Trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Câu hỏi:

Anh N.T.H có gửi câu hỏi đến văn phòng Luật sư như sau:

Anh N.T.D bị truy tố về tội “Che dấu tội phạm”, anh Đ.L.T bị truy tố về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” gây hậu quả làm chết người. Tại phiên xét xử, Tòa án nhận thấy anh N.T.D phạm tội “Giết người” với vai trò đồng phạm và anh Đ.L.T phạm tội “Giết người” với vai trò người thực hành nhưng các tội danh này chưa được Viện kiểm sát truy tố tại cáo trạng.

Vậy, trong trường hợp này Tòa án có phải trả hồ sơ điều tra bổ sung không?

     I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
  • Bộ luật Hình sự năm 2015;
  • Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về quy định việc phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung do Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2017;

     II. Nội dung

  1. Thẩm quyền xét xử hình sự theo cấp Tòa án
  • Thẩm quyền xét xử hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thẩm quyền xét xử hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:

“Điều 268. Thẩm quyền xét xử của Tòa án

  1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:

     a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

     b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

     c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;

     d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”

 

 

Tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

“Điều 123. Tội giết người

  1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:…”

Như vậy, vụ án xét xử tội giết người không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện.

  1. Cơ sở để Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung

Tại Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về quy định việc phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung do Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng ban hành thì trường hợp Tòa án nhận thấy cần bổ sung chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” thù Hội đồng xét xử phải ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

“Điều 3. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245 và điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự

  1. Khi thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

     e) Chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì; mục đích, động cơ phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay là tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt;…”

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Thêm vụ án CQĐT thiếu sót, nhưng không ảnh hưởng sự thật khách quan?

Trong lời nói sau cùng, bị cáo đặt câu hỏi: Công lý ở đâu khi chị Kim Anh cùng nhóm người lạ vào nhà tôi, đánh con tôi bị thương và tôi là bố cháu phải đi tù?

Hôm nay (11/6), TAND huyện Sóc Sơn, Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Minh Tâm (SN 1991, ở Sóc Sơn) 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích.

Theo cáo trạng, chị Nguyễn Kim Anh (SN 1984, ở Đống Đa) có mâu thuẫn làm ăn với ông Nguyễn Tiến Thịnh (SN 1956, bố bị cáo Tâm). Ngày 26/8/2019, chị cùng 3 người đàn ông đến nhà ông Thịnh để giải quyết việc góp vốn làm ăn.

Khi chị Kim Anh đến, ông Thịnh đi vắng, chỉ có Tâm cùng con trai (SN 2014) ở nhà. Kim Anh đi vào nhà nói chuyện với anh Tâm, còn 3 người đàn ông ở ngoài.

Thêm vụ án CQĐT thiếu sót, nhưng không ảnh hưởng sự thật khách quan?
Cháu bé với vết thương trên đầu

Hai bên đã lời qua tiếng lại. Tâm cầm cốc ném, rút 3 con dao chém người phụ nữ. Chị Kim Anh bỏ chạy ra ngoài thì bị Tâm đuổi theo chém vào phía sau, gần tai phải… Hậu quả, chị Kim Anh bị tổn hại sức khỏe 3%.

Tại CQĐT Tâm từng khai: Sau khi chị Kim Anh đi vào nhà nói chuyện, chị mất bình tĩnh nên đã cầm cốc nước hất vào mặt Tâm. Tâm nói chị Kim Anh bình tĩnh, nhưng chị vẫn tiếp tục đe dọa Tâm và cầm cốc thủy tinh ném về phía bị cáo.

Tâm né được nhưng mảnh vỡ của cốc trúng vào mặt con trai Tâm, làm cháu bé bị rách da đầu.

Về phần mình, chị Kim Anh không thừa nhận việc cầm cốc ném thương tích cháu bé. Cơ quan tố tụng cho rằng, chỉ có lời khai duy nhất sau này của Tâm thể hiện việc này. Ngoài ra không có tài liệu, nhân chứng nào khác.

Theo lời khai của bị cáo tại tòa, chị Kim Anh cùng 3 người đàn ông xăm trổ, bặm trợn đi vào, đe dọa mình, sau đó cầm cốc hất nước vào mặt bị cáo; ném gây thương tích cho con trai Tâm. Bị cáo không thừa nhận đã dùng dao tấn công bị hại như quy kết trong cáo trạng.

Theo quan điểm của đại diện VKS, việc con trai bị cáo do ai gây thương tích không thể làm rõ, vì chỉ có lời khai của bị cáo. Cháu bé đã được CQĐT lấy lời khai, nhưng vì còn nhỏ tuổi nên không cung cấp được gì.

Trong khi đó, đủ căn cứ xác định Tâm dùng dao gây thương tích cho chị Kim Anh.  Đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo 6 – 9 tháng tù.

Theo bị cáo, vụ việc có 2 người bị thương và sau đó chỉ có lời khai, không ai chứng kiến, nhưng VKS lại chấp nhận lời khai của chị Kim Anh mà không chấp nhận lời khai của bị cáo.

Trong khi chị Kim Anh được công an đưa đi giám định ngay thì dù gia đình bị cáo xin nhiều lần được đưa con đi giám định, nhưng 3 tháng sau cháu bé mới được giám định vết thương.

Về phía mình, chị Kim Anh cho rằng, hành vi của Tâm là đuổi cùng giết tận, mong tòa xử Tâm tội Giết người.

CQĐT có thiếu sót, nhưng không ảnh hưởng sự thật khách quan?

Bào chữa cho bị cáo Tâm, luật sư nêu quan điểm: CQĐT đã không lấy dấu vân tay tại hiện trường để xác định những người tham gia vụ việc; kiểm sát viên không có mặt khi khám nghiệm hiện trường, nhưng lại có chữ ký trong biên bản…

Việc bản cáo trạng chỉ nêu một cách mơ hồ, chung chung rằng bị cáo Tâm “rút 3 con dao” mà không nói rõ 3 dao này rút ở vị trí nào?

Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, 5 con dao ở trong ngăn tủ bếp, 2 con dao ở trong hộp nhựa để trên mặt bàn. Vậy bị cáo rút dao ở đâu? Rõ ràng nhận định của bản cáo trạng không có tính thuyết phục.

Bản cáo trạng nêu, nguyên nhân dẫn đến vụ án là do mẫu thuẫn trong khi nói chuyện, khiến hai người cãi nhau và bị cáo cầm cốc ném Kim Anh. Luật sư đặt câu hỏi: Nguyên nhân này đã đủ căng thẳng, gây bức xúc đến nỗi bị cáo có hành vi quyết liệt đến mức chém chị Kim Anh?

Diễn biến cuộc nói chuyện dẫn đến mâu thuẫn cãi nhau không phù hợp với diễn biến tâm lý dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Rõ ràng ở đây có vấn đề gì đó không đúng sự thật như nó đã diễn ra…

“Vụ án này trong quá trình điều tra đã có nhiều sai sót về tố tụng, dẫn đến việc phản ánh không xác thực bản chất vụ án”, lời luật sư.

Được nói lời sau cùng, Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi: “Công lý ở đâu khi chị Kim Anh cùng nhóm người lạ vào nhà tôi, đánh con tôi bị thương và tôi là bố cháu giờ phải đi tù?”

Vị chủ tọa khẳng định, trong vụ việc, CQĐT Công an huyện Sóc Sơn có một số thiếu sót, nhưng việc này không làm ảnh hưởng sự thật khách quan của vụ án; yêu cầu cơ quan điều tra nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Nguồn : vietnamnet.vn

Pháp lệnh tổ chức Điều tra hình sự năm 2004

  1. Trong Công an nhân dân có các Cơ quan điều tra sau đây:

A) Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện);

Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự ngày 04 tháng 4 năm 1989.

Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Tải về Pháp lệnh tổ chức Điều tra hình sự năm 2004

Sau khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án được trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án hình sự bao nhiêu lần?

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư, luật sư tư vấn giúp tôi về việc trong vụ án hình sự, sau khi đưa vụ án ra xét xử, tại phiên tòa thì Tòa án được trả hồ sơ điều tra bổ sung bao nhiêu lần?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia tư vấn và nghiên cứu như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:
  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
  • Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc Phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
  1. Nội dung tư vấn:

Căn cứ Khoản 2 Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:

“Điều 174. Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại

  1. Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.

Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo đó, sau khi đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án, tại phiên tòa là Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 lần.

Đây là điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với mục đích nhằm đảm bảo việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung được tiến hành chặt chẽ, tránh lạm dụng kéo dài thời gian tố tụng. Đồng thời, tránh thực trạng khi áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự  thì có rất nhiều vụ án bị kéo dài do Viện kiểm sát hoặc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Phạm Thị Ngọc Ánh
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Phúc ‘XO’ bị điều tra bổ sung

Tòa án đề nghị cơ quan điều tra làm rõ chủ nhân số ma túy thu được trong quán karaoke của Trần Ngọc Phúc, tức Phúc “XO”.

Ngày 26/2, thẩm phán Ngô Ngọc Thắng ra quyết định trả hồ sơ vụ án Trần Ngọc Phúc (37 tuổi) và 7 đồng phạm Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý cho VKSND TP HCM điều tra bổ sung nhiều nội dung. Trong đó có việc làm rõ số ma túy thu giữ trong phòng karaoke là của ai; việc xử phạt hành chính Trần Ngọc Tài (24 tuổi, em ruột Phúc) về khẩu súng công cụ hỗ trợ anh ta mua trên mạng…

Phúc XO gây chú ý cộng đồng mạng khi khoe mũ và nhiều trang sức bàng vàng.

Phúc “XO” gây chú ý cộng đồng mạng khi khoe mũ và nhiều trang sức bàng vàng.

Cáo trạng trước đó xác định, Phúc nhờ bạn đứng tên giấy phép kinh doanh quán karaoke XO Pharaon trên đường Trường Chinh, quận 12, từ tháng 8/2018. Ba tháng sau, Phúc lôi kéo khách bằng cách cho khách thuê phòng để sử dụng ma túy nhằm tăng doanh thu.

Phúc thuê nhiều nhân viên quản lý giám sát và phục vụ. Trong các cuộc họp Phúc chỉ đạo “không cho phép nhân viên bán ma túy hay đi mua ma túy giúp khách”; chỉ cung cấp các dụng cụ như ống hút, dĩa… và tăng chỉnh âm lượng nhạc khi khách có nhu cầu.

Theo lệnh Phúc, nhân viên dùng mật mã để tính tiền phí dịch vụ. Đối với khách thuê phòng hát karaoke bình thường, quán tính giá như niêm yết và hóa đơn thanh toán ghi tên phòng thêm chữ “A”. Nếu khách thuê phòng để sử dụng ma túy phải trả phụ thu 200.000 đồng một giờ và trên hóa đơn ghi chữ “B”. Trường hợp khách sử dụng bàn DJ và nhân viên chỉnh âm lượng thì thu thêm 400.000 đồng mỗi tiếng. Nhóm khách này được bố trí chơi ở tầng hầm và lầu 3, 4, 5.

Các tiếp viên phục vụ rót bia cho khách không được trả lương mà phải nộp lại cho quán 100.000 đồng một ngày. Cơ quan điều tra xác định, từ khi hoạt động đến khi bị bắt Phúc thu lợi khoảng 600 triệu đồng.

Rạng sáng 10/4/2019, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM ập vào karaoke XO Pharaon bắt quả tang 5 phòng có hàng chục khách sử dụng ma tuý, thu giữ nhiều viên thuốc lắc trên bàn và trong tủ đựng đồ của hai nữ nhân viên.

Khám xét nhà của Phúc ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, cảnh sát tìm thấy trong phòng Trần Ngọc Tài có 20 viên thuốc lắc, 10 gói ketamin; một số súng, đạn, kiếm, bình xịt hơi cay, áo giáp…

Tài khai số ma túy này mua về để sử dụng, không bán hay chia cho ai. Còn các công cụ hỗ trợ khác anh ta mua trên mạng và chưa sử dụng lần nào. Tài cũng không biết việc anh trai mình tổ chức cho khách hát karaoke sử dụng ma túy. Tài cùng 3 người khác bị truy tố về tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý, một bị can khác phạm tội Không tố giác tội phạm.

Nguồn : vnexpress

Ông Trầm Bê bị điều tra bổ sung

Duyệt cho vay hàng trăm tỷ đồng trái luật, ông Trầm Bê – nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam, và nhiều cấp dưới tiếp tục bị điều tra.

VKSND Tối cao vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với Trầm Bê (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam – nay là Sacombank), Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc) cùng 8 người khác về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Khoản 4 Điều 206 BLHS 2015.

Liên quan đến vụ án, Dương Thanh Cường (nguyên Tổng giám đốc Công ty CPXD TM Bình Phát) bị điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, tháng 4/2008, Cường mang bản photo của 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (10,5 ha) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM, đến gặp Trầm Bê đề nghị vay tiền. Ông Bê đồng ý với điều kiện có đủ hồ sơ và tài sản thế chấp.

Do toàn bộ 23 bất động sản này là đất nông nghiệp Cường đang thế chấp cho Agribank chi nhánh 6 để vay 628 tỷ đồng nên lấy lý do “chưa hoàn tất thủ tục sang tên” cho công ty của mình, làm đơn gửi Agribank mượn lại. Cường sau đó đem đến Ngân hàng Phương Nam làm thủ tục vay.

Bị cáo Dương Thanh Cường trong lần ra tòa trước đây. Ảnh: Hải Duyên

Bị cáo Dương Thanh Cường trong lần ra tòa trước đây.

Sau khi được cán bộ Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam thẩm định hồ sơ, Hội đồng tín dụng gồm Phan Huy Khang (Chủ tịch), Phan Thị Hồng Vân và Trầm Viết Trung (ủy viên) đã ký duyệt cho công ty của Cường vay 130 tỷ đồng và tiếp tục trình lên cấp trên. Ông Trầm Bê sau đó ký duyệt, giao Sở giao dịch giải ngân trước khi công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.

Đến tháng 5/2008, Cường tiếp tục đến gặp Trầm Bê xin vay thêm 130 tỷ đồng và 5.000 lượng vàng. Hội đồng tín dụng lần này không có Trầm Viết Trung (đã nghỉ việc) duyệt đồng ý. Ngân hàng Phương Nam sau đó đã giải ngân cho Cường hơn 57 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng (tương đương 221 tỷ đồng). Được giải ngân Cường dùng để tất toán khoản vay trước, trả 32 tỷ đồng lãi còn lại hơn 57 tỷ sử dụng cá nhân.

Một năm sau, không có tiền để trả nợ khoản vay lần 2 nên Cường đề nghị Trầm Bê cho ký hợp đồng vay mới (lần 3) để đảo nợ. Ông Bê và thuộc cấp đã duyệt giải ngân cho công ty của Cường vay 80 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng. Đến đầu năm 2010, Cường gán toàn bộ 23 bất động sản ở Bình Chánh cho Ngân hàng Phương Nam để thanh lý các khoản nợ.

Cơ quan điều tra xác định, Cường đã gian dối dùng tài sản đang thế chấp tại Agribank đi vay và chiếm đoạt của Ngân hàng Phương Nam tổng cộng 331 tỷ đồng gốc và lãi. Còn Trầm Bê và thuộc cấp đã ký duyệt hồ sơ giải ngân cho vay đối với tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, đồng thời giải ngân cho công ty của Cường trước khi công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi hồ sơ của doanh nghiệp không đủ điều kiện.

Ông Trầm Bê ra tòa hồi năm ngoái trong đại án Phạm Công Danh. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Trầm Bê ra tòa hồi năm ngoái trong đại án Phạm Công Danh.

Trần Viết Trung có tham gia vào Hội đồng tín dụng phê duyệt cho Công ty của Cường vay lần đầu tiên. Tuy nhiên, khoản vay này đã được tất toán, ông Trung sau đó nghỉ việc nên cơ quan điều tra không có cơ sở xác định thiệt hại do hành vi của ông này gây ra nên không xử lý hình sự mà kiến nghị xử lý hành chính.

Sau khi hoàn tất việc điều tra, Bộ Công an đã chuyển hồ sơ qua VKSND Tối cao đề nghị truy tố. Tuy nhiên, VKS cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của ông Trung để xử lý. Ngoài ra, VKS cũng đề nghị cá thể hóa trách nhiệm hình sự của bị can và thiệt hại trong từng lần cho vay.

Liên quan đến việc sử dụng các bất động sản này đi vay nhiều ngân hàng, tháng 11/2015, TAND TP HCM tuyên phạt Dương Thanh Cường mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lãnh đạo và cán bộ Agribank Chi nhánh 6 cùng các bị cáo khác trong vụ án nhận 8-25 năm tù.

Toà buộc Cường bồi thường cho Agribank Chi nhánh 6 hơn 1.100 tỷ đồng, hủy lệnh kê biên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho Ngân hàng Phương Nam quản lý. Bởi ngân hàng này là đơn vị quản lý hợp pháp, Agribank chỉ nắm giữ bản sao. Việc để cho Cường mang những giấy tờ này sang Phương Nam tiếp tục thế chấp vay tiền là lỗi của Agribank.

Bản án này được tòa phúc thẩm giữ nguyên. Tuy nhiên, TAND Tối cao sau đó kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về phần dân sự – tức xem xét lại quyết định trả cho Phương Nam 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 3/5 TAND TP HCM xử sơ thẩm lần 2, tiếp tục kê biên các tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Quyền lợi của Ngân hàng Phương Nam, HĐXX cho rằng, sẽ được xem xét khi vụ án liên quan đến các lãnh đạo và cán bộ ngân hàng này được đưa ra xét xử.

Hồi tháng 8/2018, ông Trầm Bê bị tuyên phạt 4 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do giúp Phạm Công Danh gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng VNCB khoảng 1.800 tỷ đồng.

Nguồn : vnexpress

Công bố kết luận điều tra vụ học sinh Trường Gateway chết trên xe đưa đón

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa hoàn tất điều tra vụ bé trai 6 tuổi Trường Gateway tử vong trên xe đưa đón, qua đó làm rõ những tình tiết “bí ẩn” và trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án

Theo đó, vụ việc bé Lê Hoàng Long (6 tuổi, học sinh lớp 1 Tokyo, Trường tiểu học Gateway) tử vong trong xe ôtô đưa đón, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố hai bị can Nguyễn Bích Quy (SN 1964, người đưa đón) và Doãn Quý Phiến (SN 1966, tài xế) về tội “vô ý làm chết người”.

Bị can Nguyễn Thị Thủy (SN 1990, chủ nhiệm lớp 1 Tokyo) bị đề nghị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quả bóng bay trên xe của học sinh quên từ hôm trước

Theo kết luận điều tra, khoảng 6h ngày 6-8-2019, tài xế Doãn Quý Phiến lái ôtô 16 chỗ BKS 29B-069.56 đón bà Quy để đi đón 13 học sinh Trường Gateway, trong đó có cháu Lê Hoàng Long (6 tuổi, trú tại tòa Trung Yên Plaza).

Thời điểm ở nhà đi, bé Long mặc áo phông đỏ có dòng chữ “Gateway”. Gia đình cũng chuẩn bị cho bé Long một áo phông màu ghi khác có dòng chữ “Gateway” và cho sách vở vào balô trước khi tới trường.

Lúc lên xe, bé Long ngồi hàng ghế thứ 4 từ trên xuống (xe có 5 hàng ghế). Vị trí bé Long ngồi trên trần ôtô có một quả bóng bay màu vàng.

Theo kết luận điều tra, quả bóng bay này do một học sinh khác lấy ở sân trường mang lên ôtô từ một ngày trước (ngày 5-8).

Sau khi đủ học sinh lên xe, tài xế Phiến lái xe tới Trường Gateway (số 89 Khúc Thừa Dụ, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội).

Tới trường, tài xế Phiến dừng xe ở cổng phụ và ngồi ở ghế lái, bà Quy mở cửa cho các cháu xuống.

Bà Quy bế và dắt hai bé sinh đôi xuống trước vì các cháu quấy khóc, sau đó không kiểm tra bên trong xe còn học sinh hay không mà đóng ngay cửa xe, để quên bé Long trong ôtô.

Tài xế Phiến cũng không kiểm tra lại mà lái ôtô về ký túc xá Học viện Báo chí và tuyên truyền gửi. Sau khi dừng đỗ, tài xế Phiến xuống xe, tắt máy, bấm khóa tự động rời đi, không kiểm tra khoang hành khách, không làm vệ sinh trong xe và mặt ngoài xe ôtô.

Kết luận điều tra cũng cho thấy, mặc dù không kiểm đếm học sinh khi xuống xe nhưng bà Quy vẫn ghi vào sổ nhật ký xe buýt là học sinh đi thực tế là 13, không có học sinh xuống muộn. Từ đó dẫn đến việc để quên bé Long trên ôtô.

Công an xác định hành vi của bà Quy, ông Phiến đã cấu thành tội “vô ý làm chết người”, quy định tại điều 128 Bộ luật hình sự.

Công bố kết luận điều tra vụ học sinh Trường Gateway chết trên xe đưa đón - Ảnh 2.

Trường tiểu học Gateway nơi xảy ra vụ bé trai 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón – Ảnh: NAM TRẦN

Giáo viên thấy học sinh vắng không báo nhà trường

Theo kết luận điều tra, khoảng 7h50 ngày 6-8-2019, cô Nguyễn Thị Thủy vào lớp điểm danh, phát hiện bé Long vắng nhưng không ghi sĩ số, không cập nhật kết quả lên hệ thống, phần mềm của nhà trường.

Gần trưa, nhân viên giáo vụ nhà trường nhắc nhở và hướng dẫn bị can Thủy cập nhật sĩ số điểm danh lên hệ thống.

Sau đó, bị can Thủy cập nhật nhưng đề bé Long vắng có lý do lên hệ thống quản lý học sinh của nhà trường.

Đến chiều cùng ngày, khi đón các học sinh về, bà Quy phát hiện bé Long nằm bất tỉnh trong xe ôtô sau ghế lái. Dù được nhân viên y tế tại trường sơ cứu và đưa vào viện nhưng bé Long được chẩn đoán “ngừng tuần hoàn ngoại viện”.

Sau khi xảy ra sự cố, ngày 7-8, bị can Nguyễn Thị Thủy nhờ nhân viên giáo vụ kiểm tra lại cập nhật điểm danh học sinh trên phần mềm. Bị can Thủy còn nhờ giáo vụ sửa bé Long vắng mặt không có lý do.

Tại cơ quan công an, bị can Thủy khai biết rõ học sinh vắng mặt không lý do nhưng không liên lạc, trao đổi với gia đình dẫn đến không phát hiện ra sự việc bé Long bị bỏ quên trong ôtô.

Bé Long tử vong do sốc nhiệt

Theo kết luận điều tra, bé Long tử vong do suy hô hấp tuần hoàn do sốc nhiệt trong không gian không giới hạn, loại trừ nguyên nhân tử vong do tác động ngoại lực.

Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an giám định hình ảnh thu tại Trường Gateway.

Theo bản kết luận giám định, 65 tập tin video, 52 tập tin hình ảnh thu thập tại Trường Gateway không phát hiện dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung.

Ngoài ra, hình ảnh thu tại ký túc xá Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng không phát hiện dấu vết chỉnh sửa.

Theo Tuổi trẻ