Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/9/2020

1. Thu phí cách ly người nhập cảnh

Thông báo 313 của Văn phòng Chính phủ ban hành về Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 hôm 29/8 nêu rõ, Thủ tướng đồng ý mở rộng cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí, có giám sát. Các Bộ Tài chính và Y tế hướng dẫn để từ 1/9, thu phí tất cả trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả nơi cách ly.

Chi phí khám chữa bệnh cho những người mắc Covid-19 tiếp tục do ngân sách Nhà nước chi trả.

 

2. Tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình

Có hiệu lực từ ngày 1/9, nghị định 82/2020 quy định mức phạt với người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác từ 3-5 triệu đồng, thay vì 1-3 triệu đồng như hiện nay.

Mức phạt tương tự cũng áp dụng với người đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Nghị định cũng quy định hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách về dân số sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

 

3. Người tố cáo là cán bộ, công chức được bảo vệ vị trí công tác

Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo có hiệu lực từ ngày 5/9/2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.

Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp: Được sự đồng ý của người đó; Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

 

4. Thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông từ năm học 2020-2021 là 8 tuần

Nghị định 84/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 01/9/2020) quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo được quy định cụ thể như sau:

– Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

(Hiện hành, quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 2 tháng, bao gồm nghỉ phép hằng năm).

– Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

– Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

– Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định theo thẩm quyền.

Như vậy: Từ năm học 2020-2021 trở đi, thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông sẽ là 8 tuần thay vì 2 tháng như hiện nay; thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non vẫn giữ nguyên là 8 tuần.

5. Giảm giá vé giao thông công cộng, dịch vụ giải trí cho học sinh, sinh viên

Ngày 17/07/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục 2019.

Theo đó, Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định 02 dịch vụ công cộng giảm giá vé cho học sinh, sinh viên gồm:

  • Dịch vụ công công về giao thông như: tàu hỏa, xe ô tô buýt;
  • Dịch vụ công cộng về giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa: Bảo tàng, di tích lịch sử, thư viện, triển lãm.

Các đơn vị tham gia vận tải công cộng và cơ sở văn hóa, giải trí phát hành vé giảm giá cho học sinh, sinh viên khi học sinh, sinh viên xuất trình thẻ học sinh, sinh viên.

Lưu ý: Căn cứ điều kiện cụ thể, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên thuộc thẩm quyền quản lý.

Nghị định 84/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/09/2020.

6. Hồ sơ phát hành trái phiếu của DN phải có hợp đồng mua trái phiếu

Ngày 01/09/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và có hiệu lực từ ngày 01/09/2020.

Theo đó, hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bao gồm:

  • Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Nghị định 163/2018/NĐ-CP;
  • Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu;
  • Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu;
  • Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;
  • Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);
  • Hợp đồng mua trái phiếu trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu.

 

7. Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt

Cũng tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp, bố, mẹ đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt.

Trước đây, bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (tức là trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra) sẽ bị phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, theo Nghị định 82 có hiệu lực vào 1/9 sẽ bãi bỏ quy định này.

Ngoài ra, Nghị định 82 cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như: Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh: phạt từ 1 – 3 triệu đồng.

Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh: phạt từ 3 – 5 triệu đồng.

 

8. Bỏ tên trạm thu giá đường bộ

Có hiệu lực từ ngày 15/9, Thông tư 15/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải đặt tên cho nơi thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ, thay vì trạm thu giá theo quy định từ ba năm trước.

Tên gọi trạm thu phí đường bộ được quy định từ năm 2010 trong Thông tư 05 của Bộ Giao thông Vận tải, tuy nhiên năm 2016, Bộ này ban hành thông thư 49 để thay thế, trong đó đổi tên gọi thành trạm thu giá. Đến đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải bắt đầu lắp đặt biển tên “trạm thu giá” ở các trạm thu phí đường bộ. Việc thay đổi này đã khiến tài xế, chuyên gia phản đối.

Cũng theo Thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm. Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử…

 

9. Nâng mức hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp

Có hiệu lực từ ngày 15/9, Nghị định 88/2020/NĐ-CP tăng mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp lên tối đa 800.000 đồng thay vì 500.000 đồng như hiện nay. Với quy định này, mỗi người lao động được hỗ trợ tối đa hai lần, và mỗi năm được hỗ trợ một lần.

Về kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp, Chính phủ lần đầu quy định rõ số tiền hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 15 triệu đồng; hiện nay quy định không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở.

Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động trong trường hợp này là 2 lần và trong một năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/7/2020

1. Chỉ có 3 trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức

Theo Nghị định số 62 ngày 01/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 20/7/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 03 trường hợp:

1. Cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao…

2. Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

3. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên

Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Giáo dục 2019. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Điều đáng chú ý tại Luật này, hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều phải nâng chuẩn trình độ.

Theo đó: Giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; Giảng viên đại học tối thiểu phải có bằng thạc sĩ.

Việc nâng chuẩn trình độ đối với những giáo viên nêu trên sẽ được thực hiện theo lộ trình.

3. Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.

4. Thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Tại kỳ họp thứ 8, ngày 22/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Dân quân tự vệ. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

So với hiện nay, khi Luật này được áp dụng, sẽ có thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ. Có thể kể đến:

– Nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

– Người có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an;

– Lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo…

5. Có Căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu

Khoản 3 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 có nêu:

Người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.

Như vâỵ, từ ngày 01/7, người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu sao cho thuận lợi, thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện nay.

6. Lần đầu tiên có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Luật Thư viện thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000.

Luật này đã chính thức đưa ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc và từng bước hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước.

Luật cũng quy định, thư viện được tổ chức theo 2 mô hình: Thư viện công lập và Thư viện ngoài công lập. Đồng thời Luật cũng quy định rõ:

Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản;

Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhận nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.

7. Mở rộng quyền lợi của người nộp thuế

Ngày 01/7/2020, khi Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực, quyền lợi của người nộp thuế càng được đảm bảo hơn nữa. Đơn cử như:

– Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

– Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.

8. Bí mật Nhà nước được bảo mật đến 30 năm

Ngày 15/11/2018, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Bí mật nhà nước được phân thành 03 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Thời gian bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến:

– 30 năm với bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật;

– 20 năm với bí mật Nhà nước độ Tối mật;

– 10 năm với bí mật Nhà nước độ Mật…

9. Doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/5/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.

Hiện nay, hàng tháng, người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Song tới đây, người sử dụng lao động sẽ được đề xuất mức đóng giảm xuống còn 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

10. Người nước ngoài đã có thể chuyển đổi mục đích của thị thực

12. Người nước ngoài đã có thể chuyển đổi mục đích của thị thực

Để phù hợp với tình hình thực tế, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điểm đáng chú ý của Luật này ở chỗ, nếu như trước đây, thị thực không được chuyển đổi mục đích thì khi Luật này có hiệu lực, tức từ 01/7/2020, người nước ngoài đã được cho phép chuyển đổi mục đích thị thực trong một số trường hợp cụ thể.

Khi đó, thị thực mới sẽ có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.

Những chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 4/2020

1. Trả lương không đúng hạn, doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng
Ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP trước đó.
Đáng chú ý là quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền:

– Từ 05 – 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 01 – 10 người lao động;

– Từ 10 – 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 – 50 người lao động;

– Từ 20 – 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 – 100 người lao động;

– Từ 30 – 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 – 300 người lao động;

– Từ 40 – 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 02 lần. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.

2. Taxi được chọn gắn hộp đèn hoặc dán phù hiệu

Ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014 liên quan tới nội dung về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.

Theo đó, hộp đèn “TAXI” phải có kích thước tối thiểu là 12 x 30cm, còn logo làm bằng vật liệu phản quang có kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20cm.

Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI”.

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, nếu là xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền thì trên xe phải gắn đồng hồ được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe.

Ngoài ra, với những taxi công nghệ có sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi như Grab, Be… thì trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến. Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.

3. Tung tin đồn thất thiệt “câu like” bị phạt đến 20 triệu đồng

Đầu tháng 02, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
Theo Nghị định này, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đồng thời, mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi:

– Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

– Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…

4. Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng

Nghị định 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 01/03/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Theo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định nêu rõ: Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân./

5. Người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 28/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 25/12/2019 về hoạt động thẻ ngân hàng và có hiệu lực từ ngày 01/4/2020 tới đây.

Theo đó, đối tượng là chủ thẻ phụ có thể là:

– Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật: Được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

– Người từ đủ 15 – 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự: Được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (quy định mới).

– Người từ đủ 6 – 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ: Được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.

– Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán: Được sử dụng thẻ ghi nợ (thẻ chính);
– Tổ chức là pháp nhân: Được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước (thẻ chính).

6. Nhiều vi phạm về nhà ở không còn bị xử phạt

Nghị định 21/2020 của Chính phủ đã bãi bỏ nhiều quy định xử phạt trong lĩnh vực nhà ở. Những vi phạm này trước đây đều bị phạt từ 50 – 60 triệu đồng thì nay đã không còn bị xử phạt.

– Người được thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện cho mượn lại nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền;

– Tặng cho nhà ở mà nhà ở đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định;

– Người thuê nhà ở công vụ cho mượn nhà ở công vụ;

– Cho mượn nhà công sở.

7. Bị phạt 10-15 triệu đồng nếu không đóng BHXH cho giúp việc

Tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có hiệu lực từ 15/4/2020.

Cụ thể, Điểm b Khoản 2 Điều 29 Nghị định 28 quy định, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.

Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng cũng áp dụng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình (theo Điểm a Khoản 2 Điều 29 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Mức phạt nêu trên cũng áp dụng đối với người sử dụng lao động có hành vi thuê người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi theo quy định.

8. Thưởng đến 3 tháng lương cho nhân viên VNPT, Vietnam Airlines

Tại Nghị định 20/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập Quỹ tiền thưởng, phúc lợi của người lao động và Ban điều hành trong VNPT, Vietnam Airlines như sau:

– Nếu lợi nhuận thực hiện không thấp hơn kế hoạch, người lao động và Ban điều hành được thưởng không quá 03 tháng tiền lương thực hiện;

– Nếu lợi nhuận thực hiện thấp hơn kế hoạch, mức thưởng là không quá 03 tháng lương thực hiện nhân với tỷ lệ % lợi nhuận thực hiện so với lợi nhuận kế hoạch.

Trong đó, tiền thưởng trả cho Tổng giám đốc không quá 07 lần so với tiền thưởng bình quân của người lao động.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi bản án của tòa có hiệu lực

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư. Tôi có câu hỏi muốn được nhờ Luật sư tư vấn. Gia đình tôi và gia đình ông X có tranh chấp về diện tích 126m2 và đã được TAND huyện H tuyên gia đình tôi được quyền sử dụng hợp pháp diện tích 126m2 nêu trên, bản án không có kháng cáo của hai bên. Vậy Luật sư cho tôi hỏi gia đình tôi muốn xin cấp GCN QSDĐ có được không? UBND phường có phải Niêm yết công khai trước 15 ngày không? Tôi xin chân thành cảm ơn. (Hoàng Hà – Hiệp Hòa).

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hiệp Thành. Luật sư Nguyễn Duy Minh thuộc Công ty Luật TNHH Hiệp Thành xin được tư vấn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất Đai;

Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài Nguyên Môi trường quy định về hồ sơ địa chính.

  1. Nội dung tư vấn:

Trường hợp của bạn hoàn toàn được xin cấp GCN QSDĐ theo quy định và bạn cần chuẩn bị những hồ sơ sau đây:

– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất mà bạn mua;

– Giấy tờ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất);

– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất – nếu có (bản sao);

– Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế;

– Bản án có hiệu lực của TAND huyện K.

Sau khi bạn hoàn thiện những giấy tờ nêu trên bạn nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện H và chờ kết quả.

UBND phường sẽ có trách nhiệm niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, nguồn gốc, tình trạng tranh chấp, thời điểm sử dụng đất của gia đình chị trong thời hạn 15 ngày tại UBND phường, khu dân cư – nơi có mảnh đất chị đang cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Duy Minh
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com