Miễn lệ phí trước bạ đối với tài sản hợp nhất khi kết hôn và phân chia tài sản sau khi ly hôn?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP, trong đó đề cập: Tài sản hợp nhất của vợ chồng khi kết hôn, hoặc tài sản của vợ chồng phân chia khi ly hôn sẽ được miễn lệ phí trước bạ…

Đây là thông tin đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý của nhân dân tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

Bộ Tài chính cho biết, tại điểm c khoản 16 Điều 9 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 20/2019/NĐ-CP) quy định miễn lệ phí trước bạ đối với: “c) Tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng của hộ gia đình khi phân chia tài sản đó theo quy định của pháp luật cho các thành viên hộ gia đình đăng ký lại”.

Việc miễn phí trước bạ nói trên cũng giống trường hợp chia, tách, hợp nhất, sát nhập công ty

Theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân quy định, bất động sản do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận, hoặc do tòa án phán quyết, thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Cụ thể, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm: “Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.”

Tuy nhiên, thực tế phát sinh trường hợp vợ chồng sau khi kết hôn có nhu cầu hợp nhất lại tài sản thì chưa có hướng dẫn về miễn lệ phí trước bạ hay không.

Đồng thời, chưa có quy định về miễn lệ phí trước bạ đối với trường hợp bất động sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết.

Vì vậy, trong cả hai trường hợp này, khi sang tên nhà, đất, vẫn phải đóng lệ phí nhà, đất với mức thu là 0,5%.

Theo vneconomy.vn

Tác phẩm nghệ thuật nên là tài sản của chủ sở hữu hay quà tặng cho cộng đồng?

Từ khi Việt Nam tham gia Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả vào năm 2004, các đơn vị xuất bản, các tác giả và công chúng nước ta bắt đầu biết đến khái niệm “tác quyền” và hệ thống pháp lý liên quan. Thế nhưng, trong khi chúng ta còn đang loay hoay tuyên truyền về bảo vệ tác quyền, thì nhiều câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề tác phẩm có nên được coi như tài sản tư hữu đã được các nhà hoạt động xã hội trên thế giới đặt ra.
Những rào cản

Khi tác giả hoàn thiện tác phẩm và trao quyền bảo hộ tác phẩm cho một tổ chức hoặc cá nhân khác (trong một khoảng thời gian ngắn hoặc mãi mãi), điều ấy đồng nghĩa với việc sự lan tỏa của tác phẩm trong cộng đồng phụ thuộc vào quyết định công bố của tổ chức hoặc cá nhân ấy. Đây chính là một rủi ro lớn mà ít tác giả để ý đến. Bởi vì, đối với tác giả, sự lan tỏa của một tác phẩm được đo bằng tình yêu của độc giả đối với tác phẩm, và điều này không hoàn toàn tương đồng với sự đảm bảo doanh số khi sách được bán ra thị trường. Khi tác phẩm được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội hay được độc giả sao chép chuyền tay nhau thì dưới nhãn quan của luật về quyền tác giả, đó là sự vi phạm.

Ý thức về quyền tác giả càng tăng trong xã hội Việt Nam, đồng nghĩa với việc ngày càng ít tác phẩm được đăng tải miễn phí trên Internet khi người sở hữu tác quyền tự tạo ra sự hạn chế nhằm đảm bảo thu lợi nhiều nhất từ tác phẩm. Quan điểm này được đặt nền tảng từ tư tưởng về quyền tư hữu – tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng, sự tư hữu không phải là cơn ám ảnh thực sự đối với người viết. Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình… viết nên tác phẩm với mong muốn được ký thác những sở đắc của mình vào trang giấy.

Lời khẳng định của Lưu Hiệp trong tác phẩm lý luận văn học kinh điển của Trung Quốc “Văn chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm” không hề lỗi thời ngay cả khi các cây viết đã rời bỏ thế giới cổ điển từ rất lâu. Người viết không chỉ mong muốn có thể sống một cách trong sạch bằng chính ngòi bút của mình, mà còn kỳ vọng rằng người đọc có nhiều cơ hội để tiếp cận và thấu hiểu cõi lòng mình. Vì vậy, nguyên tắc bảo vệ tác quyền dẫu hiệu quả trong ngăn chặn các hành vi in lậu, chiếm đoạt quyền sở hữu tác phẩm trái phép, đạo văn… nhưng dường như lại hạn chế cơ hội tiếp cận của rất nhiều độc giả, đặc biệt là đối với quốc gia mà người dân không quá yêu sách và không sẵn lòng chi trả cho sách như Việt Nam.

Những quan điểm quốc tế phản đối nguyên tắc tư hữu quyền tác giả đều đưa ra lập luận rằng nguyên tắc này đi ngược lại quyền tự do tiếp cận thông tin và hạn chế tự do giáo dục. Việc hạn chế chia sẻ các bản sao của tác phẩm là tâm điểm của những lập luận này. Trong tác phẩm “Phối trộn: Để Nghệ Thuật và Thương Mại cùng phát triển trong Nền Kinh Tế Phức Hợp” (Tên tiếng Anh: “Remix: Making Art and Commerce Thrive in the Hybrid Economy”), diễn giả nổi tiếng Lawrence Lessig chỉ ra rằng: “Luật bản quyền cần từ bỏ nỗi ám ảnh về ‘bản sao’. Luật không nên áp đặt về ‘bản sao’ hay ‘ấn bản hiện đại’ của tác phẩm. Thay vào đó, nên điều chỉnh hành vi sử dụng – chẳng hạn như phân phối công khai các bản sao của tác phẩm có bản quyền – mà có mối liên hệ trực tiếp đến luật bản quyền đảm bảo lợi ích kinh tế”.

Định nghĩa mới

Các nhà lý luận của xu hướng phản đối nguyên tắc tư hữu quyền tác giả cũng đưa ra luận điểm mới về tác giả. Lawrence Liang, người sáng lập Diễn đàn Luật Thay Thế (Alternative Law Forum) đưa ra nhận định rằng luật bản quyền hiện tại dựa trên một định nghĩa quá hẹp về “tác giả” vốn được xây dựng tại Châu Âu sau Cách mạng Công nghiệp để phân định cái tôi sáng tác và sự sản xuất hàng loạt, và “tác phẩm” được đánh đồng với “tài sản” trong các lý thuyết về tư hữu. Từ đó, yếu tố sở hữu cá nhân của người sáng tác được đề cao hơn khái niệm “tri thức cộng đồng”. Với nhãn quan ấy, nhiều tác giả mặc nhiên thừa nhận giả định rằng tác giả sẽ không có động cơ để sáng tạo nếu không có động cơ kinh tế. Liang, bằng một loạt các bằng chứng, đã chỉ ra rằng trước thế kỷ 19, các tác giả sáng tạo với mục đích thỏa mãn đam mê cá nhân, đã tạo ra những tác phẩm có chất lượng tốt hơn với số lượng đồ sộ hơn so với các tác giả chật vật tìm đường ra cho các ấn phẩm của mình và đối mặt với các quy định về luật bản quyền.

Hơn nữa, trong quá trình sáng tác, các tác giả sẽ đối mặt với vấn đề rất phức tạp trong quyền sở hữu trí tuệ. Nếu tác phẩm sử dụng một vài chi tiết nhỏ đến từ tác phẩm của tác giả khác đã được bảo hộ, ngay cả khi ghi nguồn và không vi phạm các đạo luật về đạo văn, cũng có khả năng vi phạm luật bản quyền và sở hữu trí tuệ nếu không liên hệ xin phép chủ sở hữu tác quyền. Hãy hình dung một nhà phê bình viết về thơ của một nhà thơ vĩ đại, và nhà thơ ấy đã đăng ký bảo hộ tác quyền đối với thơ của mình, thì khi trích dẫn các đoạn thơ, nhà phê bình cần có sự cho phép của nhà thơ.

Trong trường hợp nhà thơ hoặc chủ sở hữu tác quyền các bài thơ ấy không đồng ý, thì bài phê bình của nhà phê bình văn học sẽ không được phép công bố. Thật may mắn, hiện nay luật bản quyền tại Việt Nam đã không thúc đẩy sự tư hữu cực đoan và chặt chẽ tới vậy. Những quy định ngặt nghèo về sự tư hữu bản quyền đặt ra cho chúng ta một nan đề: trong một tác phẩm có bao nhiêu phần là sáng tạo của tác giả, và điều ấy đồng nghĩa với việc tác giả là một cá nhân hay là cá nhân sáng tạo trong sự kết hợp với một tập hợp các tác giả mà tác phẩm có liên đới?

Dưới nhãn quan của nền kinh tế quà tặng – dạng thức cổ sơ của nền kinh tế, tác phẩm được sáng tạo ra không chỉ bởi một tác giả mà là quá trình tạo tác và thừa hưởng miễn phí từ những thành tựu khác trong quá khứ. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với sự phủ nhận vai trò tác giả của cá nhân sáng tác và tước bỏ mọi quyền lợi kinh tế của tác giả, thay vì đó, tạo ra một tâm thức mới để đưa tác phẩm ra thị trường: sáng tác và công bố tác phẩm với tinh thần quà tặng.

Tác phẩm “Kinh tế học thiêng liêng” (Nhóm dịch Book Hunter, NXB Đà Nẵng, 2021) của tác giả Charles Eisenstein lập luận: “Bằng những kỹ năng của mình, tất cả chúng ta đôi khi đều có thể tạo ra những thứ to lớn hơn bản thân mình. Một thứ gì đó hiện thân qua chúng ta, sử dụng ta như một công cụ cho sự hiện diện ở trên đời. Bạn có thể nhận ra rằng khái niệm trả thù lao, bồi thường là rất xa vời với hình thức lao động này không?

Bạn có cảm thấy bị sỉ nhục khi bán đi một tác phẩm thiêng liêng không? Dù bán giá bao nhiêu thì bạn cũng đã hạ thấp giá trị của mình, và bạn đã làm giảm giá trị của nguồn gốc xuất phát món quà đó”. Đồng thời, “Kinh tế học thiêng liêng” còn đề xuất coi tác phẩm như một món quà gửi tặng thế giới thay vì như một tài sản sở hữu, và thay thế cách thức định giá và bán tác phẩm bằng sự tưởng thưởng tùy tâm từ độc giả.

Tư tưởng mà Lawrence Lessig, Lawrence Liang và Charles Eisenstein đề xướng đã chạm đến sự trăn trở về số phận của tác phẩm mà nhiều tác giả đương đại quan tâm. Thay vì ủy thác bản quyền cho các đơn vị xuất bản, các tác giả chọn lựa hình thức xuất bản mở thông qua tổ chức Creative Commons (do chính Lawrence Lessig sáng lập) – một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế vừa đảm bảo tác quyền của tác giả, vừa cho phép cộng đồng được tiếp cận và chia sẻ phi thương mại. Nhiều tác giả, trong đó có Charles Eisenstein chọn cách đăng tải và cho phép dịch không thu phí các tác phẩm của mình đồng thời kêu gọi sự ủng hộ tùy tâm từ độc giả, đúng như những gì ông đã đề xướng trong tác phẩm “Kinh tế học thiêng liêng”.

Coi tác phẩm như một tài sản hay một món quà, suy cho cùng, không phụ thuộc vào quyết định của đơn vị xuất bản hay độc giả, mà phụ thuộc vào nhận thức của tác giả, và nhận thức ấy lại ảnh hưởng tới chất lượng của quá trình sáng tạo. Tác phẩm như một tài sản có thể mang tới lợi ích kinh tế trước mắt cho tác giả. Ngược lại, khi một tác phẩm được tạo ra với toàn bộ tâm huyết của tác giả, thì tác phẩm ấy vô giá, và bất kể doanh thu nhiều hay ít, thì tác phẩm đã đạt đến một độ mở tối đa.

Theo antgct.cand.com.vn

Sau thông tin mở rộng đường, đất phố Chùa Bộc được rao bán như phố cổ

Sau có thông tin Hà Nội đền bù hơn 47 triệu đồng/m2 với vị trí 4 (áp dụng cho mặt bằng một mặt giáp ngõ, mặt ngõ nhỏ nhất dưới 2m) trên phố Chùa Bộc để mở rộng đường, viêc rao bán nhà đất ở khu vực này bắt đầu ‘nóng’, có nơi chào bán ở mức 762 triệu đồng/m2 đắt như đất ở các phố trung tâm, phố cổ của Thủ đô.

Mới đây, sau khi UBND TP Hà Nội quy định giá đất cụ thể tại vị trí 4 trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) được dùng làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng hoàn thiện nút giao Chùa Bộc – Thái Hà là 47.148.780 đồng/m2. Thị trường nhà đất ở khu vực này bỗng dưng sôi động hơn hẳn, dù đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống COVID -19.

Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà quy hoạch tại góc 1/4 nút giao, bắt đầu từ cổng Học viện Ngân hàng qua góc ngã tư, tiếp đến tuyến phố Tây Sơn (hướng đi Nam Đồng), kết thúc tại cổng trường Đại học Công đoàn có tổng chiều dài trên 521m. 

Các môi giới cho biết lượng tin rao bán và giá nhà đất ở phố Chùa Bộc tăng theo từng ngày, từng giờ. Qua khảo sát trên một website chuyên về nhà đất, ngày 16/8, có 85 tin rao bán nhà đất ở phố Chùa Bộc; ngày 13/8 là 39 tin; ngày 12/8 là 20 tin. Trong khi ở những ngày cuối tháng 7, lượng tin rao bán ở khu vực phố Chùa Bộc trung bình là 4 – 6 tin/ ngày.

“Tùy vào vị trí mà giá nhà đất Chùa Bộc sẽ có mức giá khác nhau. Nếu là đất mặt tiền, phố có vị trí đẹp, thuận lợi kinh doanh thì mức giá từ khoảng 500 – 600 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ hẹp, ô tô khó đi là khoảng 300 triệu đồng/m2”, một môi giới cho biết.

Đặc biệt, căn nhà gần 5 tầng, diện tích 48,2m2 ở vị trí đắc địa tại mặt phố Chùa Bộc được rao bán trên batdongsan.com.vn với giá 29 tỷ đồng (tương đương 602 triệu đồng/m2). Một căn nhà tương tự, cũng 5 tầng, cũng có diện tích 48m2 tại khu vực này được rao bán ở một website nhà đất khác có giá 30 tỷ đồng (tương đương 625 triệu đồng/m2).

Tuy nhiên, đó chưa phải con số cao nhất bởi một căn nhà 5 tầng 1 tum diện tích 42m2 tọa lạc ngay đầu phố thông Thái Hà, Tây Sơn, Chùa Bộc đã được chào bán với giá 32 tỷ đồng (tương đương 762 triệu đồng/m2) khiến nhiều người không khỏi “choáng”.

Theo môi giới và khảo sát trên các website rao bán nhà đất, giá nhà phố Chùa Bộc tăng “vùn vụt” theo giờ.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà quy hoạch tại góc 1/4 nút giao, từ Học viện Ngân hàng đến cổng trường Đại học Công đoàn có tổng chiều dài trên 521m. Dự án gồm các hạng mục: nền, mặt đường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, tổ chức giao thông và các công trình phụ trợ khác.

Trong phương án thiết kế, khi hoàn thiện góc 1/4 phố Chùa Bộc, sẽ tiến hành chỉnh trang, cải tạo bên phải tuyến, bắt đầu từ cổng Học viện Ngân hàng qua góc ngã tư, tiếp đến tuyến phố Tây Sơn (hướng đi Nam Đồng), kết thúc tại cổng trường Đại học Công đoàn. Sau khi mở rộng, mặt đường tuyến phố Chùa Bộc trong nút giao sẽ rộng từ 23 – 30m; đoạn từ Chùa Bộc đến phạm vi nút giao rộng từ 16 – 18m; vỉa hè rộng trung bình 3m.

Dự án này có tổng mức đầu tư trên 535 tỷ đồng. Trong đó, hơn 470 tỷ đồng là dành cho chi phí giải phóng mặt bằng. Phạm vi dự án có khoảng 110 hộ dân thuộc diện phải GPMB. Vị trí tái định cư đã được bố trí chấp thuận tại nhà CTI.2 và nhà CTI.1-1 (các tòa: A, B), khu nhà ở Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai). Cũng trong việc giải phóng mặt bằng, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án mở rộng đường Phan Kế Bính (quận Ba Đình). Theo đó, tại vị trí 1 đường Phan Kế Bính, giá đất bồi thường là 97.812.330 đồng/m2 và tại vị trí 1 đường Linh Lang (quận Ba Đình) là 93.127.000 đồng/m2.

Các chuyên gia về bất động sản cho rằng, “thủ phạm” chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, giá đất nền ăn theo quy hoạch, mở đường là giới đầu nậu, cò đất tung tin đồn thổi, làm giá – thổi giá, lợi dụng tâm lý đám đông – hám lợi, cài chim mồi giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội đục nước béo cò, trục lợi bất chính.

Theo Baomoi.com

Quyền xây tường rào thửa đất

Câu hỏi: Tôi vừa mua đất của ông A. và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đất chưa sử dụng, tôi muốn xây tường rào bao quanh thửa đất. Tuy nhiên, do ông A. đang đi nhờ qua đất của tôi ra đường lớn (đất của ông A. tiếp giáp với sông, ở phía sau đất của tôi). Xin được luật sư tư vấn.

Trả lời: 

Theo quy định của pháp luật, bà là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất nên có các quyền như: chiếm hữu, sử dụng… Để bảo vệ tài sản của mình, bà được quyền xây tường rào bao quanh thửa đất.

Do ông A. đang sử dụng phần đất làm đường đi, như vậy cần xem xét ngoài con đường này, ông A. còn đường đi nào khác đi đến đường công cộng hay không? Nếu không có, bà có trách nhiệm phải dành một diện tích đất để ông A. làm đường đi, vì đây là quyền của ông A. được pháp luật bảo vệ.

Việc mở lối đi cho ông A. trên phần đất của bà thì hai bên có thể thỏa thuận về: vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng của lối đi, bảo đảm thuận tiện, hợp lý cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho nhau. Mặt khác, pháp luật cũng quy định ông A. có trách nhiệm đền bù cho bà phần diện tích đất bỏ ra làm đường đi bằng tiền hoặc hoán đổi một diện tích đất tương đương cho bà. Trường hợp không thỏa thuận được về việc mở lối đi thì có quyền yêu cầu TAND cấp huyện nơi thửa đất tọa lạc thụ lý giải quyết.

Theo Baomoi.com

Chấn chỉnh hoạt động đấu giá tài sản

Trước những phản ánh về tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, chấn chỉnh lại.

Thời gian qua, Bộ Tư pháp nhận được phản ánh, kiến nghị của một số địa phương, các tổ chức, cá nhân về vướng mắc, sai sót trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, việc thông báo công khai về đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, tình trạng đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham giá đấu giá… Bộ Tư pháp đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện hiệu quả Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc bán đấu giá tài sản, nhất là các tài sản công, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước.

Bộ Tư pháp đánh giá, trong thời gian qua, một số tổ chức đấu giá tài sản không đăng hoặc đăng thông báo công khai không đúng quy định trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Các vấn đề vi phạm thể hiện như: đăng không đủ số lần, không đúng thời gian theo quy định, thông tin về tài sản đấu giá không đầy đủ, không đúng thực tế… Một số người có tài sản đấu giá không đăng thông tin lựa chọn tổ chức đấu giá trên Cổng Thông tin đấu giá tài sản quốc gia, buông lỏng trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản…Việc đăng thông tin này là miễn phí, vì vậy Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương quán triệt người có tài sản đấu giá phải thực hiện theo Điều 47, Điều 53 của Luật Đấu giá tài sản. Nếu người có tài sản đấu giá phát hiện tổ chức thực hiện đấu giá tài sản vi phạm khoản 1, Điều 57 thì có thể xem xét, yêu cầu hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 6, Điều 33 của Luật Đấu giá tài sản.

Đến nay, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng người có tài sản vẫn đưa ra tiêu chí chung chung, không liên quan đến tài sản đấu giá hoặc áp dụng hình thức chỉ định thầu không căn cứ vào Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Đặc biệt, một số tổ chức đấu giá tài sản vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý, kiến nghị hủy kết quả đấu giá, nhưng vẫn được người có tài sản đấu giá lựa chọn. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện: Người có tài sản đấu giá phải tuân thủ theo khoản 4, Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản, không đặt thêm các yêu cầu không có cơ sở, không cần thiết đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; Cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng những tổ chức đấu giá tài sản “bị tai tiếng” và có những hành vi vi phạm đã bị cơ quan báo chí và cơ quan chức năng xử lý; Trường hợp lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo hình thức đấu thầu thì khuyến khích việc lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của cả Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản. Chú trọng và tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức đấu giá tài sản tại địa phương. Để không làm hạn chế việc tham gia đấu giá, Sở Tư pháp các địa phương cần có trách nhiệm rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá ngoài quy định của pháp luật để xem xét và xử lý.

Cũng theo Bộ Tư pháp thì các “mánh” để hạn chế, gây khó và cản trở trong quá trình mua, nộp hồ sơ tham gia đấu giá như: Tổ chức đấu giá tài sản có văn bản thông báo dừng nhận hồ sơ, nhưng trên thực tế vẫn tiếp nhận của một số tổ chức, cá nhân khác; không bán ngay hồ sơ cho người đăng ký tham gia đấu giá đến mua mà yêu cầu xem tài sản trước; bán giới hạn số lượng hồ sơ trong ngày; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá ngoài giờ hành chính, không liên tục, không đảm bảo đủ thời gian theo quy định,…

Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, hạn chế người có nhu cầu tham gia đấu giá đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đăng ký tham gia đấu giá, lợi ích của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Do đó, cần chấn chỉnh thực hiện đúng theo Điều 38, Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, đảm bảo “đúng bản chất” của việc đấu giá.

Bộ Tư pháp khuyến nghị, việc “đấu giá tài sản theo lô” ở một số địa phương xuất hiện người có tài sản gom chung nhiều tài sản thành một tài sản đấu giá duy nhất để bán theo lô, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này nhằm mục đích làm tài sản đấu giá có giá khởi điểm cao, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua tài sản để sử dụng tham gia đấu giá mà hướng đến nhóm người tham gia đấu giá nhất định, tiềm ẩn nguy cơ “đầu cơ”, trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chính vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo, phê duyệt phương án đấu giá (đặc biệt là đối với đấu giá quyền sử dụng đất) cần có phương án phù hợp, khả thi mới phát huy hiệu quả của hình thức đấu giá tài sản, bảo đảm tối đa hóa lợi ích của nhà nước trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo Baomoi.com

Đơn vị thẩm định phải độc lập với tư vấn thẩm tra?

Câu hỏi: Công ty ông Nguyễn Việt Hà (Hà Nội) đang đầu tư 1 dự án xây dựng bằng nguồn vốn tự có của công ty (vốn tư nhân). Sau khi thiết kế bản vẽ thi công, công ty đã thuê 1 công ty có đủ năng lực thẩm tra, đồng thời lập báo cáo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và hoàn tất hồ sơ xin giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên theo ý kiến của cơ quan cấp phép xây dựng thì đơn vị thẩm định kết quả thẩm tra phải là đơn vị có năng lực chuyên môn về xây dựng và độc lập về pháp lý, tài chính với nhà thầu tư vấn thẩm tra thiết kế xây dựng.

Ông Hà hỏi, ý kiến của cơ quan cấp phép xây dựng có đúng không? Nếu đúng thì được quy định tại văn bản pháp luật nào?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Việc thẩm định, thẩm tra thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế hai bước) được quy định tại Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng có một số nội dung liên quan đến câu hỏi của ông Hà như sau:

Chủ đầu tư tổ chức thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định (trong trường hợp người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định) thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại Điều 82 và Điều 83 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 24 và Khoản 25 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Trong quá trình thẩm định, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

Việc thẩm tra thiết kế xây dựng được quy định tại Khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 24 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 và Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn bản của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm cơ sở phê duyệt thiết kế.

Kết quả thẩm định và phê duyệt của chủ đầu tư được thể hiện tại Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục I Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Do vậy, việc chủ đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và thuê công ty thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công làm cơ sở cho việc thẩm định như nêu tại câu hỏi của ông Hà cần bảo đảm phù hợp các quy định nêu trên.

Ngoài ra,việc kiểm tra, xem xét cấp giấy phép xây dựng của cơ quan cấp giấy phép xây dựng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 54 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, theo đó không có yêu cầu kiểm tra việc thẩm định của chủ đầu tư (báo cáo thẩm định của chủ đầu tư).

Theo Baomoi.com

Điều kiện nào để được chào bán trái phiếu ra công chúng?

Việc chào bán trái phiếu ra công chúng phải đáp ứng một số quy định nhất định theo Luật Chứng khoán và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo Điều 19, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, điều kiện để chào bán trái phiếu ra công chúng là phải đáp ứng các quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán.

Cụ thể, điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng bao gồm: Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.

Đồng thời phải có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán; Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng; Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán; Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

Bên cạnh đó, theo Điều 19, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc

Thứ hai, tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Theo Baomoi.com

Trốn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn bị xử lý thế nào?

Câu hỏi: Tôi và chồng cũ ly hôn đến nay đã được hơn 1 năm. Theo quyết định của tòa án, tôi là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung do cháu còn nhỏ và anh ấy có nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng. Gần 1 năm đầu kể từ khi ly hôn, chồng cũ vẫn đều đặn gửi tiền cấp dưỡng. Tháng nào không gửi được thì anh ấy chủ động nhắn tin nói sẽ gửi bù vào tháng sau. Tuy nhiên, khoảng 5 tháng trở lại đây, kể từ khi anh ấy kết hôn với người khác thì không còn nhớ gửi tiền nuôi con nữa. Những tháng đầu giữ ý, khi tôi nhắn tin nhắc khéo thì anh ấy còn nhắn lại là đang khó khăn chưa gửi tiền cấp dưỡng cho con được. Nhưng 3-4 tháng liền mà anh ấy vẫn quên. Khi tôi nhắn tin thì anh ấy không trả lời, tôi gọi điện thì anh ấy gắt ầm lên và tắt máy. Sau đó, anh chặn luôn số của tôi. Có lần tôi đến nhà thì vợ anh ấy đóng cửa nói vọng ra “không có tiền, đừng quấy rầy”. 2 tháng nay tôi cũng không có việc làm, cuộc sống rất căng thẳng. Vậy làm thế nào để có thể đòi được tiền cấp dưỡng cho con. Nếu anh ấy cố tình chây ì việc cấp dưỡng thì có bị xử lý không? Nguyễn Hoàng Oanh (KCN Song Khê – Nội Hoàng, Bắc Giang)

Luật sư xin tư vấn như sau:

Điều 82 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó, khoản 2 nêu rõ: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Với trường hợp của bạn thì nghĩa vụ cấp dưỡng đã được quy định trong quyết định của tòa án đã có hiệu lực. Vì vậy, trước việc người cha không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, bạn có thể đề nghị cơ quan thi hành án hỗ trợ thi hành án. Căn cứ vào đề nghị cấp dưỡng của đương sự, cơ quant hi hành án sẽ tiến hành các bước yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thi hành án. Trường hợp không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án như khấu trừ vào thu nhập, tịch thu tài sản… để đảm bảo bản án được thi hành. Trường hợp tìm cách trốn tránh việc thi hành án như tẩu tán tài sản, che giấu thu nhập thực tế… khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng. Theo đó, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 185 Bộ luật Hình sự. Theo đó, trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng đã được thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án mà người cấp dưỡng không chấp hành bản án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra, người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo phunuvietnam.vn

Apple bị phạt 300 triệu USD vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Apple bị bồi thẩm đoàn Đông Texas, Mỹ yêu cầu trả 300 triệu USD tiền bản quyền cho Optis sau khi thua kiện trong vụ kiện tranh chấp bằng sáng chế đối với công nghệ LTE trong iPhone và các sản phẩm khác.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm năm 2020, Apple đã phải trả khoản bồi thường trị giá 500 triệu USD cho Optics. Nhưng phiên tòa đã bị kháng cáo vì mức phạt chưa tương xứng với vi phạm. Apple cũng đang dính phải vụ kiện tương tự tại Anh.

Với vụ kiện này, Optis đề nghị mức bồi thường vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ toàn cầu có thể lên đến 7 tỷ USD. Bằng sáng chế của Optics cũng được sử dụng bởi nhiều công ty khác như LG, Panasonic và Samsung.

Nếu vụ kiện của Optics chống lại Apple thành công tại Anh thì chi phí kiện tụng này dự đoán sẽ tăng cao hơn nhiều

Khoản thanh toán 300 triệu USD hầu như không tác động quá nhiều đối với tình hình tài chính của Apple khi công ty này đã kiếm được 21,7 tỉ USD thu nhập ròng chỉ trong quý II-2021. Nhưng nếu vụ kiện của Optics thành công tại Anh thì chi phí kiện tụng này dự đoán sẽ tăng cao hơn nhiều.

Phiên tòa diễn ra tại Đông Texas gần như đã có tính kết luận vì đã là phiên phúc thẩm. Trước đó, Apple đã cáo buộc Optics là kẻ lừa đảo bằng sáng chế, cho rằng công ty này không có hoạt động kinh doanh sản phẩm thực sự mà chỉ đăng ký các bằng sáng chế ma để kiện các công ty khác sử dụng bằng sáng chế mà họ đã mua.

Apple sẽ tiếp tục chống lại các nỗ lực của Optics trong việc tìm các khoản thanh toán bất hợp lý cho bằng sáng chế.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

 

Vi phạm trật tự xây dựng: Khi chế tài chưa đủ sức răn đe

Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng (TTXD), kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng. Nhưng các chuyên gia cho rằng, mức xử phạt như vậy chưa đủ sức răn đe trước tình trạng vi phạm TTXD ngày càng phức tạp.

Vi phạm phức tạp

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, tình hình vi phạm TTXD vẫn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh những vi phạm của cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ, hàng loạt dự án bất động sản lớn cũng bị cơ quan chức năng nêu tên.

Đơn cử, dự án Khu nhà ở và công trình công cộng số 409 đường Nguyễn Tam Trinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng & thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư, có 4 thửa đất thấp tầng ký hiệu C12, C13, C36, C37 mà phần diện tích xây dựng tăng thêm mỗi thửa là 30m2, ra phần diện tích đất đường giao thông nội bộ so với quy hoạch tổng mặt bằng.

“Chủ đầu tư đã tự ý chuyển nhượng cho khách hàng nhưng chưa được các cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch; chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, vi phạm Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013” – văn bản Kết luận số 1183/2021/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Công trình chung cư số 25 Tân Mai (Hà Nội) mới bị UBND TP ra quyết định xử phạt 275 triệu đồng vì vi phạm TTXD.

Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định xử phạt hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty cổ phần Licogi 19 – chủ đầu tư chung cư số 25 phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) số tiền phạt 275 triệu đồng, do tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung, tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp.

Ngoài ra, còn hàng loạt công trình “khủng” sai phạm TTXD, xây vượt tầng đã được cơ quan chức năng công khai danh tính trên các cổng thông tin điện tử, như: Dự án tòa nhà hỗn hợp Phúc La (Hà Đông); Tòa HH01 – thuộc dự án khu chức năng đô thị Đại Mỗ (Nam Từ Liêm); Công trình nhà đa năng khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai (Thạch Thất); Chung cư cao tầng tại số 62 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân)…

Chế tài chưa đủ nặng

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm TTXD của tổ chức, doanh nghiệp là 300 triệu đồng. Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ Xây dựng đang đề xuất mức phạt tăng lên 1 tỷ đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực TTXD, kinh doanh bất động sản.

Theo luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định rõ ràng về việc xử phạt, nhưng chưa quy định chi tiết cho từng giai đoạn tồn tại của công trình.

“Những công trình đang xây dựng một mặt sẽ bị phạt hành chính bằng tiền, yêu cầu khắc phục hậu quả hoặc tước giấy phép xây dựng. Nhưng vẫn thiếu căn cứ để xử lý đối với những công trình khi người dân đã vào ở. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định và hướng dẫn về việc xử lý các công trình khi đã có người ở ra sao?” – luật sư Hoàng Đạo cho hay.

Theo đánh giá, mức đề xuất xử phạt vi phạm TTXD tối đa 1 tỷ đồng chưa đủ sức răn đe. Ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021

Ở khía cạnh khác, KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mức xử phạt như vậy là chưa đủ răn đe đối với những chủ đầu tư vi phạm. “Nếu 1 dự án, chủ đầu tư xây dựng vượt thêm 1 tầng sẽ có hàng chục căn hộ nữa được bán, số tiền thu lại từ vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nên việc nộp 1 tỷ đồng kịch khung quy định là việc hết sức đơn giản” – KTS Nguyễn Văn Thanh phân tích.

Cũng theo KTS Nguyễn Văn Thanh, xử lý công trình vi phạm TTXD không nên chỉ chăm chăm nhìn vào vấn đề phạt tiền hay tháo dỡ, vì vấn đề này gây lãng phí nguồn lực xã hội, những công trình đã đưa vào sử dụng ảnh hưởng tâm lý người dân. “Bản chất của vấn đề này phải loại bỏ dứt điểm tham ô – tham nhũng trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Đó chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để xảy ra vấn nạn này” – KTS Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, phải có sự “hậu thuẫn” của một số người đứng đầu cơ quan quản lý thì DN mới dám sai phạm, vì bản chất của DN rất sợ pháp luật. Theo lý giải của KTS Phạm Thanh Tùng, một công trình “khủng” sai phạm cần phải xử lý ngay từ thời điểm đang thi công, đến khi hoàn thiện, người dân đã vào ở sẽ khó để xử lý, đặc biệt liên quan đến tháo dỡ vừa ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, tiêu tốn tài chính Nhà nước. Vì vậy, biện pháp để xử lý những công trình đã đi vào hoạt động, Nhà nước trưng thu toàn bộ số tiền DN bán được vào ngân sách để đầu tư cho các công trình công ích khác.

“Để xử lý tận gốc của vấn đề này cần phải tìm ra những cá nhân từ những nhiệm kỳ trước liên quan đến sai phạm đưa ra xử lý. Như vậy tính tư duy nhiệm kỳ sẽ không còn, những sai phạm về quy hoạch, xây dựng sẽ bị triệt tiêu và đi vào quy củ” – KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận.

Các chuyên gia đều cho rằng, xử lý vi phạm TTXD không nên chỉ căn cứ vào số tiền phạt, cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có công trình đứng chân. Cùng với chế tài dành cho tổ chức, cá nhân vi phạm cũng nên xây dựng chế tài nặng hơn đối với cán bộ, lãnh đạo phụ trách ở cơ quan quản lý Nhà nước. Những người kế nhiệm phải có trách nhiệm xử lý triệt để những công việc tồn đọng, tìm ra những mắt xích còn yếu của nhiệm kỳ trước để khắc phục và tìm ra những cá nhân sai phạm.

Để hạn chế việc xây dựng sai phép, sai quy hoạch thì cơ quan quản lý từ cấp phường, quận phải kiểm soát chặt chẽ từ thời điểm công trình đang thi công, xử lý ngay từ thời điểm mới manh nha, tránh trường hợp để công trình hoàn thiện mới xử lý sẽ gây ra nhiều khó khăn, tốn kém.

Theo Baomoi.com

Bầu Thụy và Thaiholding đang sở hữu bao nhiêu cổ phần LienvietPostBank?

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Thaiholdings phần nào hé lộ vị thế của ông Nguyễn Đức Thụy và Thaiholdings tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienvietPostBank.

Vị thế thực tế của Bầu Thụy tại LienVietPostBank

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 soát xét vừa được CTCP Thaiholdings (mã THD – HNX) công bố đã phần nào hé lộ vị thế của ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) và các công ty trong hệ sinh thái Thaiholdings tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB).

Theo đó, tại ngày 30/6/2021, Thaiholdings đang đầu tư hơn 1.225 tỷ đồng vào 5 mã cổ phiếu, gồm CTG, MSN, HUT, MBB. Khoản đầu tư có giá trị nhất của Thaiholdings là 1.150 tỷ đồng vào mã LPB, tương đương 41,5 triệu cổ phiếu (tính theo giá trị hợp lý xác định theo giá đóng cửa ngày 30/6/2021). Đây là số lượng cổ phần tại báo cáo tài chính hợp nhất, do Thaiholdings cùng các công ty con sở hữu.

Bầu Thụy cùng các cá nhân liên quan và hệ sinh thái Thaiholdings đang nắm khoảng 7% vốn điều lệ tại LienVietPostBank

Các mã chứng khoán mà Thaiholdings đang nắm giữ

Báo cáo tài chính công ty mẹ cho thấy, tại ngày 30/6/2021, Thaiholding trực tiếp nắm 511,8 tỷ đồng giá trị cổ phiếu LPB, tương đương 17,1 triệu cổ phiếu. Ngày 5/7, Thaiholdings công bố đã mua vào đủ 20 triệu cổ phiếu LPB từ ngày 29/6 đến 5/7/2021. Trước giao dịch, Thaiholdings không sở hữu cổ phiếu LPB nào. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng 2,9 triệu cổ phần còn lại được “sang tay” từ chính các công ty trong hệ sinh thái Thaiholdings cho công ty mẹ.

Thaiholdings là công ty có liên quan mật thiết với Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Thụy. Mặc dù không còn giữ chức vụ gì, nhưng Bầu Thụy là người sáng lập Thaiholdings và đang sở hữu 24,55% cổ phần tại đây.

Tại thời điểm chốt danh sách để chia cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 22/7, ông Nguyễn Đức Thụy sở hữu 30,6 triệu cổ phiếu LPB. Hai người em trai của ông là Nguyễn Xuân Thủy và Nguyễn Văn Thuyết lần lượt sở hữu hơn 1,6 triệu và 295 nghìn đơn vị. Như vậy, Bầu Thụy cùng các cá nhân liên quan và hệ sinh thái Thaiholding sở hữu ít nhất 74 triệu cổ phiếu LPB vào thời điểm trước khi chia cổ tức, tương đương khoảng 7% vốn điều lệ của LienVietPostBank.

Nhiều khả năng, do ông Thụy không giữ chức vụ gì tại Thaiholdings và các công ty con nên việc các công ty này mua cổ phiếu LPB không phải công bố thông tin.

Tuy nhiên, các con số nêu trên cũng phần nào cho thấy vị thế hiện tại của Bầu Thụy tại LienVietPostBank. Được biết, cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank hiện này là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sở hữu 8,29% cổ phần.

Các mã chứng khoán mà Thaiholdings đang nắm giữ

Vay margin 500 tỷ đồng đầu tư chứng khoán

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản Thaiholdings đạt 11.845 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm; nợ phải trả 6.139 tỷ đồng, giảm 22% còn 6.139 tỷ đồng, chủ yếu là do không còn ghi nhận giá trị trong khoản mục “Phải trả cá cá nhân tiền nhận chuyển nhượng cổ phần” có giá trị 2.954 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm nay.

Mặc dù vậy, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Thaiholdings lại tăng khá mạnh, từ 1.106 tỷ đồng lên 1.677 tỷ đồng.

Trong đó 500 tỷ đồng vay margin tại các công ty chứng khoán, bao gồm Mirae Asset (190 tỷ đồng), VNDIRECT (15 tỷ đồng), Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) (293 tỷ đồng) và KIS Việt Nam (2,4 tỷ đồng). Đây đều là các khoản nợ phát sinh trong nửa đầu năm 2021. Điều này cho thấy Thaiholdings sử dụng một lượng tiền vay margin nhất định cho khoản đầu tư vào cổ phiếu LPB nói trên.

Các khoản vay margin tại 4 công ty chứng khoán của Thaiholdings

Vay dài hạn của công ty không có nhiều biến động, ở mức 2.157 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của Thaiholdings hiện nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với 2.115 tỷ đồng vay dài hạn và 454 tỷ đồng vay ngắn hạn.

Một số nhà băng khác cũng đang cho Thaiholdings vay ngắn hạn là Ngân hàng TMCP Buu điện Liên Việt (LienVietPostBank) 200 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 395 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) 5,8 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) 40 tỷ đồng.

Thaiholdings cũng đang vay dài hạn 5 cá nhân với tổng số tiền 41,5 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) cho công ty vay 20 tỷ đồng. Các cá nhân này cho vay không tính lãi và không có tài sản đảm bảo.

Lợi nhuận tăng vọt nhờ chuyển nhượng nhà máy xi măng trong nội bộ

Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Thaiholdings cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt 3.086 tỷ đồng, tăng 558% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế 397,3 tỷ đồng, tăng 29 lần, trong đó lợ nhuận sau thuế công ty mẹ là 325,2 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng đột biến, Thaiholdings cho biết, nguyên nhân là do năm 2020 công ty chưa có báo cáo tài chính hợp nhất.

Theo báo cáo tài chính riêng, lợi nhuận bán niên 2021 của công ty đạt 104,3 tỷ đồng, tăng 691% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do các mảng kinh doanh của công ty gồm kinh doanh thực phẩm và vật liệu xây dựng, cho thuê văn phòng đều có mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong kỳ, công ty mẹ còn phát sinh thêm khoản cổ tức từ các công ty con chuyển lên là 47,4 tỷ đồng, kinh doanh chứng khoán lãi 10,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, khoản lợi nhuận khác được Thaiholdings ghi nhận giá trị 610,2 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng dự án nhà máy xi măng Minh Tâm cho một đơn vị khác trong hệ thống là CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước.

Năm 2021, Thaiholdings đặt mục tiêu 6.890 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, Thaiholdings đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 28,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo Baomoi.com

Cảnh báo doanh nghiệp Việt không ký hợp tác với 34 công ty Indonesia

Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp nhập khẩu than của Việt Nam tạm thời không ký kết các thỏa thuận giao dịch mới với 34 công ty của Indonesia.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Indonesia vừa công bố danh sách 34 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than của nước này tạm thời bị cấm xuất khẩu.

Đây là những doanh nghiệp đã vi phạm quy định về nghĩa vụ tỷ lệ bán than tại nội địa khi không hoàn thành nghĩa vụ cung cấp than theo hợp đồng cho công ty nhà nước PT PLN (Persoro) và PT PLN Batubara trong giai đoạn từ 1/1 – 31/7/2021.

Lệnh cấm tạm thời bắt đầu từ ngày 7/8/2021 tới khi các doanh nghiệp này hoàn thành xong các nghĩa vụ cung cấp than cho thị trường nội địa.

“Doanh nghiệp nhập khẩu than Việt Nam lưu ý trong quá trình giao dịch mua bán than từ Indonesia, không nên ký kết các thỏa thuận giao dịch mới (nếu có) với các doanh nghiệp bị cấm nêu trên, tới khi có thông báo của Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Indonesia về dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tạm thời đối với các doanh nghiệp trong danh sách”, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo.

Danh sách 34 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than bị cấm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng than nhập khẩu từ Indonesia của Việt Nam đạt 9,66 triệu tấn với giá trị kim ngạch 732,84 triệu USD giảm 9,3% về lượng và tăng 42,6% về giá trị.

Giá trị kim ngạch nhập khẩu than từ Indonesia tăng mạnh có nguyên nhân từ giá than quốc tế tăng cao do nhu cầu than tăng mạnh từ Trung Quốc và một số nước Bắc Á kéo theo giá than xuất khẩu của Indonesia gia tăng tương ứng.

Giá than tham chiếu (HBA) tháng 7/2021 do chính phủ Indonesia công bố, làm cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất,kinh doanh than của nước này chào giá bán, tăng lên mức 115.99 USD/tấn, tăng 121,15% so với cùng kỳ năm trước và 14,97% so với tháng 6/2021.

Nếu tính từ tháng 01/2021 tới tháng 7/2021, giá than tham chiếu của nước này đã tăng tới 52,9%.

Theo Baomoi.com