Tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Cướp tài sản”

Câu hỏi:

Anh Đ.Q.M gửi câu hỏi đến văn phòng Luật sư như sau:

Bạn tôi là N.M.T khi đi hát karaoke tại cơ sở quán hát V.M đã thiếu 200.000 đồng khi thanh toán. Sau khi bàn bạc, thống nhất rằng họ sẽ đuổi đánh nhân viên quán để anh N.M.T bỏ chạy. Bàn bạc xong xuôi, anh N.M.T nói sẽ ở lại trong khi anh N.H.H, H.M.Q, H.Đ.T ra về, lúc ra về những người này nói là đi chuẩn bị 200.000 đồng thiếu cho anh N.M.T nhưng thực ra là để chuẩn bị 3 chiếc mã tấu. 30 phút sau 3 người trên quay lại và đuổi chém 2 nhân viên quán cùng chủ quán. Nhân lúc hỗn loạn, anh N.M.T đã bỏ trốn và quịt 200.000 đồng của quán.

Tôi xin hỏi, anh N.M.T có phạm tội cướp tài sản không?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn như sau:

     I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015;
  • Án lệ số 29/2019/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 22 tháng 8 năm 2019;

     II. Nội dung

Trong tình huống kể trên, anh N.M.T đã phạm tội cướp tài sản.

  1. Cấu thành tội phạm tội danh “Cướp tài sản”

Tội danh “Cướp tài sản” có cấu thành cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

“Điều 168. Tội cướp tài sản

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm…”

Ta có thể phân tích các cấu thành cơ bản của tội danh trên như sau:

– Chủ thể

Người đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi trở lên, không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình).

– Khách thể

Các quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân.

Khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua đó người phạm tội xâm phạm khách thể là quan hệ tài sản.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi dùng vũ lực: Là hành vi mà người phạm tội đã thực hiện, dùng sức mạnh vật chất tác động vào cơ thể của nạn nhân là con người (như: đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém….) để chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có thể khiến nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại sức khỏe hoặc tử vong, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể.

Hành vi đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc: Là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe dọa người bị hại nếu không đưa tài sản thì hành động vũ lực sẽ được thực hiện ngay (như dí dao vào cổ đe dọa người bị hại giao nộp tài sản nếu không sẽ bị đâm).

Hành vi làm người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được:  Là hành vi không dùng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực nhưng làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Hậu quả của tội phạm

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm

Mặt chủ quan của tội phạm

+ Lỗi cố ý

+ Mục đích chiếm đoạt tài sản

Như vậy, tội danh “Cướp tài sản” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi đưa người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được với mục đích là chiếm đoạt tài sản.

  1. Mục đích của hành vi

Sau khi bàn bạc và thống nhất, các anh N.H.H, H.M.Q và H.Đ.T có hành vi dùng vũ lực tấn công nhân viên quán và chủ quán, làm họ lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích không trả số tiền mà họ có nghĩa vụ phải thanh toán cho quán.

 

 

  1. Đồng phạm trong pháp luật hình sự Việt Nam

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về đồng phạm như sau:

 “Điều 17. Đồng phạm

  1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
  2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
  3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

  1. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Như vậy, đồng phạm là một thể thống nhất không tách rời của những yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có những yếu tố quan trọng nhất như: Có từ hai người trở lên tham gia; cùng chung hành động với nhau, cùng cố ý.

Sự cùng cố ý thực hiện tội phạm của những người đồng phạm thể hiện trên mặt lý trí và ý chí như sau:

+ Về lý trí: Mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cùng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình.

Nếu chỉ biết mình có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội với mình thì chưa phải là cùng cô’ ý và do vậy chưa phải là đồng phạm.

Mặt khác mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.

+ Về ý chí: Những người đồng phạm cùng mong muốn hậu quả xảy ra hoặc có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Động cơ và mục đích của những người đồng phạm có thể được thông nhất trong tất cả những người đồng phạm, nhưng có thể là khác nhau ở mỗi người trong bọn họ.

Đối với những tội phạm mà động cơ và mục đích nêu trong điều luật là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm thì chỉ những ngưòi phạm tội có động cơ và mục đích giông nhau thì mới có thể là đồng phạm của nhau.

Từ những nhận định trên có thể kết luận, anh N.M.T dù không trực tiếp dùng hung khí đuổi theo những nhân viên và chủ quán nhưng do đã thống nhất, bàn bạc từ trước với những người trực tiếp đuổi chém và đã hành động như đã thống nhất nên anh N.M.T là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội Cướp tài sản.

  1. Nội dung cơ bản của Án lệ số 29/2019/AL về tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Cướp tài sản”

Án lệ số 29/2019/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 22 tháng 8 năm 2019 và được công bố theo Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nội dung cơ bản của án lệ số 29/2019/AL:

Bị cáo có hành vi dùng vũ lực tấn công bị hại, làm bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích không trả số tiền mà bị cáo có nghĩa vụ phải thanh toán cho bị hại.

Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản”.

Căn cứ vào Án lệ nêu trên, đối với những trường hợp đáp ứng đủ các tình tiết dưới đây thì Toà án bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản:

– Bị cáo có hành vi dùng vũ lực/ đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc/ làm bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được;

– Nhằm mục đích không trả số tiền mà bị cáo có nghĩa vụ phải thanh toán cho bị hại.

  1. Việc áp dụng án lệ trong xét xử

Việc áp dụng án lệ trong xét xử phải tuân thủ theo những nguyên tắc quy định tại Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ:

“Điều 8. Áp dụng án lệ trong xét xử

Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.”

Như vậy, để Án lệ số 03 được áp dụng vào việc giải quyết tranh chấp, vụ việc được áp dụng phải có những tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự nhau.

Vậy, trong câu hỏi mà anh gửi đến văn phòng Luật sư, hành vi của anh N.M.T đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Án lệ số 29/2019/AL nên hành vi của anh N.M.T có thể bị truy cứu về tội Cướp tài sản với vai trò đồng phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *