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể, Vingroup sẽ góp 510 tỷ đồng, tương đương 51% thành lập CTCP Giải pháp Năng lượng VinES (VinES) có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trụ sở chính của VinES đặt tại tòa nhà văn phòng Symphony, Khu đô thị Sinh thái Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Đồng thời, Vingroup cũng góp 424,15 tỷ đồng, tương đương 99,8% thành lập CTCP Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo VinAI (VinAI) có vốn điều lệ là 425 tỷ đồng. VinAI có cùng trụ sở chính với VinES.

Về tình hình kinh doanh, quý II vừa qua, tổng doanh thu thuần của Vingroup đạt 38.451 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế tăng 34%, đạt 3.618 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 36,9% xuống 565,5 tỷ đồng, riêng lợi nhuận Công ty mẹ đạt 1.211 tỷ đồng, giảm 40,8%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 61.770 tỷ đồng, tăng 59%. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.403 tỷ đồng, tăng 4,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.433 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020, riêng Công ty mẹ mang về 3.305 tỷ đồng, tăng 33%.

So với kế hoạch kinh doanh đạt 170.000 tỷ đồng doanh thu và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Công ty mới hoàn thành 36,3% chỉ tiêu doanh thu và 31,8% chỉ tiêu lợi nhuận.

Ngày 18/8 tới đây, VIC sẽ chốt danh sách cổ đông dự kiến phát hành hơn 422,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ xấp xỉ 1.000:125 (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận xấp xỉ 125 cổ phiếu mới).

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/8, cổ phiếu VIC tiếp tục giảm nhẹ 0,2% xuống 113.100 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt hơn 3,2 triệu đơn vị.

Theo Baomoi.com

Hiểm họa từ trái phiếu doanh nghiệp không tài sản bảo đảm

Khi lãi suất tiền gửi tiền vay hạ thấp để hỗ trợ sản xuất thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trở thành ‘mồi nhử’ dòng tiền huy động từ nhà đầu tư và dân cư…

Sức hút trái phiếu doanh nghiệp không đến từ chất lượng kinh doanh, mà đến từ “mồi nhử” là lãi suất cao.

Mặc dù trái phiếu không tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm chính là cổ phiếu của mình nhưng hàng đẩy ra đến đâu hết đến đó. Đáng chú ý, một lượng lớn nằm trong tay ngân hàng và công ty chứng khoán.

“TAY KHÔNG” VẪN CÓ THỂ “BẮT GIẶC”

Theo báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2021, có 92 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 53.773 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, có 306 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 186.683 tỷ đồng, trong đó, có 293 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 177.098 tỷ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng giá trị 9.584 tỷ đồng.

Nguồn: Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Cuộc đua phát hành trái phiếu sát nút khi ngân hàng huy động được 68.113 tỷ đồng, bất động sản xếp vị trí thứ hai với tổng khối lượng 61.988 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trên thế giới, trái phiếu thường không có tài sản bảo đảm. Như tại Mỹ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường là doanh nghiệp lớn, có báo cáo tài chính rõ ràng, tình hình tài chính ổn định và có xếp hạng tín nhiệm.

Các nhà đầu tư sau khi nghiên cứu, phân tích báo cáo tài chính của nhà phát hành và xem xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, sẽ đưa ra quyết định. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với tình hình tài chính không mấy sáng sủa, không có xếp hạng tín nhiệm cũng huy động vốn thành công.

“Đáng lưu ý, trong tháng 6, có đến 72,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm. Trong nhóm trái phiếu bất động sản, 19,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm. Tính chung 6 tháng đầu năm, trong gần 62 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành, có khoảng 25,4% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu”.Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Trao đổi với VnEconomy, vị chuyên gia này phân tích “người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ mua trái phiếu vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu, nhầm tưởng trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh, nên đặt lòng tin. Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp duy trì lãi suất khá cao, có thể gấp đôi, gấp ba lãi suất tiền gửi ngân hàng, rất hấp dẫn với các nhà đầu tư ở Việt Nam”.

Đánh giá về vấn đề sử dụng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm khi phát hành trái phiếu, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích: cổ phiếu doanh nghiệp phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều khi giá cổ phiếu trồi sụt, tăng nóng rồi giảm mạnh. Đương nhiên khi doanh nghiệp khó khăn, giá cổ phiếu sẽ đi xuống, giá trị tài sản đảm bảo sẽ sụt giảm.

Nếu nhà đầu tư yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo chắc khó, vì lúc đó, doanh nghiệp chưa chắc đã có tài sản đảm bảo để bổ sung, hoặc hết cổ phiếu, hoặc hết tài sản cố định. Bởi vậy, theo ông Lực, nhà đầu tư cần phải tính toán kỹ, tùy khẩu vị rủi ro và khả năng chấp nhận rủi ro đến đâu để đưa ra quyết định đầu tư.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu chỉ có giá trị với hai điều kiện.

Thứ nhất, cổ phiếu của doanh nghiệp có giá trị thực trên thị trường. Nhà đầu tư cũng dễ dàng mua đi bán lại, chuyển nhượng giấy tờ có giá này.

Thứ hai, nhà đầu tư phải đảm bảo cổ phiếu của doanh nghiệp được chuyển nhượng cho nhà đầu tư dễ dàng như tài sản thế chấp. Tức là, số lượng cổ phiếu này phải đăng ký ở cơ quan lưu ký, được khoanh lại trở thành tài sản bảo đảm cho lượng trái phiếu phát hành sắp tới. Phải có tài liệu chứng thực, còn nếu doanh nghiệp tuyên bố chung chung, thì không có giá trị.

NÂNG LÃI SUẤT THÌ DÙ LỖ VẪN PHÁT HÀNH THÀNH CÔNG

Soi lại danh sách doanh nghiệp phát hành trái phiếu tháng 6 vừa qua, có những doanh nghiệp không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng, trong khi bức tranh tài chính không mấy khả quan, vẫn phát hành thành công.

Mới đây, chuỗi cầm đồ F88 phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu. Đây là lần thứ 7 trong năm 2021, doanh nghiệp này huy động thành công qua kênh trái phiếu riêng lẻ, nâng tổng giá trị huy động lên mức 700 tỷ đồng.

Được biết, tất cả các đợt phát hành tại F88 đều là các trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo, lãi suất neo ở mức 12% – 13%/năm. Nhìn vào hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của F88, năm 2020, chỉ số này đã tăng lên 2,31 lần từ mức 1,41 lần năm 2019, chủ yếu do tăng dư nợ trái phiếu. Về tình hình kinh doanh, năm 2020, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế chỉ đạt 44,8 tỷ đồng, hoàn thành được 12% kế hoạch cả năm.

Bên cạnh đó, nổi bật trong số đơn vị lấy cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho việc huy động trái phiếu phải kể đến Tiki. Tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Tiki vừa huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của doanh nghiệp được định giá “khủng” 602.838,5 đồng/cổ phiếu.

Tham gia tích cực vào cuộc đua “đốt tiền” cùng các đại gia thương mại điện tử, năm 2016 và 2017, Tiki báo lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng. Đến năm 2018, con số lỗ tăng đột biến lên hơn 750 tỷ và Tiki tiếp tục lỗ hơn 320 tỷ đồng trong năm tiếp theo.

Ngoài ra, nhiều ông lớn bất động sản nổi danh như Novaland cũng vừa phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, được đảm bảo bằng cổ phần NVL thuộc sở hữu của Novagroup. Về tình hình tài chính của Novaland, theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, tính đến cuối quý 2/2021, Novaland có nợ phải trả là 131,6 nghìn tỷ đồng, lớn gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu cùng thời điểm. Điểm lại, trong thời gian từ ngày 1/4 đến nay, cổ phiếu NVL liên tục tăng nóng trên thị trường. Từ mức giá 60.000 đồng/cổ phiếu, NVL đã tăng gấp đôi lên 121.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau 3 tháng, sau đó giảm gần 11% về mức 108.000 đồng khi chốt phiên ngày 5/8.

ẨN GIẤU NHIỀU RỦI RO, NGUY CƠ VỠ NỢ CAO

Trao đổi với báo giới gần đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Đồng thời, nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý việc các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào doanh nghiệp. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.

“Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhà đầu tư không có khả năng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, họ cũng không làm sao để kiểm soát được tình hình tài chính, sức khỏe của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng trả nợ. Chính vì vậy, ở Việt Nam, đầu tư trái phiếu rất rủi ro”.Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư khi mua trái phiếu phải nắm rõ, có hai loại bảo lãnh. Thứ nhất, bảo lãnh phân phối. Nghĩa là, nếu nhà phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua hết trái phiếu còn lại. Thứ hai, bảo lãnh thanh toán. Có nghĩa là nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay.

Tuy nhiên, các ngân hàng thường là bảo lãnh phân phối và chỉ hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu.

Ông Hiếu cũng lưu ý thêm, trái phiếu là công cụ nợ, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp không có quyền lực như ngân hàng. Bởi, khi ngân hàng cho vay, họ nắm giữ tài sản đảm bảo, đồng thời, có thể cử nhân viên đến từng quý, từng tháng để xem sổ sách, bảo đảm có nguồn trả nợ và giám sát kế hoạch sử dụng vốn doanh nghiệp.

Một điểm đáng lưu ý nữa, vị chuyên gia này cho biết, có những đơn vị phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. “Nhà phát hành dùng tiền đó biến nợ xấu thành nợ tốt, biến nợ cũ thành nợ mới, rất nguy hiểm. Trong trường hợp nhà đầu tư sau không tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp nữa, lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao”, ông Hiếu cảnh báo.

Theo Baomoi.com

Đề xuất quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Dự thảo nêu rõ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

a) Có thiệt hại xảy ra;

b) Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi xâm phạm là những hành vi (xử sự) trái pháp luật của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động;

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại, hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại;

d) Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác;

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Dự thảo cũng đề xuất nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự như sau:

Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tòa án phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự; phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:

a) Để xác định thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản tương xứng;

b) Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự;

c) Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây: Không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại; thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

Thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình, là người phải bồi thường chỉ có khả năng bồi thường tối đa 1/2 thiệt hại tính bằng tiền;

d) Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại…

đ) Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại là trường hợp người bị thiệt hại có lỗi một phần trong việc gây thiệt hại cho chính mình thì không được bồi thường đối với phần lỗi của mình gây ra

e) Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường phần thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình, có nghĩa là trường hợp người bị thiệt hại có thể biết, nhìn thấy trước và có đủ điều kiện để ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra.

Theo Baochinhphu.vn

Hà Nội: Truy tố đường dây chuyên làm giả giấy khám sức khỏe

Viện KSND TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố 8 bị can trong đường dây làm giả giấy khám sức khỏe của một số Bệnh viện và Phòng khám trên địa bàn TP Hà Nội.
Các bị can gồm Vũ Thị Chiến (tức Xuyến, SN 1972), Nguyễn Kim Phượng (SN 1982), Trần Đông Bình (SN 1961) cùng trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội)…

Cả 8 bị can bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2019, do biết các cá nhân cần giấy khám sức khỏe để đủ điều kiện tham gia học và dự thi, xin cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe các loại, Vũ Thị Chiến đã nhận làm giả hồ sơ khám sức khỏe cho khách hàng có nhu cầu.

Thông qua mạng internet, Chiến đặt mua các con dấu tròn, dấu chức danh của các bác sĩ thuộc một số Bệnh viện và Phòng khám trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chiến yêu cầu khách hàng phải cung cấp ảnh, bản chụp chứng minh nhân dân.

Sau đó, Chiến đóng dấu chữ ký hoặc tự ký tên các bác sỹ chuyên khoa vào nội dung khám, kết luận đủ sức khỏe và đóng dấu tròn của các Bệnh viện hoặc Phòng khám rồi chuyển lại cho khách hàng. Chiến bán cho khách mua với giá trung bình 30.000 đồng/1 bộ gồm 2 giấy tờ giả trên.

Chiến thuê Trần Đông Bình vận chuyển các giấy tờ giả trên giao cho các khách mua. Các khách mua giấy chứng nhận sức khỏe và phiếu xét nghiệm giả gồm Nguyễn Thị Hương, Phạm Thị Thắm, Lại Phú Lộc và một số đối tượng khác.

Vào ngày 12/10/2020, tại khu vực ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, Tổ công tác thuộc Phòng An ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội phát hiện Vũ Thị Chiến đang giao giấy tờ, tài liệu cho Nguyễn Thị Hương, thu giữ 115 bộ hồ sơ Giấy khám sức khỏe đã có kết luận của bác sỹ và ký đóng dấu Bệnh viện đa khoa Thăng Long.

Trong đó, có 15 bộ hồ sơ giấy khám sức khỏe cho người xin cấp đổi bằng lái xe đã dán ảnh và ghi đầy đủ thông tin, 100 bộ chưa có ảnh và thông tin người khám.

Xác minh tại Bệnh viện Đa khoa Thăng Long cho thấy, 15 người có tên trên 15 giấy khám sức khỏe kèm phiếu xét nghiệm (thu giữ khi Chiến và Hương đang giao nhận với nhau) đều không tham gia khám chữa bệnh tại Bệnh viện này.

Qua giám định, cơ quan điều tra cũng xác định, 115 giấy khám sức khỏe và 115 phiếu xét nghiệm đã có kết luận của bác sỹ và ký đóng dấu Bệnh viện đa khoa Thăng Long là giả.

Khám xét đối với chỗ ở của Vũ Thị Chiến, công an thu giữ thêm 128 giấy khám sức khỏe của người lái xe chưa ghi nội dung, đã được đóng dấu tròn Bệnh viện đa khoa Thăng Long, 1 con dấu tròn của Bệnh viện đa khoa Thăng Long, các giấy khám sức khỏe, máy tính, máy in và một số đồ vật, tài liệu liên quan khác.

Kết quả điều tra và kết luận giám định đã xác định Vũ Thị Chiến đã làm giả 1 con dấu, 332 Giấy khám sức khỏe và 168 phiếu xét nghiệm, hưởng lợi 7,5 triệu đồng. Hiện bị can đã tự nguyện nộp 20 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Chơi ở hành lang chung cư cũng là vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg

Hiện nay, nhiều gia đình thường lựa chọn sống ở những căn hộ chung cư bởi giá thành dễ chịu cùng không gian tương đối thân thiện, đặc biệt cho trẻ nhỏ.

Những ngày mưa, nắng lũ trẻ có thể nô đùa với nhau ở hành lang mỗi tầng nhà, hoặc chạy sang căn hộ bên cạnh chơi. Đặc biệt trong thời điểm Hà Nội giãn cách, việc trẻ con vẫn thường nô đùa, vận động ở hành lang là điều dễ thấy ở nhiều chung cư.

Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 17 của UBND TP. 

Chị Nguyễn Ngọc Lan (ở quận Long Biên) cho biết, mặc dù Hà Nội giãn cách, lũ trẻ không được ra ngoài chơi, nhưng những trò chơi cùng các bạn cùng tầng nhà nơi chị ở cũng phần nào giúp lũ trẻ không quá bức bối vì vài tháng bị… “nhốt” ở nhà. Tuy nhiên mới đây, chị được trưởng tầng thông báo, Ban quản trị tòa nhà truyền đạt đến các căn hộ những quy định mới được áp trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách. Trong đó có mục không đi bộ, tập thể dục kể cả vỉa hè trước nhà hoặc hành lang các tầng. Không để trẻ em tập trung nô đùa tại hành lang, bởi lẽ đã có trường hợp trẻ em bị lây nhiễm do tình trạng này.

“Trẻ em ở nhà đã quá lâu, chúng đã không được đến trường, giờ đến ra khỏi phòng cũng không được thì tôi thực sự lo lắng” – chị Lan nói. “Việc hạn chế lũ trẻ cả với không gian ở hành lang tầng mình sinh sống quả thực quá bức bí với chúng” – chị e ngại.

Đồng quan điểm với chị Lan, chị Thạch Ngọc Bích (ở quận Hai Bà Trưng) cho rằng, việc trẻ con ở nhà quá lâu không đến trường và hạn chế mọi hoạt động vui chơi sẽ khiến nhiều trẻ bức bối về tâm lý. Nếu để con giải tỏa bằng cách phụ thuộc vào tivi hoặc điện thoại thì ngoài việc tổn hại đến sức khỏe, còn ảnh hưởng đến trí não cũng như tinh thần của trẻ. Việc có khoảng không gian nhỏ để trẻ có thể giải phóng năng lượng như nô đùa với bạn bè ở hành lang phần nào giúp trẻ thoải mái và nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc khuyến cáo không để trẻ em nô đùa ở hành lang là cần thiết. Nhìn về khía cạnh pháp luật, theo quy định của Luật nhà ở, chung cư là căn hộ, thuộc sở hữu riêng. Cư dân có toàn quyền sử dụng, sinh hoạt đối với căn hộ, nhà ở của mình. Tuy nhiên các diện tích còn lại của chung cư như hành lang, nhà cộng đồng, sảnh, sân chung cư được tính là phần sở hữu chung. Đây là các diện tích công cộng.

Hiện thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT – TTg. Trong đó có nêu rõ, thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh… Người dân không ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài trong các trường hợp thực sự cần thiết.

Như vậy, việc trẻ em hoặc người lớn ra ngoài hành lang tập thể dục đã vi phạm Chỉ thị 16/CT – TTg. Về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, theo quy định, việc tập trung quá 2 người ở nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng (theo điểm c, khoản 3, điều 12, nghị định 117). Đây là hành vi vi phạm không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người. Lưu ý, sẽ xử phạt riêng từng người vi phạm tụ tập với mức phạt trên.

Theo Baomoi.com