Hợp đồng vay ghi giá bằng USD   

Tác giả: Luật Hiệp Thành Đăng ngày: 16/03/2021 Lượt xem: 976 Chuyên mục: BM hợp đồng-giao dịch , Hợp Đồng - Giao Dịch

Câu hỏi:

Ngày 15-3-2021, chúng tôi nhận được đề nghị giải đáp thắc mắc “Hợp đồng vay tài sản ở Việt Nam giữa 2 cá nhân qua USD có hiệu lực không?” thông qua Công văn số 0*/2021-INTE***. Trên cơ sở nghiên cứu, chúng tôi xin có văn bản giải đáp thắc mắc trên như sau:

  1. I. Cơ sở pháp lý

– Hiến pháp năm 2013;

– Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13;

– Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 được sửa đổi, bổ sung bởi Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối;

  1. Nội dung

Hợp đồng ghi nợ bằng đồng ngoại tệ không có hiệu lực.

  1. Khái niệm hợp đồng vay tài sản

Tại Điều 494 Bộ luật Dân sự quy định về khái niệm hợp đồng vay tài sản như sau:

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Như vậy, vấn đề của bạn có thể hiểu là “sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một bên giao tài sản cho bên còn lại với tài sản được ghi giá là đồng USD thì có hiệu lực không?”

  1. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản trên

Nội dung hợp đồng ghi nhận tài sản giao dịch (hay đối tượng hợp đồng) là USD.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2013:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Ngoại hối bao gồm:
  2. a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);…”

Theo quy định tại khoản 3 Điều 55 Hiến pháp thì:

“Điều 55.

  1. Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.”

Như vậy, USD không phải đơn vị tiền tệ của Việt Nam và do đó là đồng tiền của quốc gia khác nên USD là ngoại hối.

  1. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối

Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì:

“Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”          

Như vậy, ở trường hợp của anh hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam ghi nhận giá của tài sản là đối tượng của hợp đồng bằng ngoại tệ (đồng USD). Vì những lý do trên nên có thể kết luận:

Hợp đồng trên đã vi phạm điều cấm của Pháp lệnh.

  1. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự thì:

“Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu…”         

Theo quy định tại khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự thì:

“Điều 407. Hợp đồng vô hiệu

  1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu…”

Như vậy, hợp đồng dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Vì Hợp đồng trên đã vi phạm điều cấm của Pháp lệnh ngoại hối nên do đó có thể xác định hợp đồng trên vô hiệu.

  1. Hậu quả của hợp đồng vô hiệu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự thì các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu nên ta có thể áp dụng quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu vào hợp đồng dân sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự thì:

“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

  1. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả…”   

Như vậy, hợp đồng dân sự trên vô hiệu thì 2 bên trong hợp đồng phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Vậy, hợp đồng trên vô hiệu do đã ghi giá bằng ngoại hối. Vì hợp đồng không có hiệu lực nên 2 bên trong hợp đồng phải khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trên đây là nội dung quy định về hợp đồng ghi giá bằng USD. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Luật gia Đỗ Trần Khởi
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com

Đối tác