Quay và chụp lén người khác có vi phạm pháp luật không?

Luật Hiệp Thành đưa ra tư vấn về vấn đề Quy định về Quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Luật sư cho em hỏi: Em bị chụp lén với bạn gái khi đang ôm ngủ. Với trường hợp này mình có thể kiện người chụp ảnh không ạ. Em có giữ hình làm bằng chứng người đó phát tán lên mạng xã hội. Nếu có thể thì người đó sẽ bị phạt như thế nào ạ?

Luật sư trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Hiệp Thành. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội khoá 13 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015

Nghị định 174/2013/NĐ-CP Nghị định của Chính Phủ ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

  1. Nội dung tư vấn

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và cụ thể hóa tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

  1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

  1. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
  2. a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
  3. b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
  4. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, theo Bộ luật Dân sự 2015, việc một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, người đó đã tự ý quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của bạn nếu xâm phạm đến nhân phẩm danh dự của hai bạn thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu bạn bị đưa tin sai sự thật ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác thì bạn có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.

Cụ thể, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều 592, Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

  1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
  2. a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  3. b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
  4. c) Thiệt hại khác do luật quy định.
  5. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”

Còn trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội sẽ vi phạm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Lý do các cán bộ bị bắt trong vụ Nhật Cường Mobile

Lý do các cán bộ bị bắt trong vụ Nhật Cường Mobile
(PL)- Liên quan đến vụ án này, Bộ Công an đang điều tra mở rộng, khởi tố bổ sung và đã bắt tạm giam một số cán bộ liên quan ở Sở KH&ĐT TP Hà Nội.

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, ngày 4-12, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc cung cấp tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án công ty Nhật Cường

Theo đó, phiên bản phần mềm năm 2016 đã được Sở TT&TT ký kết hợp đồng số 68/2016. Trong đó, các nội dung đã thực hiện gồm: (1) Cổng dịch vụ công trực tuyến; (2) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3:07 nhóm dịch vụ công khai sinh, khai tử; (3) Phần mềm ngành giáo dục: Tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, sổ liên lạc điện tử có kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu dân cư của Công an TP Hà Nội.

“Sản phẩm và cơ sở dữ liệu hình thành thuộc bản quyền TP, đến nay đã và đang thực hiện đúng lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của TP và mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân” – văn bản trên cho hay.

Trước đó, cuối tháng 11-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công An (C03) cho biết đang điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan.

Theo đó, C03 đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan.

C03 đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc sở này; bà Phạm Thị Kim Tuyến, trưởng Phòng đăng ký kinh doanh sở này, về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.

Cùng đó, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường vào diện ban chỉ đạo theo dõi.

Lý do các cán bộ bị bắt trong vụ Nhật Cường Mobile - ảnh 1
Xe công an lúc đang khám xét nhà bị can Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội. 

Lý do các cán bộ bị bắt trong vụ Nhật Cường Mobile - ảnh 2
Ông Nguyễn Tiến Học và bà Phạm Thị Kim Tuyến

Thành lập năm 2016 đã trúng nhiều gói thầu sau đó

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, ông Học và thuộc cấp bị bắt tạm giam do có liên quan đến nhiều văn bản tham mưu cho lãnh đạo UBND TP Hà Nội trong việc chỉ định thầu, giao dự án cho Công ty Nhật Cường.

Cụ thể, ông Học, bà Tuyến đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp 2016-2017 tại Sở KH&ĐT TP HN , gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Theo tìm hiểu của PV,  Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường là một công ty con của Công ty Nhật Cường, cũng do ông Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) làm đại diện pháp luật. Thành lập từ năm 2016 nhưng Nhật Cường Software đã trúng thầu rất nhiều phần mềm dịch vụ công ở Hà Nội. Ngay trong phần giới thiệu về khách hàng, đối tác của mình, Nhật Cường Software cho biết đã cung cấp dịch vụ cho UBND TP Hà Nội và 14 sở, ngành khác nhau.

Dù mới hoạt động từ năm 2016 nhưng Nhật Cường Software đã trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội như cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông ba cấp, triển khai hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn…

Theo nguồn tin của chúng tôi, các sản phẩm dịch vụ của Nhật Cường Software đang phục vụ lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội với tỉ lệ trực tuyến lên đến 80%, trong đó có nhiều sở, ngành, hơn 2.700 trường học với hơn 1,7 triệu học sinh, hàng triệu hồ sơ bệnh án điện tử…

Xin dừng nhiều phần mềm chạy thử nghiệm

Theo tài liệu thu thập được, Nhật Cường đã ký hợp đồng với Sở TT&TT TP Hà Nội với nội dung thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành phục vụ công dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, Nhật Cường đã triển khai và nghiệm thu hoàn thành hợp đồng với các giải pháp, phần mềm bao gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp bảy dịch vụ công trực tuyến mức độ ba của lĩnh vực tư pháp; phần mềm quản lý giáo dục (tuyển sinh đầu cấp: Mầm non, lớp 1, lớp 6; quản lý học sinh, học bạ và sổ liên lạc điện tử).

Lãnh đạo Hà Nội nói gì?

Việc người đại diện pháp luật của Nhật Cường Software bỏ trốn đã và đang gây ra nhiều hệ lụy khi chưa ai biết số phận các sản phẩm, dịch vụ mà công ty này cung cấp cho Hà Nội tới đây sẽ như thế nào.

Ngày 3-12, bên hành lang kỳ họp 11 HĐND TP Hà Nội, báo chí đã đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc một số cán bộ của địa phương bị bắt do liên quan đến vụ án Nhật Cường. Trước câu hỏi trên, chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị báo chí chờ kết luận của CQĐT.

Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay các dịch vụ Nhật Cường cung cấp cho TP Hà Nội vẫn được áp dụng, hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng bởi công việc của CQĐT đang tiến hành. Còn “việc vi phạm thế nào, cơ quan pháp luật sẽ kết luận” – ông Hoàng Trung Hải nói.

Nhật Cường cũng đã đề xuất với UBND TP và các sở, ngành, đơn vị trực thuộc của TP Hà Nội xin triển khai thử nghiệm các phần mềm như phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe, phần mềm quản lý tầm soát ung thư trực tràng và phiên bản nâng cấp của phần mềm giáo dục, phần mềm một cửa điện tử dùng chung và cổng dịch vụ công trực tuyến cùng 1.200 dịch vụ công trực tuyến khác.

Sau khi Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công An (C03) điều tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tội buôn lậu và vi phạm sổ sách kế toán, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường đã có cuộc họp với đại diện UBND TP Hà Nội, Văn phòng UBND TP Hà Nội và các sở, ngành.

Nhật Cường Software cam kết tiếp tục duy trì hỗ trợ ổn định các hệ thống dịch vụ công, giáo dục và đảm bảo kỳ thi tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp trên phần mềm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty Nhật Cường cho biết đang gặp một số khó khăn trầm trọng như chủ sở hữu, đại diện công ty vắng mặt; không còn khả năng tài chính để đảm bảo hoạt động. Cùng đó, tài khoản ngân hàng của công ty bị phong tỏa nên không thể giao dịch kinh doanh; nhân sự tại Công ty Nhật Cường đã nghỉ việc rất nhiều, nhân sự tại Công ty Nhật Cường Software cũng đang biến động vì tâm lý lo ngại tương lai không ổn định.

Những lý do này dẫn đến việc nguồn lực của Nhật Cường Software không đủ để đảm bảo phát triển và vận hành các hệ thống phần mềm này trong thời gian tới.

Do đó, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo để các đơn vị của TP tiếp nhận vận hành các hệ thống phần mềm như đã ký kết trong hợp đồng.

Nhật Cường cũng xin ngừng thử nghiệm và rút lại các phần mềm dịch vụ bao gồm: Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe; phần mềm quản lý kết quả tầm soát ung thư trực tràng; ứng dụng trên thiết bị thông minh của sổ liên lạc điện tử (PINO); phần mềm một cửa điện tử dùng chung ba cấp và 1.200 dịch vụ công trực tuyến khác.

Khởi Tố bổ sung truy nã đỏ Bùi Quang Huy

Cùng với việc bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Học và bà Phạm Thị Kim Tuyến, C03 cũng bắt tạm giam ông Lê Duy Tuấn, giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh, về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.

Đồng thời ra quyết định bổ sung quyết định  khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường, giám đốc Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường, cùng tội danh trên.

Trước đó C03 ra quyết định khởi tố 10 bị can về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, bao gồm Bùi Quang Huy , tổng giám đốc Công ty Nhật Cường.

Xác định Huy bỏ trốn, C03 ra quyết định truy nã đối với bị can này. Hiện Interpol cũng đã đưa Bùi Quang Huy vào danh sách truy nã đỏ.

Tiếp đó, quá trình Điều tra mở rộng vụ án xác định Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội buôn lậu để đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, CQĐT khởi tố bổ sung bị can này về tội rửa tiền.

 

Nguồn : plo.vn

Hôm nay khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Dấu ấn về Chính phủ phục vụ người dân

(PLVN) – Chiều nay (9/12), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia (CDVCQG). Đây là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Hôm nay khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Dấu ấn về Chính phủ phục vụ người dân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu tại họp báo ngày 7/12, Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chiều nay (9/12), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì khai trương CDVCQG. Theo ông Dũng, đây là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Giới thiệu về CDVCQG tại họp báo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ, cho biết CDVCQG có vai trò quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, là hệ thống kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp qua phương thức điện tử.

Ông Phan cho hay, chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng 1 tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các CDVC cấp Bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính…

CDVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về TTHC và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.

“Theo tính toán chi phí xã hội thực hiện 8 nhóm dịch vụ công, giả định với số lượng giao dịch như năm 2018, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại CDVCQG sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua CDVCQG mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng”, ông Phan nhấn mạnh và cho biết con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên CDVCQG.

CDVCQG với các nền tảng, dữ liệu dùng chung cũng sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính…

Theo ông Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã triển khai Chính phủ điện tử từ năm 2000. Tuy nhiên, với yêu cầu cao hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc triển khai Chính phủ điện tử cần phải đi vào thực chất, hiệu quả.

Ông Dũng nhấn mạnh triển khai CDVCQG trước hết đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp bởi hiện nay, khi người dân thực hiện TTHC tại các cơ quan phải làm thủ tục nhiều lần, nộp hồ sơ nhiều nơi, thủ tục hồ sơ lại kèm nhiều hồ sơ phụ…

Chi phí thời gian, chi phí công sức, chưa nói vấn đề “tham nhũng vặt” đã tạo khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Ông Dũng cũng nhìn nhận, trong quá trình thực hiện CDVCQG sẽ có vô vàn khó khăn. Đây là sản phẩm bước đầu và quá trình thực hiện là 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa, không có giới hạn và trong quá trình thực hiện sẽ làm tăng dần dữ liệu.

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết EVN đã chủ động đăng ký 3 dịch vụ trên CDVCQG. Đây là biện pháp để EVN đưa dịch vụ đến người dân một cách đơn giản hơn, gần gũi hơn, qua đó cũng giám sát được quá trình giải quyết qua các phản hồi của người dân, doanh nghiệp.

Bà Phan Thu Hiền, Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, cho hay, đơn vị đã hoàn thiện và đưa lên CDVC đổi giấy phép lái xe cấp độ 3; cấp giấy phép lái xe quốc tế cấp độ 4. Vì vậy, người dân có thể ngồi tại nhà xin cấp giấy phép lái xe quốc tế và được trả tại nhà…

Còn Cục phó Cục Thương mại và Kinh tế số, Bộ Công Thương Nguyễn Thế Quang khẳng định, đơn vị đưa vào dịch vụ công khuyến mãi vì thời gian qua có nhiều phản ánh của doanh nghiệp khi phải làm thủ tục khác nhau ở các tỉnh. Qua CDVCQG, quy trình, hồ sơ, giải pháp sẽ được thống nhất, hạn chế tối đa việc gặp trực tiếp cán bộ làm hồ sơ với doanh nghiệp.

CDVCQG bao gồm 6 cấu phần chính là cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan TTHC; nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các CDVC cấp Bộ, tỉnh; nền tảng thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các DVC trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

CDVCQG cung cấp 7 chức năng chính, trong đó có chức năng đăng nhập 1 lần, sử dụng 1 tài khoản của CDVCQH để đăng nhập CDVC của Bộ, của địa phương; tra cứu về thông tin TTHC, DVC của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc; theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết TTHC, DVC…

Tại thời điểm khai trương, CDVCGQ sẽ cung cấp các DVC, bao gồm 5 DVC thực hiện tại 63 tỉnh, thành là đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện; 4 DVC thực hiện tại cấp Bộ là cấp Giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử với doanh nghiệp.

 Nguồn : baophapluat.vn

Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2019

Sửa đổi quy định về xử phạt mua bán ngoại tệ trái phép, hành vi bán hàng dưới mệnh giá, cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, đào tạo sát hạch lái xe…là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2019.

Mua bán, trao đổi dưới 100 USD không bị phạt tiền

Nghị định 88/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ có hiệu lực từ 31/12.

Theo đó, sẽ giảm mạnh mức phạt đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại các tổ chức không được phép, nhằm tránh bất cập như sự việc “đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” gây bức xúc trong dư luận mới đây.

Cụ thể, thay vì một mức phạt chung là từ 80 đến 100 triệu đồng, Nghị định quy định mức phạt đối với hành vi này phụ thuộc vào lượng ngoại tệ mua, bán. Trong đó phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD; Phạt tiền 10-20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị 1.000-10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD mà tái phạm, vi phạm nhiều lần.

Nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đến 100.000 USD sẽ bị phạt tiền 20 – 30 triệu đồng; ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên sẽ bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng.

Phạt 1 tỷ đồng nếu bán hàng dưới giá thành toàn bộ

Nghị định 75/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực từ 1/12 sẽ tăng mức phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh gấp 10 lần.

Cụ thể, Phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Nếu hành vi vi phạm trên được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì sẽ bị phạt từ 1,6 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo quy định cũ, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, thì từ 1/12, mức phạt được tăng lên 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.

Trong đó, mức phạt đối với một số vi phạm điển hình như tiết lộ bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bị phạt 200-300 triệu đồng; Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bị phạt 100-200 triệu đồng…

Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một số biện pháp xử phạt bổ sung khác như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; Tịch thu khoản lợi nhuận có được do vi phạm…

Sẽ cấp mẫu mới giấy phép lái xe từ 1/6/2020

Chính thức có hiệu lực từ 1/12, Thông tư 38 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ có thêm nhiều quy định nhằm siết chặt việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe.

Ngoài việc sẽ cấp Giấy phép lái xe theo mẫu mới từ 1/6/2020, Thông tư còn quy định từ 1/1/2020, chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2, C có thêm nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Cũng từ thời điểm này, trung tâm sát hạch lái xe phải lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải.

Từ 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ôtô (trừ hạng B1).

Từ 1/6/2020, cấp Giấy phép lái xe mới có mã QR. Giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày 1/12/2019 vẫn sẽ có giá trị sử dụng theo thời gian ghi trên giấy phép.

Học sinh, sinh viên có thể vay tối đa 2,5 triệu/tháng

Có hiệu lực từ 1/12, Quyết định 1656 của Thủ tướng đã chốt mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng thay vì 1,5 triệu đồng/tháng như trước.

Lãi suất cho vay ưu đãi là 0,55%/tháng và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Để được vay tiền, học sinh, sinh viên năm nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; học sinh, sinh viên từ năm hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học…

Được kê khai trực tuyến khi đề nghị cấp căn cước công dân

Nội dung này được quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BCA của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự thực hiện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Theo đó:

Khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, cán bộ tiếp công dân yêu cầu người đến làm thủ tục viết Tờ khai theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến).

Nếu đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì in Tờ khai căn cước công dân để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.

Hiện luật không quy định đến việc công dân có thể kê khai trực tuyến; tuy nhiên, trên thực tế việc này đã được triển khai tại Tp.HCM.

Ngoài ra, thông tư quy định khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân, cán bộ phụ trách sẽ thu Chứng minh nhân dân, cắt góc và trả lại trong công dân trong trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ Căn cước công dân qua chuyển phát nhanh.

Với những Chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy và hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Việc thu, hủy chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc là điểm mới so với quy định trước đây.

Chính sách ưu đãi cho người công tác ở vùng khó khăn

Nghị định 76 của Chính phủ quy định về chính sách đối với người công tác ở vùng đặc biệt khó khăn cũng có hiệu lực từ ngày 1/12.

Theo Nghị định, một loạt các khoản phụ cấp, trợ cấp sẽ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, trợ cấp một lần khi đến công tác lần đầu sẽ nhận ngay 10 lần mức lương cơ sở (trước đây phải công tác ít nhất 5 năm).

Khi có gia đình đi theo, hưởng thêm một khoản trợ cấp bằng 12 lần mức lương cơ sở.

Phụ cấp thu hút được quy định rõ, khi công tác không quá 5 năm tại vùng đặc biệt khó khăn, được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Nếu công tác từ đủ 5 năm tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp công tác lâu năm tính theo lương cơ sở x hệ số (hệ số từ 0,5 đến 1,0).

Nếu công tác từ đủ 10 năm tại vùng đặc biệt khó khăn, khi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Đồng thời, mỗi năm công tác sẽ bằng 1/2 mức lương hiện hưởng + phụ cấp lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)…

Ngoài ra, một số quy định, chính sách về bảo hiểm, phí và lệ phí, xuất nhập khẩu, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước…có sửa đổi cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2019.