Nội dung của hợp đồng mua bán nhà ở?

Câu hỏi: Chào luật sư, tôi là Hoàng Hà ở Đà Nẵng. Hiện tại tôi đang muốn mua lại nhà của anh Huy, tôi muốn tìm hiểu trước về Hợp đồng mua nhà sẽ gồm có những nội dung gì? Luật sư có thể giúp tôi được không? tôi xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành. Sau khi xem xét vấn đề bạn đưa ra, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, Chúng tôi xin giải đáp vấn đề của bạn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

– Luật Nhà ở năm 2014;

  1. Luật sư tư vấn:

Căn cứ Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về hợp đồng về nhà ở như sau:

Điều 121. Hợp đồng về nhà ở

Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

  1. Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
  2. Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
  3. Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
  4. Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
  5. Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;
  6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  7. Cam kết của các bên;
  8. Các thỏa thuận khác;
  9. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
  10. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
  11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.”

Như vậy, theo quy định trên thì Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản. Nội dung của Hợp đồng phải bao gồm các nội dung như trên. Do đó, trước khi mua nhà bạn với bên bán nhà nên cùng nhau thỏa thuận về các nội dung của Hợp đồng mua bán nhà bao gồm các nội dung theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở năm 2014 nêu trên và việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Trịnh Thị Phương
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

  1. Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự

Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015), đương sự có quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.

  1. Thời điểm được thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện

     2.1. Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử:

– Đối với nguyên đơn: nguyên đơn có quyền rút, thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong quá giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện; bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì Tòa án đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đồng thời thay đổi địa vụ tố tụng theo quy định tại Điều 245 BLTTDS năm 2015.

– Đối với bị đơn: Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BTLLDS năm 2015: Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

– Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: theo quy định tại khoản 2 Điều 201 BLTTDS năm 2015: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:

  • Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;
  • Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;
  • Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
  • Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.

      2.2. Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa

Theo quy định tại Điều 243 BLTTDS, tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu. Cụ thể:

  • Hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.
  • Hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố hay không.
  • Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập hay không.

Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.

Tại Công văn số 01/2017/GĐ – TANDTC  ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án các địa phương, trong đó tại mục 7, Phần IV Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn thực hiện nội dung như sau: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”.

Như vậy, trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì sẽ được chấp nhận. Trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện từ thời điểm Tòa án mở phiên họp trở đi thì việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ được chấp nhận nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn xét xử sơ thẩm”. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!

Luật gia Phạm Thị Thanh Hiếu

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942941668

Email: luathiepthanh@gmail.com