Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Sáng ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 90,70% đại biểu Quốc hội tán thành.

Tại phiên họp, với 439/450 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 90,70 tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo đó, Luật Đầu tư công(sửa đổi) quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Về nguyên tắc quản lý đầu tư công, Luật quy định: Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của đất nước và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;  Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.

Luật quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên; Sử dụng đất có yêu cầu  chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Luật quy định rõ: Giao đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; đơn vị có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; Hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng liên ngành hoặc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Chủ chương trình hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định quy định tại khoản 2 Điều này trình Chính phủ. Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, bao gồm mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời gian, tiến độ, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.

Về quy định chuyển tiếp, Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định: Chương trình, dự án đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư trước ngày Luật Đầu Tư công số 49/2014/QH13 có hiệu lực thì phải thực hiện điều chỉnh quyết định đầu tư chương trình, dự án theo quy định của Luật này; Chương trình, dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 mà chưa có trong kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định thì phải thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án theo quy định của Luật này; Chương trình, dự án đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thì tiếp tục thực hiện việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31 tháng 12 năm 2014; Đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phép thực hiện và giải ngân đến hết 31 tháng 12 năm 2021.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp toàn thể hội trường, biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) . Với 442/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,32%, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản, bảo đảm thống nhất nội dung giữa các điều, khoản và xin được thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 17 chương và 152 điều.

Luật Quản lý thuế quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Luật xác định người nộp thuế bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế.

Cơ quan quản lý thuế bao gồm:  Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục thuế, Cục thuế, Chi cục thuế, Chi cục thuế khu vực; Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục hải quan, Cục hải quan, Cục kiểm tra sau thông quan, Chi cục hải quan; Công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan; Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thu; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ. Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật. Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.

Đặc biệt trong Luật Quản lý thuế lần này có quy định nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế theo hướng công tác quản lý thuế được hiện đại hóa về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức, áp dụng rộng rãi công nghệ tin học, kỹ thuật hiện đại trên cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về người nộp thuế để kiểm soát được tất cả đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế; bảo đảm dự báo nhanh, chính xác số thu của ngân sách nhà nước; phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, vi phạm pháp luật về thuế.

Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại, thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của người nộp thuế.

Cơ quan quản lý thuế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế, quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, định dạng dữ liệu về hóa đơn, hồ sơ thuế để thực hiện giao dịch điện tử giữa người nộp thuế với cơ quan quản lý thuế và giữa cơ quan quản lý thuế với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Đối với quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2022. Luật cũng quy định về việc khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản Lý Thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Hơn 100 tấn thuốc bắc giấu trong hoa quả khô

Mỗi container hàng chục tấn có hai tấn hoa quả, ô mai khô để nguỵ trang, còn lại là dược liệu nhập lậu từ Trung Quốc.

5 container và ba xe tải chở dược liệu nhập lâuj bị niêm phong đưa về trụ sở Bộ Công an tại Hà Nội. Ảnh.Bá Đô

5 container và ba xe tải chở dược liệu nhập  lậu bị niêm phong, đưa về trụ sở Bộ Công an tại Hà Nội. Ảnh: Bá Đô

Ngày 5/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) hoàn tất việc kiểm đếm, tịch thu hơn 100 tấn dược liệu nhập lậu tại kho hàng tại Đình Bảng (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) và xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Hàng được chất đầy 5 container và ba xe tải tập kết tại trụ sở Bộ Công an.

Trước đó, ngày 4/12, các tổ công tác của của C03 đồng loạt bắt quả tang nhiều xe tải chở nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc tại của khẩu Chi Ma, Lạng Sơn. Từ lời khai của tài xế, các tổ công tác mở rộng khám xét kho hàng của nhiều doanh nghiệp. Qua kiểm tra xe container, xe tải và tại kho hàng, nhà chức trách thu giữ trên 100 tấn hàng với 60 loại nguyên liệu thuốc bắc.

“Số dược liệu không có giấy tờ chứng minh xuất xứ, không được Bộ Y kế kiểm nghiệm và cấp phép”, lãnh đạo Cục C03 cho hay.

Theo nhà chức trách, một số người lập khoảng 5 công ty có đăng ký, cấp phép được xuất nhập khẩu hoa quả khô, hàng tiêu dùng để làm bình phong cho hành vi buôn lậu số hàng này.

Để qua mắt cơ quan chức năng, nhóm này mở tờ khai nhập khẩu các loại hoa quả sấy khô tư táo, trà cúc khô, ô mai. Nhưng thực tế, các container chứa toàn thuốc bắc, chỉ có khoảng hai tấn hoa quả khô phủ bên ngoài.

Lãnh đạo C03 cho biết đơn vị đã tạm giữ một số người trong đường dây, đang truy tìm một số bỏ trốn. Sau khi có kết quả giám định của Cục Y dược (Bộ Y tế), dược liệu đủ tiêu chuẩn sẽ bán và thu hồi vào tài sản nhà nước, nếu không sẽ bị tiêu huỷ.

Kho hàng chứa dược liệu nhập lậu ở Từ Sơn, Bắc Ninh bị cảnh sát khám xét, Ảnh. Công an cung cấp

Kho hàng chứa dược liệu nhập lậu ở Từ Sơn, Bắc Ninh bị cảnh sát khám xét. Ảnh: Công an cung cấp

Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, dược liệu không rõ nguồn gốc có thể là rác thuốc đã được lấy hết dược tính nên không còn có tác dụng trong y học. Tuy nhiên, nó lại được ngâm tẩm hóa chất để tái sử dụng.

  Nguồn : VNexpress

Công dân Việt Nam thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch nước ngoài thì có được hưởng thừa kế không?

Luật sư Nguyễn Hào Hiệp và Cộng sự đưa ra tư vấn về vấn đề Quy định về: Công dân Việt Nam thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch nước ngoài thì có được hưởng thừa kế không?

Câu hỏi khách hàng:

Chào luật sư, Luật sư cho tôi hỏi:Tôi là người Việt Nam, đang mang quốc tịch Việt Nam, nay tôi có ý định xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài. Nhưng tôi không biết khi tôi mang quốc tịch nước ngoài thì sau này tôi có được hưởng thừa kế tại Việt Nam không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật sư Nguyễn Hào Hiệp và Cộng sự. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư tư vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

– Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015.

  1. Luật sư tư vấn:

Sau khi nghiên cứu về trường hợp của bạn. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến nhận định như sau:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, thừa kế có hai hình thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

“Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”

“Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

Thời điểm mở thừa kế theo quy định pháp luật là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp thừa kế theo di chúc, Điều 624 quy định về khái niệm của di chúc như sau:

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc, từ các quy định trên có thể thấy, pháp luật về thừa kế ghi nhận quyền để lại di sản thừa kế và quyền được hưởng di sản thừa kế của cá nhân, tổ chức không phân biệt cá nhân, tổ chức đó có quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài. Người thừa kế chỉ cần đảm bảo điều kiện là còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết( đối với người thừa kế là cá nhân), nếu người thừa kế không phải là cá nhân( có thể pháp nhân, tổ chức khác…) thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Người thừa kế trong trường hợp thừa kế theo di chúc là người được chỉ định cụ thể trong di chúc và hoàn toàn theo ý chí chủ quan của người để lại di chúc. Do đó người thừa kế hoàn toàn có thể là người có quốc tịch Việt Nam hoặc người đang mang quốc tịch nước ngoài.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật.

“Điều 649. Thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
  2. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  3. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  4. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Theo quy định trên, trường hợp thừa kế theo pháp luật thì người thừa kế bắt buộc phải thuộc một trong các hàng thừa kế theo quy định tại Điều 651 như trên, hay nói cách khác, người thừa kế phải có mối quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng với người chết. Như vậy, trường hợp thừa kế theo pháp luật cũng không hạn chế việc người thừa kế là người hiện đang mang quốc tịch Việt Nam hay đang mang quốc tịch nước ngoài mà chỉ cần người đó là một trong những người thuộc hàng thừa kế theo quy định trên thì sẽ có quyền hưởng di sản thừa kế do người chết để lại. Việc chứng minh quan hệ huyết thống hay quan hệ nuôi dưỡng thì người thừa kế phải cung cấp được các giấy tờ, văn bản có giá trị pháp lý,… ghi nhận mối quan hệ đó giữa người thừa kế và người chết để lại.

Như vậy, từ các quy định trên có thể thấy, bạn là công dân Việt Nam nay thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì sau khi bạn đã nhập quốc tịch nước ngoài bạn vẫn có quyền được hưởng di sản thừa kế theo các quy định về thừa kế như trên. Tuy nhiên, đối với mỗi loại tài sản cụ thể do người chết để lại, thì sẽ có các quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh, việc hưởng di sản thừa kế trong những trường hợp đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành tương ứng.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942941668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng