Cần có chế độ, chính sách làm thêm giờ đối với Chấp hành viên

Trước tình trạng quá tải trong công việc, đặc biệt là đối với Chấp hành viên (CHV) ở những tỉnh, thành phố có lượng việc THADS lớn thì việc đưa ra định mức phù hợp cho CHV một cách khoa học đang là yêu cầu cấp bách.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ bình quân số việc THADS phải thi hành trên mỗi CHV cụ thể như sau: Năm 2018 là 222 việc, tương ứng với số tiền 43 tỷ đồng/CHV/năm; Năm 2019 là 232 việc, tương ứng với số tiền 66 tỷ đồng/CHV/năm; Năm 2020 là 216 việc, tương ứng với 72 tỷ đồng/CHV/năm. Nếu tính tỷ lệ bình quân số việc THADS mỗi CHV thụ lý mỗi năm trong 03 năm qua (từ năm 2018 đến hết năm 2020) là 223 việc (tương ứng với số tiền là 60 tỷ đồng/CHV/năm.

Thực trạng nêu trên đã đặt ngành THADS đang đứng trước sức ép rất lớn về tình trạng quá tải trong công việc, đặc biệt là đối với CHV ở những tỉnh, thành phố có lượng việc THADS lớn. Do đó, nghiên cứu để đưa ra định mức công việc phù hợp và làm căn cứ phân công công việc cho CHV một cách khoa học để tổ chức thi hành án có hiệu quả đang là yêu cầu cấp bách.

Để hoàn thiện quy định về định mức công việc đối với Chấp hành viên trước hết cần nghiên cứu và quy định “mức trần” công việc đối với mỗi CHV: Trong quá trình tổ chức thi hành án, pháp luật quy định rất nhiều trình tự, thủ tục yêu cầu CHV phải thực hiện nhưng vẫn chưa có kết quả đánh giá một cách chính xác, khoa học và cụ thể về khoảng thời gian cần thiết để CHV thực hiện hiệu quả mỗi trình tự, thủ tục thi hành án. Ngoài ra, khả năng mỗi ngạch CHV khác nhau (CHV cao cấp, CHV trung cấp, CHV sơ cấp) trung bình mỗi năm thi hành được bao nhiêu việc THADS (việc THADS đơn giản, phức tạp, trọng điểm, điển hình…) cũng khác nhau nên cần có sự khảo sát, đánh giá.

Cùng đó, hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan THADS cần được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng: sáp nhập những đơn vị có số lượng việc thi hành án nhỏ, ít để giảm sự cồng kềnh của tổ chức bộ máy, ngược lại, cần tăng biên chế nhằm bổ sung đủ cơ cấu vị trí việc làm, bổ sung cho những đơn vị bị cắt giảm nhiều biên chế trong 5 năm qua, đặc biệt là cho những đơn vị có việc THADS tăng cả về số lượng công việc, tính chất phức tạp và giá trị thi hành lớn.

Cần khảo sát thực tiễn tổng thời gian thực hiện mỗi quy trình thi hành án: Rà soát lại tổng thể thời gian cần thiết để thực hiện quy trình THADS hiệu quả, từ đó điều chỉnh số việc THADS mỗi CHV phải thi hành hàng năm, hàng tháng để bảo đảm tính khả thi. Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền, quyền hạn, trách nhiệm của CHV để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thiết thực, hiệu quả. Cần có sự tách bạch rõ ràng về mặt quy định liên quan đến quyền hạn của CHV và điều luật quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của CHV .

Bên cạnh đó, cần có chế độ, chính sách làm thêm giờ, ngoài giờ linh hoạt đối với CHV, đặc biệt là ở những đơn vị có số lượng việc THADS lớn khi cần phải tăng thời gian để giải quyết án ở những đơn vị trọng điểm, nhiều việc thi hành án phải thi hành. Đồng thời cần xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu bảo vệ CHV. Kiên quyết, quyết liệt xử lý những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của CHV, nhất là những hành vi cố ý khiếu nại, tố cáo sai sự thật, khiếu nại nhiều lần nhằm cản trở, kéo dài việc tổ chức thi hành án.

Từ những phân tích về thực trạng đội ngũ CHV, số biên chế được phân bổ và tổng số việc, tiền phải thi hành như đã nêu trên, cần chú trọng giải pháp về công tác tổ chức cán bộ như ưu tiên tăng biên chế cho Hệ thống THADS, tăng tỷ lệ CHV trong tổng số biên chế và điều chỉnh hợp lý tương quan tỷ lệ giữa các ngạch CHV, theo hướng cần tăng số lượng và tỷ lệ ngạch CHV cao cấp, bảo đảm mỗi Cục THADS có ít nhất từ 01 đến 02 CHV trở lên phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ thi hành án. Tăng cường công tác biệt phái, luân chuyển, điều động, …một cách hợp lý và phù hợp để CHV có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm, vững vàng hơn về chuyên môn nghiệp vụ. Cần nghiên cứu có chính sách đãi ngộ hợp lý về nhà ở, phụ cấp, nâng lương, nâng ngạch, quy hoạch, ưu tiên trong công tác bổ nhiệm đối với những CHV được luân chuyển, biệt phái. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CHV, coi đây là yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế, mâu thuẫn, bất cập và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung.

Theo baophapluat.vn

Giữa đại dịch, doanh nghiệp thực sự cần gì?

Doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành nghề gặp khó vì dịch bệnh liên tiếp lên tiếng ‘cầu cứu’ Chính phủ. Dù các bộ ngành đã tung hàng loạt giải pháp đồng bộ nhưng dường như chính sách vẫn chưa thấm kịp. Để có giải pháp căn cơ hỗ trợ họ, các chuyên gia cho rằng, phải cấp thiết xóa tình trạng địa phương mỗi nơi làm một kiểu, chính sách cần thiết thực, hiệu quả…

Đừng để mỗi nơi một kiểu

Dịch COVID-19 bùng phát lần 4, kéo dài 3 tháng qua gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều DN, hiệp hội ngành nghề phải lên tiếng “cầu cứu” Chính phủ. Gần đây nhất, việc lưu thông hàng hóa khó khăn khiến DN vận tải cả nước lao đao.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, định nghĩa “hàng hóa thiết yếu” đã và đang gây khó khăn cho các DN vận tải khi lưu thông qua chốt kiểm dịch. “Các đơn vị tại những chốt kiểm dịch chỉ nghe chỉ đạo của cấp trên trực tiếp. Trong khi đó, mỗi địa phương lại có một hướng dẫn khác nhau…” ,ông Quyền nói.

Dịch COVID-19 bùng phát lần 4, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Về việc thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm”, nhiều DN phản ánh bất cập, không thể kéo dài do DN phải gồng gánh quá nhiều khoản phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, thực hiện quy định chống dịch tại nhà máy. Trước tình trạng này, TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cơ quan quản lý cần bàn bạc DN liên kết, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để tiếp tục hoạt động, bảo vệ được người lao động.

Theo đó, các DN vận tải đề nghị Chính phủ chấp thuận việc ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông, thay vì ban hành danh mục hàng hóa được phép ưu tiên như hiện nay. Ngoài ra, việc khai báo y tế cần có sự chỉ đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, ứng dụng công nghệ để hoàn thành nhanh hơn. “Nếu việc khai báo chưa ứng dụng được công nghệ, thì phải có một văn bản nhất quán. Theo quy định hiện hành, các lái xe phải có giấy xét nghiệm COVID-19 (như giấy thông hành) và cứ 3 ngày phải xét nghiệm (test) 1 lần. Thế nhưng tại địa điểm test rất đông người, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chúng ta muốn bảo vệ người lái xe nhưng lại đẩy họ vào chỗ có nguy cơ lây nhiễm cao. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi rất mong muốn được Chính phủ cho phép mua các bộ test COVID-19 nhanh”, ông Quyền đề xuất.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, vừa qua, một số địa phương lo không đúng kiểu, chặn vận tải, ảnh hưởng đến lưu thông trong nền kinh tế. “Nguyên tắc đã được lãnh đạo Chính phủ định hướng rõ: Lưu thông từ đầu đến cuối. Theo đó, việc kiểm tra cần phối hợp giữa Trung ương với địa phương, đừng “dồn” các tỉnh vừa lo chống dịch, vừa lo đảm bảo lưu thông hàng hóa. Các tuyến lưu thông quốc gia phải rõ ràng, tổ chức phòng chống dịch ở cơ sở, địa phương cần thống nhất với nhau”, ông Thiên phân tích.

Hỗ trợ phải thực chất

Tuần qua, có hiện tượng lạ nổi lên là một DN chế biến thủy sản phía Nam có văn bản từ chối việc được ngân hàng hạ lãi suất khoản vay trong ngắn hạn. Lý do DN này đưa ra là mức hạ thấp, thời gian ngắn trong khi hồ sơ thủ tục phức tạp. DN đang bận lo sản xuất, không tiện bố trí đi lại nên xin không nhận khoản lợi do ngân hàng hạ lãi suất. Đây là hiện tượng hi hữu.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho biết, ngoài khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất trước quy định phòng dịch, các DNNVV gặp khó khăn lớn về vốn. “Doanh thu của DN giảm, các khoản nợ cũ nên được khoanh lại, cho nộp sau và không tính lãi phần nộp chậm. Các loại thuế, phí, Bộ Tài chính có nêu sẽ đề xuất giảm cho DN nhưng lần này hy vọng làm quyết liệt. Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có chỉ đạo rà soát những khó khăn của DN, giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với cả doanh nghiệp thuộc ngành du lịch, khách sạn, vận tải…”, ông Quốc Anh nói.

Hiệp hội nhiều ngành hàng cũng kiến nghị NHNN xem xét tăng hạn mức tín dụng cho DN do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều tăng, khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo cho nhập hàng.

Về hỗ trợ cho DN thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất. Theo đó, cần có mức giảm cụ thể để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết. Từ khi dịch bùng phát đến nay, theo thống kê sơ bộ, các DN đã được giảm tổng cộng 18.830 tỷ đồng lãi vay cả cũ và mới. Ngoài ra, sau 2 tuần hoàn thiện cơ chế của khoản tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) làm nguồn vốn cho vay, đến nay, 150 tỷ đồng đã được giải ngân.

Ông Trần Đình Thiên đánh giá, các chỉ đạo của Chính phủ vừa qua đúng hướng, đảm bảo lưu thông kinh tế, thể hiện quyết tâm sớm mở cửa trở lại. Tuy nhiên, để làm được điều nay, Chính phủ phải giải quyết nhiều vấn đề, không để các biện pháp hành chính rối rắm làm “loạn” chỉ đạo. Theo ông Thiên, Việt Nam cần có cách tiếp cận, nhìn nhận về dịch bệnh khoa học, phù hợp với thế giới. “Số người đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 tăng dần, việc đi lại không thể quản lý như hiện nay. Tiêm càng nhiều, lưu thông xã hội càng nhiều, bài toán đặt ra là làm sao mở cửa được nền kinh tế sớm nhất. Việc xác nhận thủ tục cần tích cực hơn, như hiện nay vẫn còn chậm”, ông Thiên nói.

Theo Baomoi.com

Triển khai gói hỗ trợ: Đừng gây khó cho dân

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đề nghị, phải coi hiệu quả và tiến độ giải ngân gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là tiêu chí đánh giá năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, cũng như người đứng đầu địa phương.

Nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi từ gói hỗ trợ, một số địa phương đã đưa ra nhiều quy định ràng buộc, như ở Hà Nội, người dân muốn nhận tiền hỗ trợ phải có giấy xác nhận hai chiều. Quy định này có vẻ chặt chẽ, nhưng lại gây rất nhiều khó khăn cho người dân, thưa ông?

Rút kinh nghiệm từ lần trước, việc triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng đã cải tiến, loại bỏ khá nhiều thủ tục, để thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì lo tiền hỗ trợ không đúng đối tượng, để tránh gian lận, có địa phương đặt ra những quy định quá chặt chẽ, gây phiền hà, khó khăn khi thực hiện.

Việc quán triệt tinh thần chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên quy trình, thủ tục như vậy rất phiền hà, nhiêu khê. Người dân phải đi lại trong điều kiện dịch bệnh như vậy là không phù hợp.

Như báo chí phản ánh ở Hà Nội, quy định phải có xác nhận hai đầu, không chỉ nơi đang làm việc, sinh sống mà còn phải có xác nhận ở quê. Việc quán triệt tinh thần chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên quy trình, thủ tục như vậy rất phiền hà, nhiêu khê. Người dân phải đi lại trong điều kiện dịch bệnh như vậy là không phù hợp.

Đặc biệt, Hà Nội hiện đang thực hiện quy định giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, chỉ ra đường trong những trường hợp thật cần thiết. Ngay cả đi chợ còn phải phát phiếu đến từng hộ gia đình, kèm theo chứng minh thư mới đi được. Như vậy, việc phải có giấy xác nhận ở quê không phù hợp. Đồng thời gây chậm trễ tiến độ cứu trợ, không đạt được mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, nên cần điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Vậy theo ông, các địa phương cần quy định như thế nào cho phù hợp nhất, vừa đảm bảo hỗ trợ nhanh, kịp thời, cũng vừa không để bị trục lợi, thất thoát?

Theo tôi vẫn có nhiều cách làm cho phù hợp và hiệu quả, vừa nhanh gọn, chặt chẽ, đúng đối tượng, vừa tránh lợi dụng, thất thoát. Muốn vậy, địa phương có thể yêu cầu người lao động phải cam kết, nếu sai phạm, sau này khi kiểm tra, rà soát, phát hiện ra gian lận thì không chỉ thu hồi mà sẽ áp dụng chế tài xử phạt ở mức cao. Đi kèm với đó, phải đẩy mạnh hơn khâu hậu kiểm bằng các cơ chế, tổ chức khác nhau cả ở quê quán và nơi sinh sống. Chỉ như vậy chúng ta mới giải ngân nhanh, kịp thời, hiệu quả gói hỗ trợ cho người dân.

Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác đang thực hiện các giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết, trước hết. Để đạt được điều đó, chúng ta đã phải hi sinh một phần mục tiêu kinh tế. Dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm, không có thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, lao động ngoại tỉnh đổ về các thành phố lớn, phải thuê nhà, nuôi con, gánh chịu đủ các loại chi phí nên càng bộn bề khó khăn. Việc cứu trợ có thể không nhiều, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nếu triển khai hỗ trợ đúng thời điểm cũng có ý nghĩa lớn với người lao động lúc này.

Với tính cấp thiết này, theo ông, có cần đưa ra một chế tài cụ thể nào đó cho chính cán bộ địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ này?

Rõ ràng việc làm chậm trễ gói cứu trợ không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, bức xúc trong xã hội. Khắc phục điều này, có lẽ phải đưa ra tiêu chí cụ thể cho các địa phương. Tránh tình trạng vì sợ trách nhiệm mà quy định cứng nhắc, gây phiền hà cho người dân.

Việc làm chậm trễ gói cứu trợ không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, bức xúc trong xã hội.

Theo tôi, cần phải giao cho địa phương chịu trách nhiệm về hai việc: không chỉ thực hiện đúng đối tượng, mà đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc triển khai nhanh, kịp thời gói hỗ trợ. Cần coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. Đặc biệt, phải coi đó là chỉ tiêu đánh giá năng lực của người đứng đầu địa phương. Có như vậy mới đảm bảo được tính hiệu quả, kịp thời trong thực hiện chính sách.

Theo Baomoi.com

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại Tòa án

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương vừa lưu ý người tiêu dùng khi giải quyết tranh chấp nghĩa vụ hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại Tòa án.

Nội dung đề nghị cung cấp chứng cứ gồm những gì?

Gần đây, một số Tòa án các cấp gửi công văn đề nghị Cục CT&BVNTD cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan đến tranh chấp giữa người tiêu dùng và DN kinh doanh bất động sản về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ký giữa các bên (loại hợp đồng theo mẫu). Phòng Kiểm soát hợp đồng theo mẫu cho biết, nội dung đề nghị cung cấp chứng cứ thường bao gồm: Thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư của DN tại Cục CT&BVNTD; Bản hợp đồng mua bán căn hộ chung của DN (hợp đồng theo mẫu) được Cục CT&BVNTD thông qua (nếu có); Các kiến nghị của Cục đối với Tòa án về việc thụ lý vụ án, giải quyết tranh chấp.

Khác với các loại hợp đồng hình thành từ sự thương lượng trực tiếp, riêng lẻ của các bên, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư trong các công văn đề nghị cung cấp chứng cứ của Tòa án là loại hợp đồng theo mẫu (hợp đồng do bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để ký kết với người tiêu dùng). Do xuất phát từ yếu tố đơn phương, trong nhiều trường hợp, các chủ thể kinh doanh sử dụng loại hình hợp đồng này như một cách khai thác lợi ích và đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng. Theo đó, việc cung cấp tài liệu chứng cứ của Cục trong trường hợp này giúp Tòa án có thêm cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng theo mẫu.

Những lưu ý khi giao kết

Dưới góc độ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD lưu ý những nội dung sau đây liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, và điều kiện giao dịch chung thuộc thẩm quyền xem xét của Tòa án trên cơ sở khởi kiện của người tiêu dùng:

Hãy xem xét tính hiệu lực của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng và điều kiện giao dịch chung về mặt nội dung. Cụ thể tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Luật BVQLNTD) quy định 9 trường hợp các điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực, bao gồm: Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng; Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng; Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ;

Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau; Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua bên thứ ba; Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình; Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý.

Theo Điều 16 áp dụng cho hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, không giới hạn phạm vi hay đối tượng áp dụng. Theo đó, nếu có điều khoản trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung rơi vào một trong 9 trường hợp nêu trên, người tiêu dùng có thể khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu nội dung tương ứng.

Người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin về các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được thông qua trên trang thông tin điện tử của các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc liên hệ trực tiếp để biết thêm thông tin chi tiết.

Theo Baomoi.com

Kẻ giết người phân xác đối mặt với hình phạt nào?

Theo luật sư Nguyễn Hào Hiệp, Đoàn cùng lúc phạm 3 tội giết người, cướp tài sản, xâm phạm thi thể nạn nhân nên có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội, đang tạm giữ hình sự Vương Văn Đoàn (30 tuổi, ở xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa) để làm rõ hành vi Giết người và Cướp tài sản.

Theo cảnh sát, vì muốn cướp tài sản, Đoàn đã giết anh N.T.Đ. (39 tuổi, ở cùng xã). Sau đó, Đoàn phân xác nạn nhân làm hai, nhét các phần thi thể vào hai ống cống trong trang trại hòng phi tang.

Theo dõi vụ án, luật sư Nguyễn Hào Hiệp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành, nhận định hành vi phạm tội của Đoàn rất tàn nhẫn, cùng một lúc xâm hại nhiều khách thể của con người mà pháp luật bảo vệ gồm tính mạng, thi thể và tài sản.

Nghi phạm Vương Văn Đoàn. 

Với hành vi nghiêm trọng nhất là sát hại anh Đ. bằng dao, Đoàn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người, quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như: Có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (ở vụ án này là cướp tài sản và phi tang xác – PV); Thực hiện phạm tội một cách man rợ…

Luật sư Hiệp nhận định với tội Giết người, hình phạt mà nghi phạm sẽ phải đối mặt là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo lời khai của Đoàn, sau khi giết người, anh ta đã lấy hơn 20 triệu đồng của nạn nhân. Với hành vi này, luật sư Nguyễn Hào Hiệp cho hay nghi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản. Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự, người bị kết tội Cướp tài sản sẽ đối mặt với hình phạt tối thiểu 3 năm và tối đa là tù chung thân.

Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành cho biết, Đoàn sẽ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, khi có hành vi phân xác của nạn nhân.

Cụ thể, luật sư trích dẫn Điều 319 Bộ luật Hình sự, cho biết nghi phạm trong vụ án sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu bị kết tội.

“Nghi phạm cùng lúc phạm các tội là Giết người, Cướp tài sản và Xâm phạm thi thể của nạn nhân với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì có thể sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình”, luật sư Hiệp nhận định.

Trên đây là những chia sẻ, quan điểm của Luật sư Nguyễn Hào Hiệp về hình phạt đối với tội phạm của Vương Văn Đoàn.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

 

 

Thủ tướng yêu cầu khắc phục ngay tình trạng kén chọn vaccine

Thủ tướng đề nghị tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần: Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.

Sáng 15-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 và sơ kết một tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại một số địa phương.

Thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở đó”

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình dịch COVID-19 cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng nhắc lại đây là ưu tiên số một trên phạm vi cả nước trong lúc này và cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16: Ưu tiên cho công tác chống dịch nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch. Nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, phải tiếp tục rà soát để làm tốt hơn. “Lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu cao nhất, dứt khoát phải quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả và gần dân, bám sát dân” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Cần tranh thủ thời gian vàng “giãn cách” để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan rộng nên phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng.

Nhập viện trước, làm thủ tục sau

Liên quan đến việc thực hiện chủ trương “bốn tại chỗ”, Thủ tướng nhấn mạnh Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 tạo điều kiện tối đa về quy trình, thủ tục về đầu tư, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch.

Do vậy, lãnh đạo địa phương phải kịp thời triển khai mua sắm, bảo đảm điều kiện phòng chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của trung ương. Thủ tướng chia sẻ điều này không có nghĩa là trung ương “bỏ mặc”, trung ương vẫn phải lo nguồn dự trữ để hỗ trợ khi các địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần là phải chủ động, mỗi cấp, mỗi ngành theo chức năng, vị trí, vai trò của mình để thực hiện nhiệm vụ, việc của ai người đó phải lo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ sở điều trị (kể cả bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân) phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, ôxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế. Đặc biệt lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết).

“Chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này” – Thủ tướng nói.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau. Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế…

Người dân được tiêm vaccine Vero Cell tại một điểm tiêm ở quận 1, TP.HCM. 

Nên bao phủ vaccine cho người trên 50 tuổi

Để giảm tỉ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể như ưu tiên tiêm, bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi…

Xử lý ngay hành vi tiêu cực trả tiền để được tiêm vaccine

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần: Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong khi đang rất khan hiếm vaccine và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vaccine như trả tiền để được tiêm…

Trong thực hiện giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86, Thủ tướng yêu cầu đối với từng vùng có nguy cơ rất cao, phải tiếp tục giãn cách xã hội theo phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn yêu cầu tại Chỉ thị 16.

Tiếp tục phong tỏa chặt, cô lập, thu hẹp các vùng có nguy cơ, đặc biệt vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ); giữ vững, củng cố, mở rộng vùng xanh an toàn; đối với vùng xanh có thể giảm nhẹ các yêu cầu giãn cách (áp dụng Chỉ thị 15), song dứt khoát phải kiên trì các biện pháp như 5K, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Thủ tướng nhắc lại việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu. Lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt. Vaccine là chiến lược nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết…

Nghiên cứu kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tổ chức năm học mới phù hợp tình hình, nghiên cứu kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh.

Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo triển khai nhanh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, kịp thời cập nhật đối tượng cần hỗ trợ; nghiên cứu, mở rộng mô hình túi an sinh của TP.HCM.

Chính phủ thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do COVID-19.

Theo Baomoi.com

Công ty không đóng BHYT, người lao động có được tự đóng?

Câu hỏi: Công ty phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Tôi làm việc cho một công ty xây dựng được hơn sáu năm. Hơn một năm nay, công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động (NLĐ).

Xin hỏi, trường hợp công ty không đóng BHYT, tôi có thể tự đóng BHYT theo hộ gia đình được không? Nếu tôi không tự đóng được thì công ty có trả tiền khi tôi tự đi khám chữa bệnh?

Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Tại khoản 3 Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Theo đó, người sử dụng lao động phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.

Người sử dụng lao động cũng phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả khi đi khám chữa bệnh trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Như vậy, trong trường hợp này, bạn không thể tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình do còn ràng buộc hợp đồng với công ty (thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm NLĐ và người sử dụng lao động đóng). Đồng thời, nếu trong thời gian bạn không có BHYT mà đi khám bệnh thì công ty phải trả những khoản chi phí theo mức BHYT được hưởng.

Theo PLO.vn

Ngân hàng cẩn trọng nguy cơ “hợp đồng bị vô hiệu”

Mới đây, vào tháng 8/2021, TAND tối cao có công văn số 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có việc hợp đồng thế chấp bị vô hiệu.

Thực tiễn, trong quá trình xét xử các vụ án kinh doanh thương mại xảy ra rất nhiều tình huống như chủ tài sản gian dối trong hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, hoặc giả mạo chữ ký, không thông báo với các đồng sở hữu… dẫn đến nguy cơ ngân hàng bị “vuột mất” tài sản đảm bảo.

Đơn cử vào cuối tháng 7/2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét phúc thẩm vụ việc hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa vợ chồng bà Ngô Thị L. và Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn liên quan diện tích đất hơn 400 m2 ở huyện Đông Anh, Hà Nội.

Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trên được xác định là có dấu hiệu giả tạo vì che giấu thỏa thuận vay tiền giữa chồng bà L. và ông Vũ Thanh S. Bởi lẽ sau đó, vợ chồng bà L. vẫn quản lý và sinh hoạt trên thửa đất này.

Mặt khác, sau khi nhận chuyển nhượng, ông Vũ Thanh S. làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đem thế chấp nhà đất trên tại NCB để vay tiền.

Do hợp đồng chuyển nhượng là giả tạo nên tòa án đã tuyên bố hủy bỏ hợp đồng này.

Trong vụ án này, Ngân hàng NCB đã nhận thế chấp tài sản trên để đảm bảo hợp đồng tín dụng. ngân hàng cho rằng đã thực hiện thẩm định tài sản theo đúng quy trình và đăng ký giao dịch đảm bảo. Ngân hàng xác định là “bên thứ ba ngay tình”. Tòa sơ thẩm không đồng tình với quan điểm này và tuyên bố hợp đồng thế chấp cũng bị vô hiệu.

Quá trình xét xử phúc thẩm, lời khai của các bên cho thấy nguyên đơn khởi kiện chỉ yêu cầu về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng, không đề cập đến hợp đồng thế chấp. Do tòa sơ thẩm xét xử vượt yêu cầu khởi kiện nên tòa phúc thẩm quyết định hủy nội dung này để giao cho tòa sơ thẩm giải quyết lại theo đúng thẩm quyền.

Theo TAND tối cao, trường hợp chuyển nhượng nhà đất có dấu hiệu gian dối, ví dụ như ông A. làm giả mạo chữ ký của bà B. (vợ ông A). Sau khi chuyển nhượng, vợ chồng ông A. vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất mà sau đó bên C. dùng tài sản này để thế chấp khoản vay tại ngân hàng thì giao dịch thế chấp cũng bị vô hiệu.

Tòa án tối cao giải thích, theo Điều 123 BLDS năm 2015 quy định: “giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, ngân hàng không thẩm định, xác minh nên không biết việc vợ chồng ông A. vẫn quản lý, sử dụng nhà đất hoặc đã thẩm định nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh vợ chồng ông A. biết việc thế chấp tài sản này.

Trong trường hợp này, ngân hàng không phải là người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2, Điều 133 BLDS năm 2015.

Nguy cơ “hợp đồng bị vô hiệu toàn phần”

Gần đây, qua một số vụ việc cho thấy, thậm chí trường hợp ngân hàng không có lỗi trong thẩm định tài sản nhưng nguy cơ hợp đồng bị vô hiệu luôn hiện hữu.

Vừa qua, TAND TP tỉnh Hưng Yên xem xét tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank và Công ty TNHH Thương mại Trường Thịnh Hưng Yên. Năm 2016, Vietinbank nhận thế chấp nhà đất của bên thứ ba mang tên cụ Nguyễn Thị Soạn (ở Hưng Yên) để đảm bảo cho khoản vay 8 tỷ đồng của Công ty Trường Thịnh.

Sau khi khoản vay đã quá hạn, ngân hàng mới phát hiện việc cụ Nguyễn Thị Soạn đứng ra ký kết hợp đồng thế chấp nhưng các con của cụ Soạn hoàn toàn không được biết. Nhà đất trên lại là tài sản thừa kế nên còn có những người thừa kế khác có quyền ngang nhau khi định đoạt tài sản.

Bà Soạn có hợp đồng ủy quyền của những người thừa kế nhưng khi xác minh thì có một chữ ký bị giả mạo.

Do không biết việc thế chấp tài sản nên từ năm 2017 – 2018, các con cụ Soạn đã xây dựng thêm một số công trình trên đất.

Tòa án cũng xác định chủ tài sản có lỗi làm cho giao dịch thế chấp bị vô hiệu. Về phía ngân hàng đã chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngân hàng không buộc phải biết hợp đồng ủy quyền có chữ ký giả mạo. Trường hợp này ngân hàng không có lỗi.

Tuy nhiên, do hợp đồng thế chấp vi phạm điều cấm nên tòa án vẫn tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ngân hàng phải hoàn trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ tài sản. Vì gây thiệt hại cho ngân hàng nên chủ tài sản phải chịu nghĩa vụ bồi thường.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Đại gia tuần qua: GĐ siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ hứa tặng quà to khi về đội

Siêu doanh nghiệp của CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh hứa hẹn những lợi ích khủng khi làm đại diện kinh doanh của công ty.

Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng hứa sẽ tặng quà to

Theo văn bản ban hành gần đây nhất về chính sách đại diện kinh doanh, CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (AIG), siêu doanh nghiệp có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh điều hành, công bố hàng loạt chính sách ưu đãi đối với các đại diện kinh doanh khi tìm được khách hàng ký kết hợp đồng.

CEO GAB Group Nguyễn Vũ Quốc Anh.

Theo đó, ngoài việc được sử dụng miễn phí gói dịch vụ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) USG sau khi đăng ký tham gia, người đại diện kinh doanh được hưởng hoa hồng 20.000 đồng trên mỗi doanh nghiệp họ giới thiệu thành công.

Người đại diện kinh doanh mặc định được hưởng 1% trên tổng giao dịch phát sinh tại khu vực quản lý với tổng tiền cao nhất là 10 tỷ đồng/tháng.

Đáng chú ý, người đại diện kinh doanh sẽ được công ty tặng 10.000 cổ phần cổ tức ưu đãi, mệnh giá 25.000 đồng/cp ghi nhận trên hệ thống sàn USG, tức tổng giá trị cổ tức là 250 triệu đồng.

“Vua thép” muốn tăng sản lượng trứng gà lên 1 triệu quả/ngày

Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long) vừa công bố sản lượng trứng gà tiêu thụ vào khoảng 750.000 quả/ngày và dự kiến gia tăng sản lượng lên 950.000 – 1 triệu quả/ngày vào cuối năm nay.

Hòa Phát đang cung cấp trứng gà vào hơn 100 siêu thị, cửa hàng tại Hà Nội. Trong đó tập đoàn bán 30.000 quả trứng vào toàn bộ hệ thống siêu thị VinMart, 15.000 quả/ngày vào siêu thị Coop Mart, khoảng 12.000-15.000 quả mỗi ngày vào 18 siêu thị và 40 cửa hàng tiện lợi của BR…

Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long muốn tăng sản lượng trứng gà lên 1 triệu quả/ngày.

Ngoài Hà Nội, tập đoàn này cho biết sản phẩm trứng gà còn có mặt tại một số siêu thị ở Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, nhà hàng, khách sạn lớn, các khu công nghiệp… Bên cạnh đó, công ty có hệ thống nhà phân phối và đại lý rộng khắp miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên.

Công ty Gia cầm Hòa Phát hiện cũng đang đẩy mạnh sản lượng cung cấp trứng cho các nhà sản xuất bánh kẹo nhằm đáp ứng nhu cầu mùa Trung Thu 2021 và các dịp lễ cuối năm. Gà giống của Hòa Phát được nhập khẩu từ Anh, Australia.

CEO Quốc Cường Gia Lai cho công ty mượn gần 100 tỷ đồng

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai hơn 9.900 tỷ đồng. Nợ phải trả là gần 5.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngân hàng chỉ chiếm gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại mượn hơn 800 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân liên quan và hạch toán vào khoản phải trả.

Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai mượn của Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan 97 tỷ đồng. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cũng cho công ty của mẹ mượn 11 tỷ đồng.

Song song đó, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai Lại Thế Hà cùng con gái Lại Thị Hoàng Yến cho công ty mượn tổng cộng hơn 120 tỷ đồng.

Bên cho Quốc Cường Gia Lai mượn tiền nhiều nhất là Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc với 423 tỷ đồng. Kế đó là Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia cho mượn 153 tỷ đồng. Đây đều là 2 doanh nghiệp liên kết Quốc Cường Gia Lai đang đóng vai trò cổ đông lớn.

Đất Xanh có Giám đốc Tài chính mới

Ngày 12/8, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) đã có quyết định bổ nhiệm Giám đốc Tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, ông Dương Văn Bắc sẽ giữ chức vụ Giám đốc Tài chính của Đất Xanh kể từ ngày 12/8.

Trước đó, vào ngày 6/7, HĐQT Đất Xanh đã thông qua việc chỉ định ông Dương Văn Bắc làm Thư ký HĐQT của doanh nghiệp thay thế cho ông Hà Đức Hiếu.

Hồi tháng 3, tại Nghị quyết góp vốn thành lập công ty con, Đất Xanh đã thông qua việc góp 160 tỷ đồng để thành lập CTCP Đất Xanh E&C, đồng thời ủy quyền người đại diện toàn bộ cổ phần của Đất Xanh tại Đất Xanh E&C cho ông Dương Văn Bắc.

Trong quý II/2021, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 3.563 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái và đạt đỉnh doanh thu kể từ khi doanh nghiệp niêm yết vào năm 2009, tính theo quý.

Gelex của đại gia 8x Nguyễn Văn Tuấn dùng 21 triệu cổ phần PXL làm tài sản đảm bảo huy động trái phiếu

Sở Giao dịch Chúng khoán Hà Nội vừa công bố kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ của CTCP Tập Đoàn Gelex với tổng trị giá là 300 tỷ đồng nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, bổ sung vốn lưu động.

Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có đảm bảo bằng tài sản. Lãi suất cố định cho tất cả các kỳ là 8,5%/năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần.

Các tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên gồm hơn 21 triệu cổ phần tại CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Mã: PXL) thuộc quyền sở hữu của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam và CTCP Hạ tầng Gelex và/hoặc bên thứ ba khác.

18 triệu cổ phần tại CTCP Thiết bị điện Gelex thuộc quyền sở hữu của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam; và các quyền lợi phát sinh từ các cổ phiếu nêu trên (cổ tức, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu do chia tách,…). Tổng giá trị của tài sản bảo đảm là gần 460 tỷ đồng.

Theo Baomoi.com

Thế Giới Di Động giảm phân nửa cổ tức vì dịch bệnh

Đứng trước rủi ro dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, MWG đã thực hiện giảm tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ 10% xuống còn 5%.

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa thông báo quyết định thay đổi tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt dựa trên kết quả kinh doanh năm 2020. Việc thay đổi này là nhằm ưu tiên đảm bảo dòng tiền kinh doanh trong bối cảnh rủi ro dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp.

Tỷ lệ chia cổ tức mới là 5% (mỗi cổ phiếu được nhận 500 đồng), giảm phân nửa so với con số 10% được thông qua hồi đầu tháng 7. Với hơn 475 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền dự chi trong đợt này là 237 tỷ đồng.

Ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2020 là ngày 31/8, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 30/8. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền dự kiến là 13/9.

MWG chủ đông giảm phân nửa cổ tức vì rủi ro dịch bệnh kéo dài. 

Bên cạnh chia tiền mặt, tập đoàn cũng có kế hoạch phát hành gần 237,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ phân phối 50%. Vốn điều lệ doanh nghiệp dự kiến tăng lên 7.131 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận giữ lại theo BCTC kiểm toán năm 2020.

Năm ngoái, Đầu tư Thế Giới Di Động ghi nhận mức lãi sau thuế tăng nhẹ 2%, đạt mức kỷ lục 3.920 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, tập đoàn này còn 10.390 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, MWG công bố doanh thu thuần tăng 12% đạt 62.487 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu về 2.552 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Năm 2021, tập đoàn bán lẻ này đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu thuần là 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 21% so với kết quả năm 2020. Với kết quả trên, mục tiêu lợi nhuận đã đạt tiến độ gần 54% kế hoạch năm.

Đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động đáng kể lên hoạt động của tập đoàn này. Trong đó chuỗi bán lẻ công nghệ gặp khó khăn khi có gần 2.000 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch hoặc hạn chế bán hàng tại cuối tháng 7, trong khi đây là mảng trụ cột đem lại lợi nhuận chính.

Trước khó khăn từ giãn cách, MWG cho biết đã nhanh chóng kích hoạt những biện pháp kiểm soát chi phí để đảm bảo dòng tiền kinh doanh bao gồm đàm phán giảm giá thuê mặt bằng; triển khai chính sách điều chỉnh thu nhập của nhân viên theo nguyên tắc thu nhập càng cao thì điều chỉnh giảm càng nhiều, điều chuyển nhân sự giữa các chuỗi để tối ưu năng suất lao động, chuẩn bị các phương án bán hàng khi dịch được kiểm soát.

Ngược lại mảng bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh được hưởng lợi đáng kể nhờ nhu cầu mua hàng thiết yếu của người dân tăng đột biến. Doanh thu nửa đầu năm nay tăng trưởng đến 42%, dù vậy mảng kinh doanh này vẫn đang ghi nhận lỗ ở cấp độ công ty. Lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng chuỗi bán lẻ sẽ có lãi EBITDA ở cấp độ công ty vào cuối năm nay và thực sự có lãi vào năm 2022.

Theo Baomoi.com

Từ 15/8, người đang cư trú ở Hà Nội có thể đăng ký trở về quê với người thân

Từ 15/8, những người đang sống và làm việc tại Hà Nội mà có nhu cầu, nguyện vọng trở về quê hoặc những người có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội nhưng đang tạm trú ở địa phương khác… có thể đăng ký với Công an phường, xã sở tại để được hỗ trợ, đưa đón, bàn giao.

Trong công văn 6017/CAHN-PV01-PC06 của Công an TP Hà Nội gửi các Trưởng công an huyện, thị xã trên địa bàn, nêu rõ:

Các trường hợp người dân sinh sống và làm việc tại thành phố Hà Nội có nhu cầu, nguyện vọng trở về quê; người dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nhưng đang tạm trú tại các địa phương khác và có nhu cầu cấp thiết, có nguyện vọng trở về Hà Nội (thông qua gia đình, người thân…) thì có thể liên hệ, đăng ký với Công an xã, phường, thị trấn để Công an Thành phố tập hợp đề xuất phương án hỗ trợ đón người dân từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội; đưa người dân trở về các địa phương khác và bàn giao cho chính quyền địa phương nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Công an TP Hà Nội cho biết, sở dĩ phải rà soát, lên danh sách và “hộ tống” người dân có nhu cầu trở về quê, trở lại Hà Nội là để tránh tình trạng người dân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân về địa phương nơi cư trú, không đảm bảo yêu cầu về kiểm soát phòng, chống dịch.

Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, Công an Thành phố yêu cầu các địa phương triển khai với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc.

Theo Baomoi.com

Nghị định 67 của Chính phủ: Phân cấp mạnh hơn trong xử lý tài sản công

Nhiều quy định quan trọng mang tính phân cấp trong sắp xếp lại, xử lý tài sản công vừa được nêu trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ- CP ngày 31/12/2017. Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Liên quan đến những vướng mắc hiện hành trong sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định 67 quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Đặc biệt, Nghị định 67 có quy định phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng phân cấp mạnh hơn như: các Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt phương án đối với nhà, đất do doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III; quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) quyết định thu hồi (trước đây theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP là Bộ Tài chính quyết định đối với các trường hợp này). Vì vậy, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sẽ nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Việc xử lý chuyển tiếp được quy định rõ, cụ thể; góp phần giải quyết vấn đề đang đặt ra trong việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được phê duyệt trước ngày Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có hiệu lực; đặc biệt là các nhà, đất phê duyệt theo phương án chuyển nhượng, chuyển mục đích có nhiều dự án đang dừng hoặc chậm triển khai thực hiện do có vướng mắc phát sinh.

Nghị định 67 quy định rõ nhóm nhà, đất nào phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; nhóm nhà, đất nào không phải thực hiện do đã được điều chỉnh cụ thể tại các văn bản pháp luật khác như luật đất đai, luật nhà ở. Cùng đó về đối tượng đã quy định rõ hơn đối với nội dung “ … công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ” cụ thể là các doanh nghiệp cấp I, cấp II, cấp III đều phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Quy định này, một mặt thống nhất với Luật doanh nghiệp năm 2020; mặt khác để phù hợp với thực tế hiện nay, các đối tượng này đang quản lý, sử dụng rất nhiều nhà, đất cần thiết phải thực hiện để bảo đảm sử dụng nhà đất tiết kiệm, có hiệu quả, hạn chế thất thoát.

Nghị định 67 bổ sung thêm nguyên tắc quản lý đối với số tiền do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ (ngoài số tiền bán tài sản trên đất, tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, số tiền bồi thường, hỗ trợ được xác định theo đúng quy định của pháp luật) cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất. Đây là nội dung đã phát sinh trong thực tế thời gian qua và pháp luật chưa có quy định cụ thể.

Một điểm đáng chú ý của Nghị định 67 là sửa đổi quy định thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất thuộc trung ương quản lý. Cụ thể sửa đổi thẩm quyền quyết định thu hồi nhà, đất từ Bộ Tài chính về UBND cấp tỉnh để thống nhất đồng bộ với quy định của pháp luật đất đai và đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện quyết định thu hồi.- Sửa đổi thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc trung ương quản lý từ Bộ Tài chính về Bộ, cơ quan trung ương xem xét, quyết định nhằm đề cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương trong tổ chức thực hiện việc bán nhà, đất.

Trong việc xử lý chuyển tiếp, Nghị định 67 đã quy định rõ về nội dung đối với từng trường hợp, từng tình huống cụ thể phát sinh từ thực tế cần được xử lý; cũng như thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý chuyển tiếp nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc, trên nguyên tắc việc xử lý phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.

Theo Baomoi.com