Nhận diện nguyên nhân khó khăn trong theo dõi thi hành án hành chính

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 06/06/2022 Lượt xem: 362 Chuyên mục: Tố Tụng Tại Toà

Công tác Thi hành án hành chính (THAHC) nói chung, theo dõi THAHC nói riêng thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên công tác này còn nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguồn lực dành cho công tác THAHC chưa tương xứng

Theo Vụ nghiệp vụ 3 Tổng cục THADS thì những khó khăn đó có thể được kể đến như một số cơ quan THADS chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm được giao; việc thực hiện trách nhiệm theo dõi THAHC còn mang nặng tính hình thức; một số quy định của pháp luật về THAHC chưa được quy định rõ ràng…

Vụ Nghiệp vụ 3 chỉ ra rằng, nhận thức của một bộ phận Thủ trưởng cơ quan THADS về công tác THAHC và trách nhiệm theo dõi THAHC theo Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP còn chưa đầy đủ, dẫn đến chưa dành sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đối với công tác theo dõi THAHC và chưa chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước và tổ chức THAHC. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trong công tác theo dõi THAHC của các cơ quan THADS hiện nay.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự được giao làm nhiệm vụ THAHC còn tương đối hạn chế; việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thực hiện theo dõi THAHC còn khó khăn, chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên trong quá trình tổ chức theo dõi THAHC còn có phần lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan THADS với các cơ quan, đơn vị hữu quan, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đôi khi còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác theo dõi THAHC. Nhiều nơi, cơ quan THADS chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh Nhà nước thực hiện tinh giản biên chế, số lượng các vụ việc THADS thuộc trách nhiệm tổ chức thi hành của các cơ quan THADS ngày càng tăng cao cả về việc và về tiền, tạo áp lực lớn đối với đội ngũ công chức THADS trong việc hoàn thành chỉ tiêu THADS được giao. Điều này dẫn đến các nguồn lực của Hệ thống THADS dành cho công tác THAHC hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra của công tác theo dõi THAHC.

Về khách quan, hiện nay cơ chế THAHC theo Luật TTHC năm 2010 đến Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là cơ chế tự thi hành, do đó, đối với những trường hợp bản án, quyết định bị chậm hoặc không được tổ chức thi hành vẫn chưa có những cơ chế cụ thể, mạnh mẽ để buộc người phải thi hành án tổ chức thi hành.

Thể chế pháp luật về THAHC đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho công tác THAHC, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh những vấn đề chưa được quy định rõ, còn nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan, thậm chí là các cơ quan ở Trung ương, điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện theo dõi THAHC của các cơ quan THADS.

THAHC là lĩnh vực rất phức tạp, đặc biệt là khi việc THAHC liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, các quyết định giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại về đất đai (chiếm tỷ lệ 90% các vụ việc hành chính bị khiếu kiện) để thi hành dứt điểm đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, thủ tục với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị do pháp luật quản lý hành chính chuyên ngành quy định dẫn đến quá trình THAHC thường bị kéo dài. Cùng đó, còn một số bản án hành chính của Tòa án có nội dung tuyên chung chung, chưa rõ ràng, không cụ thể, thiếu tính thuyết phục và không khả thi trên thực tế.

Nâng cao vai trò của Chấp hành viên

Một trong những giải pháp được đưa ra là đối với công chức được giao theo dõi THAHC, theo Vụ Nghiệp vụ 3 Chấp hành viên cần nhận thức đầy đủ, rõ ràng vai trò, ý nghĩa của công tác THAHC và theo dõi THAHC, trên cơ sở đó nghiên cứu, nắm vững và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về theo dõi THAHC.

Chấp hành viên khi được phân công thực hiện theo dõi THAHC cần phải chủ động lập hồ sơ theo dõi THAHC, nghiên cứu, nắm rõ nội dung vụ việc, lý do phát sinh khiếu kiện, trách nhiệm của người phải thi hành án theo bản án tuyên trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp thực hiện đối với từng hồ sơ theo dõi THAHC; cập nhật và bổ sung đầy đủ các tài liệu thể hiện quá trình THAHC và theo dõi THAHC vào hồ sơ vụ việc theo đúng quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.

Chấp hành viên cần tích cực, chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo dõi THAHC theo đúng quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Quá trình thực hiện, cần thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, tránh việc ngại va chạm, nể nang, né tránh, nhất là khi thực hiện hoạt động tổ chức làm việc với người phải thi hành án và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo dõi THAHC, Chấp hành viên cần kịp thời báo cáo Lãnh đạo đơn vị để có biện pháp, hướng giải quyết.

Đối tác