Không nộp biên lai tạm ứng án phí thì có được thụ lý vụ án không?

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư, tôi hiện đang sinh sống tại Lào Cai, tôi có nộp đơn khởi kiện và hồ sơ tới TAND thành phố Lào Cai để yêu cầu giải quyết tranh chấp, nhận được thông báo của Tòa án là đi nộp tiền tạm ứng án phí. Tôi đã thực hiện nộp ngay sau khi nhận được thông báo, tuy nhiên tôi không nộp lại biên lai tới Tòa án. Hiện tại tôi nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa. Tôi xin hỏi tại sao tôi nộp tiền theo thông báo của Tòa án rồi nhưng vẫn bị trả lại đơn khởi kiện?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hiệp Thành, câu hỏi của bạn được chuyên gia tư vấn và nghiên cứu như sau:

  1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự;

  1. Nội dung tư vấn:

Căn cứ theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

“Điều 195. Thụ lý vụ án

  1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
  2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.”

Việc bạn nộp tạm ứng án phí theo hướng dẫn của Tòa án là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên, sau đó, bạn phải thực hiện nộp lại Biên lai nộp tiền của bạn cho Tòa án để làm căn cứ thụ lý vụ án.

Do trường hợp của bạn đã không tiến hành nộp lại Biên lai cho Tòa theo thời hạn quy định là 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền, điều này tương ứng với việc Tòa án cho rằng bạn chưa nộp tiền tạm ứng án phí, theo đó, căn cứ vào quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

“Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện

  1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
  2. d) Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng;”

Việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện của bạn là phù hợp quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn đã nộp tiền tạm ứng án phí nhưng không nộp Biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa, bạn có thể thực hiện làm đơn đề nghị để Tòa án xem xét về nguyên nhân trong việc này và để Tòa án xem xét việc tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo yêu cầu của bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!
Luật gia Phạm Thị Ngọc Ánh
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Cán bộ, công chức, viên chức có được thành lập công ty không?

Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần thì việc đầu tư kinh doanh là nhu cầu của bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề kinh doanh. Vậy có một câu hỏi đặt ra là cán bộ, công chức, viên chức có được thành lập doanh nghiệp hay không?

Căn cứ điểm b, khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

  1. b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;”.

Ngoài ra

“Điều 37. Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm

  1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:
  2. a) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;
  3. b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  4. c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;
  5. d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi.

  1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
  2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
  3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
  4. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.”

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức không được phép thành lập doanh nghiệp mà chỉ có thể tham gia góp vốn ở từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể:

– Đối với công ty cổ phần, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn mà không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của doanh nghiệp.

– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thì cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia góp vốn ở loại hình doanh nghệp này vì loại hình doanh nghiệp này khi tham gia đồng nghĩa với việc có tư cách thành viên mà có tư cách thành viên là có vai trò quản lý trong đó.

– Còn đối với công ty hợp danh thì cán bộ, công chức, viên chức chỉ có thể tham gia với tư cách là thành viên hợp vốn không được tham gia với tư cách hợp danh. Chỉ với tư cách hợp vốn thì họ mới không có khả năng quản lý doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hiệp Thành về “Cán bộ, công chức, viên chức có được thành lập công ty không?”. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!

Công ty Luật TNHH Hiệp Thành

0942141668

Email: luathiepthanh@gmail.com