Bộ Xây dựng đề xuất sửa luật, cò đất hết cửa náo loạn thổi giá ăn chênh

Theo Bộ Xây dựng hiện có không ít môi giới bất động sản yếu kém về chuyên môn, đạo đức làm ăn ‘chụp giật’, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn ‘sốt ảo’.

“Chụp giật”, “lách luật” trốn thuế

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014.

Nêu tại báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 năm triển khai thực hiện hoạt động kinh doanh BĐS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Luật và các văn bản quy định chi tiết được ban hành kịp thời đã tạo cơ sở pháp lý để hoạt động kinh doanh BĐS ngày càng phát triển và từng bước đi vào nề nếp, đồng thời giúp cho thị trường BĐS phát triển, ổn định, lành mạnh. Tuy nhiên vẫn còn các tồn tại, hạn chế từ quy định chung về kinh doanh BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng dự án BĐS đến dịch vụ môi giới, sàn giao dịch BĐS…

Về đội ngũ môi giới BĐS hiện nay, Bộ Xây dựng đánh giá có thể nói thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng.

Nhiều môi giới hoạt động nặng tính “chụp giật”, kiếm lời, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn “sốt ảo” để kiếm lợi

“Đội ngũ môi giới bất động sản hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này còn thấp, nặng tính “chụp giật”, kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội “lách luật” trốn thuế” – Bộ Xây dựng cho biết.

Theo Bộ này, thực trạng trên là do Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định về điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới BĐS quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới BĐS nên dẫn đến tình trạng hiện nay đội ngũ làm môi giới yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn “sốt ảo” để kiếm lợi.

Bên cạnh đó, Luật kinh doanh BĐS quy định cá nhân chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế là có thể thực hiện dịch vụ môi giới BĐS. Pháp luật hiện hành chưa bắt buộc các cá nhân này có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động của họ.

Do đó họ hoàn toàn có thể tự do hành nghề ở bất kỳ đâu, họ có hai xu hướng hoạt động kinh doanh một là ăn theo các sàn giao dịch BĐS để lấy thông tin, để làm cộng tác viên hoặc môi giới thứ cấp. Hai là tự đi khai thác nguồn thông tin sản phẩm có nhu cầu bán và chủ yếu là nhà, đất ở có sẵn để môi giới cho khách hàng có nhu cầu mua. Mục tiêu của họ chỉ là làm cách nào để bán được sản phẩm nhanh và hiệu quả nhất và thường không có trách nhiệm với khách hàng, người tiêu dùng đối với các sản phẩm họ đã môi giới.

Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi bổ sung pháp luật kinh doanh BĐS trong đó bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới…., phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập

Ngoài ra, quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề còn quá nhẹ so với hậu quả khi xảy ra sai phạm (phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng).

“Mức xử phạt này mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe dẫn đến việc người môi giới không coi trọng chứng chỉ môi giới. Hiện nay bên cạnh những nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp có không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới BĐS” – Bộ Xây dựng đánh giá.

Cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập

Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi bổ sung pháp luật kinh doanh BĐS theo hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của Mục 2 Chương IV Kinh doanh dịch vụ BĐS, từ Điều 62 đến Điều 68 Luật Kinh doanh BĐS 2014.

Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung quy định phải có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS;

Bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới…., phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS trong nước sau khi thành lập doanh nghiệp phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức mình hoạt động và Cục quản lý nhà & thị trường BĐS để được đăng tải thông tin trên Cổng thông tin của cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở cấp tỉnh và Trung ương.

Bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài hành nghề môi giới tại Việt Nam sau khi thành lập doanh nghiệp, văn phòng….. phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Cục quản lý nhà thị trường BĐS để được đăng tải thông tin trên Cổng thông tin của Cục quản lý nhà.

Sửa đổi bổ sung quyền và nghĩa vụ của môi giới BĐS, trong đó có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của các tổ chức môi giới BĐS.

Bổ sung về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, quy định về thẩm quyền tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS (Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS – Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và có trách nhiệm tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS).

Theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định như trên sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tính minh bạch cao. Phát huy được hết vai trò, chức năng của đội ngũ môi giới, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của các nhân môi giới.

Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt được thị trường, khắc phục được hiện tượng “sốt ảo”, “bong bóng” BĐS do các môi giới BĐS gây ra. Tránh thất thu thuế cho nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Baomoi.com

Bộ Xây dựng: Nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tại chung cư kéo dài

Tại Chỉ thị 02/CT-BXD năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã chỉ ra 07 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 Kết luận Thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 Ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư.

Theo đó, đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định, và quyết toán để chuyển ngay cho Ban quản trị nhà chung cư tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (có giá trị khoảng 62,40 tỉ đồng). Cơ quan này cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư, tổng số tiền 1,03 tỉ đồng.

Bộ Xây dựng chỉ ra 7 nguyên nhân gây tranh chấp kéo dài tại chung cư.

18 Kết luận Thanh tra đã giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự địa phương.

Qua đó, Bộ Xây dựng tổng kết có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Thứ nhất, Bộ cho rằng do nhận thức pháp luật, cách thức, thái độ làm việc và sự hợp tác thiếu thống nhất giữa chủ đầu tư và Ban quản trị.

Thứ hai, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung.

Thứ ba, chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công, nhưng không có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức.

Thứ tư là do chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư không thống nhất được các phần diện tích, nhất là phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.

Thứ năm, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị.

Thứ sáu, chủ đầu tư và Ban quản trị chưa quyết toán số liệu (gốc và lãi) kinh phí bảo trì, nhưng đã bàn giao. Ban quản trị đã nhận số tiền kinh phí bảo trì.

Thứ bảy, một số chính quyền cấp xã, cấp huyện xử lý chưa triệt để nhiều kiến nghị, tranh chấp tại nhà chung cư của địa phương mình.

Nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các tổ chức và cá nhân quan tâm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về nhà ở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó, chú trọng đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì để góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội tại địa phương.

Theo Baomoi.com

DATC bán 2.563.600 cổ phần LILAMA 3

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang lựa chọn tổ chức bán đấu giá cổ phần kèm khoản nợ phải thu tại Công ty cổ phần LILAMA 3

Theo đó, DATC bán lô 2.563.600 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), kèm khoản nợ phải thu theo sổ sách tại thời điểm 31/3/2021 là 375.060.801.595 đồng (Nợ gốc là 148.705.200.000 đồng; Nợ lãi là226.355.601.595 đồng) tại Công ty cổ phần LILAMA 3.

Giá trị khoản nợ phải thu – Giá khởi điểm bán đấu giá cả lô cổ phần kèm nợ phải thu:10.000.000.000 đồng (Mười tỷ đồng).

Chất lượng và tình trạng pháp lý của tài sản theo chứng thư thẩm định giá số 61/2021/CTTĐG/CPAHN ngày 28/7/2021 của được lưu trữ tại trụ sở DATC.

Tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá/chào bán cạnh tranh được DATC đưa ra là: Các đơn vị thm gia đấu giải phải đáp ứng là: Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; Có Phương án đấu giá/chào bán cạnh tranh khả thi, hiệu quả.

Cùng với đó phải có năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá: có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, bán đấu giá/chào bán cạnh tranh đối với vốn góp cổ phần, khoản nợ; (liệt kê một số hợp đồng tư vấn, bán đấu giá/chào bán cạnh tranh vốn góp cổ phần trong ba (03) năm gần đây)…;

Về thù lao dịch vụ tư vấn, bán đấu giá/chào bán cạnh tranh: phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính trong hoạt động tư vấn, bán đấu giá/chào bán cạnh tranh (trong trường hợp đấu giá/chào bán cạnh tranh thành công và trường hợp không thành công) và hợp lý với yêu cầu của DATC trên cơ sở xem xét văn bản, hồ sơ chào phí.

Đồng thời, đơn vị tham gia phải là tổ chức đấu giá được thành lập theo đúng quy định của pháp luật và có tên trong danh sách do cơ quan có thẩm quyền công bố. Có các tiêu chí phù hợp với tài sản đấu giá của DATC: Ký hợp đồng Mua bán tài sản đấu giá, phối hợp bàn giao và ký biên bản giao nhận tài sản đấu giá cho khách hàng…

DATC sẽ xem xét và đánh giá trên các tiêu chí để lựa chọn tổ chức phù hợp nhất.

Theo Baomoi.com

TPBank công bố hoàn thành Basel III

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS 9, đồng thời cho biết sẽ triển khai toàn diện cả hai chuẩn mực quốc tế quan trọng này ngay từ quý IV năm nay.

Hoàn thành Basel III và IFRS 9

Với việc cùng lúc đáp ứng cả 2 chuẩn mực quốc tế quan trọng này, TPBank sẽ nâng cao mức độ tín nhiệm của ngân hàng trong mắt khách hàng và các nhà đầu tư

Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro đang được nhiều ngân hàng Việt Nam hướng tới, giúp các ngân hàng nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng trong những tình huống xấu nhất và quản lý rủi ro thanh khoản.

Trong khi đó, IFRS 9 là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế quan trọng đối với ngân hàng. IFRS 9 mang lại những lợi ích lớn cho các tổ chức tài chính như tăng cường tính minh bạch, tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố, từ đó mở rộng cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế.

Bằng việc đáp ứng toàn bộ yêu cầu của cả Basel III và IFRS 9, TPBank trở thành ngân hàng Việt Nam tiên phong áp dụng đồng thời hai chuẩn mực quản trị rủi ro và báo cáo tài chính khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.

“TPBank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam, không chỉ ở thị phần kinh doanh, mà còn ở việc tiên phong trong việc tuân thủ những chuẩn mực quốc tế. Việc áp dụng Basel III và IFRS cũng như các chuẩn mực quốc tế khác sẽ tăng cường năng lực quản trị tại ngân hàng, gia tăng tính minh bạch, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của TPBank trên thị trường quốc tế cũng như trong nước,” ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ.

Hướng tới nâng cao mức độ tín nhiệm của ngân hàng

Đại diện của TPBank cho biết, ngân hàng này đã chú trọng đến việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tiên tiến nhất từ rất lâu, nhằm đạt được hiệu quả và chất lượng trong công tác quản trị rủi ro. Cụ thể, TPBank đã sớm quan tâm tới việc triển khai và áp dụng Basel III từ năm 2015, thông qua việc tự nghiên cứu và áp dụng nội bộ một số yêu cầu của chuẩn mực này về quản lý rủi ro thanh khoản, như tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản, tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng và tỷ lệ đòn bẩy.

“Từ cuối năm 2020, TPBank đã tiếp tục triển khai các cấu phần còn lại của Basel III và tới nay đã hoàn toàn tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn này. Điều đó giải thích vì sao TPBank có thể đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu của Basel III chỉ trong thời gian ngắn sau khi triển khai toàn diện Basel II vào đầu năm ngoái” – ông Hưng cho biết.

Đối với dự án IFRS 9, TPBank đã thực hiện rà soát toàn bộ yêu cầu của Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS (gồm 41 chuẩn mực Kế toán quốc tế – IAS và 16 chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế – IFRS) với chuẩn mực Kế toán Việt Nam – VAS, từ đó chỉ ra các khác biệt và các bút toán chuyển đổi để lập báo cáo tài chính tuân thủ hoàn toàn IFRS.

“Thách thức lớn nhất của việc triển khai và áp dụng đồng thời Basel III và IFRS là các áp lực về kế hoạch vốn của ngân hàng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, TPBank đã biến thách thức này thành một cơ hội để chủ động lập kế hoạch tối ưu hóa nguồn vốn, xây dựng các kế hoạch kinh doanh hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh nhưng vững bền của ngân hàng” – vị đại diện TPBank nói.

Ông Hưng khẳng định TPBank đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu về vốn, về thanh khoản và tỷ lệ đòn bẩy của Basel III.

Bên cạnh kế hoạch vốn, TPBank cũng lường trước được những thách thức về mặt dữ liệu khi triển khai các chuẩn mực quốc tế. Các dự án lớn như Data Warehouse, Metadata, xây dựng các Datamart, khai thác dữ liệu lớn BigData… đã được TPBank triển khai từ rất sớm và đang phát huy hiệu quả cho các dự án của ngân hàng. TPBank cũng ứng dụng Robot quy trình tự động RPA, Trí tuệ nhân tạo AI, Máy học ML … trong việc xây dựng các mô hình tổn thất tín dụng và nâng cao hiệu quả của quy trình thu thập và xử lý dữ liệu, thông tin.

Trong bối cảnh nền kinh tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc TPBank đã mạnh tay đầu tư chi phí để cùng lúc hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ những yêu cầu khắt khe của 2 chuẩn mực quốc tế là Basel III và IFRS thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai và áp dụng các chuẩn mực để hướng đến sự minh bạch, vị thế cạnh tranh và đặc biệt là tăng cường sức mạnh và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô của nền kinh tế.

Theo Baomoi.com

Doanh nghiệp gỗ muốn mở lối đi mới để hồi phục sản xuất

Các doanh nghiệp gỗ đang cố gắng vẽ lại chuỗi cung ứng nguyên liệu để kịp thời phục hồi lại sản xuất.

Giá gỗ nguyên liệu tăng chóng mặt

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tác động của dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng của công nghiệp nội thất Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Nếu muốn chinh phục mục tiêu 14,5 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ sẽ cần có một chiến lược phục hồi hiệu quả, mà theo ông, việc chuẩn bị về mặt nguyên liệu là bước đi đầu tiên và cần thiết hơn cả, bởi thời gian gần đây, giá gỗ nguyên liệu đang trên đà tăng nhanh.

Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cũng nhìn nhận, giá gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ các thị trường Mỹ, EU, ZL, Úc, Canada… đều tăng so với 2020. Tuy tỉ lệ tăng ở từng loại gỗ có khác nhau nhưng nhìn chung, mức tăng ghi nhận trung bình 20%.

Ở góc độ DN, bà Lê Thị Bích Cảnh, Giám đốc công ty gỗ Mỹ Đức chia sẻ rằng ngay cả giá gỗ xẻ nhập từ Châu Âu cũng tăng nhưng thị trường Mỹ là tăng nhiều nhất. Bà lấy minh chứng, nếu như trước tháng 6-2021, giá gỗ óc chó chỉ 600- 700 USD/m3 thì nay giá đã lên đến 1.200-1.300 USD/m3, mức tăng 100%.

“Mặc dù giá gỗ cao nhưng nhu cầu nguyên liệu rất lớn nên lượng nhập khẩu vẫn tăng”, bà Cảnh chia sẻ.

Lý giải về sự tăng giá này, theo ông John Chan, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ cứng Hoa Kỳ – AHEC cho rằng nhu cầu nội địa ở Mỹ và Châu Âu tăng cao cộng với gián đoạn logistics cùng các phụ phí phát sinh vì dịch, là nguyên nhân khiến giá gỗ leo thang. Chưa kể, giá nhân công và những khó khăn do COVID-19 cũng cản trở chuỗi cung ứng nguyên liệu.

“Thời điểm hiện tại, việc thiếu nguyên liệu đúng là có nhưng chỉ là tình hình tạm thời. Nguồn cung sẽ được cải thiện khi đại dịch được kiểm soát”-ông John Chan nhận định.

Trong khi đó, Oliver Richard, Giám đốc công ty ANVS, đơn vị chuyên xuất khẩu gỗ từ Châu Âu cho rằng, nhu cầu về gỗ sẽ ngày càng lớn hơn nên việc giá cả nguyên liệu này sẽ là thách thức trong thời gian tới.

Do vậy, theo vị này DN trong ngành cần tính toán gia tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu gỗ để có thể tiết kiệm nguyên liệu. Đồng thời, nắm bắt các xu hướng kết hợp các nguyên liệu khác để đảm bảo giá thành tốt nhất.

Các DN gỗ đang đứng trước bài toán chi phí ngày một tăng cao. 

Tiến tới giải pháp mua chung để cắt giảm chi phí

Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành lại cho thấy, giá nguyên liệu tăng là cái khó nhưng cũng chính là cơ hội cho các DN để tìm hiểu và thử nghiệm các nguyên liệu khác. Thực tế hiện nay DN chế biến gỗ Việt Nam chỉ đang tập trung sử dụng dương vàng, sồi trắng và óc chó… trong khi, thị trường còn khá nhiều chủng loại gỗ thích hợp sản xuất nội thất khác.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp cho rằng thị trường trong nước ghi nhận nguồn cung gỗ hợp pháp trong nước như cao su, tràm, keo… không nhỏ, đáp ứng được trên 75% nhu cầu sản xuất của ngành.

“Đáng tiếc nguồn nguyên liệu này chỉ mới tập trung phục vụ các khâu thô như sản xuất viên nén, dăm gỗ. Chưa được dùng nhiều vào việc sản xuất nội thất, có giá trị cao hơn. DN chế biến gỗ cần quan tâm hơn đến nguồn nguyên liệu bản địa này. Chủ động về mặt nguyên liệu là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững”, ông Nghĩa nói.

Về mặt trải nghiệm doanh nghiệp, ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc công ty Tavico đưa ra giải pháp, chính vì giá nguyên liệu tăng nên các DN trong ngành cần có sự hợp tác mua chung để có được những đơn hàng lớn, ổn định về giá.

“Các đơn hàng mua chung nguyên liệu cũng sẽ giúp DN tối ưu hóa chi phí vận chuyển – một câu chuyện đau đầu khác của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hà nói.

Thực tế, thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, giá cước vận chuyển toàn cầu đang tăng theo chiều thẳng đứng.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư kí VLA cho biết, nếu năm 2020, đứt gãy chuỗi logistics diễn ra ở Châu Âu thì năm 2021, đứt gãy xảy ra vì ở Châu Á. Dòng chảy hàng hóa toàn cầu tắc nghẽn khiến thời gian vận tải lâu, lại thiếu tàu quay đầu nên container rỗng thiếu trầm trọng. Tình trạng này đã kéo dài nên việc tăng giá không có dấu hiệu dừng lại. Do vậy, DN trong tất cả các ngành sản xuất cần phải phải tính toán tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất.

“Với ngành chế biến gỗ, thay vì nhập gỗ xẻ trực tiếp như trước đây, có thể chọn giải pháp nhập gỗ tròn bằng tàu rời thay vì container để có giá thành tốt hơn, ít biến động”, ông Minh đề xuất.

Bổ sung thêm, ông Atiwet Hawaree, Phó chủ tịch công ty Panelplus Thái Lan cũng cho rằng, không chỉ logistics, chuỗi cung ứng của ngành gỗ sẽ chịu nhiều thách thức trong thời gian tới bởi nhu cầu điện sinh học, giá dầu tăng, giá mủ cao su tăng cao… sẽ cạnh tranh trực tiếp đến khả năng cung ứng gỗ nguyên liệu cho ngành sản xuất gỗ.

Do đó các DN cần liên kết lại để có thể tạo nên các giá trị mới. “DN trong ngành trước mắt đang cần một chiến lược nguyên liệu hiệu quả. Trong đó, bao gồm cả việc tính toán các giải pháp nguyên liệu thay thế, kết hợp nguyên liệu cũng như liên kết mua chung, tổ chức lại sản xuất”, ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HAWA bày tỏ.

Theo Baomoi.com

Bamboo Capital nhận chuyển nhượng 71% cổ phần của Bảo hiểm AAA

Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) vừa thông qua việc nhận chuyển nhượng 71% cổ phần của Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA.

CTCP Bamboo Capital nhận chuyển nhượng 71% cổ phần của Bảo hiểm AAA. 

Bảo hiểm AAA có vốn điều lệ gần 1.123 tỷ đồng. Với 71% cổ phần của Bảo hiểm AAA sẽ tương đương với giá trị góp vốn của Bamboo Capital theo mệnh giá là 797 tỷ đồng.

Bamboo Capital cho biết mức giá thương lượng trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với giá trị sổ sách của Bảo hiểm AAA. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 10.

Bảo hiểm AAA được thành lập tháng 5/2005, là một công ty bảo hiểm phi nhân thọ và ra mắt thị trường vào đầu tháng 11/2006. Hiện công ty có 51 chi nhánh toàn quốc.

Trước đó, trong tháng 8, HĐQT Bamboo Capital đã thông qua việc góp 80% vốn, tương đương 320 tỷ đồng thành lập Công ty cổ phần BCG Financial.

BCG Financial kinh doanh chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), cụ thể là hoạt động mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, môi giới mua bán nợ.

Được thành lập vào năm 2011, Công ty cổ phần Bamboo Capital hiện có nhiều công ty thành viên và công ty liên kết tại Việt Nam, kinh doanh trên các lĩnh vực như: tư vấn, quản lý quỹ, dịch vụ ngân hàng đầu tư, bất động sản, sản xuất, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải, khoáng sản, dịch vụ và du lịch.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 30/9, BCG có giá 18.050 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 27,5% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1.

Theo Baomoi.com

Người lao động cần chuẩn bị gì để nhận hỗ trợ nhanh nhất từ quỹ 38.000 tỉ đồng?

Để đảm bảo chi trả chính sách hỗ trợ đến tay NLĐ một cách nhanh chóng, chính xác, BHXH Việt Nam khuyến nghị NLĐ nên chuẩn bị trước một số thông tin.

Cụ thể, NLĐ cần chuẩn bị thông tin về quá trình tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của bản thân để cùng rà soát, đối chiếu với dữ liệu của cơ quan BHXH, giúp xác định đúng mức hỗ trợ của mình. NLĐ có thể tra cứu thời gian tham gia BHTN của mình qua:

Sổ BHXH
Ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số trên điện thoại thông minh. (Xem hướng dẫn đăng ký tài khoản trên ứng dụng VssID tại đây; xem hướng dẫn tra cứu quá trình tham gia trên ứng dụng VssID tại đây.
Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ truy cập.
Dịch vụ tin nhắn tra cứu qua Tổng đài 8079, soạn tin nhắn theo cú pháp: BH QT mã số BHXH gửi 8079. (Mã số BHXH là mã số trên sổ BHXH hoặc 10 số cuối trên thẻ BHYT của NLĐ).
Tổng đài Tư vấn và chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam: 19009068.

Quá trình tham gia BHTN tra cứu qua các phương thức trên có thể bao gồm cả thời gian tham gia đã hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ nên chỉ mang tính tham khảo.

Từ quá trình tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của mình, NLĐ có thể biết được mức hỗ theo bảng dưới đây:

NLĐ nên chuẩn bị một tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận tiền hỗ trợ được nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Với NLĐ đã có tài khoản ngân hàng cá nhân, thông tin cần cung cấp để nhận hỗ trợ bao gồm tên ngân hàng mở tài khoản (bao gồm cả tên chi nhánh), số tài khoản ngân hàng; số CMND hoặc CCCD được dùng để mở tài khoản ngân hàng. Lưu ý, tên chủ tài khoản ngân hàng phải trùng với tên người nhận hỗ trợ. Số CMND hoặc CCCD phải trùng với số CMND hoặc CCCD dùng mở tài khoản ngân hàng của NLĐ.

Với NLĐ chưa có tài khoản ngân hàng, BHXH Việt Nam khuyến nghị NLĐ nên mở tài khoản ngân hàng cá nhân để việc nhận hỗ trợ được nhanh chóng và chính xác nhất. Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng cá nhân đã rất thuận tiện. Nhiều ngân hàng đã có dịch vụ mở tài khoản trực tuyến. NLĐ chỉ cần có điện thoại thông minh, máy tính hoặc laptop và đường truyền Internet là có thể thực hiện được dịch vụ này.

Theo Baomoi.com

Nguy cơ bùng dịch tại Hà Nội khi liên tiếp phát hiện ca cộng đồng

Dù không thể đưa về ‘Zero Covid-19’, Hà Nội vẫn cần nhanh chóng kiểm soát các ca nhiễm nCoV ở cộng đồng, trong khi người dân phải đảm bảo 5K.

Chỉ sau hơn 24 giờ vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận liên tiếp 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Thậm chí, một người trong số đó còn liên quan trực tiếp tới cơ sở y tế là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Đây là con số đáng báo động bởi trước đó, Hà Nội đã trải qua 5 ngày không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng. Số người dương tính với nCoV của thành phố thời gian qua cũng đang có xu hướng giảm.

Đứng trước tình hình này, Hà Nội sẽ cần chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống sự lây lan virus để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch. Trong khi đó, người dân phải tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan sau khi Hà Nội quyết định nới lỏng giãn cách.

Chưa xác định được nguy cơ

Trao đổi với Zing, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết hiện vẫn chưa thể đánh giá được chính xác mức độ lây lan của SARS-CoV-2 từ những ca nhiễm trong cộng đồng vừa phát hiện. Nguyên nhân là thành phố cần đợi kết quả xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực liên quan.

Các cổng ra vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bị phong tỏa sau khi ghi nhận ca nhiễm nCoV. Bệnh nhân, người nhà, cán bộ y tế đều được yêu cầu ở lại bệnh viện. 

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định việc Hà Nội ghi nhận liên tiếp các trường hợp dương tính với nCoV mới đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

“Các khu vực, đối tượng vừa xác định ca nhiễm trong cộng đồng đều là nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà máy…, hoặc liên quan việc giao hàng. Các đối tượng trên đều có sự giao lưu, lịch trình đi lại phức tạp, mang đến nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khá cao”, PGS Phu đánh giá.

Theo vị chuyên gia này, người dân tại những khu vực nói trên đều thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Do đó, việc các trường hợp nhiễm nCoV xuất hiện tại đây là điều đã nằm trong dự báo từ trước.

Liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nơi vừa phát hiện một trường hợp nhiễm nCoV, ông Phu cho rằng thành phố vẫn phải tiếp tục điều tra dịch tễ để đưa ra đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, việc một bệnh viện ghi nhận ca nhiễm nCoV sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ khá phức tạp.

Theo PGS Phu, chúng ta vẫn chưa thể xác định được nguồn lây tại cơ sở y tế này. Trong khi đó, việc người dân từ nhiều địa phương tới khám và điều trị tại bệnh viện, có sự tiếp xúc giữa các tỉnh, thành phố khác nhau mang đến những mối nguy hiểm nhất định.

Trong khi đó, các trường hợp đang điều trị tại đây nếu không may cùng lúc mắc 2 bệnh cũng sẽ có nguy cơ rất lớn, cần quan tâm đặc biệt.

Ông nhấn mạnh: “Với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta cũng đã thống nhất rằng việc đưa Hà Nội trở về ‘Zero Covid-19′ là rất khó”.

Tuyệt đối không chủ quan

Theo PGS Trần Đắc Phu, lúc này, sau khi phát hiện được các trường hợp nhiễm nCoV trong cộng đồng, Hà Nội sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh truy vết và khoanh vùng.

“Điều quan trọng nhất ở thời điểm này là làm sao nhanh chóng phong tỏa được ổ dịch. Chúng ta cần cố gắng kiểm soát ổ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, qua đó mới có thể khống chế tình hình”, ông nói.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa nhà với khoảng 1.400 người. 

Trong khi đó, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh người dân Hà Nội thời gian này cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyệt đối không được chủ quan.

PGS Phu khẳng định: “Thành phố cứ nới lỏng, người dân lại chủ quan thì dịch Covid-19 chắc chắn sẽ lại bùng phát ngay”.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nhận định việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19 vẫn là biện pháp quan trọng nhất để giúp các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 sẽ giảm.

Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc tiêm vaccine phòng Covid-19 không phải tránh cho người dân không nhiễm SARS-CoV-2 một cách triệt để. Những người đã tiêm vaccine vẫn có thể làm lây nhiễm virus cho người khác.

Việc này đặc biệt nguy hiểm với những gia đình có người cao tuổi, người mắc bệnh nền… Do đó, người dân dù đã được tiêm vaccine Covid-19 vẫn phải cẩn trọng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh lây nhiễm khi giao tiếp.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.980 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, số nhiễm ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.608 ca, số trường hợp đã cách ly gồm 2.372 ca.

Trường hợp được phát hiện dương tính với nCoV tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là người nhà vào chăm sóc em rể điều trị tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) từ ngày 19/9. Người này được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xét nghiệm rRT-PCR trước khi ra viện cho kết quả nghi ngờ. Kết quả xét nghiệm khẳng định sau đó của CDC Hà Nội cũng cho thấy trường hợp này nhiễm nCoV.

Theo Baomoi.com

Điều kiện để đi máy bay, tàu hỏa không phải xét nghiệm COVID-19 từ 1-10

Bộ GTVT quy định, người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng không phải xét nghiệm COVID-19 khi đi lại.

Tối 30-9, Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.

Theo đó, về nguyên tắc chung, việc tổ chức vận tải hành khách dựa trên mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng. Tại các địa phương, vùng có nguy cơ rất cao (màu đỏ – cấp 4) dừng vận chuyển hành khách công cộng trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử).

Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ. Các sân bay, ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu phòng dịch cụ thể nêu trong hướng dẫn.

Hành khách thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi lên máy bay. 

Tại địa phương có nguy cơ cao (màu cam – cấp 3): Các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện).

Tại địa phương, vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2): Phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.

Hành khách đi máy bay, tàu hỏa, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo) buộc khai báo y tế theo quy định, xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Tuy nhiên, người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng không phải xét nghiệm.

Về vận tải đường bộ: Tài xế, nhân viên phục vụ phải xét nghiệm SARS-CoV-2. Trường hợp tài xế nằm trong khu vực cam phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần; ở khu vực đỏ lái xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

Với xe khách nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên: Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định theo mức độ nguy cơ ở từng nơi.

Với xe khách liên tỉnh, Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu UBND tỉnh cho phép hoạt động trở lại; căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, hai sở GTVT thống nhất áp dụng thực hiện tần suất khai thác theo mức độ nguy cơ từng nơi.

Với hàng không: Tần suất khai thác thực hiện theo 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng hướng dẫn của Bộ GTVT): Tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng đó, có giãn cách ghế trên máy bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): Tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng đó, không giãn cách ghế trên máy bay.

Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): Tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng đó, không giãn cách ghế trên máy bay.

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): Được khai thác trở lại bình thường.

Căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có sân bay nơi đi, nơi đến, Cục Hàng không quyết định điều chỉnh tần suất khai thác theo các giai đoạn. Trong trường hợp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hoặc Bộ Y tế có quy định riêng thì thực hiện theo chỉ đạo đó.

Với đường sắt: Lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu thực hiện quy định phòng dịch tùy theo mức độ dịch của từng địa phương như hoạt động đường bộ.

Căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có ga đường sắt (nơi đi, nơi đến), Cục Đường sắt Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện số đoàn tàu hoạt động, ga dừng đón, trả khách trên hành trình.

Vận tải đường thủy nội địa: Thuyền viên, người phục vụ trên tàu phải xét nghiệm SARS-CoV-2.

Căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, Sở GTVT hai đầu bến thủy nội địa quyết định áp dụng thống nhất số chuyến hoạt động và tỉ lệ giãn cách ghế tương ứng với mức độ nguy cơ của từng địa phương.

Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 1-10, nhằm giúp các địa phương căn cứ xây dựng, ban hành kế hoạch vận tải hành khách phù hợp với tình hình, cấp độ phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Baomoi.com

Làm thế nào để giành quyền nuôi con khi ly hôn?

Câu hỏi: Hiện tôi đang muốn ly hôn với chồng. Luật sư cho tôi hỏi làm thế nào để giành quyền nuôi con khi ly hôn ạ? Mong Luật sư tư vấn (Chị Mai Anh, Hòa Bình)

Luật sư xin tư vấn như sau:

Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

  1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
  2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Với những điều luật trên có thể thấy, theo nguyên tắc việc nuôi con khi ly hôn trước tiên là vấn đề của mỗi bên sau khi thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Con dưới 36 tháng tuổi sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

Tuy nhiên, để công bằng mọi mặt về quyền lợi cho con, Tòa án sẽ xem xét các yếu tố cần thiết để đưa ra quyết định sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng. Chính vì vậy, cách giành quyền nuôi con khi ly hôn là bạn cần chứng minh được mình có đủ điều kiện để nuôi con tại Tòa án.

Như vậy, với trường hợp con cái dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng (trừ những trường hợp đã được thỏa thuận khác giữa bố và mẹ).

Nếu con trên 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con của bố và mẹ là ngang nhau. Lúc này, Tòa án sẽ xem xét đến những yếu tố về vật chất và tinh thần để đưa ra quyết định.

Đề giành quyền nuôi con, bạn cần chứng minh được bạn có đủ những điều kiện sau đây:

– Điều kiện về vật chất để giành quyền nuôi con:

+ Chứng minh thu nhập thực tế của bạn.

+ Có công việc ổn định, môi trường sinh hoạt, điều kiện học tập cho con, có nhà ở hợp pháp.

Để có thể chứng minh được điều kiện vật chất của mình, cần có mức thu nhập cao hơn chồng mình để đảm bảo nuôi dưỡng tốt cho con. Ngoài ra, để giành quyền nuôi con cần cung cấp các giấy tờ chứng thực đi kèm như: hợp đồng lao động, sổ đỏ…

– Điều kiện về mặt tinh thần để giành quyền nuôi con:

Với điều kiện này sẽ xét trên tình cảm dành cho con cái, nhân cách đạo đức, thời gian dạy dỗ, chăm sóc con, thời gian vui chơi cùng con…của bố hoặc mẹ.

Chính vì vậy, để có thể giành quyền nuôi con, bạn cần chứng minh được bạn có đầy đủ điều kiện về mặt vật chất và tinh thần. Nếu bạn không đủ điều kiện hoặc chồng bạn không đủ điều kiện, hoặc không có tài sản nào, việc đó đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con cũng như giành quyền nuôi con. Lúc này, quyền lợi sẽ dành cho người đủ điều kiện hơn.

Một số lưu ý khi giành quyền nuôi con sau khi ly hôn:

Bên cạnh những điều kiện cho con về mặt vật chất và tinh thần, cũng có một số lưu ý khi giành quyền nuôi con sau ly hôn mà bạn cần biết.

Với trường hợp bạn muốn giành quyền nuôi con, ngoài việc chứng minh với Tòa án khả năng và điều kiện vật chất, tinh thần của mình thì bạn cũng phải chứng minh được chồng bạn hoàn toàn không nuôi dưỡng và chăm sóc tốt cho con cái, ví dụ: đối phương có những hành vi bạo lực với con, hay những thái độ không quan tâm, bỏ mặc con, để có thể giành quyền nuôi con.

Trên đây là nội dung liên quan đến việc làm thế nào để giành quyền nuôi con khi ly hôn. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp liên quan, Quý Khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Hiệp Thành để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Trân trọng!
Công ty Luật TNHH Hiệp Thành
0942141668
Email: luathiepthanh@gmail.com