Thủ tục thi hành án tử hình

Luật Hiệp Thành đưa ra tư vấn về vấn đề Quy định về: Án tử hình thực hiện như thế nào?

Câu hỏi khách hàng:

Chào luật sư, vừa qua tôi có đọc báo và thấy được nhiều trường hợp phạn tội bị phạt mức án tử hình. Vậy tôi có thắc mắc quá trình thực hiện án tử hình như thế nào? Mong luật sư sớm giải đáp giúp tôi vấn đề này, tôi xin cảm ơn

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Hiệp Thành . Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư tư vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

– Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010;

– Công văn số 245/TANDTC-TK ngày 16 tháng 08 năm 2011 V/v thi hành án tử hình.

  1. Luật sư tư vấn:

Sau khi nghiên cứu về trường hợp của bạn. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến nhận định như sau:

Hiện nay pháp luật có quy định về thi hành án hình sự tại luật thi hành án dân sự 2010, cùng một số văn bản pháp luật khác. Trình tự thi hành án tử hình được quy định tại khoản 4 điều 59 Luật thi hành án hình sự 2010, được hướng dẫn bởi công văn 245/TANDTC-TK năm 2011, thì bao gồm:

Thứ 1:

Căn cứ quyết định thi hành án tử hình và yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp thực hiện áp giải người chấp hành án đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình.

Thứ 2:

Thực hiện yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ chuyên môn thuộc Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân tiến hành lăn tay, kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan; chụp ảnh, ghi hình quá trình làm thủ tục lăn tay, kiểm tra và lập biên bản; báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra.

Thứ 3:

Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình.

Ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án công bố các quyết định, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp có nhiệm vụ giao các quyết định trên cho người chấp hành án để người đó tự đọc. Trường hợp người chấp hành án không biết chữ, không biết tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe. Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ.

Thứ 4:

Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ chuyên môn do cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chỉ định thực hiện việc thi hành án và báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng.

Thứ 5:

Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sỹ pháp y xác định tình trạng của người đã bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.

Thứ 6:

Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản thi hành án; báo cáo về quá trình, kết quả thi hành án cho Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục khai tử tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án.

Thứ 7:

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm bảo quản tử thi, tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ người đã bị thi hành án. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án.

Thứ 8:

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho thân nhân của người đã bị thi hành án biết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật Thi hành án hình sự 2010.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách mọi ý kiến thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng gửi tới:

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email : luathiepthanh@gmail.com

Trân Trọng

Vụ gỗ khô: TAND Tối cao rút hồ sơ để xem xét

Theo TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, hồ sơ vụ án Phan Tiến Dũng (báo Pháp Luật TP.HCM gọi là vụ cưa gỗ khô) đã được TAND tỉnh Kon Tum chuyển cho TAND Tối cao xem xét.
Ngày 15-11, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có văn bản gửi tới năm bị án trên với nội dung: Ngày 3-10, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định rút hồ sơ vụ án hình sự số 119/2019/QĐ-TA đề nghị TAND tỉnh Kon Tum chuyển hồ sơ vụ án cho TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nghiên cứu, giám đốc việc xét xử.
Ngày 13-11, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận được công văn của TAND tỉnh Kon Tum trả lời: Toàn bộ hồ sơ vụ án đã chuyển cho TAND Tối cao để xem xét.

Vụ gỗ khô: TAND Tối cao rút hồ sơ để xem xét - ảnh 1
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị TAND tỉnh Kon Tum chuyển hồ sơ để tòa cấp cao nghiên cứu, giám đốc việc xét xử

Trao đổi với phóng viên về vụ án, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết không thể trả lời cụ thể, phải giải quyết theo hồ sơ.
Phóng viên hỏi: “VKSND Tối cao có ý định kháng nghị vụ án không, thưa ông?”.
“Phóng viên cứ theo dõi. Để cấp dưới người ta làm chứ tôi trả lời trước sao được. Tôi mà trả lời trước cấp dưới người ta không làm được, cứ để họ làm theo pháp luật”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Như PLO phản ánh, tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa 0,123 m3 cây gỗ trắc đã chết khô (trị giá hơn 19 triệu đồng).
Theo Thông tư liên tịch số 19/2007 thì hành vi này chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013. Dù vậy, hai lần xử sơ thẩm TAND huyện Đăk Hà vẫn phạt các bị cáo 11-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lần hai tuyên cả năm bị cáo không phạm tội.
Sau đó, TAND Tối cao đã kháng nghị vụ án. Giữa năm 2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm lần hai.
Ngày 12-8, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần ba giữ nguyên tội danh về tội trộm cắp tài sản đối với năm bị cáo và có giảm nhẹ hình phạt cho năm bị cáo.

Vụ gỗ khô: TAND Tối cao rút hồ sơ để xem xét - ảnh 2
Năm bị cáo từng được tòa tỉnh Kon Tum tuyên không phạm tội nhưng sau đó chính tòa này lại kết tội trở lại. Gia đình các bị cáo ôm nhau khóc. Ảnh: NGÂN NGA

Sau đó ba thẩm phán trong HĐXX từng tuyên năm bị cáo không phạm tội trước đó phải làm kiểm điểm.
Cụ thể, ông Nguyễn Minh Thành – Chánh án TAND huyện Kon Rẫy (chủ tọa) nhận hình thức xử lý là miễn nhiệm chức danh chánh án, ông Phạm Hữu Luân – Chánh án TAND huyện Đăk Glei nhận hình thức xử lý là hạ một cấp bậc chức vụ xuống làm phó chánh án và ông Trần Phú Lợi – Chánh án TAND huyện Ia H’drai nhận hình thức kiểm điểm về mặt Đảng.
Cũng liên quan đến vụ án, hai lần Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga yêu cầu lãnh đạo TAND Tối cao và lãnh đạo Viện trưởng VKSND Tối cao báo cáo.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng lại tiếp tục lên tiếng về vụ án. Theo đại biểu Nghĩa, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm (lần ba) ngày 12-8 đã xử tội trộm cắp tài sản là trái với Thông tư liên tịch số 19, trái với văn bản hướng dẫn chính thức của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (nay là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ).
Kết quả này cũng trái với quan điểm của Cục Kiểm lâm, nhiều luật gia, luật sư, cựu Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, các thẩm phán, cựu thẩm phán cao cấp…
Theo PLO.VN