9 tháng, Hà Nội hoàn thành 290.303m2 sàn nhà ở

Thông tin về công tác phát triển nhà ở, quản lý thị trường bất động sản 9 tháng năm 2021, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 9-2021, trên địa bàn thành phố đã phát triển, hoàn thành 4 dự án nhà ở, tương ứng 290.303m2 sàn nhà ở, 2.558 căn hộ. Đây đều là các dự án phát triển nhà ở thương mại, trong đó có 2.167 căn hộ chung cư, 391 căn thấp tầng.


Sở Xây dựng cũng đã kiểm tra hồ sơ, có văn bản xác nhận 16 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh theo quy định. Đồng thời, đã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014 tại các dự án nhà ở đã được Sở Xây dựng có văn bản xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội, dự kiến 3 tháng cuối năm 2021, thành phố hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội (khoảng 88.000m2 sàn nhà ở, 1.234 căn hộ); 14 dự án nhà ở thương mại (khoảng 789.000m2 sàn nhà ở, 5.844 căn hộ); 4 dự án nhà ở tái định cư (khoảng 141.000m2 sàn nhà ở, 1.322 căn hộ).

Theo Baomoi.com

Thừa phát lại Hà Nội: Tích cực hỗ trợ các cơ quan tư pháp

Thừa phát lại Hà Nội thời gian qua hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: lập vi bằng, tống đạt văn bản, giấy tờ, tổ chức thi hành án dân sự, tích cực hỗ trợ các cơ quan Tư pháp.

Tại Hà Nội, đến nay có 8 văn phòng, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn TP (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm). Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được triển khai thực hiện và đã có được những kết quả tích cực.

Theo Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội Nguyễn Văn Lạng, trong năm 2020, có 69.294 văn bản của tòa án được các Văn phòng Thừa phát lại tại Hà Nội tống đạt với doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng; 13,637 vi bằng đã được lập với doanh thu hơn 13,9 tỷ đồng. Đồng thời, trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự 1 vụ việc, giá trị thi hành án về tiền 2,6 tỷ đồng…

Các Văn phòng Thừa phát lại đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện một số công việc như: Tống đạt các văn bản, tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu tiền cho người được thi hành án…

Theo các Thừa phát lại, một trong những thế mạnh của các văn phòng là tống đạt văn bản của tòa án và lập vi bằng. Trước đây, các cơ quan, đơn vị chưa hiểu hết về Thừa phát lại nên Thừa phát lại gặp khó khăn trong việc tống đạt văn bản. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã kịp thời có văn bản tháo gỡ vướng mắc. Sau gần 8 năm thực hiện tại Hà Nội, chế định Thừa phát lại đã khẳng định được chỗ đứng. Nhiều người dân đã biết đến chế định này và tự tìm đến các Văn phòng Thừa phát lại. Sinh viên ra trường cũng tin tưởng, kỳ vọng đây là một nghề có thể tạo dựng được việc làm ổn định.

Hoạt động của Thừa phát lại góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức nhà nước và trong hoạt động tố tụng; góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải công việc của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, TP Hà Nội yêu cầu việc phát triển các văn phòng Thừa phát lại phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn TP. Đồng thời bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp của tổ chức cá nhân, cũng như bảo đảm các điều kiện cần thiết để văn phòng Thừa phát lại phát triển ổn định và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội của các quận, huyện, thị xã; số lượng vụ việc thụ lý của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, mật độ dân cư ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập văn phòng thừa phát lại để thành lập văn phòng thừa phát lại (UBND TP đã phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội).

Theo đó, tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội không quá 43 tổ chức; mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 văn phòng Thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 văn phòng Thừa phát lại. Trong trường hợp có sự điều chỉnh về loại hình đơn vị hành chính cấp huyện (nâng cấp từ huyện thành quận) thì số lượng văn phòng Thừa phát lại được điều chỉnh tăng để bảo đảm phù hợp so với quy định.

Theo Baomoi.com

Cảnh rùng mình trong 4 khu chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội, sắp được xây mới

4 chung cư cũ cấp D (chung cư nguy hiểm) và 6 cụm khu chung cư cũ khác sẽ đứng đầu danh sách trong kế hoạch cải tạo xây dựng mới của thành phố Hà Nội.

Khu tập thể Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình) có 67 dãy nhà cao từ 2 đến 5 tầng tọa lạc trên mặt phố Nguyên Hồng và phố Thành Công. Những căn nhà này được xây dựng từ những năm 1960 – 1970 và hiện tại đã xuống cấp, một số nơi xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, đơn nguyên 1 và 2 của dãy nhà G6A nằm trên mặt phố Nguyên Hồng đã hư hỏng nặng từ nhiều năm nay. Sụt lún khiến 1 phần của căn nhà này tách ra làm đôi. Góc nghiêng khiến 2 phần của tòa nhà cách xa nhau hàng mét.

Nhiều hộ dân cơi nới, lắp chuồng cọp khiến khu tập thể cũ này càng trở nên nguy hiểm hơn. UBND phường Thành Công đã phải gắn biển thông báo ở đơn nguyên 1 và 2, yêu cầu các hộ dân không cơi nới trái phép và chủ động tháo dỡ để tòa nhà đảm bảo khả năng chịu lực.

Có thể cảm nhận rõ sự nguy hiểm khi bước vào bên trong cầu thang này. Nhiều nơi tường vôi đã bong tróc, rộp lên từng mảng, thấm nước nhem nhuốc.

Nhiều căn nhà hiện trống trơn vì người dân đã dọn đến nơi khác sinh sống để đảm bảo an toàn.

Tại khu tập thể Ngọc Khánh nằm trên đường Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), tình trạng xuống cấp hiển hiện ngay từ bên ngoài.

Cảnh nứt vỡ xảy ra mọi nơi trong tòa nhà.

Khu tập thể này được xây dựng từ những năm 80, hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng.

Khu cầu thang lên, xuống tại đơn nguyên 1 nhà B có những vết nứt toác thành rãnh chạy dài tách phần cầu thang ra khỏi thân nhà. Nhiều năm trước, người ta đã lắp cột trụ, thanh thép lớn để tạo thành khung chống đỡ cho cầu thang này. Đến nay, các thanh thép này cũng đã hoen gỉ và xuống cấp.

Ông Lê Nguyên Thống (78 tuổi), sinh sống tại một căn hộ tầng 3 thuộc tòa nhà B cho biết: “Nhà đã xuống cấp từ lâu, nhiều năm trước cũng có chủ trương xây lại nhưng chưa thực hiện được. Người dân chúng tôi 100% ủng hộ việc xây mới vì ai cũng muốn được ở một căn nhà mới an toàn hơn”.

Tại tòa D1 và C8 Giảng Võ trên mặt đường Trần Huy Liệu, phần lớn các hạng mục của căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng khiến khu nhà thuộc diện phải di dời khẩn cấp.

Tại khu cầu thang nhà C5, xuất hiện những mảng tường bong tróc…

…phần vữa trên trần nhà cũng rơi khỏi vị trí từ lúc nào.

Ông Phương, một kỹ sư xây dựng và cũng là cư dân sinh sống tại đây cho biết: “Theo thời gian, kết cấu chịu lực của tòa nhà 5 tầng cũ này dần dần không đảm bảo được sự an toàn. Thêm vào đó, hệ thống cấp thoát nước ở bên trong đều đã xuống cấp nặng”.

Người dân tự dùng vữa gia cố phần công trình bị hư hỏng.

Còn tại tập thể Bộ Tư pháp, ngõ 35 Kim Mã Thượng (phường Cống Vị, quận Ba Đình), các đơn nguyên 1 và 3 nằm trong diện di dời.

Người dân sinh sống gần khu vực này cho biết 2 đơn nguyên này đã bị niêm phong từ hơn 1 năm nay. Công trình xuống cấp, xiêu xẹo do đó không một người dân nào dám tới gần. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn vài hộ tại đây nhất quyết không chịu di dời khỏi khu vực nguy hiểm này.

Khu tập thể Bộ Tư pháp hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hai đơn nguyên 1 và 3 đã bị nghiêng lún tách rời khỏi đơn nguyên 2 khoảng cách hơn 1m.

Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954.

Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơ nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; Ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D và c cận D). Thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn trong Quý II/2023.

Theo Baomoi.com

GPLX hết hạn được cộng thêm thời gian giãn cách xã hội

Bộ GTVT vừa có hướng dẫn cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) cho người dân trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho phép cấp đổi, cấp lại GPLX đã hết hạn cho người cư trú, người thực hiện nhiệm vụ tại khu vực địa phương áp dụng Chỉ thị 16. Ngày hết hạn của GPLX để thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại được tính bằng ngày hết hạn thực tế ghi trên GPLX cộng thêm thời gian địa phương áp dụng Chỉ thị 16.

Thời gian thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại là 1 tháng kể từ ngày địa phương kết thúc áp dụng Chỉ thị 16. Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường triển khai việc cấp đổi, cấp lại GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân có nhu cầu.

Theo Baomoi.com

Thủ tục để người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp nhận tiền theo Nghị quyết 116

Chậm nhất đến hết ngày 20-10-2021, cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn thành việc gửi danh sách đến tất cả người sử dụng lao động và công khai thông tin danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

Đây là hướng dẫn tại Quyết định 28/2021/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, trình tự, thủ tục thực hiện đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:

– Cơ quanbảo hiểm xã hội lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Mẫu số 01 gửi gười sử dụng lao động.

Chậm nhất đến hết ngày 20-10-2021, cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn thành việc gửi danh sách đến tất cả gười sử dụng lao động và công khai thông tin danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách do cơ quan bảo hiểm xã hội gửi, người sử dụng lao động công khai danh sách người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ để người lao động biết, đối chiếu, bổ sung thông tin (nếu có).

Sau đó, người sử dụng lao động lập và gửi danh sách người lao động có thông tin đúng, đủ và người lao động tự nguyện không nhận hỗ trợ theo Mẫu số 02 đến cơ quan bảo hiểm xã hội.

– Trường hợp có thông tin người lao động cần điều chỉnh thì người sử dụng lao động lập theo Mẫu số 03, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định đến cơ quan bảo hiểm xã hội chậm nhất đến hết ngày 10-11-2021.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người lao động đúng, đủ thông tin và trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách người lao động điều chỉnh thông tin do người sử dụng lao động gửi, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ, khuyến khích chi trả qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quyết định 28/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 1-10-2021.

Theo Baomoi.com

Đường dây đánh bạc nghìn tỷ ở Hà Nội: ‘Rửa’ tiền cờ bạc qua ví điện tử, sim 0 đồng

Hàng nghìn tỷ đồng các con bạc ‘nướng’ vào game bài online được các đối tượng trong đường dây cờ bạc ở Hà Nội ‘rửa’ qua ví điện tử và sim 0 đồng.

Giao dịch lên tới 1.500 tỷ đồng

Ngày 3/10, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, vừa triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền giao dịch lên tới 1.500 tỷ đồng; đồng thời khởi tố 17 bị can về các tội “Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc và Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Số lượng lớn tiền mặt và máy móc bị thu giữ 

Đường dây do Nguyễn Minh Thành (SN 1989, trú tại Ba Đình, Hà Nội) cầm đầu. Giúp sức cho Thành tổ chức, điều hành đường dây có 9 đối tượng khác, đều ở Hà Nội.

Theo tài liệu điều tra, năm 2020, sau khi tìm hiểu và lên ý tưởng tổ chức đánh bạc bằng hình thức chơi game bài đổi thưởng, Thành lên mạng đăng ký máy chủ ở Singapore và thuê Vũ Tiến Duy (SN 1989), Bùi Nhật Anh (SN 1993), cùng trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội, xây dựng, chỉnh sửa phần mềm game bài “SUMVIP” và “VUACLUB”.

Đồng thời, Thành thuê người chạy quảng cáo trên mạng xã hội và gửi tin nhắn quảng cáo đến các thuê bao điện thoại để lôi kéo người chơi tham gia đánh bạc.

Sau đó, Thành giao nhiệm vụ cho Trần Đức Cường (SN 1997, ở quận Nam Từ Liêm) và Phạm Trung Thành (SN 1997, ở quận Hà Đông) quản lý phần mềm game bài trên nền tảng điện thoại IOS, Android và trang web trên máy tính; còn Nguyễn Tuấn Nghĩa (SN 1988, trú tại Hà Giang, đang bỏ trốn) phụ trách quản lý 160 đại lý cấp 1 và cấp 2 thanh toán, mua bán, đối thưởng của các con bạc trong game.

Để tham gia, người chơi phải đăng ký tài khoản và mua tiền ảo dưới dạng “SUM, VUA” tương ứng với game bài “SUMVIP” và “VUACLUB” bằng cách nạp thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền từ ví điện tử.

Dùng hàng nghìn tài khoản ví điện tử để giao dịch

Sau khi thu được tiền từ các con bạc nạp mua tiền ảo chơi game, Thành giao cho Trần Hồng Sâm (SN 1988, quê Nam Định, đang bỏ trốn) phụ trách chuyển tiền từ thẻ nạp viễn thông vào sim điện thoại để bán cho khách thu tiền mặt. Cụ thể, Sâm thuê Nguyễn Xuân Trường (SN 1995, ở quận Nam Từ Liêm) nhận các đơn hàng nạp tiền vào sim 0 đồng do Đỗ Đức Anh (SN 1998, trú tại quận Bắc Từ Liêm) cung cấp.

Nguyễn Minh Thành tại cơ quan công an

Theo đó, Trường mua hệ thống máy tính và các thiết bị đầu cuối GSM, rồi dùng tool (công cụ) tự động nạp tiền vào từ mã thẻ nạp của khách vào sim 0 đồng với mức 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng và tổng hạn mức thẻ nạp trong ngày từ 300 đến 600 triệu đồng. Do khối lượng công việc lớn, Trường thuê thêm 4 đối tượng khác cho ăn ở tại căn hộ chung cư để làm công việc lắp sim vào thiết bị GSM và trả “lương” hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi tiền được nhóm của Trường nạp vào thẻ sim, Đức Anh có nhiệm vụ bán cho các đại lý nhỏ hưởng phần trăm chênh lệch và chuyển tiền mặt lại cho Sâm.

Đối với dòng tiền từ các ví điện tử, Thành giao cho Nguyễn Đức Nam (SN 1989), Dương Vũ Hoàng (SN 1992) lấy các mã rút tiền từ ví điện tử Viettel Pay của khách nạp sau đó chuyển về ví của hai đối tượng này quản lý. Sau đó, các đối tượng rút tiền mặt từ cây ATM của ngân hàng từ 200 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng/ lần.

Còn tiền trong ví Momo, Thành giữ lại chủ yếu để thanh toán tiền thắng cho các đối tượng đánh bạc. Cơ quan điều tra xác định, đối tượng này đã mua hơn 4.700 tài khoản ví điện tử Momo để nhận tiền và thanh toán cho con bạc.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định có hơn 6 triệu tài khoản đánh bạc tại các game bài, ước tính tổng số tiền giao dịch lên tới 1.500 tỷ đồng.

Trung tá Đặng Mạnh Cường – Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, trong khoảng 1 tháng, đơn vị huy động 100% cán bộ chiến sĩ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ với số lượng khoảng 70 cán bộ, chiến sĩ và mời chuyên gia tham gia đấu tranh chuyên án. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ 13 ô tô siêu sang như Mercedes-Benz AMG G63, Porsche… hơn 9 tỷ tiền mặt, 20 nghìn USD, phong tỏa 10 tỷ đồng trong tài khoản và 6 căn hộ chung cư, 3 bộ trái phiếu trị giá 5 tỷ đồng, 23 cây máy tính, 26 màn hình, hơn 21 nghìn sim điện thoại, 12 bộ thiết bị GSM…

Theo Baomoi.com

Từ 5/10, mỗi ngày có nhiều nhất 28 chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

Theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), từ ngày 5/10, ngành hàng không sẽ khai thác 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Cục đang lấy ý kiến các tỉnh, thành có Cảng hàng không, sân bay trước khi triển khai cấp phép hoạt động trở lại.

Cục HKVN vừa xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1 và lấy ý kiến UBND thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có cảng hàng không, sân bay trước khi triển khai cấp phép hoạt động trở lại.

Theo đó, Cục HKVN đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.

Cục HKVN dự kiến khôi phục lại 385 chuyến bay khứ hồi/ngày, do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines khai thác.

Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.

Các đường bay trên sẽ do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines khai thác.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay với 43 chuyến khứ hồi/ngày.

Từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) đi và đến các địa phương khác là 08 đường bay với 23 chuyến bay khứ hồi/ngày; Hải Phòng là 11 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày; Thanh Hóa khôi phục 06 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày; Cần Thơ khôi phục 07 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày.

Nghệ An khôi phục 7 đường bay với 19 chuyến khứ hồi/ngày; Đắk Lắk khôi phục 6 đường bay với 14 chuyến khứ hồi/ngày; Khánh Hòa khôi phục 06 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày. Thừa Thiên Huế khôi phục 03 đường bay với 09 chuyến khứ hồi/ngày; Kiên Giang khôi phục 08 đường bay với 24 chuyến khứ hồi/ngày; Gia Lai khôi phục 04 đường bay với 09 chuyến khứ hồi/ngày.

Một số địa phương khác như Phú Yên khôi phục 02 đường bay với 07 chuyến khứ hồi/ngày; Bình Định khôi phục 03 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Nam khôi phục 02 đường bay với 08 chuyến khứ hồi/ngày; Bà Rịa – Vũng Tàu khôi phục 05 đường bay với 15 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Bình khôi phục 02 đường bay với 06 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Ninh khôi phục lại 01 đường bay với 03 chuyến khứ hồi/ngày và Điện Biên đề nghị khôi phục 01 đường bay với 02 chuyến khứ hồi/ngày.

Riêng đối với đường bay đi/đến Hà Nội, Cục HKVN đã trao đổi với Sở GTVT Thành phố Hà Nội về kế hoạch khai thác đường bay nội địa đi/đến Hà Nội giai đoạn 1, dự kiến hoạt động từ ngày 05/10/2021 gồm 17 đường bay với 91 chuyến khứ hồi/ngày.

Trong đó đường bay giữa Hà Nội và TP HCM có tần suất khai thác nhiều nhất với 28 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Cảng HKQT Nội Bài là đầu mối giao thông trọng điểm trong mạng bay nội địa và quốc tế. Do vậy, việc khai thác các chuyến bay nội địa thường lệ đi/đến Cảng HKQT Nội Bài là rất quan trọng và thiết yếu.

Cục HKVN cho biết, theo hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của Bộ GTVT, hành khách đi máy bay phải đáp ứng các yêu cầu: Tuân thủ 5K; khai báo y tế theo quy định; xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test nhanh; không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Theo Baomoi.com

Vì sao nhà đầu tư tháo chạy khỏi Vạn Phát Hưng?

Bị đình chỉ kinh doanh bất động sản trong vòng 12 tháng nên Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (MCK: VPH) phải thu hẹp quy mô hoạt động. Cũng trong thời gian này, nhà đầu tư đến từ Phần Lan liên tục rút vốn đầu tư vào VPH.

Loạt sai phạm về đất đai, thuế

Thị trường chứng khoán đầu tháng 10/2021 ghi nhận thông tin Pyn Elite Fund (Non-Ucits) thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng khi bán ra hơn 2,1 triệu cổ phiếu VPH chỉ trong vòng chưa đầy 15 ngày để giảm tỉ lệ sở hữu, trong bối cảnh cổ phiếu VPH tăng mạnh và đạt đỉnh tại mức 8.600 đồng/cp.

Động thái thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng của nhà đầu tư đến từ Phần Lan diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng vừa có quyết định xử phạt VPH số tiền 300 triệu đồng và buộc dừng các hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng (kể từ ngày 2/6/2021) do vi phạm về đất đai tại KDC Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Theo quyết định xử phạt, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng đã vi phạm quy định bán sản phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản xác nhận đủ điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai.

Dự án KDC Nhơn Đức do Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư bị cơ quan chức năng TP.HCM kết luận có nhiều sai phạm nghiêm trọng nên quyết định đình chỉ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất sản.

Dự án KDC Nhơn Đức có quy mô 40 ha, gồm khu dân cư 9,3 ha và 2 trường đại học, được chấp thuận đầu tư năm 2015 nhưng hiện chưa hoàn thành bàn giao đưa công trình vào sử dụng, chưa quyết toán đầu tư.

Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng đã nhận chuyển nhượng đất lúa trước khi được chấp thuận địa điểm đầu tư; Đầu tư xây dựng công trình trên đất chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất trên thực địa; Thi công xây dựng các công trình hạ tầng và móng cọc nhà (có diện tích xây dựng được quy hoạch trên 500 m2) không có giấy phép xây dựng.

Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng đã bán 370 nền đất có móng cọc tại dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng bàn giao nhà ở để đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu; Chuyển nhượng 16 nền đất có diện tích chuyển nhượng nhiều hơn diện tích thửa đất được cấp GNCQSDĐ; Chưa thực hiện xây dựng trường tiểu học, công viên cây xanh,…

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị chuyển môn xác định nguyên nhân, trách nhiệm trong việc công ty chậm nộp tiền sử dụng đất, các Sở, ngành liên quan xác định lại phần diện tích đất do nhà nước quản lý, tính thuế giá trị gia tăng và kiểm tra số tiền 658 tỉ đồng doanh nghiệp đã nhận từ 2 trường đại học.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng còn vi phạm pháp luật thuế khi chậm kê khai hoặc không kê khai nộp thuế, không thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đúng quy định. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư xuất hóa đơn bán nền đất không trùng với ngày lập các phiếu thu, hoặc một hóa đơn giá trị gia tăng xuất cho nhiều phiếu thu.

Lợi nhuận VPH liên tục sụt giảm

Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng tiền thân là Công ty TNHH Vạn Phát Hưng, được thành lập vào ngày 9/9/1999. Năm 2009, công ty này chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 9/9/2009 với mã VPH.

Về tình hình kinh doanh, nếu như năm 2017, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng đạt lợi nhuận sau thuế 190,7 tỉ đồng, thì sang năm 2018 giảm xuống 146,5 tỉ đồng và lao dốc trong các năm 2019 và 2020 khi lần lượt đạt 34,6 tỉ đồng và 13,6 tỉ đồng.

ĐHCĐ Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (MCK: VPH) năm 2020.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng đặt mục tiêu lãi sau thuế 72,4 tỉ đồng, gấp 5,3 lần so với thực hiện năm 2020 với nguồn thu chính từ việc mua bán, chuyển nhượng dự án.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng ghi nhận hơn 111 tỉ đồng doanh thu và hơn 7 tỉ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 31% và 41% so với cùng kỳ năm trước.

Phần lớn lợi nhuận đến từ việc ghi nhận một phần doanh thu dự án C.T.C (phường Long Trường, quận 9, TP.HCM, thuộc công ty con) đã bán từ đầu năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 1/10, giá cổ phiếu VPH giảm 2% xuống mức 7.250 đ/cp, khối lượng giao dịch đạt gần 1,1 triệu đơn vị.

Theo tài liệu ĐHCĐ năm 2021 của Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng, trong năm nay, doanh nghiệp sẽ chuyển nhượng 55% vốn cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ An Hưng cho đối tác là Công ty trách nhiệm hữu hạn Lotte Land.

Đáng chú ý, HĐQT Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng dự kiến trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định tìm kiếm đối tác hợp tác dự án KDC Nhơn Đức mở rộng. Dự án này đang trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư.

Bên cạnh đó, trong văn bản giải trình về vấn đề bị đình chỉ kinh doanh bất động sản trong vòng 12 tháng, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng cho biết, doanh nghiệp có thể thu hẹp quy mô hoạt động trong thời gian bị đình chỉ.

Theo Baomoi.com

85 triệu cổ phiếu SCG sắp lên sàn HNX

Sau 5 tháng giao dịch trên UPCoM thì 85 triệu cổ phiếu SCG được chấp thận niêm yết trên HNX.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo đã chấp thuận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Xây dựng SCG với tổng số 85 triệu cổ phiếu đăng ký niêm yết, tương ứng số vốn điều lệ 850 tỷ đồng.

Như vậy, sau khoảng 5 tháng giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, cổ phiếu SCG đã leo từ 20.600 đồng/cp lên đỉnh 105.000 đồng/cp.

Sau đó, SCG đã quay đầu điều chỉnh và thực hiện phát hành cổ phiếu bán ưu đãi với tỷ lệ 70% vào đầu tháng 7. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10 vừa qua, cổ phiếu này đứng tại mức giá 53.900 đồng/cp.

SCG được thành lập từ tháng 4/2019 với số vốn điều lệ đăng ký 1.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Sau hơn 1 năm hoạt động, Công ty đã tăng vốn lên mức 500 tỷ đồng. Đến nay vốn điều lệ của SCG đã tăng thêm 350 tỷ đồng thông qua việc Công ty chào bán 35 triệu cổ phiếu ra công chúng.

Kết thúc nửa đầu năm 2021, SCG đạt tổng doanh thu hơn 1.610 tỷ đồng, gấp 3,1 lần cùng kỳ năm 2020. Do đó, lợi nhuận ròng của Công ty đạt hơn 103 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ.

Theo giải trình của SCG, trong 6 tháng đầu năm, Công ty triển khai thi công nhiều dự án hơn so với năm trước, sản lượng các dự án đều tăng giúp doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Trong năm 2021, SCG đặt mục tiêu đạt 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả trên, SCG đã thực hiện được khoảng 32% của mục tiêu doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của SCG đạt gần 3.953 tỷ đồng, tăng gần 2.609 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hơn 3.542 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, tăng 2.509 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 90% tổng tài sản.

Theo Baomoi.com

Vì sao nhóm Thaco rút hết vốn khỏi công ty ‘vua cá tra’ Hùng Vương?

Một nhân sự lãnh đạo của Thaco (Công ty CP Ôtô Trường Hải) vừa đăng ký bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu HVG theo phương thức khớp lệnh.

Theo đó, sau khi tỷ phú Trần Bá Dương cùng công ty riêng thoái hết vốn khỏi Hùng Vương, ông Nguyễn Phúc Thịnh, Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) vừa đăng ký bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu HVG theo phương thức khớp lệnh, thời gian giao dịch dự kiến bắt đầu từ ngày mai 1/10 đến 29/10.

Lý giải về điều này, ông Thịnh nói rằng mục đích giao dịch là cơ cấu tài chính cá nhân. Nếu bán hết cổ phiếu như đăng ký, ông không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Hùng Vương.

Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Công ty CP Hùng Vương.

Trước đó, đầu tháng 4, ông Thịnh cũng chuyển nhượng 36,6 triệu cổ phiếu HVG, giảm tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương từ 17% xuống dưới 1%. Sau giao dịch này, ông Thịnh không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp thủy sản này.

Ông Nguyễn Phúc Thịnh là thành viên HĐQT Thaco và tham gia HĐQT Hùng Vương, đại diện phần vốn của nhóm cổ đông liên quan tỷ phú Trần Bá Dương tại doanh nghiệp cá tra này, từ đầu năm 2020.

Cách đây không lâu, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đã thông báo bán toàn bộ 11,26 triệu cổ phiếu HVG, tương đương 4,96% vốn công ty Hùng Vương vào ngày 2/7 để cơ cấu tài chính cá nhân. Cùng thời điểm, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh cũng bán toàn bộ 8,6 triệu cổ phiếu HVG, tỷ lệ 3,79% vốn.

Trong phiên giao dịch này, 19,875 triệu cổ phiếu HVG được thỏa thuận, đúng bằng khối lượng 2 nhà đầu tư trên bán ra. Tổng giá trị thỏa thuận đạt gần 46 tỷ đồng, tương ứng tại mức giá 2.300 đồng/cổ phiếu.

Thaco từng “giải cứu” Hùng Vương như thế nào?

Theo tìm hiểu, Hùng Vương được thành lập năm 2003 và nhanh chóng vươn lên vị thế dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra nước nhà. Nhưng hoạt động của doanh nghiệp bắt đầu gặp khó từ năm 2015 sau thời gian mở rộng sang nhiều lĩnh vực nhưng không hiệu quả, nhường lại vị trí đầu ngành cho công ty Vĩnh Hoàn.

Doanh nghiệp này một thời vẫn ngụp lặn trong khó khăn với mức lỗ 1.123 tỷ đồng trong năm 2019 và lỗ lũy kế 1.743 tỷ đồng theo báo cáo tài chính công bố mới nhất kết thúc 31/12/2019. Vốn chủ sở hữu hiện còn chưa đến 660 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả hơn 7.100 tỷ đồng.

Năm 2020, Thaco đã “giải cứu” Hùng Vương thông qua công ty con Thadi (nay là Thagrico). Theo thỏa thuận thời điểm đó, Thadi và những cổ đông liên quan sẽ tăng sở hữu lên 35% cổ phần và đưa nhân sự tham gia vào các vị trí chủ chốt.

Cùng với đó, Thadi đã cùng Hùng Vương thành lập liên doanh Công ty chăn nuôi heo giống với vốn điều lệ 556 tỷ đồng (Thadi góp 75%; Hùng Vương góp 25%).

Tại đại hội cổ đông năm 2020, Hùng Vương còn chuyển giao lại mảng chăn nuôi heo cho Thadi để tập trung cho kinh doanh cá tra (Thadi theo đó nắm 65% vốn trong liên doanh phát triển mảng chăn nuôi heo).

Việc giải cứu của Thaco vừa đem lại một chút khởi sắc thì Hùng Vương liên tiếp vi phạm công bố thông tin. Cổ phiếu HVG thậm chí bị hủy niêm yết bắt buộc vào tháng 8/2020 để chuyển sang giao dịch trên hệ thống UPCoM (hạn chế chỉ giao dịch vào thứ 6 hàng tuần).

Ông chủ của “vua cá tra” Hùng Vương là ai?

Chủ tịch của Công ty Cổ phần Hùng Vương là ông Dương Ngọc Minh. Năm 2012, ông Minh từng là người giàu thứ 22 trên thị trường chứng khoán (880 tỷ đồng) và là doanh nhân giàu thứ 2 trong lĩnh vực thủy sản, chỉ sau bà Trương Thị Lệ Khanh của thủy sản Vĩnh Hoàn.

Thông tin trến tạp chí Người Đưa Tin, sau ngày giải phóng, ông Dương Ngọc Minh tham gia Thanh niên xung phong xây dựng vùng Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, TP.HCM). Ở nơi heo hút đó, Nông trường Duyên Hải đã được thành lập, áp dụng thí điểm mô hình nuôi tôm, lấy thu bù chi.

Đến năm 1984, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TP.HCM. Sau một thời gian hoạt động, công ty đã nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu USD/năm.

Nhưng đến năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trước đó trở nên quá sức chi trả, công ty vỡ nợ, phá sản. Giám đốc Dương Ngọc Minh phải ra tòa và nhận án tù vì tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Như ông Dương Ngọc Minh từng nhắc lại thì: “Sau thời gian đầu thành công, chúng tôi gặp khó khăn do tình hình lạm phát. Lúc nhập máy móc thiết bị từ Nhật với phương thức trả chậm, tỷ giá đồng yen lúc đó khoảng 280 yen đổi 1 USD. Lúc công ty trả thì đồng yen lên giá còn 150 yen đổi 1 USD, tính ra số tiền thanh toán thiết bị tăng gấp đôi lúc nhập. Chúng tôi vay vốn bằng ngoại tệ từ nước ngoài để xây dựng trụ sở, mua thiết bị sản xuất. Khi Nhà nước vào kiểm toán thì tính bằng đồng Việt Nam thời điểm xây dựng nên không phản ánh được thực tế. Từ kết quả kiểm toán, tôi bị khởi tố tội cố ý làm trái quy định nhà nước”.

Sau 6 năm cải tạo, máu kinh doanh thủy sản chưa nguôi, ông lại thành lập công ty thủy sản, tiếp tục giữ cái tên Hùng Vương đã gắn bó với mình từ thuở ban đầu. Dù đã quen với con tôm nhưng ông quyết định chọn sản phẩm chủ lực của Hùng Vương là cá tra.

Năm 2014, thủy sản Hùng Vương chi cả trăm tỷ để thưởng Tết cho nhân viên. Sang năm 2015, Hùng Vương báo lợi nhuận trước thuế 22 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận sau thuế là 21,5 tỷ đồng. Đến quý I/2019, mức lãi đã cao hơn lợi nhuận cả năm 2018 là 7 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2019, Hùng Vương tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh cá với doanh số 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng. Mảng thức ăn thủy sản có kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đổng và lợi nhuận 180 tỷ đồng.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông tháng 2/2019, “vua cá tra” rút lời gan ruột rằng: “Tôi làm việc xuyên suốt thời gian qua. Bản thân tôi từ 28 âm lịch đến 5h18 phút ngày 5 âm lịch, bên Mỹ mới thông báo cho tôi nghỉ tết được rồi”. Ông Minh cũng nói thêm dự kiến nhường vị trí lãnh đạo khi công ty hoạt động ổn định trở lại trong hai năm tới (năm 2021).

Hùng Vương hiện chưa công bố báo cáo tài chính các quý của năm 2020, dẫn đến việc cổ đông không nắm được tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Theo Baomoi.com

Chi tiết 10 khu chung cư cũ Hà Nội được cải tạo, xây dựng mới

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội có kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, trong đó 6 khu có tính khả thi cao là: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân…

Kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội” do UBND thành phố Hà Nội trình tại tờ trình số 192/TTr-UBND ngày 8/9/2021.

Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; Ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D và c cận D).

Hiện nay đã hoàn thành việc rà soát, xây dựng danh mục. Thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn trong quý 2 của năm 2023.

Chung cư cũ ở Hà Nội xuống cấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và có nguy cơ sụp đổ

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội có kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, trong đó 6 khu có tính khả thi cao là: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân, và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp – quận Ba Đình).

Trong thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ, Hà Nội thành lập tổ công tác của UBND thành phố để xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền.

Trong đó xác định cụ thể quy trình về lựa chọn chủ đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư; tổ chức bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời; thu hồi, giao đất, cho thuê đất để chuẩn bị khởi công công trình; tiến độ hoàn thành trước 1/10/2021.

Với từng dự án cải tạo chung cư cũ cụ thể để lựa chọn các nhà đầu tư như: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn hay nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo. Như vậy, sự đa dạng trong cách thức lựa chọn chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư là điểm khác trước đây chỉ tập trung vào hình thức xã hội hóa.

Với 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D (có phát sinh trong quá trình kiểm định) còn lại trên địa bàn.

Theo Baomoi.com

Ủy ban kiểm tra Trung ương chỉ ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm, hạn chế.

Chiều ngày 30-9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát thông báo về kì họp thứ 7. Theo đó, kì họp diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30-9-2021, tại kì họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có liên quan đến Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra cho rằng, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ; trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế, chính sách, ban hành một số văn bản không đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có nội dung không phù hợp.

Đặc biệt, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, thực hiện bổ sung quy hoạch, quản lý phát triển năng lượng điện; nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và vừa; trong xây dựng cơ chế, chính sách về giá điện, giá xăng dầu.

Bộ Công Thương có nhiều vi phạm trong thực hiện chính sách điện mặt trời, điện gió.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nêu Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch EVN có vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm trong công tác cán bộ, đầu tư tài chính, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa, thoái vốn, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước trong việc mua điện mặt trời mái nhà,…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được giám sát nêu trên kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo Baomoi.com