Techcombank cùng MB thu xếp 1,4 tỷ USD cho 2 dự án điện LNG

PVPower vừa ký thư chỉ định Techcombank là ngân hàng đầu mối chính, cùng MB thu xếp huy động 1,4 tỷ USD cho 2 dự án điện LNG lớn nhất Việt Nam.

Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là dự án điện khí đầu tiên trên thị trường do chủ dự án là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) tự đứng ra thu xếp vốn, không có bảo lãnh của Chính phủ.

Techcombank và MB sẽ đồng hành cùng PVPower trong suốt quá trình thu xếp vốn cho dự án

Hai dự án này sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ mang đến nguồn năng lượng sạch tiêu chuẩn quốc tế và tạo bước ngoặt cho chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy điện đóng vai trò là trung tâm phụ tải của miền Nam, với 3 khu vực phụ tải lớn là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước đó, PV Power đã chủ động làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm kiếm một ngân hàng đối tác chiến lược đồng hành, nhằm lên các phương án thu xếp vốn phù hợp cho dự án.

Theo đó, PV Power đã tín nhiệm lựa chọn Techcombank là ngân hàng đầu mối chính, để hỗ trợ xây dựng hồ sơ mời thầu, đàm phán các điều kiện khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECA), các khoản vay nước ngoài (offshore) và quản lý tài sản, cũng như các thời điểm cần giải pháp tài chính trong quá trình chuẩn bị, triển khai, vận hành.

Sự tham gia của Techcombank và MB đồng hành cùng PVPower trong suốt quá trình thu xếp vốn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động về nguồn tín dụng, giảm gánh nặng nợ công của nhà nước trong phát triển năng lượng quốc gia.

Với lợi thế dẫn đầu trong việc phát triển nguồn nhiên liệu sạch, PV Power là doanh nghiệp đã thành công trong nhiều dự án năng lượng lớn để phục vụ sản xuất, đời sống người dân trong cả nước.

Để nhận được các khoản vay ECA, dự án Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo môi trường và xã hội.

Ông Nguyễn Duy Giang, Phó TGĐ PV Power chia sẻ: “LNG là nguồn năng lượng tối ưu để Việt Nam hướng đến năng lượng sạch quy mô lớn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như hướng tới môi trường sống không có khói bụi cho thế hệ tương lai. Với sự hỗ trợ thu xếp vốn từ Techcombank và MB, dự án Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 được kỳ vọng đánh dấu bước ngoặt lớn cho chính sách năng lượng quốc gia, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước”.

“Là ngân hàng đối tác chính hỗ trợ thu xếp vốn cho dự án năng lượng quan trọng Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, chúng tôi cam kết nỗ lực tối đa để hỗ trợ PVPower triển khai thành công dự án quan trọng này, thông qua việc xác định và xây dựng các phương án tài chính phù hợp nhất”, bà Phan Thị Thanh Bình, GĐ khối Ngân hàng Bán buôn Techcombank chia sẻ tại lễ kí kết.

Trước đó, PV Power và Techcombank đã hợp tác thành công trong dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 vào năm 2010, đưa cổ phiếu NT2 trở thành cổ phiếu blue chip trên HOSE.

Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành MB, bày tỏ MB rất tự hào được PVPower lựa chọn cùng Techcombank tham gia dự án này. Trong những năm gần đây, MB đã phân tích và tin tưởng rằng năng lượng và kiến tạo năng lượng sạch sẽ là ưu tiên cao của đất nước.

Theo đó, MB đã dành khoảng 3 tỷ USD cho các dự án trọng điểm về điện gió, điện mặt trời. Cụ thể, Dự án Nhà máy nhiệt điện chạy khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại Nhơn Trạch, Đồng Nai là dự án lớn về khí hóa học đầu tiên mà MB tham gia.

“Do vậy, MB sẵn sàng cùng Techcombank cam kết hỗ trợ thu xếp vốn, đồng thời, phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tìm kiếm giải pháp tốt nhất nhằm giúp thiết kế của dự án này được sát với ưu tiên. MB tin tưởng rằng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất, góp phần mở ra một hướng phát triển năng lượng thân thiện với môi trường”, ông Ánh nói.

Theo Baomoi.com

Phục hồi sản xuất- kinh doanh: Linh hoạt giữ chân công nhân

Thiếu công nhân, nhiều doanh nghiệp cũng như địa phương đang chủ động, linh hoạt tìm giải pháp khi mở cửa sản xuất trở lại.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TPHCM đối mặt thực trạng thiếu lao động

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TPHCM, cho biết, vừa qua, dịch bệnh tại TPHCM phức tạp, thời gian giãn cách dài khiến hầu hết doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Với ngành cao su, nhựa, doanh nghiệp bị đứt nguồn cung thùng, bao bì đựng hóa chất… nên phải tìm nguồn cung ứng thay thế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đang tìm cách tập hợp lại lực lượng lao động do nhiều công nhân đã chuyển nghề khác, về quê.

“Để giải quyết được nhanh nhất bài toán tắc nguồn cung lao động, các địa phương cần sớm có hướng cho công nhân được di chuyển từ nơi này sang nơi khác để làm việc, tránh lãng phí nguồn vắc-xin đã tiêm trong thời gian qua. Các nhà máy vẫn đang chờ người lao động để có thể mở cửa trở lại. Công nhân cũng rất cần việc làm để có thu nhập, tạo nguồn sống”, ông Quốc Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TPHCM, cho biết, 4/10 là ngày đầu tiên các doanh nghiệp sản xuất được hoạt động trở lại.

Theo thống kê của Hiệp hội, đến nay, các khu công nghiệp và khu công nghệ cao có khoảng 43.000 lao động ở các tỉnh. Khoảng 14.000 người trong số này làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 1, 2 và đã tiêm vắc-xin mũi 1. Hiệp hội đã đề xuất thành phố ưu tiên vắc-xin cho công nhân để họ có đủ điều kiện trở lại làm việc.

Tuy nhiên, vì hầu hết lao động ở tại Bình Dương nên không thể di chuyển qua lại.

Hỗ trợ về vắc-xin, xét nghiệm

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, Hiệp hội hiện có 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung bộ trở vào.

Tại nhiều địa phương khu vực miền Tây, doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất lại. Riêng tại Cần Thơ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tình hình dịch chưa ổn định.

Ông Hòe cho biết, điều doanh nghiệp mong muốn lúc này là được sản xuất trở lại. Tuy nhiên, khi quay lại sản xuất, doanh nghiệp đối mặt nhiều gánh nặng chi phí như xét nghiệm COVID-19, phí công đoàn…

Vì vậy, VASEP đã có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị tất cả doanh nghiệp được giảm đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1%, do nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong khi phí công đoàn là rất lớn. Ông Hòe cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phí xét nghiệm COVID-19 để giảm gánh nặng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương phải chủ động mở cửa trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tiêu chí Trung ương đề ra như tiêu chí về số người đã tiêm phòng COVID-19, vệ sinh dịch tễ… “Nếu doanh nghiệp đã tổ chức tiêm phòng 2 mũi vắc-xin cho người lao động, họ phải mở cửa hoạt động lại là đương nhiên.

Với doanh nghiệp có lao động hoàn thành tiêm 1 mũi cũng nên cho mở cửa nhưng phải thực hiện giãn cách, xét nghiệm định kỳ, giúp phòng chống dịch bệnh tốt hơn. Những hoạt động tại địa phương cần được số hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Như vậy sẽ giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, với việc sản xuất trở lại, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong tạo điều kiện cho doanh nghiệp như: đảm bảo phòng chống dịch tại khu công nhân ở, kêu gọi hỗ trợ giảm giá thuê nhà…

Đào tạo tay nghề, bảo đảm ăn ở

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, thời gian tới, thị trường lao động tại địa phương sẽ có cầu lớn hơn cung và cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ tái sản xuất. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp ở Bình Dương cần tới 100.000 lao động để đáp ứng các đơn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ tết.

Hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại

Chỉ trong ba ngày (từ ngày 1-3/10), TPHCM đã có 5.279 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động trở lại sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 18. Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM , cho biết, ngoài 5.279 DN đăng ký hoạt động trở lại, nhiều đơn vị khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng đang làm việc với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để nắm thực trạng, tạo điều kiện cho các đơn vị này nhanh chóng trở lại sản xuất.

“Chúng tôi đang phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp trong việc đào tạo tay nghề khẩn cấp cho người lao động để đáp ứng yêu cầu công việc”, ông Tuyên nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua, nhiều công nhân kéo nhau về quê, do đó, phải tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội cho công nhân.

Ông Dũng yêu cầu ngay từ bây giờ, Sở LĐTB&XH, Ban quản lý các khu công nghiệp và các địa phương phải xây dựng ngay phương án đón công nhân từ các tỉnh trở lại Đồng Nai làm việc.

Khi người dân về tới Đồng Nai, phải xem lại điều kiện y tế, nơi ăn ở. Trong thời gian này, các địa phương phải làm việc với cơ sở nhà trọ, yêu cầu họ sửa chữa lại phòng ốc đảm bảo các điều kiện vệ sinh và xây dựng quy chế nhà trọ.

Theo Baomoi.com

Cải tạo chung cư cũ hướng đến yếu tố bảo tồn: Tính nhân văn của một đô thị lịch sử

Đối với một đô thị đặc biệt như Hà Nội, nơi mà công trình kiến trúc ở các thời đại đan xen với nhau như những chứng nhân lịch sử, việc xây dựng những kiến trúc mới hiện đại hay vị lai mà vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thì nhất thiết phải bảo đảm hài hòa với bảo tồn. Nên chăng trước khi làm một cuộc chuyển mình trong bộ mặt đô thị, Hà Nội cần tính đến yếu tố bảo tồn các nhà chung cư cũ như một di sản kiến trúc đô thị một thời.

Ưu điểm về quy hoạch, không gian

Với nhiều thế hệ người Hà Nội, khu tập thể cũ luôn là một trong những không gian đặc biệt, đánh dấu “vàng son” hình ảnh đô thị xã hội chủ nghĩa thời kỳ đầu. Đây là không gian xây dựng, quy hoạch theo mô hình tiểu khu nhà ở nước Nga Xô Viết mà Hà Nội đã tiếp dẫn thành công nhằm giải quyết vấn đề nhà ở trên quy mô lớn trong thời kỳ khó khăn.
Từ những thử nghiệm ban đầu tại khu Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, các khu chung cư theo mô hình quy hoạch hoàn chỉnh của một đơn vị ở tại Hà Nội được phát triển mạnh mẽ với sự tiến bộ từng bước về công nghệ xây dựng và tiêu chuẩn như khu Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Thanh Xuân…. Những khu nhà tập thể cao 2 – 5 tầng, có hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cửa hàng bách hóa, không chỉ giải quyết được một phần đáng kể vấn đề nhà ở cho người dân Hà Nội trong một thời điểm nhất định, mà còn là “chìa khóa” thúc đẩy làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ sau này.


Cho dù có nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận những thành công của mô hình nhà ở này. Cơ cấu quy hoạch tiểu khu với hệ thống trường học từ mẫu giáo đến THCS và các công trình công cộng, cây xanh, sân chơi tập trung tại lõi đô thị, tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh, có bán kính phục vụ hợp lý.
Lý thuyết này vẫn đang được kế thừa trong phát triển các khu đô thị mới ở Hà Nội đương đại, với tên gọi “đơn vị ở”. Điều này thể hiện đặc điểm giá trị của lý thuyết làm nên các khu tập thể cũ. Bên cạnh hạn chế về tiêu chuẩn ở, nhiều chỉ tiêu thiết kế xây dựng khu tập thể cũ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, phù hợp với tiêu chí xây dựng khu ở sinh thái hiện đại như khoảng cách giữa hai dãy nhà luôn đảm bảo là 1,5 – 2 chiều cao công trình. Đặc biệt, nổi bật là bố cục không gian thể hiện tính chiều hướng, hướng chính ngôi nhà chủ yếu sắp xếp thích ứng điều kiện khí hậu với hướng gió chủ đạo Đông Nam và Nam ở Hà Nội. Các công trình và căn hộ bố cục chạy dài và song song, số căn sai hướng chỉ được phép tối đa 15%, phụ thuộc vào yêu cầu tổ chức không gian của khu tập thể. Đặc điểm chiều hướng của khu tập thể đã tạo nên sự trật tự đô thị, tuy tổ chức còn ở dạng sơ khai, đơn điệu.
Lối kiến trúc của những dãy nhà tập thể cũ với cầu thang bộ nhỏ hẹp, dãy hành lang chung chạy dài qua ô cửa sổ mỗi căn hộ, hay diện tích đất giữa các dãy nhà được thiết kế trồng cây xanh, là nơi sinh hoạt chung, sân chơi cho người già, trẻ nhỏ… đã hình thành nếp sống chan hòa, gắn kết, tối lửa tắt đèn có nhau mang đặc trưng riêng của Hà Nội thời bao cấp. Hình thái không gian kiến trúc ấy như những xóm, làng “đứng” – một sự tiếp nối của làng xã truyền thống – những tế bào vô cùng bền vững trong lịch sử. Vậy nên, không gian ấm cúng của các khu tập thể cũ sẽ còn nhắc nhớ cho nhiều thế hệ sau về lối sống của người Hà Nội ở một thời gian khó.
Chọn lọc để bảo tồn
Trong vòng 3 thập niên (thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ XX) Hà Nội đã xây dựng tổng cộng 1.579 nhà tập thể. Một con số không hề nhỏ trong bối cảnh chiến tranh, cấm vận, nguồn vốn và tiềm lực rất hạn chế. Sau hơn nửa thế kỷ, có thể khẳng định các khu nhà ở tập thể cũ của Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu về chỗ ở cho nhiều hộ gia đình, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng hình ảnh đô thị xã hội chủ nghĩa thời kỳ đầu.
Khi Hà Nội bước vào thời kỳ phát triển hiện đại, nhu cầu đòi hỏi chất lượng cuộc sống ở ngày một cao hơn tất nhiên chung cư cũ nếu xuống cấp, lún nứt, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân nhất thiết phải được phá bỏ, xây mới. Song, theo kết quả khảo sát sơ bộ của Sở Xây dựng, có đến 386/401 nhà chung cư cũ (tỷ lệ 96%) chưa đến mức độ nguy hiểm nghiêm trọng. Vì vậy, đối với những tòa nhà kết cấu còn bền chắc, còn niên hạn sử dụng sau khi đã được kiểm định, đánh giá cẩn thận, việc cải tạo theo hướng bảo tồn có thể là một gợi ý hay, cần được nghiên cứu một cách thấu đáo.
Giải pháp bảo tồn một nhóm nhà chung cư cũ thông qua việc loại bỏ những phần cơi nới nhằm trả lại hình dáng kiến trúc nguyên gốc cho tòa nhà cũng như cảnh quan khu vực, kết hợp với các giải pháp kỹ thuật (cải tạo, gia cố, chỉnh trang…) phù hợp, có thể đảm bảo sự bền vững cũng như sự an toàn tuyệt đối của người dân sinh sống ở đó, là hoàn toàn khả thi. Cần phân loại theo vị trí, đặc tính cấu trúc của các khu tập thể cũ để nghiên cứu bảo tồn kết hợp với xây dựng lại những công trình xuống cấp nguy hiểm.
Các công trình chung cư cũ trong khu phố hình thành từ thời Pháp thuộc ở khu vực trung tâm lịch sử hoàn toàn có thể cải tạo thành các homestay phục vụ du lịch – văn hóa nhằm trải nghiệm những không gian xưa cũ. Một số chung cư quần tụ trong cơ cấu tiểu khu hoàn chỉnh trong Vành đai 2 có thể bảo tồn bên cạnh các kiến trúc hiện đại gần nhà ga các tuyến đường sắt đô thị tạo nên khu vực hỗn hợp cả về kiến trúc, cũng như chức năng. Không gian nội thất các chung cư bảo tồn có thể cải tạo theo hướng phù hợp với cuộc sống hiện đại, có thể kết hợp 2 – 3 căn hộ cũ thành 1 căn hộ mới nhằm giảm số căn hộ trên một diện tích mặt bằng, đồng thời góp phần hướng đến mục tiêu giảm tải dân số cho khu vực nội đô vốn đang vượt mức dự báo.
Vẫn biết thay cũ, đổi mới là để phù hợp hơn với xu thế phát triển chung của xã hội, tuy nhiên luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp để quy hoạch phát triển Hà Nội một cách hài hòa, bền vững. Những vẻ đẹp xưa cũ, nét văn hóa truyền thống vẫn được song hành bên cạnh một Hà Nội hiện đại sẽ thể hiện tính nhân văn của một đô thị lịch sử, tôn trọng các giá trị đánh dấu của một thời kỳ đáng nhớ. Những cụm nhà tập thể cũ được trả lại nguyên trạng hình dáng kiến trúc ban đầu sẽ là giải pháp tạo sự hài hòa giữa bảo tồn với phát triển tại khu vực lõi trung tâm Thủ đô.

Ở nước Nga ngày nay, nhiều giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa đã và đang được nhìn nhận lại như những di sản quý cần được bảo tồn. Trong đó, những chung cư lắp ghép đầu tiên của Liên Xô (cũ) – tại Belyayevo thuộc ngoại ô Moskva, được xây dựng vào những năm 1950 hiện đang được xem xét như những đối tượng cần được bảo tồn. Thậm chí, giới nghiên cứu Nga cho rằng, những công trình ở đây hiện thân cho sự độc đáo của mô hình Microrayon (tiểu khu) của Liên Xô, cần được đưa vào danh sách di sản cần được bảo vệ của UNESCO.

Theo Baomoi.com

Đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở: Bổ sung quy định thời hạn sở hữu chung cư

Tại dự thảo hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất tùy theo thiết kế công trình hoặc theo dự án của từng loại nhà chung cư mà quy định có thời hạn sở hữu.

Để hoàn chỉnh dự thảo trước khi ban hành, Bộ Xây dựng hiện đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân cho dự thảo hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở.

Bộ Xây dựng cho biết, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước đã xuất hiện những quan hệ mới cần điều chỉnh để giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức thi hành pháp luật.

Cụ thể, về chính sách sở hữu nhà ở có các tồn tại, hạn chế như một số quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở còn chưa đầy đủ. Qua rà soát và đối chiếu với pháp luật hiện hành cho thấy một số quy định pháp luật liên quan đã có sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu đối với tài sản là nhà ở.

Do đó, Luật Nhà ở cũng cần thiết phải được rà soát, sửa đổi bổ sung để bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và phù hợp, thống nhất với pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, pháp luật về nhà ở chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư.

Đối với quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Luật Nhà ở 2014 chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong dự án nhà ở thương mại mà chưa có quy định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài có được phép nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hay không (không quy định rõ cấm hay được phép). Điều này dễ dẫn đến tình trạng lách luật để đầu tư, mua đi bán lại nhà ở. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định cụ thể rõ ràng về việc không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán để tránh tình trạng kinh doanh, đầu cơ nhà ở…

Từ những vướng mắc nêu trên, việc sửa đổi Luật Nhà ở là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị – xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng bảo đảm an sinh xã hội.

Chính sách sở hữu nhà ở đề ra 3 mục tiêu

Về chính sách sở hữu nhà ở đã đề ra 3 mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất, bảo đảm chủ sở hữu nhà ở có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với tài sản nhà ở. Mục tiêu thứ hai, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan Nhà nước thực hiện việc thu hồi, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, thuận lợi trong công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị. Mục tiêu thứ ba, thay đổi nhận thức về sở hữu nhà ở, tăng thêm sự đa dạng trong nguồn cung đối với sản phẩm nhà ở có thời hạn sở hữu, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng, nhất là đối tượng thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng đề xuất hướng sửa đổi là sửa đổi và bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở để bảo đảm cơ sở cho chủ sở hữu thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với tài sản nhà ở.

Ngoài ra, bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư (như tùy theo thiết kế công trình hoặc theo thực tế sử dụng, theo dự án của từng loại nhà chung cư mà quy định có thời hạn sở hữu như 50 năm, 70 năm…).

Cơ sở của đề xuất này là các nhà chung cư xây dựng từ năm 2005 trở lại đây (từ khi Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực) được xây dựng theo dự án, có hồ sơ thiết kế đầy đủ, có cơ sở để xác định thời hạn sử dụng của nhà chung cư.

Do đó, việc quy định cụ thể thời hạn sở hữu nhà chung cư tại Luật Nhà ở nhằm phù hợp với pháp luật về xây dựng cũng như tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan Nhà nước thực hiện thu hồi, phá dỡ, cải tạo xây dựng lại chung cư; quy định này cũng góp phần thay đổi nhận thức về sở hữu nhà ở trước đây là ổn định lâu dài và là một yếu tố tác động đến giảm giá thành căn hộ chung cư, tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người mua.

Đối với quy định về sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, sắp xếp đưa một số quy định về thẩm quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước từ Nghị định lên Luật Nhà ở và sửa đổi bổ sung làm rõ một số quy định nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý quỹ nhà ở này, phù hợp với các pháp luật liên quan (như Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Sửa đổi bổ sung làm rõ quy định về loại nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước và trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà ở trong quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định rõ cá nhân nước ngoài được quyền mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ gắn liền với quyền sử dụng đất

Đối với quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định rõ cá nhân nước ngoài được quyền mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ gắn liền với quyền sử dụng đất (để tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện công nhận sở hữu nhà ở cho đối tượng này thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Sửa đổi, quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài không được nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở để tránh tình trạng đầu cơ và bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm.

Về chính sách phát triển nhà ở, rà soát các yêu cầu chung trong phát triển nhà ở của địa phương đảm bảo thống nhất với pháp luật liên quan cũng như phải phù hợp với tình hình thực tế:

Quy định các nguyên tắc phát triển nhà ở/dự án phát triển nhà ở bao gồm quỹ đất để phát triển nhà ở, hình thức phát triển nhà ở (tại khu vực đô thị, nông thôn).

Bổ sung phân biệt quy mô diện tích đất là bao nhiêu thì phải lập dự án (tại khu vực đô thị, nông thôn).

Làm rõ khái niệm dự án phát triển nhà ở, phân định rõ các loại dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị, dự án hỗn hợp có nhà ở (sân golf, du lịch nghỉ dưỡng…), xác định tỉ lệ diện tích đất xây dựng nhà ở là bao nhiêu thì được gọi là dự án nhà ở.

Bổ sung nội dung, tiêu chí thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở đảm bảo thống nhất với pháp luật liên quan, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc phát triển nhà ở phải đảm bảo nhu cầu ở thực tế tại địa phương, khu vực dự án, tránh tình trạng xin dự án để chiếm đất, đầu cơ, sau khi xây dựng xong thì để đất ở, nhà ở hoang hóa không sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Quy định về phát triển nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật liên quan nhưbổ sung trường hợp có quyền sử dụng đất khác được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất đất hoặc được bồi thường do Nhà nước thu hồi đất.

Rà soát, làm rõ hình thức lựa chọn chủ đầu tư theo hướng vẫn giữ nguyên 3 hình thức lựa chọn chủ đầu tư (đấu giá, đấu thầu, chỉ định chủ đầu tư), tuy nhiên làm rõ trường hợp chỉ định làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật liên quan và quy định của Luật Nhà ở về hình thức sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; bổ sung quy định về công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Làm rõ các điều kiện để làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Bổ sung quy định quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Chính sách nhà ở xã hội

Về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, bổ sung quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Bổ sung quy định về việc bố trí quỹ đất để xây dựng khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trong trường hợp việc bố trí quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn không phù hợp với sự thay đổi quy hoạch của địa phương.

Về hình thức phát triển nhà ở xã hội, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công (Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng thì vốn nhà nước ngoài đầu tư công được hiểu là các loại vốn nhà nước nhưng không bao gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật- PV). Bãi bỏ quy định về hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao trên diện tích đất được xác định để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định để cho thuê, cho thuê mua.

Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được mua nhà ở xã hội để cho thuê người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã đó thuê lại. Bổ sung quy định hình thức Nhà nước hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng khu đô thị nhà ở xã hội tập trung .

Về lựa chọn và công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, sửa đổi, bổ sung quy định về lựa chọn chủ đầu tư tại khoản 1 và 2 Điều 57 Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, đầu tư, đấu thầu và xây dựng. Bổ sung quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án khu đô thị nhà ở xã hội tập trung. Bổ sung quy định về công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội trong đó có quy định cụ thể về ưu đãi của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trong trường hợp trực tiếp thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phần diện tích quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội. Bổ sung quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án khu đô thị nhà ở xã hội tập trung.

Về yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bổ sung quy định về yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bổ sung quy định về yêu cầu đối với dự án khu đô thị nhà ở xã hội tập trung.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, sửa đổi, bổ sung quy định về các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là: người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công nhân khu công nghiệp; lực lượng vũ trang nhân dân. Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 9 Điều 49 Luật Nhà ở được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Về hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội, bổ sung quy định về hình thức hỗ trợ giải quyết cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bổ sung quy định hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở cho các đối tượng là học sinh, sinh viên.

Về nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội, bổ sung quy định về hình thức xét duyệt đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội. Chuyển và sửa đổi quy định cho phép bán nhà ở xã hội sau thời gian 2 năm đối với phần diện tích 20% nhà ở xã hội để cho thuê. Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về việc bán lại nhà ở xã hội (thời điểm, cách tính giá bán và nghĩa vụ tiền sử dụng đất). Bổ sung quy định về hình thức, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hành vi mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng quy định.

Về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc phát triển nhà ở xã hội, sửa đổi, bổ sung quy định rõ thẩm quyền đầu mối quản lý nhà nước về nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng (trong đó có quyền định đoạt quỹ đất 20%). Bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc phát triển khu đô thị nhà ở xã hội tập trung.

Theo Baomoi.com

Hà Nội ban hành mới các thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp và đầu tư

Đối với các danh mục thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Hà Nội thống nhất công bố ban hành mới 33 thủ tục hành chính…

Hà Nội ban hành mới các thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp và đầu tư

UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4324/QĐ-UBND về “Công bố danh mục TTHC ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ: Lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp, đầu tư tại Việt Nam, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; lĩnh vực thành lập và hoạt động hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội”.

Theo quyết định, đối với các danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố thống nhất công bố ban hành mới 33 thủ tục hành chính, gồm: 2 thủ tục lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; 22 thủ tục lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam; 4 thủ tục lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư; 1 thủ tục lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; 1 thủ tục lĩnh vực vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; 3 thủ tục lĩnh vực viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

UBND thành phố cũng đồng ý sửa đổi, bổ sung 53 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể: 49 thủ tục lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; 4 thủ tục lĩnh vực vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đồng thời, bãi bỏ 57 TTHC, trong đó: 24 thủ tục lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, 28 thủ tục lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam; 1 thủ tục lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; 4 thủ tục lĩnh vực vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Đối với các danh mục TTHC lĩnh vực hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trên địa bàn thành phố, UBND thành phố thống nhất sửa đổi, bổ sung danh mục 5 TTHC lĩnh vực thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy trình nội bộ giải quyết các TTHC đã được công bố tại quyết định này trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt theo quy định.

Theo Baomoi.com

Sửa quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Trong đề xuất của NHNN, nhiều quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được sửa đổi, bổ sung.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 07/2015 và Thông tư 13/2017 quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Trong đó, dự thảo thông tư đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về hoạt động bảo lãnh của ngân hàng tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai theo hướng tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, ngân hàng thương mại để bảo vệ quyền lợi người mua nhà.

Theo NHNN, Thông tư 07 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017 bởi Thông tư 13 với nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan đến bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hai thông tư trên có phát sinh một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về giải thích từ ngữ, thời điểm xác định số dư bảo lãnh, phương thức thực hiện hoạt động bảo lãnh bằng điện tử, bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú, quy trình phát hành cam kết bảo lãnh cho người mua nhà, cách xác định số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư, quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai…

Bên cạnh đó là các vướng mắc về mẫu cam kết bảo lãnh, xác định thời hạn của cam kết bảo lãnh, thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, hạch toán cho vay bắt buộc, về quy định nội bộ, trách nhiệm của các đơn vị… Do đó, các tổ chức tín dụng kiến nghị cần được tiếp tục nghiên cứu, xử lý.

Vì vậy, để thống nhất với các quy định pháp luật và xử lý các vấn đề thực tế phát sinh nêu trên, việc thay thế Thông tư 07 và Thông tư 13 là hết sức cần thiết.

Dự thảo mới của NHNN sẽ giúp bảo vệ người mua nhà, tăng trách nhiệm của ngân hàng thương mại, chủ đầu tư trong các hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Về việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, Thông tư 07/2015 hiện không cấm các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, dự thảo đề xuất bổ sung thêm cả quy định không cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với các ngân hàng thương mại đang trong giai đoạn áp dụng can thiệp sớm của NHNN.

Theo cơ quan quản lý, quy định này là để phù hợp quy định tại Luật các tổ chức tín dụng hiện nay. Trong đó, trường hợp ngân hàng thương mại bị xem xét áp dụng can thiệp sớm nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt bao gồm, không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định trong 3 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong 6 tháng liên tục; và xếp hạng dưới

mức trung bình theo quy định của NHNN.

Thông tư 07 trước đó quy định ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản thì tại dự thảo lần này sửa đổi, bổ sung thêm việc ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định tại khoản 14 Điều 3, Điều 15 Thông tư này, trong đó có nội dung quy định nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng thương mại đối với bên mua chỉ phát sinh sau khi bên mua nhận được cam kết bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua.

Theo NHNN, bổ sung quy định này nhằm giúp người mua nhà nắm rõ quyền lợi thụ hưởng bảo lãnh của mình chỉ được đảm bảo khi nhận được cam kết bảo lãnh của ngân hàng thương mại, trên cơ sở đó sẽ yêu cầu chủ đầu tư cung cấp cam kết bảo lãnh của ngân hàng thương mại (ngoài Hợp đồng bảo lãnh đã cung cấp trước khi ký hợp đồng mua bán nhà ở).

Tại dự thảo này còn bổ sung quy định quyền và trách nhiệm của các bên (ngân hàng thương mại, chủ đầu tư và bên mua) mà Thông tư 07 chưa có quy định.

Theo NHNN, lý do dự thảo lần này bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các bên khi chủ đầu tư gửi chậm, tránh trường hợp ngân hàng biết chủ đầu tư đã bán được nhà nhưng không nhận được đề nghị phát hành cam kết bảo lãnh, người mua nhà không nhận được cam kết bảo lãnh nhưng vẫn nộp tiền mua nhà…

Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm phát hành cam kết bảo lãnh của ngân hàng trong cả trường hợp chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê mua nhà ở không đúng thời hạn quy định (gửi chậm) miễn là ngân hàng thương mại nhận được trước khi hợp đồng mua bán nhà đến hạn bàn giao.

Dự thảo cũng quy định, số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư bao gồm tổng số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước của các bên mua sau thời điểm ngân hàng thương mại phát hành cam kết bảo lãnh cho các bên mua theo tiến độ đã thỏa thuận trước khi nhà ở được bàn giao và các khoản tiền phát sinh khác mà chủ đầu tư phải hoàn trả cho bên mua khi không bàn giao được nhà theo cam kết….

Theo NHNN, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư 07 và Thông tư 13 giúp hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về bảo lãnh ngân hàng nhằm phản ánh đầy đủ thực tế hoạt động bảo lãnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Theo Baomoi.com

Bamboo Airways bay thẳng thường lệ đến Mỹ: Cục Hàng không nói gì?

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch bay thẳng thường lệ đến Mỹ của hãng hàng không Bamboo Airways.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường, Bamboo Airways đã được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với phạm vi khai thác quốc tế, nội địa và chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) đối với chủng loại tàu bay B787-9 với vùng khai thác Bắc Mỹ.

Cục Hàng không đề nghị Bamboo Airways là hãng hàng không được chỉ định khai thác các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam – Mỹ.

Theo quy định, Bamboo Airways có đủ điều kiện thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ, không thường lệ vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ.

Hiệp định Vận tải hàng không giữa 2 nước Việt Nam – Mỹ ký ngày 4/12/2003 quy định, mỗi quốc gia ký kết có quyền chỉ định bao nhiêu hãng hàng không là do ý mình để thực hiện vận tải hàng không quốc tế phù hợp với hiệp định này. Các chỉ định như vậy sẽ được thông báo cho bên kia bằng văn bản thông qua đường ngoại giao và phải xác định rõ hãng hàng không được phép thực hiện loại hình vận tải hàng không nào.

“Bamboo Airways đủ điều kiện để được chỉ định là hãng hàng không được chỉ định của Việt Nam khai thác các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ”, văn bản của Cục Hàng không nêu.

Vẫn theo đại diện Cục Hàng không, đội tàu bay B787-9 của Bamboo Airways đã được cơ quan này phê chuẩn năng định khai thác EDTO đến 120 phút vào ngày 10/12/2020 và đã thực hiện chuyến bay kiểm chứng EDTO đến 180 phút trên chặng bay Hà Nội – Amsterdam ngày 26/9/2021.

Về thủ tục pháp lý, ngày 1/6/2021, Bamboo Airways đã nộp hồ sơ xin phép bay thường lệ tại Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT). Từ 23 – 24/9/2021, trên cơ sở là hãng hàng không được chỉ định của Việt Nam khai thác các chuyến bay không thường lệ giữa hai nước, Bamboo Airways đã thực hiện chuyến bay khứ hồi Hà Nội – San Francisco – Hà Nội theo phép bay đã được nhà chức trách hàng không hai nước cấp.

Theo hướng dẫn của DOT, để tiến hành thủ tục xin phép bay thường lệ tại Mỹ, Bamboo Airways phải được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ định là hãng hàng không được chỉ định của Việt Nam khai thác các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.

“Bamboo Airways đã có các bước chuẩn bị theo đúng trình tự pháp lý của Mỹ. Việc tiếp tục chỉ định Bamboo Airways khai thác các chuyến bay thường lệ đi/đến Mỹ sau bước chỉ định khai thác không thường lệ (thuê chuyến-charter) là phù hợp với các quy định của Hiệp định Vận tải hàng không Việt Nam – Mỹ, làm cơ sở để hãng hàng không triển khai các bước chuẩn bị bay thường lệ đến Mỹ trong thời gian tới theo định hướng của Chính phủ”, Cục Hàng không cho hay.

Được biết với chỉ định này, Bamboo Airways có thể tổ chức các chuyến bay chở khách, hàng hóa từ Việt Nam đi Mỹ, chở hàng từ Mỹ về Việt Nam và có thể hành khách là chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, công dân Việt Nam về nước khi được Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan phê duyệt.

Trước đó, Vietnam Airlines đã được chỉ định để khai thác các đường bay thường lệ giữa hai nước và vẫn đang trong quá trình chuẩn bị kế hoạch bay.

Theo Baomoi.com

Hà Nội quyết cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì ở chung cư ‘dát vàng’

UBND TP Hà Nội quyết định ủy quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP trong việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung chung cư Hòa Bình Green City để bàn giao cho Ban quản trị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành quyết định về việc ủy quyền trên cho UBND quận Hai Bà Trưng.

Thời gian ủy quyền là 6 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND quận Hai Bà Trưng là ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị (BQT) nhà chung cư, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

UBND TP Hà Nội quyết định ủy quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng trong việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung chung cư Hòa Bình Green City để bàn giao cho Ban quản trị

Đồng thời tổ chức việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung chung cư Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy) theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.

Ngoài ra, UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì này, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.

UBND TP cũng giao Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của UBND quận Hai Bà Trưng; tổng hợp, báo cáo UBND TP tình hình triển khai, kết quả thực hiện nội dung được ủy quyền.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 27/3/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1270 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty TNHH Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) – chủ đầu tư dự án chung cư Hòa Bình Green City do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT. Theo đó, Công ty Hòa Bình bị phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng.

Tuy nhiên sau hơn 1 năm, Công ty Hòa Bình không thực hiện việc nộp phạt. Vào tháng 7 vừa qua, UBND quận Hai Bà Trưng đã có văn bản yêu cầu Công ty khẩn trương thực hiện quyết định của UBND TP Hà Nội ban hành từ tháng 3/2020 về việc nộp phạt 125 triệu đồng, bàn giao quỹ bảo trì.

Chung cư Hòa Bình Green City do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư bắt đầu bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2014. Dự án được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7ha.

Hòa Bình Green City được quảng cáo là chung cư cao cấp “dát vàng” với chất lượng 6 sao, chất lượng xây dựng cao, dịch vụ hoàn hảo, cư dân đã bỏ tiền tỷ ra để được sử hữu căn nhà “trong mơ” tại dự án. Tuy nhiên, từ khi bàn giao cư dân tại chung cư “dát vàng” này đã nhiều lần xuống đường căng băng rôn đòi quyền lợi yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng cho cư dân, công khai quỹ bảo trì…

Đại diện BQT tòa B chung cư Hòa Bình Green City cho biết, đã 7 năm nay nhiều hộ vẫn chưa được cấp sổ hồng khiến các chủ sở hữu không thể mua bán, nhiều người đã mất không thể làm thủ tục kế thừa…

Cũng theo vị này, vấn đề về quỹ bảo trì, BQT tòa B đã gửi đơn tới các cấp chính quyền trong suốt gần 3 năm qua nhưng cũng chưa nhận được bàn giao quỹ bảo trì, nhà sinh hoạt cộng đồng, hồ sơ dự án.

Về việc bàn giao kinh phí bảo trì tại chung cư này, theo báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng, mặc dù BQT đã nhiều lần yêu cầu, UBND quận và UBND phường Vĩnh Tuy đã nhiều lần họp hướng dẫn, đôn đốc nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao (theo chủ đầu tư báo cáo khoảng 40 tỷ đồng) cho BQT quản lý.

Về việc cấp sổ hồng cho các căn hộ, UBND quận Hai Bà Trưng thông tin, UBND quận và UBND phường Vĩnh Tuy cũng đã nhiều lần họp hướng dẫn nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện.

Tháng 6/2020, UBND quận đã có văn bản báo cáo thành phố, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT). Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư đến nay trong tổng số 1528 căn hộ của 2 tòa, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã thẩm định hồ sơ pháp lý cho tòa A là 556 căn hộ và đã cấp được sổ hồng cho 352 căn hộ còn lại 972 căn hộ chưa được cấp.

Vướng mắc do chủ đầu tư chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo quy định, tòa B chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. UBND quận đề nghị Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tiếp nhận, thẩm định hồ sơ pháp lý và xem xét giải quyết việc cấp sổ hồng cho cư dân.

Theo Baomoi.com

Chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi lao động

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 3 là 3,72%, mức cao nhất kể từ quý 1-2020. Trong bối cảnh đó, một nghịch lý bất thường đang diễn ra: khi hoạt động sản xuất – kinh doanh ở TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ đang dần mở lại thì làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh thành phố lớn lại dâng cao.

Hệ lụy tất yếu là thiếu hụt lao động, khiến doanh nghiệp khó phục hồi năng lực sản xuất, trong khi, việc thu hút lao động trở lại làm việc là một thách thức không nhỏ khi chỉ còn vài tháng nữa là đến tết dương lịch, tết nguyên đán. Doanh nghiệp sẽ khó tuyển dụng mới bù đắp được số lao động đã và đang về quê. Hơn nữa, lực lượng lao động cũ chủ yếu là người đã thạo việc, trong khi người mới, nếu có tuyển được, thường qua đào tạo 6 tháng đến 1 năm.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi lao động cũng nguy hiểm không kém nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất. Để ứng phó với tình trạng này, nhiều địa phương cũng đã phối hợp với doanh nghiệp có các chính sách thu hút, đãi ngộ như đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, tăng lương, thưởng và các chính sách hỗ trợ khác…

Trong khi cần thêm thời gian để thấy được kết quả của những giải pháp tình thế nêu trên, chúng ta có thể phải chấp nhận một mức tăng trưởng khiêm tốn và kiên trì xây dựng, củng cố thị trường lao động gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tạo đà phát triển bền vững.

Cần lưu ý, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Lao động qua đào tạo không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, với xu hướng hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là rất quan trọng.

Muốn phát triển thị trường lao động Việt Nam theo hướng hiện đại để nắm bắt các cơ hội mới từ các FTA này, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế và chính sách thị trường lao động dựa trên các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch; quan tâm tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao khả năng thương lượng về việc làm của người lao động và tổ chức đại diện của họ với người sử dụng lao động, kết nối cung – cầu để tối ưu hóa sử dụng nguồn lực lao động…

Đặc biệt, vai trò kiến tạo của Nhà nước là hết sức quan trọng để thị trường lao động mới được định hình và phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Nhà nước, thông qua các chính sách, sẽ kiến tạo kết nối cung – cầu trên thị trường lao động, khuyến khích tạo việc làm trong khu vực công và tư; kích thích người lao động tìm kiếm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực, sở trường; chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc giúp tạo ra sự hấp dẫn trên thị trường lao động, thúc đẩy tăng năng suất…

Một yêu cầu nữa, các cơ quan chức năng phải mạnh tay ngăn chặn các hành vi lợi dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh phi đạo đức, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh nghĩa vụ trong quan hệ lao động (như né đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động…), bảo đảm đền bù cho người lao động trong trường hợp tai nạn lao động phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm các chính sách lao động và an sinh xã hội để thị trường lao động vận hành linh hoạt.

Theo Baomoi.com

Hyundai nộp bằng sáng chế cho màn hình trên vô lăng

Hyundai vừa đăng ký bằng sáng chế cho loại màn hình được gắn trên vô lăng ô tô, cho phép loại bỏ cụm đồng hồ thông thường.

Mới đây, hãng xe Hàn Quốc đã nộp bằng sáng chế tại Đức cho việc gắn màn hình trên vô lăng trước mặt người lái, đồng thời loại bỏ cụm đồng hồ thông thường.

Hyundai nộp bằng sáng chế cho việc gắn màn hình trên vô lăng trước mặt người lái

Nhà sản xuất đã cung cấp các bản vẽ cho thấy vô lăng có gắn màn hình dạng ngang theo hai chấu ở vị trí 9h và 3h.

Thiết kế này nhằm giải quyết vấn đề về tầm nhìn của tài xế hướng vào cụm đồng hồ thông thường bị vướng bởi chính vô lăng.

Với việc tích hợp các thông tin phù hợp nhất trên vô lăng, mắt của người lái sẽ không bị cản trở khi cần nhìn tốc độ xe, vòng tua động cơ hay quãng đường di chuyển.

Tuy nhiên, màn hình hiển thị cụm đồng hồ sẽ di chuyển cùng với vô lăng, đặc biệt sẽ gây khó chịu khi ô tô phải rẽ ở các khúc cua hay quay đầu.

Hyundai nộp bằng sáng chế cho màn hình trên vô lăng 2

Thiết kế này cho phép loại bỏ cụm đồng hồ thông thường phía sau vô lăng

Đồng thời, người lái sẽ phải đánh mắt xa hơn bình thường, gây tốn nhiều thời gian và nguy cơ gây nguy hiểm cao hơn.

Bằng sáng chế của Hyundai cũng mô tả cấu tạo của cụm túi khí sẽ gập ra sau vô lăng mà không bị cản trở hay làm hỏng màn hình kỹ thuật số.

Hyundai trước đây cũng từng thử nghiệm và nộp bằng sáng chế cho phép thay nút điều khiển vật lý trên vô lăng bằng các màn hình cảm ứng có thể thay đổi chức năng tùy thuộc vào người dùng.

Thương hiệu xe sang Genesis của Hyundai cũng từng tiết lộ mẫu xe ý tưởng Mint với màn hình rộng tích hợp vào vô lăng, nhiều người mong đợi bằng sáng chế trên sẽ xuất hiện trên một mẫu xe Hàn Quốc trong tương lai.

Theo Baomoi.com

Quỹ Vaccine sinh lời gần 50 tỷ đồng sau 4 tháng

Tính đến 17h00 ngày 5/10, Quỹ vaccine huy động được 8.780 tỷ đồng, đã xuất 6.929,2 tỷ đồng mua vaccine, có 13 đơn vị chưa hoàn thành cam kết tài trợ.

Vẫn còn 13 đơn vị chưa chuyển hết số tiền cam kết về Quỹ

Bộ Tài chính vừa cập nhật tình hình tiếp nhận, sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19.

Theo bộ này, thực hiện nguyên tắc bảo toàn và phát triển Quỹ vaccine phòng Covid-19 quy định, trong tháng 9/2021, Ban Quản lý Quỹ tiếp tục tổ chức thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại đối với nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ.

Việc gửi tiền theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy trình gửi tiền quy định tại Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng Covid-19.

“Tính đến 17h00 ngày 05/10, tổng số huy động 8.780 tỷ đồng, đã bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 47,7 tỷ đồng. Đến nay vẫn còn 13 đơn vị, tổ chức cam kết chi ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 nhưng chưa chuyển tiền, chuyển một phần hoặc chưa chuyển hết đúng theo cam kết”.

Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19.

Toàn bộ các khoản lãi tiền gửi có kỳ hạn của Quỹ đều là nguồn thu của Quỹ, được tổng hợp trong các báo cáo tài chính Quỹ và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đến ngày 27/9/2021, số dư tiền gửi có kỳ hạn của Quỹ tại 4 ngân hàng thương mại bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank là 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng, đến hạn ngày 30/9/2021. Lãi tiền gửi ngân hàng của Quỹ hiện lên đến 47,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, nhiều đơn vị đã chuyển một phần tiền ủng hộ Quỹ vaccine cách đây 4 tháng nhưng đến nay vẫn chưa chuyển hết theo cam kết.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh cam kết 100 tỷ đồng, đã chuyển khoản 70 tỷ đồng ngày 28/7; Công ty Khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C) cam kết 1 tỷ đồng, đã chuyển khoản một phần qua Vietcombank chiều ngày 30/6; Tập đoàn Foxconn Việt Nam cam kết tài trợ 10 tỷ đồng, đã chuyển 9,1 tỷ qua Vietcombank; 0,2 tỷ qua HDBank ngày 8/6; Công ty cổ phần An Phát Holdings cam kết 20 tỷ đã chuyển khoản 19 tỷ đến tài khoản BIDV ngày 17/6…

Thông tin về việc công khai nguồn thu của Quỹ, Bộ Tài chính cho biết, hàng ngày, Ban Quản lý Quỹ đã cập nhật số dư Quỹ để kịp thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Cổng thông tin Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức ủng hộ lớn trên Cổng thông tin Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu xác nhận về khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ, Ban Quản lý Quỹ đã xác nhận theo quy định tại khoản 3, Điều 15 Thông tư số 41/2021/TT-BTC.

Một tháng trở lại đây, Chính phủ đã mạnh tay “móc hầu bao” chi hơn 6.556,2 tỷ đồng mua vaccine phòng Covid.

Theo đó, tính đến 17h00 ngày 6/9, Quỹ chi mua vaccine 373 tỷ đồng nhưng đến thời điểm 17h00 ngày 5/10, Quỹ đã chi 6.938 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện xuất 6.929,2 tỷ đồng mua vaccine và 8,8 tỷ đồng chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine. Số dư Quỹ cuối ngày 17/9 là 1.842 tỷ đồng. Tổng số tổ chức, cá nhân đóng góp là 554.378.

Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1644/QĐ-TTg ngày 30/9/2021 về kinh phí mua, vận chuyển và tiếp nhận 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất có giá trị trên 742,62 tỷ đồng…

Ban Quản lý Quỹ thực hiện xuất quỹ để chi theo nội dung chi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trên cơ sở đề nghị chi của Bộ Y tế theo quy định tại Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ và Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ.

Theo Baomoi.com

Tích hợp bằng lái xe, bảo hiểm, ‘thẻ xanh’ tiêm chủng vào thẻ CCCD gắn chíp

Bộ Công an đang phối hợp với các bộ ngành tích hợp giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lên thẻ căn cước công dân gắn chip…

Công dân chỉ cần 1 loại giấy tờ duy nhất là thẻ CCCD gắn chip điện tử có thể thay thế rất nhiều loại giấy tờ khác…

Ngày 5-10, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết sẽ triển khai các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, phục vụ người dân thực hiện các thủ tục, giao dịch được thuận tiện, đồng thời mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thẻ CCCD gắn chip điện tử do Bộ Công an phát hành là một trong những thẻ CCCD tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới với nhiều tính năng, tác dụng và thẩm mỹ đẹp. Mã QR code ở mặt trước của thẻ CCCD với 7 trường thông tin cơ bản của công dân được khai thác nhanh chóng, tiện ích, rất phù hợp với yêu cầu đọc thông tin nhanh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bộ Công an

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an nhấn mạnh: “Công dân chỉ cần 1 loại giấy tờ duy nhất là thẻ CCCD gắn chip điện tử có thể thay thế rất nhiều loại giấy tờ khác. Đặc biệt với tình hình phòng chống dịch cấp bách như hiện nay, nếu được cập nhật đầy đủ thông tin, công dân có thể sử dụng duy nhất thẻ CCCD gắn chip đã được tích hợp nhiều tiện ích khác nhau”.

Hiện, Bộ Công an đang phối hợp tích cực với Bộ Giao thông Vận tải tích hợp thông tin bằng lái xe; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tích hợp thông tin bảo hiểm xã hội và rất nhiều các tiện ích khác.

Cụ thể, thông tin “thẻ xanh”, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về hưởng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và nhiều tiện ích khác.
Ngoài ra, còn có thông tin người phụ thuộc đi cùng với người có CCCD gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự,…).

Dữ liệu công dân được đối sánh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua quy trình xác minh đảm bảo chính xác. Với công dân được tiêm 2 mũi vaccine sẽ được tích hợp “thẻ xanh”, tiêm 1 mũi được tích hợp “thẻ vàng” trên thẻ CCCD gắn chip.

Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp và công dân có thể dễ dàng đăng ký điểm kiểm soát “checkpoint” cho nhà mình hoặc dán trên các trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị, nơi công cộng và bất cứ nơi nào để có thể theo dõi, quản lý về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 của cán bộ, nhân viên và khách ra vào.

Được biết, dữ liệu trên hệ thống có thể được cập nhật, bổ sung từ rất nhiều nguồn vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như: Dữ liệu từ các tổ chức, doanh nghiệp, dữ liệu y tế, thông tin tiêm chủng, F0, F0 khỏi bệnh, kê khai y tế…

Thẻ CCCD gắn chip điện tử do Bộ Công an phát hành là một trong những thẻ CCCD tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới với nhiều tính năng, tác dụng và thẩm mỹ đẹp. Mã QR code ở mặt trước của thẻ CCCD với 7 trường thông tin cơ bản của công dân được khai thác nhanh chóng, tiện ích, rất phù hợp với yêu cầu đọc thông tin nhanh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tại mặt sau của thẻ CCCD có chứa mã MRZ (Machine – readable zone) – Mã hàng không dân dụng quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO. Chip điện tử được tích hợp các trường thông tin cơ bản của công dân, có chứa thông tin sinh trắc học ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn ICAO. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.

Trong thời gian tới, Bộ Công an cũng nghiên cứu việc tích hợp thông tin trong hộ chiếu, giấy tờ đi lại quốc tế (nếu ký thỏa thuận hợp tác quốc tế) vì thẻ CCCD gắn chip có mã MRZ (Machine – readable zone) – mã hàng không dân dụng quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO…

Cũng theo Bộ Công an, công dân chỉ cần đăng ký thông tin tài khoản qua ứng dụng khai báo y tế VNEID (do Bộ Công an xây dựng và phát triển) hoặc qua website http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn là sẽ được xác thực trong Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tính đến hết tháng 9/2021, Bộ Công an đã cấp trả khoảng 45 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân. Ứng dụng này cùng với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được sử dụng sẽ góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Baomoi.com