Xây nhà trái phép có được hợp thức hóa không?

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 28/05/2022 Lượt xem: 484 Chuyên mục: Công Chứng Giao Dịch , Đất Đai - Nhà Ở , Hợp Đồng - Giao Dịch , Tin pháp luật

‘Trên địa bàn tôi ở hiện nay nhiều công trình nhà ở riêng lẻ đã tồn tại và đang xây dựng nhưng thuộc diện xây dựng trái phép. Vậy theo quy định có được hợp thức hóa công trình này không?’ – Phạm Ngọc Bắc, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Vấn đề bạn hỏi, Luật sư xin tư vấn như sau:

Theo quy định mới nhất tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP, Điều 81 nêu rõ, với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng (không phép) hoặc xây dựng không đúng với nội dung giấy phép được cấp (trái phép) mà thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng sẽ xử lý theo các trình tự. Cụ thể:

Người có thẩm quyền, trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm dừng thi công xây dựng. Trong thời hạn 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng điều chỉnh và được chấp thuận.

Nhiều quy định mới về cấp phép công trình xây dựng tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, giấy phép điều chỉnh thực hiện theo quy định pháp luật về cấp giấy phép xây dựng, bổ sung thêm hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính. Như vậy, theo Nghị định 16/2022, tổ chức, cá nhân chỉ có 30 ngày để hợp thức hóa nhà ở không phép, trái phép thay vì 60 ngày như trước đây.

Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, điều chỉnh giấy phép xây dựng, thiết kế khi đang thi công, gồm: Xây dựng sai nội dung giấy phép đối với công trình sửa chữa, cải tạo, di dời và giấy phép có thời hạn; Xây dựng sai nội dung giấy phép mới; Xây dựng không phép mà theo quy định phải có giấy phép; Xây dựng sai thiết kế trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng…

Hết thời hạn 30 ngày theo quy định tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng điều chỉnh thì người có thẩm quyền ra văn bản thông báo yêu cầu tự phá dỡ công trình, phần xây dựng vi phạm. Tối đa sau 15 ngày kể từ ngày gửi văn bản tổng báo (tính theo dấu bưu điện) hoặc từ ngày có biên bản bàn giao thông báo tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện biện pháp bắt thuộc tự tháo dỡ công trình, phần xây dựng vi phạm.

Tuy nhiên, ngay cả trường hợp được cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng qua bước kiểm tra hiện trạng, nếu không phù hợp với giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng điều chỉnh vẫn sẽ bị yêu cầu khắc phục hậu quả, tháo dỡ phần vi phạm.

Ngoài ra, tại Điều 16 của Nghị định này cũng quy định mức xử phạt nặng những hành vi vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ. Cụ thể, không thực hiện điều chỉnh, gia hạn giấy phép, thi công sai nội dung trong trường hợp sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép có thời hạn: phạt từ 15 – 30 triệu đồng; Thi công sai nội dung giấy phép mới: 30 – 70 triệu đồng; Thiếu giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có: 60 – 100 triệu đồng; Sai thiết kế đối với công trình được miễn giấy phép: 80 – 120 triệu đồng; Xử phạt hành vi tiếp tục vi phạm sau khi lập biên bản: 100 – 140 triệu đồng, đã xử phạt hành nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: 120 – 160 triệu đồng. Đồng thời phạt bổ sung, tước giấy phép xây dựng từ 3 – 6 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trên đây là nội dung tư vấn liên quan đến việc xây nhà trái phép có được hợp thức hóa không. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Đối tác