Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của BLDS năm 2015.

  1. Thời hiệu khởi kiện đối với một số tranh chấp dân sự

1.1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Theo quy định tại Điều 132 BLDS năm 2015, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo là không hạn chế; thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với giao dịch vô hiệu thuộc các trường hợp khác là 02 năm, kể từ ngày:

  • Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
  • Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
  • Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
  • Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;
  • Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

     1.2. Thời hiệu thừa kế

Theo quy định tại Điều 623 của BLDS năm 2015 về thời hiệu thừa kế:

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

      1.3. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 588 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

      1.4. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng

Theo quy định tại Điều 429 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

  1. Quy định chung về áp dụng thời hiệu khởi kiện

     2.1. Áp dụng quy định về thời hiệu

Theo quy định tại Điều 149 BLDS và Điều 181 BLTTDS đều quy định Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc

     2.2. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Theo quy định tại Điều 155 BLDS, t hời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

  • Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
  • Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
  • Trường hợp khác do luật quy định.

     2.3. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Theo quy định tại Điều 156 BLDS năm 2015, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế.

  2.4. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Điều 157 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

– Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

– Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

– Các bên đã tự hòa giải với nhau.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự”. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

Luật gia Phạm Thị Thanh Hiếu

0942941668

Email: luathiepthanh@gmail.com

Ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự

Câu hỏi:

Xin chào luật sư, tôi và một đối tác đang xảy ra tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa, tôi muốn khởi kiện đối tác đó ra Tòa án để đảm bảo quyền lợi của mình, do tôi còn có nhiều công việc phải làm, liệu tôi có thể ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự của mình cho người khác đại diện cho tôi thực hiện việc khởi kiện và tham gia quá trình tố tụng được không?

Mong luật sư giúp đỡ, tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Câu hỏi của bạn được chuyên viên nghiên cứu và tư vấn như sau:

1.Cơ sở pháp lý.

Bộ luật Dân sự năm 2015;

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

2.Nội dung tư vấn.

Ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự hiện nay là một vấn đề còn gây ra tranh cãi trong giới chuyên môn. Về cơ bản thì quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chuẩn khớp về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự nhưng thực tế vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về cùng vấn đề này.

Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về quyền khởi kiện vụ án như sau:

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Ngoài ra, Khoản 1 và khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

“Người đại diện.

  1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
  2. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”

Với nội dung vụ việc là về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa không phải về vấn đề ly hôn thì việc anh ủy quyền cho người khác đại diện thực hiện khởi kiện và tham gia các hoạt động tố tụng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật tức là được phép thực hiện bởi pháp luật chỉ không chấp nhận việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ việc ly hôn (trừ trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 2 điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014), còn với các vụ việc khác thì việc ủy quyền là hoàn toàn được chấp nhận, không có quy định nào của pháp luật hạn chế việc thực hiện tham gia quá trình tố tụng của người đại diện theo ủy quyền của đương sự, trừ trường hợp các bên tự thỏa thuận ký kết hợp đồng và chỉ ra rõ phạm vi thực hiện của người đại diện giới hạn tới mức độ đó.

Theo như quy định được trích dẫn trên, người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 chính là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Nên mọi quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo ủy quyền hay của người ủy quyền đều phải đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định của Bộ luật.

Do anh không nói rõ phạm vi anh muốn được ủy quyền là như thế nào, nhưng vấn đề này bắt buộc phải được thỏa thuận rõ trong văn bản ủy quyền bởi nó ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện ủy quyền của người đại diện và chính quyền lợi của anh.

“Điều 562. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Như vậy, việc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, đại diện cho mình thực hiện các hoạt động đảm bảo việc tố tụng là được phép, phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng phạm vi đại diện thực hiện các hoạt động phải đảm bảo được thỏa thuận rõ trong hợp đồng ủy quyền (giấy ủy quyền) tránh trường hợp người được ủy quyền thực hiện các hoạt động vượt quá phạm vi được ủy quyền, gây ảnh hưởng tới người ủy quyền thực hiện.

Tức là anh hoàn toàn được phép ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự của mình cho người khác thực hiện khởi kiện và tham gia quá trình tố tụng.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Phạm Thị Ngọc Ánh
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Thủ tục đăng ký luật sư bảo vệ trong vụ án dân sự?

Luật Hiệp Thành đưa ra tư vấn về các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký luật sư bảo vệ?

Chào Luật sư xin hỏi:Tôi muốn mời luật sư tranh tụng để bảo vệ cho tôi tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự thì phải làm những thủ tục gì? Cảm ơn luật sư!

Luật sư trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Hiệp Thành. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015;

– Luật luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội;

– Luật số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

  1. Nội dung tư vấn:

Điểm a khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 75. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

  1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
  2. Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
  3. a) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư…”

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu đương sự có yêu cầu mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì làm thủ tục đăng kỳ tại Tòa án. Khi đó, luật sư xuất trình các giấy tờ theo quy định của Luật Luật sư, đó là thẻ Luật sư và giấy tờ yêu cầu Luật sư của đương sự.

“4. Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

  1. a) Luật sư xuất trình các giấy tờ theo quy định của Luật luật sư..”

Sau khi nhận được các giấy tờ đề nghị của đương sự, đại diện Tòa án phải kiểm tra, nếu thấy người đề nghị có đủ các đièu kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ nhận được đề nghị Tòa án sẽ vào Sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, trong trương hợp của bạn, nếu xét thấy cần thiết thì bạn có thể mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình trong quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa và thực hiện theo thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự nói trên.

———————————————–

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Quy định về hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Luật Hiệp Thành đưa ra tư vấn về hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

  1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015.

  1. Nội dung tư vấn:

Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý trong một thời hạn khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn, thì Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đó.

Sau đây là những hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, căn cứ Điều 215 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

– Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó.

– Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc nhà nước và được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

– Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này thì trước khi tạm đình chỉ, Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án phải có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn này mà cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

– Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.

Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.

– Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

———————————————–

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hiệp Thành về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Nhập vụ án dân sự. Tách vụ án dân sự. Nguyên tắc nhập và tách vụ án dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 Luật số: 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015

Về nguyên tắc việc nhập vụ án chỉ thực hiện trong trường hợp có nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau cần phải giải quyết và việc nhập các quan hệ pháp luật để giải quyết trong cùng một vụ án vẫn đảm bảo đúng pháp luật và không ảnh hưởng tới kết quả giải quyết các quan hệ pháp luật đó.

Việc tách vụ án chỉ thực hiện trong trường hợp vụ án có nhiều quan hệ pháp luật có thể giải quyết một cách độc lập mà không ảnh hưởng tới việc giải quyết các quan hệ pháp luật khác. Việc tách vụ án phải đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng và đúng pháp luật các yêu cầu của đương sự.

Ngoài ra, việc nhập các quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc các yêu cầu của đương sự khi thụ lý để giải quyết trong cùng một vụ án hoặc tách các yêu cầu, các quan hệ pháp luật khác nhau để thụ lý giải quyết trong nhiều vụ án khác nhau cần phải căn cứ vào quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Điều 42. Nhập hoặc tách vụ án

  1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

  1. Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.
  2. Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.”

Trường hợp bị đơn có nghĩa vụ riêng biệt với nhiều nguyên đơn về cùng một loại quan hệ pháp luật thì tòa án chỉ nên nhập các vụ án nếu các quan hệ pháp luật tranh chấp có liên quan với nhau và việc nhập không gây khó khăn cho tòa án giải quyết nhanh chóng, đúng đắn vụ án. Trong trường hợp các quan hệ pháp luật có tranh chấp độc lập với nhau và việc nhập các quan hệ pháp luật để giải quyết trong cùng một vụ án sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án thì tòa án nên tách các quan hệ pháp luật để giải quyết trong các vụ án khác nhau. Ví dụ nhiều người khởi kiện đòi nợ đối với một người về những khoản nợ riêng biệt được vay vào các thời điểm khác nhau.

Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố và có sự đối trừ nghĩa vụ cùng loại, tòa án chỉ nên nhập vụ án đối với các trường hợp sau:

–  Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà cả hai bên cùng bị thiệt hại khi sự kiện xảy ra. Thông thường, Toà án nên nhập các yêu cầu của đương sự để giải quyết trong cùng vụ án đối với các trường hợp các bên đều yêu cầu bồi thường thiệt hại trong cùng một vụ tai nạn giao thông hoặc trong vụ gây thương tích mà chưa tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

–  Toà án nên nhập các yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn để giải quyết trong cùng vụ án đối với tranh chấpvề hợp đồng mà bị đơn có yêu cầu phản tố về cùng loại quan hệ và việc nhập các yêu cầu này không gây khó khăn cho việc giải quyết. Chẳng hạn, Toà án nên nhập các yêu cầu của đương sự để giải quyết trong cùng một vụ án nếu nguyên đơn đòi nợ bị đơn và ngược lại bị đơn cũng có yêu cầu đòi nợ nguyên đơn trong cùng một vụ án.

–  Đối với các vụ án có nhiều quan hệ pháp luật hoàn toàn khác nhau mà việc giải quyết quan hệ pháp luật này là tiền đề, cơ sở cho việc giải quyết quan hệ pháp luật tranh chấp sau đó thì tòa án không nên nhập vụ án. Ví dụ: đương sự yêu cầu tòa án xác định một người là đã chết và chia di sản thừa kế của người đó hoặc những người thừa kế yêu cầu tòa án xác nhận tài sản đang có tranh chấp về quyền sở hữu với người khác là di sản thừa kế của người chết để lại và yêu cầu chia di sản thừa kế đó.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hiệp Thành về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng